Nhân “mùa vu lan” nghĩ về chữ hiếu

Rằm tháng bảy “xá tội vong nhân” đã qua, song “mùa Vu Lan” thì chưa kết thúc. Liệu có cái gì chung giữa tình thương và lòng từ bi hỉ xả trong triết lý Phật giáo và việc “báo hiếu” cha mẹ?

Theo Gs Tương Lai: Trong tâm thế của người Việt, dù theo bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào, thì “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” khiến cho những “giọt nước mắt trong tim chảy lai láng vào hồn”* vẫn là điểm hội tụ những xúc động sâu lắng nhất của con người.

Trong tâm thế của người Việt, dù theo bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào, thì nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra khiến cho những “giọt nước mắt trong tim chảy lai láng vào hồn”* vẫn là điểm hội tụ những xúc động sâu lắng nhất của con người.

Thực hành đạo hiếu

Nhân “mùa vu lan” nghĩ về chữ hiếu ảnh 1

Ảnh: my.opera.com

Người ta hiểu ra rằng, có một giá trị xuyên thời gian và không gian, từ khi con người xuất hiện trên trái đất cho đến khi trái đất còn con người. Đó là tình mẹ con, là ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi một con người trân trọng đúc kết và nâng niu thành chữ hiếu. Chữ hiếu ấy, triết lý phương Đông nâng lên thành đạo.“Đạo hiếu” chi phối ứng xử của con người trong gia đình và trong xã hội. Đó là một biểu hiện thật sâu đậm của đạo lý xã hội Việt Nam ta.

Từ “đạo” ở đây gợi lên một liên tưởng về cái “đạo vũ trụ” của Einstein khi ông nói đến “tính tín ngưỡng vũ trụ”. Theo Einstein “đằng sau những chuỗi mắt xích có thể nhận ra được, còn có cái gì tinh tế không thể hiểu thấu đáo, không thể giải thích được. Sự tôn kính trước sức mạnh này, ngoài những cái chúng ta có thể hiểu được, đó là tôn giáo của tôi”.**

Với ông, “những sự khởi đầu của tính tôn giáo vũ trụ đã có ở giai đoạn phát triển sớm….Nhân tố mạnh mẽ hơn nhiều của tính tôn giáo vũ trụ được chứa đựng trong Phật giáo”**. Đã có một bức tranh vẽ về Einstein với đề từ: “Một Lão tử của thế kỷ XX đi tìm cái “Đạo” của vũ trụ”**. Phải chăng ở đây có sự gặp gỡ tuyệt vời của văn hóa đông-tây?

Liệu có cái gì gần gũi giữa “đạo vũ trụ”“đạo hiếu”, mà nội dung của nó là sự thể hiện rất rõ nét của tính người, của phẩm tính làm người? Trong kinh “Báo đáp thâm ân cha mẹ”, Phật dạy về mười công ơn của mẹ mà người làm con phải ghi lòng tạc dạ. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” có đoạn: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhờ thương con. Nếu con trốn tránh, mẹ nhờ ích gì. Con nên nhớ mẹ như mẹ nhớ con, như vậy qua nhiều đời sẽ chẳng xa trái nhau”***.

Thực hành “đạo hiếu”, tư tưởng và tình cảm của con người sẽ có chỗ quy tụ để “chẳng xa trái nhau”! Vì rằng, trong sâu thẳm tâm hồn con người luôn lung linh một ánh sáng mang tính vĩnh hằng, đó là ánh mắt trìu mến của mẹ. Với nhiều người, kể cả những người tuổi đã cao, thì dù mẹ đã khuất núi, ánh sáng từ đôi mắt mẹ vẫn ấm áp chiếu rọi con đường đời của họ.

Trong cuộc sống mà đời mỗi con người nếm trải, có bao nhiêu giá trị được hồ hởi tiếp nhận rồi bị lạnh lùng vứt bỏ. Có những giá trị thời thượng cứ tưởng như ồn ào cuốn hút không dứt, nhưng rồi chúng nhanh chóng bị lãng quên. Nếu chưa quên hẳn, thì cũng chỉ còn là những vang bóng tình cờ được hững hờ nhắc lại. Mà nhắc lại như một hoài niệm về một thời ấu trĩ bị choáng ngợp trước những hào nhoáng ảo ảnh, như những lấp loáng phản quang bong bóng xà phòng được trẻ con thổi ra, lóe lên phút chốc dưới ánh mặt trời, để nhanh chóng bục vỡ, tan biến.

Rồi với thời gian và sự trải nghiệm trong những chặng đường đời, người ta ngày càng nhận chân được những giá trị mà nếu thiếu nó, con người không thể sống nổi làm người. Trong những giá trị ấy, nhiều người xếp chữ hiếu lên hàng đầu.

Và vì mỗi một người đều được một người mẹ sinh ra, dù được sinh ra nơi nhà cao cửa rộng, lầu son gác tía hay sinh ra dưới mái tranh nghèo xiêu vẹo dột nát, thì tiếng khóc chào đời nào cũng gắn với một bầu sữa mẹ. Nghĩa tình sâu nặng của mẹ, mỗi con người được uống từ bầu sữa thiêng liêng ấy. Cái đó tao nên giá trị thiêng liêng mang vĩnh hằng của chữ hiếu.

Ơn sinh thành

Ảnh: giacngo.vn

Ảnh: giacngo.vn

Giá trị thiêng liêng ấy do tạo hóa ban tặng cho con người. “Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, đó là đạo lý ngàn đời không lay chuyển. Công cha nghĩa mẹ, ơn sinh thành, đức dưỡng dục mà mỗi con người được nhận lĩnh để nên người chính là báu vật trời cho.

Những ai chẳng may không được nhận lĩnh trọn vẹn, hoặc tự đánh mất ân huệ ấy, thì quả là nỗi bất hạnh lớn nhất của một đời người. Hai chữ nên người rất dung dị, cứ tưởng như quá đơn giản, song phân tích kỹ sẽ ngộ ra nhiều chiều kích rất sâu và rất rộng. Lọt lòng mẹ, báu vật được tạo hóa ban tặng đó sẽ từ dòng sữa mẹ mà tự trở thành con Người.
 
“Con người tự sản sinh ra mình”, Hégel, nhà triết học lớn người Đức, nêu lên luận điểm tuyệt vời thâu tóm được quá trình xã hội hóa để con người từ một thực thể tự nhiên trở thành một thực thể xã hội. Nhờ sự công bằng và sòng phẳng của tạo hóa, quá trình “tự sản sinh ra mình” được khởi đầu từ dòng sữa mẹ. Chẳng thề mà các cụ ta đã đúc kết : cha sinh không bằng mẹ dưỡng!

Bú mẹ, bé đã bú vào mình dưỡng chất đặc biệt của mẹ truyền cho, những dưỡng chất mà khi còn là bào thai trong bụng mẹ, bé đã được tiếp nhận. Phải hiểu rằng từ trong cơ thể mẹ, dưỡng chất đặc biệt đó đã được chưng cất từ sự sống người, của loài người, từ khi con người xuất hiện. Sự sống ấy hàm chứa trong nó tri thức và kinh nghiệm sống của loài người. Nhờ đó, từ dòng sữa mẹ, giúp tạo ra trong bé những phẩm tính người của con người xã hội.

Phẩm tính người ấy, khi còn là bào thai trong bụng mẹ, chỉ là chất vô thức-người từ cơ thể của mẹ truyền cho. Chất vô thức - người, nhân tố huyết thống tự nhiên ấy đã định hình phẩm tính người, khu biệt rạch ròi với mọi thực thể tự nhiên khác. Phẩm tính ấy rõ dần lên trong quá trình con người tiếp xúc với môi trường xã hội, khởi đầu từ mối liên hệ giữa bé và mẹ, rồi tiêp đấy là bố, là gia đình, cộng đồng xã hội đầu tiên.

Từ cộng đồng xã hội đầu tiên đó mà quá trình con người trở thành con người xã hội được khởi động và hoàn thành trong sự tiếp xúc dần với những cộng đồng lớn hơn : hàng xóm láng giềng, nhà trường, các hội đoàn… và xã hội rộng lớn. Tất cả những điều ấy cho thấy: tự nhiên không trực tiếp sinh thành ra con người theo nghĩa đích thực của nó.

Tạo hóa chỉ ban cho thực thể tự nhiên đó những tiền đề sinh thể để con người tự tác thành nên chính mình trong quá trình xã hội hóa, tức là quá trình con người tự sản sinh ra chính mình, trở thành con người xã hội. Gia đình là một cộng đồng khác biệt hẳn với tất cả các cộng đồng xã hội khác ở tính huyết thống và tính không chọn lựa. Không ai có thể chọn cửa mà sinh ra, chọn lựa cha mẹ.

Xã hội càng phát triển, mức sống của con người càng được cải thiện thì việc nuôi con sẽ đỡ bớt nhọc nhằn nhờ vào những tiện nghi vật chất và những tiến bộ của công nghệ thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và dịch vu hướng vào con trẻ cùng với những thành tựu y học, nhưng sự dạy con sẽ khó khăn phức tạp hơn rất nhiều. Lo cho con có đủ ăn, đủ mặc đối với đông đảo người dân đã khó, chăm sóc đời sống tinh thân, những phẩm tính văn hóa cho con người càng khó hơn nhiều.

Chớ quên rằng “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (thơ Nguyễn Duy). Cái phần “hồn” ấy mới mong manh, sống động, mãnh liệt, nhưng cũng dễ bị thương tổn biết bao. Vậy mà, không có cái phần “hồn” ấy thì phần“xác”còn có nghĩa lý gì? Chăm sóc đời sống tâm hồn của bé khó hơn rất nhiều so với lo cho chúng“hay ăn, chóng lớn”.

Tổ ấm gia đình

Chính ở đây, gia đình có môt vị trí đặc biệt. Gia đình Việt Nam nói riêng và gia đình phương Đông nói chung là một thiết chế định hình sớm nhất và cũng ít biến đổi nhất. Tính bền vững không mấy đổi thay ấy là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp kéo dài triền miên. Quá trình chuyển sang kinh tế thị trường tạo ra những yếu tố có sức công phá vào thành trì của mô hình ứng xử trong mối quan hệ đẳng cấp và phận vị của lề thói gia trưởng trong khuôn mẫu gia đình được áp đặt vào xã hội trước đây.

Ảnh: yobanbe.zing

Ảnh: yobanbe.zing

Một mặt khác, vấn đề cá nhân - công dân chính là vấn đề nền tảng của xã hội hiện đại, cũng trên ý nghĩa đó, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hóa. Các “con em trong gia đình” cũng đồng thời là những “thành viên của xã hội”.

Tuy vậy, không thể đem cách ứng xử trong mối quan hệ gia đình để áp dụng trong quan hệ xã hội, và ngược lại, cũng không thể áp đặt những chuẩn mực ứng xử xã hội vào trong ứng xử gia đình. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau trong mối thâm tình máu mủ, ruột rà. Không thấy rõ điều ấy, sẽ khó mà hiểu rõ cái đạo làm người: đạo hiếu.

Chẳng hạn, trong Luật Hôn nhân và Gia đình ở mục 4, Điều 2 của Chương I có ghi rõ nghĩa vụ của con cháu đối vói cha mẹ, ông bà, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc giúp đỡ nhau. Nghĩa vụ ấy mang tính pháp lý, người vi phạm sẽ bị pháp luật trừng phạt. Nghĩa vụ ấy cũng hàm chứa nội dung của hiếu nghĩa. Thế nhưng, nội dung của hiếu nghĩa trong chữ hiếu, trong đạo hiếu mà chúng ta đang bàn, có nội hàm rộng hơn nhiều, vượt quá những điều quy định về “nghĩa vụ” ấy rất xa, đặc biệt là ở hàm lượng tình cảm được chứa đựng trong nó.

Khi thực hiện đạo hiếu, con người vừa thực hiện nghĩa vụ làm người, điều mà pháp luật đã quy định, và quan trong hơn nữa, thực hiện tình cảm đạo đức của con người. Đương nhiên, trong nghĩa vụ cũng có nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ đạo đức, hai điều đó không mâu thuẫn nhau, không đối lập và loại trừ nhau, song không đồng nhất.

Nếu so sánh một cách hơi thô thiển thì nghĩa vụ đạo đức cao hơn, vì ở đây, vừa phải có ý thức về nghĩa vụ lại vừa phải làm cho ý thức về nghĩa vụ ấy được nâng lên để chuyển thành tình cảm nghĩa vụ. Mà đã là tình cảm, thì phải là do sự thôi thúc từ bên trong, do tiếng gọi của con tim chứ không chỉ là do sự thúc ép tự bên ngoài (ví như dư luận xã hội hay là luật pháp), mặc dầu áp lực đó cũng rất quan trọng trong việc hình thành phẩm cách của con người.

Giá trị vĩnh hằng của chữ hiếu

Khi cháu con thực hiện đạo hiếu trong ứng xử hàng ngày với ông bà cha mẹ, nếu chỉ đơn thuần là theo quy định của nghĩa vụ mà không phải là do sự thôi thúc của tình yêu thương, theo nhịp đập của trái tim nhân hậu thấm đượm tình máu mủ ruột rà, thì khó có sự chân tình và nhuần nhị trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành vi, trong ánh mắt nụ cười vốn không thể có một khuôn mẫu, một chuẩn tắc nào có thể định sẵn.

Hơn nữa, chữ hiếu đang mở rộng biên độ của nó, và vì thế, những câu “kinh điển” của Khổng Mạnh như “thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà, nhà gốc ở thân mình” hay “Nhà nhà hòa thuận êm ấm, bền vững là gốc rễ cho đất nước an ninh” có thể vẫn đúng song e chưa đủ. Điều này dễ hiểu. Cuộc sống không ngừng vận động.

Ảnh: blogtimnhanh

Ảnh: blogtimnhanh

Đặc biệt là với những bước tiến như vũ bão của khoa học và công nghệ cuối thể kỷ XX bước vào thế kỷ XXI khiến cho kiểu tư duy tuyến tính sẽ không phù hợp nữa cho một thời đại phi tuyến tính với những biến động và sức mạnh hợp trội bất ngờ.

Chữ hiếu cũng vậy thôi. Bác Hồ nói phải hiếu với dân. Sẽ hiểu được ý nghĩa lớn lao của chữ hiếu ấy khi suy ngẫm về tình cảm của Bác: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nổi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.

Cuộc sống đang mở rộng biên độ nội dung của hiếu, cho nên, trong sự kế thừa phải biết chọn lọc và nâng cao. Cần lưu ý rằng, như đã nêu ở trên: vấn đề cá nhân - công dân chính là vấn đề nền tảng của xã hội hiện đại, cũng trên ý nghĩa đó, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hóa.

Hệ giá trị gia đình, do đó, cũng phải có những biến đổi, theo đó nội dung của chữ hiếu cũng không đứng yên, dậm chân tại chỗ. Tính độc lập của gia đình và cá nhân đang định hình và dần khẳng định. Có thể đây đó có những biểu hiện thái quá, nhưng quá trình này về cơ bản là đúng quy luật. Chữ hiếu hôm nay cũng phải được vận hành trong quỹ đạo của hệ giá trị đó. Không thấy ra những biến đổi ấy, sẽ lạc hậu với cuộc sống.

Song, nếu không nhận ra một cách sâu sắc cái giá trị mang tính vĩnh hằng của chữ hiếu trong cuộc sống của con người, chừng nào con người vẫn còn tồn tại trên quả đất này, thì cũng lại là một hẫng hụt nguy hiểm trong đời sống tinh thần của xã hội. Vì, dù cho biên độ của chữ hiếu có thu hẹp hay mở rộng đến đâu thì cái cốt lõi của nó vẫn nguyên vẹn giá trị.

Cho nên khi người nhạc sĩ tài hoa nọ biết “tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hát cho cha”* thì chính là người nghệ sĩ thiên tài ấy đã nói hộ với chúng ta những ước ao thầm kín và sâu lắng trong lòng ta đối với những đấng sinh thành, mà với họ, mặt trời chỉ chiếu sáng cho mỗi đứa con của mình mà thôi. Chữ hiếu có một giá trị vĩnh hằng là do đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.

Thông tin hàng ngày