GN - Thông thường, chúng ta sợ đau khổ, nhưng ai cũng khổ bởi vì sanh, lão, bệnh, tử, vì những bất như ý của cuộc sống như: cầu không được, xa người mình thương, gần người mình không thích...
Tất nhiên, những bất như ý đó không giống nhau ở tất cả mọi người, nên có người khổ ít, người khổ nhiều. Sự khác nhau về “liều lượng” nỗi khổ chính là do nhân-duyên tác tạo của mỗi người khác nhau, gây tạo không chỉ lúc này, đời này mà nhiều đời trước.
Quốc vương và hoàng hậu của đất nước Bhutan
- nơi khởi xướng khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH)
Giáo lý nhân quả là một giáo lý căn bản của nhà Phật, thể hiện trong chiều sâu liên tục của ba thời gồm quá khứ-hiện tại-vị lai. Nhân-duyên ấy có sự tương tức biểu hiện, nên có những người đời này tốt nhưng vẫn chịu nhiều thiệt thòi và ngược lại. Nhìn được điều này thì mình sẽ nhẹ lòng và trở lại an trú ngay hiện tại, biết chấp nhận những quả xấu đã, đang, sẽ biểu hiện cũng như biết gieo tạo nhân lành ngay lúc này, nguyện gieo nhân lành đời đời kiếp kiếp về sau (cho tới khi đạt được giác ngộ, giải thoát như các bậc Thánh, như chư Phật, chư vị Bồ-tát).
Điều đó có nghĩa là chúng ta biết đoạn ác, làm lành trên cả ba phương diện gồm ý-khẩu-thân (3 nghiệp). Cứ thế, nắm công thức này thì chắc chắn chúng ta sẽ sử dụng được chất liệu khổ đau một cách khéo léo để kiến tạo hạnh phúc, an lạc cho tự thân và những người xung quanh.
Kiến tạo hạnh phúc - đó chính là giá trị của đạo Phật đối với con người, như tuyên bố của Đức Phật: Ta sinh ra vì lợi lạc cho chư Thiên, loài người, muôn loại chúng sinh...
Mỗi người sinh ra nơi cõi Ta-bà này thì ai cũng có nỗi khổ niềm đau (ít hoặc nhiều). Chúng ta sinh ra vì nghiệp lực, tức là bị luân hồi trong sanh tử, do những nhân-duyên sanh tử mà mình đã tác tạo.
Ánh sáng Phật pháp soi chiếu vào cho tất cả những ai học Phật một cách thật tâm chắc chắn thấy một con đường khác so với cái thấy của những người không biết Phật pháp, không tin nhân quả.
Do tin nhân quả nên khi mọi thứ đến với ta, dù tốt hoặc xấu chúng ta (là người con Phật) đều quán chiếu nhân duyên, để xem những biểu hiện này đến từ phương trời nào (hay là do nhân duyên gì). Khi đó, niềm vui (nếu có tới) sẽ dạy ta biết để tiếp tục phát huy nhân duyên lành đã tạo; cái dở (cứ tới, đang tới) thì dạy ta biết tránh nhân duyên không lành đã tạo hoặc đang/muốn tạo...
Cám ơn những khó khăn, thử thách... chính là phương pháp để chúng ta an định tâm hồn. Vì sao phải cám ơn? Vì đó là biểu hiện giúp ta trả bớt món nợ xưa (nếu đã từng vay), còn không thì giúp ta rèn luyện nội tâm thêm vững chãi hơn. Khi không có khó khăn, con người ta (thường) sẽ giải đãi, lười biếng, ỷ lại. Khó khăn kích thích chúng ta rất nhiều, giúp mình sáng tạo, ngộ ra chân lý cuộc đời vốn vô thường, để mình trân quý hiện tại. Ông bà mình nói “cái khó ló cái khôn” là vì vậy.
Nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa lạc, đã viết rằng: sự sống nẩy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong gian khổ, hy sinh. Và ông còn khẳng định: ở trên đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là bước qua ranh giới ấy.
Cái nhìn của nhà văn thiết tưởng rất gần với tư tưởng nhà Phật, vì ông đã nói lên được giá trị của khổ đau, của khó khăn, trở ngại - sẽ nâng khả năng của con người lên một cách cao nhất.
Niềm tin sẽ biến điều không thể thành có thể. Niềm tin vào sự thay đổi tích cực (nếu chúng ta nghĩ tích cực, nói tích cực, làm tích cực) chính là một niềm tin sáng đẹp, giúp ta luôn đi về phía sáng của cuộc đời.
Khi sống ở hiện tại, thực tập dừng lại để quán chiếu (nhìn sâu) vào những biểu hiện nơi thân mình, hoàn cảnh mình đang sống; quan sát phản ứng của nội tâm mình trước những điều đó giúp cho chúng ta làm chủ được bản thân. Khi đó, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để biết khước từ cám dỗ, đứng vững trên nỗi đau, thất bại (là điều tất yếu) để đi tới.
Thiền sư nói, hạnh phúc chính là con đường. Chúng sanh nói, hạnh phúc là đích đến viên mãn nào đó mà chúng ta đặt ra. Do xác định trái chiều như vậy mà thiền sư thì an nhiên, tự tại, sống vui mỗi ngày, cái chết đến cũng nhẹ hều; còn chúng sanh thì loay hoay tìm tìm kiếm kiếm, có khi chưa được gì đã thân hoại mạng chung, rồi bám chấp vào đó mà lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử.
Đức Dalai Lama trả lời phỏng vấn của phóng viên một tờ báo đã khẳng định, điều ngài bất ngờ ở con người nhất chính là cứ bán sức khỏe để kiếm thật nhiều tiền rồi sau đó lại dùng thật nhiều tiền để mong kiếm lại chút sức khỏe. Thực sự, chúng ta có quá nhiều nhu cầu nên chúng ta khổ, có những nhu cầu không thật cần thiết, là chạy đua theo người này, người nọ rồi cứ thế trang sức thật nhiều thứ mà mình tự đặt tên là “hiện đại” hay “sành điệu” - nhầm tưởng đó là giá trị, là hạnh phúc (ví dụ như chạy đua công nghệ, điện thoại đắt tiền hiện nay).
Kỳ thực, hạnh phúc là ở bên trong mình có an không. Khi chúng ta không có sự mạnh mẽ về mặt nội tâm, không thấy nhân-duyên-quả, không tường con đường sáng để đi thì càng có nhiều trang sức chúng ta càng sợ hãi, đau khổ, càng mất cơ hội để kiến tạo an vui.
Lo cho bản thân quá nhiều, ích kỷ với người khác, loài khác để chăm bẵm cho mình là một sự vay mượn dại dột, người con Phật nên nghĩ thế và luôn nhắc mình như thế. Thực tập “ít muốn, biết đủ” - như ông bà mình dạy, khéo co thì ấm, sao cũng có thể sống được, chấp nhận thì sống vui.
Thực ra, là con người thì ai cũng có tham-sân-si, là ba món độc làm mình khổ. Ai cũng sẽ bị chi phối ít nhiều bởi năm món dục (ham muốn có được nó) - gồm danh vọng, sắc đẹp, tiền bạc - vật chất, ăn, ngủ. Tuy nhiên, mình là người học Phật thì mình giảm bớt, giảm theo con đường Trung đạo (vừa phải, không ép xác cũng không quá chìu chuộng bản thân, đáp ứng mọi ham muốn ngày càng thái quá của bản thân), tránh để những món đó làm chủ mình, điều khiển, sai khiến mình.
Một kiểu tư duy vui vui, rằng, bạn muốn hạnh phúc không? TÔI MUỐN HẠNH PHÚC. Ồ, đơn giản, để có hạnh phúc, chỉ giữ lại HẠNH PHÚC thôi, thì mỗi người cần bỏ cái TÔI và giảm MUỐN (tham dục). Thực ra, làm được vậy, chúng ta sẽ được an toàn, chúng ta sẽ bảo hộ được chính mình có an vui, hạnh phúc mỗi ngày...
Từ tháng 6-2012, Liên Hiệp Quốc lấy ngày 20-3 làm ngày Quốc tế Hạnh phúc. Năm 2014, lần đầu tiên ngày Quốc tế Hạnh phúc được tổ chức ở Việt Nam. Dưới đây là một vài bài viết cùng chủ đề: >> Nghĩ về hạnh phúc >> 10 điều giúp bạn sống hạnh phúc >> Thêm những lời khuyên cho hạnh phúc |