Nhận định về Phương pháp phát triển của Gia đình Phật tử

Nhận định về Phương pháp phát triển của Gia đình Phật tử
Năm 1940, Đoàn thanh niên Phật học Đức Dục ra đời dưới sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Năm 1944, Gia đình Phật Hóa Phổ được tổ chức, vẫn được cư sĩ Tâm Minh hướng dẫn cùng với các cư sĩ Phạm Quang Thiện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Tuân…

 Đây là thời gian ấp ủ xây dựng tổ chức Gia đình Phật tử, cho đến năm 1951, nhân Đại hội Gia đình Phật tử Hóa Phổ tại chùa Từ Đàm Huế, gồm các đại biểu của 9 tỉnh miền Trung, Gia đình Phật tử Việt Nam được chọn là danh xưng thay thế cho Gia đình Phật Hóa Phổ. Những năm tiếp theo là những năm củng cố tổ chức, phát triển của Gia đình Phật tử trên toàn cõi Việt Nam, đóng góp hiệu quả cho công cuộc đào tạo thanh thiếu niên Phật tử thành những con người có lòng tin và thực hành theo giáo lý Phật giáo, và là những công dân tốt góp phần xây dựng đất nước. Đến năm 1973, tại miền Nam, đã có 812 đơn vị Gia đình Phật tử thuộc 48 tỉnh thành với 7.200 huynh trưởng và 72.600 đoàn sinh. Đoàn thể của những người trẻ này đã đóng góp tích cực cho Phật giáo Việt Nam cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, chịu nhiều hy sinh trong những đóng góp đấu tranh chống độc tài, kỳ thị tôn giáo, chống thực dân, đế quốc. Tuy vậy, về mặt tổ chức, nhân sự có khi thiếu chặt chẽ, bị các thế lực tiêu cực, gây chia rẽ, làm suy yếu cho những hoạt động tích cực. Từ sau 1963, nhất là những năm 1973 đến những năm cuối của thế kỷ XX, Gia đình Phật tử ngày thêm suy yếu… do vì nội bộ bất đồng quan điểm, do những hiểu lầm, những luận điệu xuyên tạc.

Mãi đến năm 1998, sau những vận động của chư tôn đức Giáo phẩm, cũng như những cư sĩ, những huynh trưởng của Gia đình Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức công nhận Gia đình Phật tử, đưa vào Hiến chương của Giáo hội, thành lập Phân ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử trong Ban Hướng dẫn cư sĩ Phật tử do Giáo hội lãnh đạo. Từ đó, chư Tăng cùng các huynh trưởng Gia đình Phật tử tập hợp các em đoàn sinh cũ, phát triển thêm số lượng đoàn viên, củng cố, bổ sung nội quy Gia đình Phật tử, tăng cường hiệu năng tổ chức, lãnh đạo và nỗ lực tạo nguồn không khí mới, sinh hoạt mới, tham gia các Phật sự của Giáo hội, công tác xã hội… song song với việc thực hiện chương trình giáo dục, huấn luyện các huynh trưởng và đoàn sinh, đẩy mạnh việc phát triển chất lượng số lượng các đơn vị, huynh trưởng và đoàn sinh.

Hiện nay, Gia đình Phật tử đã quy tụ được 70.000 đoàn sinh, trong đó đã có 10.000 huynh trưởng, phân bố thành 1.000 đơn vị và 24 tỉnh thành có thành lập Phân ban Gia đình Phật tử.

Chúng ta nhận thấy trong nhiệm kỳ V đã qua và trong những năm gần đây của nhiệm kỳ này, hoạt động của phân ngành GĐPT đã trở nên sinh động, tích cực và đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác củng cố và phát triển tổ chức nhân sự, tu chỉnh chương trình huấn luyện, gia tăng và chất lượng hóa tại các trại huấn luyện huynh trưởng, các sinh hoạt đoàn viên, các công tác xã hội v.v... Các hội trại có khi quy tụ đến 5,10 ngàn đoàn sinh và huynh trưởng trong 21 tỉnh thành, ví dụ Trại huấn luyện huynh trưởng Vạn Hạnh II tại Huế, bế mạc năm 2005, Trại Lục Hòa tại Đà Nẵng năm 2007, Hội trại ngành Nữ tại Vũng Tàu năm 2008… Các hội nghị cũng được tổ chức tốt, như Hội nghị các huynh trưởng tại Quảng Nam năm 2006, Hội nghị Tu chỉnh chương trình Tu học và Huấn luyện tại TP. Hồ Chí Minh năm 2006… Các huynh trưởng và đoàn sinh tích cực tham gia các công tác xã hội như hiến máu nhân đạo, tư vấn HIV, vệ sinh đường phố, cấp học bổng cho sinh viên nghèo, xây dựng nhà tình thương, tiếp sức tư vấn cho các mùa thi trung học và đại học…

Để phát triển vững mạnh đoàn thể Gia đình Phật tử trong những năm sắp tới, phù hợp với hoàn cảnh mới của thời hội nhập, chúng tôi nghĩ cần lưu tâm thực hiện một số điểm chủ yếu sau đây:

1- Tạo mối đoàn kết chặt chẽ giữa các huynh trưởng. Vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng, một số ít huynh trưởng còn chao đảo vì những xuyên tạc ác ý.

2- Tiếp tục cải tiến và đẩy mạnh kế hoạch và chương trình huấn luyện huynh trưởng và đoàn sinh. Số huynh trưởng chưa đều và không ít huynh trưởng do hoàn cảnh cá nhân nên có phần giảm sút về mặt hoạt động. Đẩy mạnh các hình thức vui, khỏe, bổ ích song song với việc phát huy các phẩm chất đạo đức của các thiếu niên đoàn sinh.

3- Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của chư tôn giáo phẩm vì chính chư tôn là những người chủ yếu quyết định những thành tựu của các hoạt động Gia đình Phật tử.

4- Nêu cao ý thức bổn phận và trách nhiệm của người công dân, tinh thần tôn trọng pháp luật, xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ đó, qua những hoạt động chuyên ngành và xã hội, Gia đình Phật tử tạo được sự tín nhiệm của Nhà nước, của Giáo hội và của các tổ chức, đoàn thể…

5- Phát triển số lượng và chất lượng các huynh trưởng và đoàn sinh, phân bổ đến các vùng chưa có đơn vị Gia đình Phật tử; đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Được biết, trong số lượng 1.000 đơn vị Gia đình Phật tử, phía Bắc chỉ có hơn 10 đơn vị (trong đó Hưng Yên có 5 đơn vị và hoạt động khá tốt).

6- Tranh thủ sự lưu tâm giúp đỡ của các thành viên ngành Hướng dẫn Phật tử. Đây chính là những cư sĩ gần gũi và rất dễ cảm thông với các huynh trưởng và đoàn sinh, vì các vị chính là những Phật tử cùng lý tưởng, những phụ huynh của các thành viên Gia đình Phật tử.

7- Tranh thủ các nguồn, các phương tiện truyền thông đại chúng để phổ biến các tin tức các Phật sự và các hoạt động, thành quả của Gia đình Phật tử để gây tín nhiệm trong cộng đồng xã hội.

8- Một đặc điểm hết sức quan trọng mà cũng là niềm tự hào truyền thống của GĐPT chúng ta là từ ngày thành lập đến nay, gần tròn 70 năm - sinh hoạt GĐPT luôn đẩy mạnh, đánh thức tính năng động, giáo dục tinh thần đạo đức nơi giới trẻ. Đây là sứ mạng hết sức thiêng liêng của GĐPT trước dòng thác văn minh, khoa học của thời đại, của thế kỷ XXI.

Ngày nay, trước xu thế phát triển văn minh, khoa học, hội nhập toàn cầu hóa thế giới - đất nước hội nhập, Phật giáo hội nhập… Do vậy, thiết nghĩ các thế hệ huynh trưởng với tinh thần Bi - Trí - Dũng của người con Phật, nhất định chúng ta không cho phép mình do dự, trù trừ… mà phải quyết tâm tinh tấn vươn lên, vượt mọi thử thách khó khăn, vai kề vai đoàn kết, gánh vác mọi gian nan, hướng dẫn tinh thần đạo đức cho thế hệ trẻ thân yêu, tương lai của chúng ta. Làm được điều này, chẳng những chúng ta không phụ ân mà còn đền đáp xứng đáng công đức chư tôn đức chứng minh, công đức Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, người có công đầu khai lập và các thế hệ huynh trưởng tiền bối. Đồng thời, GĐPT chúng ta cũng chứng minh được rằng các thế hệ trẻ GĐPT ngày nay, với truyền thống tiếp thụ tư tưởng Phật học căn bản - Bi Trí Dũng… luôn luôn là tư tưởng chủ đạo trong mọi sinh hoạt GĐPT, thực hiện nếp sống hài hòa “tốt đời đẹp đạo”, góp phần xây dựng vào sự phát triển đất nước ngày thêm phồn vinh, thịnh vượng.

9- Cuối cùng và rất quan trọng, vận động để thành lập một ngân quỹ ổn định cho các hoạt động của Gia đình Phật tử. Chúng tôi được biết, mỗi lần tổ chức họp mặt, họp trại, hội thảo, hội nghị, lễ lạc…, Gia đình Phật tử rất lúng túng, khó khăn vì thiếu kinh phí. Ngoài sự vận động chư tôn giáo phẩm, các nhà hảo tâm giúp đỡ, một phương thức mà các hội đoàn vẫn phải thực hiện để gây quỹ là sự đóng góp của các thành viên theo hình thức nguyệt liễm, niên liễm. Hãy thử tính: mỗi đoàn sinh hay huynh trưởng đóng nguyệt liễm mỗi tháng là 20.000 đồng, 4/5 dành chi phí cho đơn vị, 1/5 đóng góp cho Phân ban Trung ương (hoặc cho Phân ban Tỉnh hội, hoặc cho cả 2); như vậy tiền quỹ tập trung (hoặc Trung ương hoặc Địa phương) là 4.000 đồng đối với mỗi thành viên. Với 70.000 thành viên, số tiền ấy sẽ là 280 triệu đồng trong một tháng. Suy ra 6 tháng hay 1 năm, số tiền ấy sẽ là 1 tỷ 680 triệu hoặc 2 tỷ 360 triệu. Dĩ nhiên, đây chỉ là một gợi ý về một phương thức gây quỹ nhưng thiết tưởng chúng ta nên lưu tâm thảo luận. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày