Nhập không môn vào vô lượng nghĩa định

Nhập không môn vào vô lượng nghĩa định
Giác Ngộ - Trên bước đường tu, nên nhớ rằng A lại da thức của chúng ta chất chứa toàn bộ các dữ kiện chẳng những của một kiếp sống, mà nó có khả năng chứa vô số việc từ bao đời bao kiếp, nói chính xác là từ vô thủy kiếp.

Và khi gặp duyên tương ưng thì những hạt giống thiện ác này đã chứa sẵn trong A lại da thức liền bộc phát, gọi là A lại da duyên khởi, đó là động cơ vô cùng mạnh mẽ đưa chúng sinh đi vào sáu đường sinh tử luân hồi.

Nhưng nếu chúng ta đi ngược về nguồn tâm, không bị vật chất, hay tứ đại ngũ uẩn chi phối, thì vọng thức không sanh, tâm đứng yên. Vì Thức phải có đối tượng tác động mới sanh khởi. Ví dụ nhìn thấy bông hoa thì ý thức về bông hoa liền sanh ra; nhưng dẹp bỏ bông hoa, bấy giờ hoa bên ngoài không có, thì còn lại hoa trong Thức hiện ra. Biết như vậy, tu hành chúng ta tập cắt bỏ phần bên ngoài thì trong Thức sẽ yên lần, cho đến xóa bỏ hoàn toàn những mầm mống có sẵn, A lại da thức sẽ trở thành trắng sạch gọi là Bạch tịnh thức. Đó là cách chuyển hóa theo Duy thức học.

Nhưng tu theo Pháp Hoa là từ Nhà lửa chạy được đến bãi đất trống. Tu Thiền gọi là đi vào cửa Không. Tu Tịnh độ là đã bước vào Tịnh độ. Tuy đi những con đường khác nhau, nhưng tu chứng thì giống nhau là tâm hoàn toàn trong sạch và đứng yên. Vì vậy, tu theo pháp môn nào cũng được, miễn là tâm trong sạch và đứng yên, không bị vật chất chi phối.

Điều thứ hai, học kinh Pháp Hoa, chủ yếu cần ghi nhớ kinh Vô Lượng Nghĩa Định Vô Lượng Nghĩa. Thế nào là kinh và thế nào là định. Kinh và định là một hay khác nhau?

Kinh Vô Lượng Nghĩa là phương tiện. Định Vô Lượng nghĩa là tu chứng. Như vậy, chúng ta phân biệt được việc học và tu. Kinh thuộc phương tiện để chúng ta học. Định là thực tập để tu chứng. Tu mà không học dễ lạc qua tà định của ngoại đạo. Học nhưng không tu, chỉ nói suông, mà Ngài Huyền Giác quở là đếm tiền cho người khác, hay giới thiệu thức ăn, nhưng không ăn được. Đức Phật cũng dạy chúng ta phải học để tu, hay tới để thấy và để ăn. Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội ví như ăn. Vô Lượng Nghĩa kinh ví như thức ăn.

Không có bộ kinh Vô Lượng Nghĩa riêng, vì trong suốt cuộc đời thuyết pháp độ sinh của Đức Phật gom lại là Vô Lượng Nghĩa kinh; cho nên tất cả các pháp phương tiện sai biệt, không đồng nhau. Người chấp pháp này, người chấp pháp nọ thì Phật ví như người mù rờ voi. Rờ cái chân voi làm sao giống lỗ tai voi được. Tu Pháp Hoa thấy toàn bộ con voi, thì nghe người nói con voi như cái quạt mo, ta cũng thấy họ đúng một phần; vì ta sáng mắt thấy toàn diện, không nhìn phiến diện.

Chúng ta quan sát từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Đại thừa, thấy tất cả các pháp môn tu là toàn bộ cơ thể của Phật giáo, nên gọi là Viên giáo. Thấy được toàn bộ, ta mới sử dụng tùy phương tùy tiện, ở chỗ này thì làm việc này, ở chỗ khác có việc khác. Ở đâu cũng thấy đúng và làm đúng. Vì vậy, theo tinh thần vô ngã, Bồ tát làm không cố định, nhưng tùy duyên, tức tùy chúng sinh tâm mà hiện thân giáo hóa, không làm khác được, vì làm khác sẽ khiến cho họ bị đọa. Thể hiện tinh thần này, kinh Hoa Nghiêm đòi hỏi người chứng Bát nhã phải có thêm trí tuệ phương tiện Ba la mật; vì có phương tiện trí thì giải được, không có phương tiện trí thì buộc chặt thêm.

Thật vậy, lấy những điều mà Phật chứng đắc để nói cho chúng sinh, họ không nghe được, còn bị đọa. Chúng ta tu giải thoát, về Cực lạc, hay về Niết bàn, tức về cội nguồn của tâm mà Lão giáo gọi là thái cực, tức thế giới không có thiện ác. Nhưng nếu ta nói Niết bàn hay Cực lạc cho người đời làm sao họ hiểu được; vì họ luôn phân biệt hai thứ đối nghịch là phải có thiện ác, phải có âm dương, phải có nam nữ, phải có tốt xấu, v.v… Về Cực lạc không có nữ nhơn cũng không có người nam, vì đó là thế giới không sanh diệt, nên không phân ra hai cực, âm dương, nam nữ, thiện ác, tốt xấu... Còn có sự phân chia nam nữ, âm dương, sanh ra và chết mất... là hiện tượng của thế giới sanh diệt. Chúng ta tu hành đi từ thế giới sanh diệt đến chứng vô sanh.

Từ vọng tâm khởi lên là Thức suy nghĩ đủ thứ, nhưng nếu tập trung tư tưởng thành một, thì trong một này sẽ có tất cả:

Thu lai tại nhứt vi trần

Phổ tán tác châu sa giới.

Nghĩa là mở ra thì vô cùng vô tận, nhưng thu lại là Không. Người đời làm sao hiểu được lý này; vì họ đang bị phiền não ràng buộc khổ đau, nhưng họ tưởng là vui. Phật nói người đời luôn lấy khổ làm vui. Thật vậy, họ bị xã hội ràng buộc đến mức không còn thì giờ thở, nhưng lại thấy là vui. Thực tế chúng ta thấy người tỷ phú có thừa tiền của, nhưng không có thì giờ ăn ngủ, chính họ cũng luôn than khổ. Họ bị tất cả mọi việc ràng buộc, nhưng lấy khổ làm vui. Ý này được nhà thơ Thông Bác cảm nhận sâu sắc và diễn tả rằng:

Thịt nhai miếng thịt, nỗi buồn là ngon

Miếng đời ớn tận đời con

Mà răng ngày tháng miệng còn mãi nhai.

Chúng ta thử nghiệm xem cuộc sống con người có vui hay không. Nếu có vui thì vui đó là nhân của khổ và khổ luôn luôn tràn ngập. Nhưng chúng ta tu hành, hướng về Niết bàn thì khổ nhẹ lần; vì chúng ta từ địa ngục trở về nhất nguyên là về nguồn. Vì vậy, đi đúng con đường Phật dạy, từng bước tâm lắng yên, vào Tịnh độ.

Vô Lượng Nghĩa kinh rất nhiều, nhưng gom lại còn tam thừa giáo, kinh Pháp Hoa gọi là ba xe Phật thuyết cho những người đau khổ trong Nhà lửa tam giới. Như vậy, kinh có nhiều, nhưng chỉ còn chúng tam thừa được độ thoát. Nhơn thừa và Thiên thừa được đưa vào hàng tam thừa, nhưng đưa vào cửa nào? Đưa vào Bồ tát thừa, vì Bồ tát nhiếp cả nhơn thiên. Thật vậy, Bồ tát hiện thân làm Trời, làm người; cho nên những người ở thế gian làm được nhiều việc tốt cho đời, đẹp cho đạo gọi là nhân gian Bồ tát. Kinh Hoa Nghiêm cũng gọi chư Thiên là Bồ tát, vì Bồ tát đệ tam địa trở lên là chư Thiên.

Bồ tát đệ tam địa làm Trời Đế Thích.

Bồ tát đệ tứ địa làm Dạ Ma Thiên vương.

Bồ tát đệ ngũ địa làm Đâu Suất Đà Thiên.

Bồ tát đệ lục địa làm Hóa Lạc Thiên vương.

Bồ tát đệ thất địa làm Đại Tự Tại Thiên vương.

Bồ tát đệ bát địa làm Đại Phạm Thiên vương là chủ 1.000 thế giới.

Bồ tát đệ cửu địa làm Đại Phạm Thiên vương là chủ 2.000 thế giới.

Bồ tát thập địa là Phạm Thiên là chủ 3.000 đại thiên thế giới.

Như vậy, Bồ tát thu nhiếp cả nhơn thiên. Cho nên, người có phước báu làm lợi ích cho chúng sinh là Bồ tát nhân gian. Người ở cõi trên nghĩ đến lợi ích cho đạo pháp là Bồ tát thiên thượng mới đủ sức hiện thân thỉnh Phật thuyết pháp. Vì vậy, tam thừa giáo theo Pháp Hoa đã dung nhiếp được tất cả các pháp.

Kinh Vô Lượng Nghĩa là tám muôn bốn ngàn pháp tu mà Phật đã triển khai suốt cuộc đời Ngài và như vậy, kinh Vô Lượng Nghĩa bao gồm cả tam thừa giáo, nhưng chủ yếu có ba vấn đề cốt lõi cần nhớ; đó là đạo đức của Thanh văn thừa, trí tuệ của Duyên giác thừa và việc làm lợi ích chúng sinh của Bồ tát thừa. Từ đó, có thể khẳng định rằng giáo lý Phật nói nhiều thuộc về sai biệt pháp thì Ngài tùy chỗ tùy lúc mà nói pháp khác nhau; nhưng người tu phải đạt cho được ba mục tiêu này; nếu không thì trở thành phi pháp, mà Tổ quở là "Y kinh giải nghĩa, Phật oan tam thế".

Vì vậy, tất cả kinh điển của Phật đều nhằm đem lợi ích cho chư Thiên và loài người; nhưng nói pháp mà làm người phiền não và làm động chư Thiên thì đó là ác ma lợi dụng pháp Phật mà thôi. Còn Bồ tát hiện thân trên cuộc đời, làm an lạc cho Trời người mới là pháp Phật, thì nói gì cũng được. Điều này cho thấy con người quyết định giá trị của pháp, nếu người tốt thì pháp trở thành tốt, người ác thì nói gì, hay làm gì cũng ác.

Bên cạnh Vô Lượng Nghĩa kinh là Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội. Tam muội là đi vào định, nên người ở trong định mới hiểu được. Người còn bị vật chất ngăn che tâm thì không thể vào đạo được, hay không vào được Không môn của Thiền, không vào được Cực lạc của Tịnh độ, hoặc không đến được bãi đất trống của Pháp Hoa.

Hàng tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát đều cùng đến được bãi đất trống thì điều gì xảy ra?

Nếu là người tu tà định, khi tâm lắng yên thì A lại da thức của họ còn chứa đầy tội lỗi, nên thế giới của Thức sẽ hiện ra. Hoặc định của hàng phàm phu như chúng ta thì khi nhập định càng nghe rõ bên ngoài hơn nữa, tức càng bị lực tác động của thế giới vật chất một cách mạnh mẽ hơn.

Còn người tu đã diệt được sự tác động của thế giới bên ngoài và những gì bên trong Thức phát khởi cũng đã cắt bỏ, cho đến A lại da thức hoàn toàn trắng sạch gọi là Bạch tịnh thức. Tuy nhiên, tâm hoàn toàn trống không, tức Bạch tịnh thức của Phật sẽ khác với tâm trống không của A la hán; vì Phật là lợi căn La hán, còn các vị Thánh La hán thuộc về độn căn La hán. Ý này thường được Đức Phật lấy ví dụ như ma ni và thủy tinh. Viên ma ni cho vào nước dơ thì nó có khả năng làm cho nước trở thành sạch. Còn thủy tinh dù có một ngàn viên cũng không thể chuyển đổi nước dơ thành sạch. Vì vậy, Định của Phật khác với Định của hàng Thanh văn. Thật vậy, khi các Thánh La hán vào Diệt tận định thì họ không thấy không nghe gì cả, vì Thức của họ không còn hoạt động. Tất cả mọi việc xảy ra họ không biết, cho nên xả định, mọi việc đều trở nên lạ lẫm đối với họ. Đó là những vị tu thật, chứ không phải tu giả. Các vị La hán ẩn tu lâu và trụ Diệt tận định thường rơi vào tình trạng như vậy.

Trái lại, Đức Phật nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội là Pháp Hoa Định, thì tất cả hiện tượng, tất cả mọi việc đều hiện rõ, nên Ngài biết trọn vẹn và chính xác. Điều này trong kinh Pháp Hoa nói rằng Phật nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội thì tất cả chúng sinh từ địa ngục A tỳ cho đến cõi Trời Sắc Cứu cánh ở trong vòng sinh tử luân hồi, khổ não vô lượng đều hiện ra đầy đủ, không sót.

Sau khi Phật giảng xong Vô Lượng Nghĩa kinh, Ngài nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ định để cho mọi người thấy những gì Phật nói; nghĩa là những việc diễn tiến hiện ra trong cuộc sống của Đức Phật từ khi Ngài xuất gia, tu hành, phát tâm từ địa ngục A tỳ cho đến làm Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Ngài hành đạo như thế nào đều hiện rõ trong Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội và chúng hội thấy được.

Và khi Phật nhập Vô Lượng Nghĩa Xứ định thì hoa Mạn Đà La, Ma ha Mạn Đà La, Mạn Thù Sa, Ma ha Mạn Thù Sa từ trong hư không rơi xuống. Hay nói đúng hơn là từ trong tâm trống không của đại chúng hiện ra; vì tâm đại chúng đã nương theo định lực của Phật mà nhập vào Không định, cho nên bao trùm được cả trời đất, trời đất đều hiện trong tâm đại chúng.

Vì vậy, khi chúng ta vào định và nghĩ đến Phật Thích Ca thì thấy được Phật Thích Ca đản sinh ở Lâm Tỳ Ni, thuyết pháp ở Lộc Uyển, ở Xá Vệ thành, ở núi Kỳ Xà Quật và thấy Phật Niết bàn ở Câu Thi Na. Đó là cái thấy bằng tâm của chúng ta. Người thấy bằng niềm tin và thấy bằng tâm thì nhắm mắt lại, thấy đủ không sót. Vị đệ tử Phật nổi tiếng là A Nâu Lâu Đà mù mắt, nhưng Ngài chứng Thiên nhãn, nên thấy Pháp giới bằng tâm.

Người tu khác người đời ở điểm không thấy mà thấy. Người đời thấy mà không thấy; vì họ thấy bằng mắt, nên không thấy cao siêu. Chư Thiên thấy Phật là thấy Báo thân Phật, không phải chỉ thấy sanh thân Phật như chúng ta. Cho nên, chư Thiên thấy Tịnh độ của Phật đẹp hơn cảnh Trời Tự Tại; trong khi đó Xá Lợi Phất thấy thế giới Ta bà của Phật toàn là hầm hố gai chông, vì tâm của ông còn hầm hố gai chông. Chư Thiên thấy thế giới Phật đẹp, mới đến Ta bà học.

Phải nhập vào Không định là định tối thiểu và từ đó mới vào Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội thì ba đời toàn cảnh hiện đủ. Ngài Nhật Liên chứng đắc Pháp Hoa Tam muội nên thấy ba đời chư Phật đang hiện hữu, Ngài mới nói rằng Đức Phật Thích Ca là Phật lịch sử có sanh diệt, nhưng quan trọng của tu Bổn môn là tìm Phật không sanh diệt, gọi là thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử. Vì vậy, khi thấy Đức Phật hằng hữu thì chúng ta không còn sợ, giữa sanh tử và Niết bàn là một. Hễ người khổ đau thì thế giới đối với họ trở thành Ta bà, nhưng người thâm nhập được cuộc sống an lạc thì Niết bàn hiện ra với họ.

Thâm nhập được Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội thì thấy hoa Mạn Đà La và Mạn Thù Sa rơi xuống, tức đại chúng được Phật làm cho tâm họ trống không như hư không thì bấy giờ hoa Mạn Đà La, Mạn Thù Sa ở trong tâm họ. Trong tâm chúng ta có hoa này, hay chúng ta thấy hoa này là chúng ta an vui, hoàn toàn không còn ưu bi khổ não của thế gian. Nếu còn ưu bi khổ não là vì chưa thâm nhập đạo tràng vô tướng.

Vào Không định, người tu Pháp Hoa mới nhận được pháp Phật ban cho là đại bạch ngưu xa, bấy giờ tuy họ còn hiện hữu trên cuộc đời này, nhưng tâm hoàn toàn an vui tiêu biểu bằng hoa Mạn Đà La. Chư Thiên luôn có hoa Mạn Đà La trên búi tóc. Hoa này héo là hết phước, bị đọa. Chư Thiên không già, không bệnh, không chết, nhưng khi ngũ suy tướng hiện là hoa trên đầu héo tàn, thì họ cảm thấy buồn và có mùi hôi như thế nào sẽ đi vào cảnh giới tương ưng thế đó. Cõi Ta bà là nơi ngũ thú tạp cư, cho nên chư Thiên sanh lại Ta bà thì có mùi hoa. Bồ tát thì có mùi hương giới đức giống như mùi trầm. Người có mùi súc vật là họ từ ba đường ác sanh lại.

Vào được định Vô Lượng Nghĩa, chúng ta sẽ thông suốt được mọi hiện tượng từ quá khứ cho đến vị lai, nên biết được kiếp quá khứ của mình và biết chết mình sanh về đâu.

Đại chúng không nhập được định Vô Lượng Nghĩa, nhưng Phật nhập được định này và Ngài làm cho họ cảm thấy an lạc. Vì vậy mà Phật còn tại thế, những người theo Phật dễ dàng đắc quả La hán. Điển hình như Phật thuyết pháp cho ba anh em Ca Diếp chỉ trong một đêm mà sáng hôm sau có đến 1.000 người đắc quả A la hán. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng đắc La hán. Chúng ta suy nghĩ xem tại sao lại đắc quả La hán dễ dàng như vậy.

Tụng kinh Pháp Hoa phẩm Hóa thành dụ thứ 7, chúng ta thấy quả La hán này là Hóa thành của Phật cho họ sự an vui thanh tịnh. Vì Phật nhập định Vô Lượng Nghĩa có khả năng tác động tâm đại chúng trống không, an vui và giải thoát. Thực tế cho thấy chúng ta chưa gặp Phật, nhưng gặp được cao tăng, chúng ta cũng đã được an vui. Trên bước đường cầu đạo, tôi thấy rõ ý này, có vị Đạo sư tôi gặp cảm thấy ấm áp thì tôi ở lâu theo tu học để nuôi tâm mình.

Đức Phật nói rõ trong phẩm Hóa thành dụ rằng những người đắc La hán là nhờ Vô Lượng Nghĩa Xứ Tam muội của Phật tác động tâm họ lắng yên, được giải thoát. Nhưng Phật Niết bàn, mọi người rơi vào hoàn cảnh cũ, bị đau khổ, nên phải lo tự tu hành. Đó gọi là Phật diệt Hóa thành; vì nếu Ngài không diệt Hóa thành, mọi người sẽ được yên ổn, ham chơi, không lo tu.

Hoa Mạn Đà La mà Trung Quốc dịch là Ý Lạc hoa làm chúng ta an vui. Hoa Mạn Thù Sa là thanh tịnh hoa làm tâm ta thanh tịnh. Không nên nghĩ rằng hai thứ hoa Trời này từ trên trời rơi xuống là hoa tuyết. Hai hoa Trời này chỉ có với người nào được Phật gia bị, tâm thanh tịnh và an lạc và có hai loại hoa này thì mới có Pháp Hoa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày