Với “mấy thầy trẻ” ở Báo Giác Ngộ

0:00 / 0:00
0:00
GN - “Mấy thầy trẻ” là từ mà tôi hay dùng để gọi mấy thầy “đồng nghiệp báo” ở tòa soạn, theo cách nào đó, “có duyên” với tôi khi đến với Giác Ngộ . 

Đó là các thầy Minh Niệm, Tâm Hải, Quảng Kiến, Chúc Phú, Quảng Tánh, Nhuận Thường, An Đạt..., mỗi vị đều có những cá tính và sở trường riêng.

Năm 1996, tôi được giao làm Thư ký tòa soạn. Là một Tăng trẻ tràn đầy nhiệt huyết, nhiệm vụ mới này cho tôi cơ hội cống hiến. Tôi thưa với hai vị Hòa thượng trong Ban Biên tập rằng muốn thay đổi nội dung và hình thức thì trước tiên phải có con người làm được việc, hai vị đồng ý và giao cho tôi đi tìm người.

Hòa thượng Thích Thiện Bảo xúc động nói về quá trình 30 năm gắn bó cùng Giác Ngộ nhân kỷ niệm 44 năm thành lập báo (1976 - 2020) - Ảnh: Bảo Toàn

Hòa thượng Thích Thiện Bảo xúc động nói về quá trình 30 năm gắn bó cùng Giác Ngộ nhân kỷ niệm 44 năm thành lập báo (1976 - 2020) - Ảnh: Bảo Toàn

Tôi hỏi thăm nhờ giới thiệu các Tăng Ni có khả năng viết hoặc vẽ và nhiệt tâm với nghề báo. Rồi tôi tìm được vị Tăng trẻ là thầy Minh Niệm làm thơ hay, lại có tài bình và dịch thơ Đường. Từ đó báo Giác Ngộ xuất hiện đều đặn những bài bình thơ trên trang Văn hóa, ký tên “Hư Trúc”, khiến nhiều độc giả gọi điện đến hỏi thăm “Hư Trúc” là ai? Tôi còn nhớ bản dịch Hoàng Hạc lâu của thầy: Hạc vàng ai cưỡi đi rồi/ Còn lầu Hoàng Hạc vẫn ngồi trơ vơ/ Bóng chim dấu cũ mịt mờ/ Ngàn năm mây trắng vẩn vơ bay hoài/ Hán - Dương cây lặng từng cây/ Xa xa Anh Vũ bãi đầy cỏ thơm/ Bóng chiều lẩn khuất quê hương/ Khói trên sóng tỏa sầu vương ai sầu.

Khi biết trên đây là bản dịch của một vị Tăng còn rất trẻ, có người viết bài tỏ lòng cảm phục và khen ngợi bản dịch của Hư Trúc là “tài hoa và bướng bỉnh, chính nhờ bướng bỉnh mới vượt qua được những chông chênh của nguyên tác”.

Nhưng thầy Minh Niệm cộng tác với Giác Ngộ không lâu, vì chí muốn tha hương cầu học... Sau này thầy nổi tiếng với các tác phẩm như Hiểu về trái tim, Làm như chơi...

Tìm được người tài đã khó, mời được người tài về làm việc lâu dài với Báo Giác Ngộ chắc chắn càng khó hơn.

Sau thầy Minh Niệm ít lâu, tôi được biết đến thầy Tâm Hải, một người bạn đồng tu của thầy Nguyên Hạnh (hiện đang hành đạo tại Hoa Kỳ) - cộng tác viên dịch trang Phật giáo nước ngoài. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đã ngỏ lời mời thầy cộng tác với Giác Ngộ, được thầy gửi cho một bài báo viết tay với tựa đề “Để chí nguyện cao đẹp được chắp cánh”: “Khi những tu sĩ trẻ trong chiếc áo dài màu nâu, màu lam đến trường đại học, nhiều người thắc mắc: đã đi tu thì còn đi học để làm gì nhỉ? Họ nghĩ học nghĩa là cạnh tranh ganh đua và bon chen hay vì miếng cơm manh áo trong cuộc đời. Dĩ nhiên cũng có người dành cho những tu sĩ trẻ ấy sự trân trọng và thái độ cảm thông đầy hiểu biết...” Thời điểm đó, tu sĩ đến với giảng đường đại học chính quy là một “hiện tượng”, điều gì đó còn rất mới mẻ và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là chư vị tôn túc. Nếu không phải chính tay tôi nhận được bài viết này từ thầy Tâm Hải, tôi khó tin tác giả của vấn đề gai góc này vừa mới rời ghế giảng đường đại học.

Đến khoảng năm 2001, tôi hay tin một tu sĩ trẻ khác đoạt giải trong cuộc thi thơ Bút Mới (lần 5) do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, đó là thầy Quảng Kiến (bút hiệu Đỗ Thiền Đăng), cũng vừa mới tốt nghiệp đại học. Trước đó, thầy cũng đã có nhiều truyện - thơ đăng trên các báo dành cho lứa tuổi học trò và giành được một số giải thưởng. Ngay lập tức tôi liên lạc và lặp lại hành trình thuyết phục cho đến khi thầy nhận lời cộng tác rồi sau đó phụ trách trang Văn hóa Nghệ thuật, làm nên một cú chuyển mình mới mẻ cho trang báo.

Nhu cầu nhân sự của tòa soạn vẫn còn rất lớn, đặc biệt là các trang mục Phật học, Tư vấn, Lời Phật dạy... Từ thầy Quảng Kiến, tôi được giới thiệu thầy Chúc Phú, lúc đó đang học cao học, chuyên ngành Triết học. Thầy Chúc Phú nhận lời phụ trách trang Tư vấn và Phật học, rồi trở thành “cánh tay đắc lực” và rất mực gắn bó, gần gũi với tôi trong công việc cũng như trong đời sống tu tập.

Tôi nhớ, có đợt chuẩn bị bài cho số báo xuân. Sau bài của Hòa thượng Tổng Biên tập mang tính nhìn lại năm cũ và trình bày hy vọng trong năm mới thì rất cần có một bài “đinh” đem lại không khí hân hoan tươi tắn của mùa xuân, đồng thời gởi gắm được ý tứ của người tu. Gần deadline rồi mà tin bài gởi về ngập tràn sắc xuân nhưng vẫn chưa đủ mùi vị và khẩu khí cho bài đinh, tôi sốt ruột lắm. Vậy rồi, xuất hiện bài “Ước nguyện đầu năm” của thầy Chúc Phú: “Bạn có biết rằng, những phát kiến vượt thời đại mà bao bậc vĩ nhân cống hiến cho đời, thường khởi đầu bằng những ước nguyện rất đỗi bình thường cũng như bạn và tôi. Thế nhưng, sao ở những bậc vĩ nhân thì nguyện ước trở thành hiện thực, còn với chúng ta thì chỉ là một tiếng đồng vọng giữa hư không?”.

Từ thầy Chúc Phú, tôi biết đến thầy Nhuận Thường - tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật (do hai vị cùng học Trường Trung cấp Phật học ở Đồng Nai). Tôi cũng phải ba lần bốn lượt mời thì thầy Nhuận Thường mới nhận lời. Lúc đó thầy vừa mới tốt nghiệp, lại chưa có kinh nghiệm làm báo nên việc trình bày gặp không ít khó khăn. Tôi quen biết chị Kim Phiến làm maquette bên báo Sài Gòn Giải Phóng và nhờ giúp, chị đã phát tâm hướng dẫn thầy Nhuận Thường một số kỹ năng.

Còn thầy Quảng Tánh, ban đầu cộng tác cùng thầy Chúc Phú thực hiện trang Tư vấn, sau tôi cũng mời thầy vào làm chính thức ở Giác Ngộ. Thầy Quảng Tánh tuy không lập tức bộc lộ tài hoa như một số huynh đệ, nhưng với từng bài viết ngắn trích lời Phật dạy cùng với lời bàn theo một lối hành văn dễ hiểu dễ đọc, thầy đã đưa bộ kinh Nikaya đến gần hơn với độc giả, một điều mà ngoài tâm huyết còn đòi hỏi sự chăm chú nghiền ngẫm kiến thức Phật học lẫn sự hiểu biết hoàn cảnh thế gian. Sau này, khi thầy Chúc Phú đảm trách nguyệt san, một tay thầy Quảng Tánh thực hiện trang Phật học, Tư vấn, Lời Phật dạy... rất chỉn chu, chuẩn mực, và có lẽ được độc giả biết đến nhiều nhất!

Thời gian sau, nhân hội trại Tuổi trẻ Phật giáo và chương trình Tiếp sức mùa thi do Báo Giác Ngộ tổ chức, tôi có duyên làm việc với thầy An Đạt - một vị Tăng trẻ năng nổ có mặt trong Ban Tổ chức ngay từ ngày đầu, tạo nên dấu ấn tươi trẻ cho các sinh viên tình nguyện đến gần với đạo Phật, góp phần đem lại thành công trong những chương trình hoạt động sau mặt báo dành cho tuổi trẻ...

Sau này, khoảng thời điểm 2007, khi tôi xin phép thử nghiệm Giác Ngộ online, các thầy trẻ cũng đã động viên và góp sức với tôi khá nhiều.

... Nhìn lại chặng đường đã qua cùng với các vị Tăng trẻ cống hiến công sức của mình cho Báo Giác Ngộ, góp sức trên con đường báo chí Phật giáo, tôi không khỏi hoan hỷ pha lẫn chút bùi ngùi. Những thành tựu mà quý thầy đã trưởng thành và đạt được trong xu thế phát triển của Phật giáo Việt Nam cho tôi một niềm tin về thế hệ kế thừa mà Hòa thượng Tổng Biên tập hằng mong muốn. Do bệnh duyên nên tôi không thể cùng quý thầy cùng đi tiếp, nhưng tôi mãi mãi nhớ những ngày tháng cùng nhau xây dựng và cải tiến từ nội dung đến hình thức, từ báo tuần cho đến nguyệt san, từ việc phát hành và thăm dò ý kiến của độc giả... để báo Giác Ngộ đến nay thực sự có một thị phần nhất định trong lòng bạn đọc trong và ngoài nước.

Điều đáng nói là giờ đây anh em không còn được gọi là “trẻ” nữa, như lời thầy Quảng Tánh vừa đùa vừa thật với tôi: “Con đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Giác Ngộ”. Đã đến lúc cần chú trọng đầu tư đào tạo lớp Tăng trẻ kế thừa để khi thế hệ này đi qua thì có ngay thế hệ kế cận vững vàng tiếp bước một cách tự tin và bản lĩnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày