Nhật Bản - Nghĩ từ trái tim

Giác Ngộ - Phổ Quang là một ngôi chùa hẻo lánh nằm trên một con đường cụt. Nhưng đối với người dân Sài Gòn và nhất là đồng bào Phật tử chùa này rất nổi tiếng, bởi chỉ ở đó mới có một hội trường có thể chứa vài ba ngàn người, mặc dù Phổ Quang đang trong thời kỳ xây dựng, gạch sắt, bê tông còn rất ngổn ngang bề bộn. Đứng trên cao nhìn xuống, cứ như một công trường.

Buổi sáng Chủ nhật ngày 27-3-2011, trong cái khuôn viên bề bộn, chật chội như một công trường đó, hàng ngàn, hàng ngàn Phật tử và cả những người không tôn giáo, họ đến để cùng cầu nguyện và chia sẻ với nước Nhật trước thiên tai sóng thần, động đất mà sự mất mát về nhân mạng và của cải vật chất quá lớn và bất ngờ ngoài sự tưởng tượng.

wwwTT (11).JPG
Chư tôn giáo phẩm Phật giáo Việt Nam và Nhật Bản
cầu nguyện cho nan nhân động đất, sóng thần Nhật Bản

Hội trường chùa Phổ Quang với 2 tầng lầu vẫn không đủ chỗ, người tham dự đứng chật kín cả hành lang. Ban Tổ chức chỉ dành được 2 dãy ghế cho các khách mời trong đó có một dãy đặc biệt dành cho các cựu du học sinh Nhật Bản. Dù vậy trong cái sự đông đúc hơn cả dự kiến, tôi cũng tìm ra được các Exryu thân quen, phải vất vả mới vừa ra dấu vừa "gọi ơi ới" các anh Nguyễn An Trung, anh Nguyễn Đức Hòe, và bạn Lê Tiến Cường đến "chỗ Exryu ngồi đây nè".

Học sinh, cựu học sinh Trường Đông Du, những người Nhật đang sống ở VN cũng phải ngồi trên tầng 2 hội trường. Điện thoại của tôi thì reo không ngừng từ những người bạn và mấy đứa cháu: "Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu", "Chị ơi, tụi em đến rồi nè, tụi em ngồi ở đâu hả chị?".

Câu trả lời chung của tôi là: Tụi em ngồi ở đâu, đứng ở đâu cũng được, miễn là chí tâm cầu nguyện cho nước Nhật và nhớ đóng góp tịnh tài nha. Rồi tôi phải tắt máy điện thoại khi hàng chư tôn giáo phẩm GHPGVN bước vào hội trường. Đại lễ cầu siêu, cầu an cho nước Nhật bắt đầu.

Bát Nhã Tâm Kinh - Lời cầu nguyện cho Nhật Bản

HT.Thích Trí Quảng, cựu du học sinh Nhật Bản, tốt nghiệp tiến sĩ Phật học Trường Đại học Rissho, trong suốt mấy mươi năm hành đạo khi thuyết pháp hay viết bài, thầy thường hay nhắc đến nước Nhật và người Nhật với những tình cảm và sự quý trọng đặc biệt. Hôm nay cũng vậy, thầy nói đến quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt- Nhật, sau chiến tranh Việt Nam, Nhật Bản chính là quốc gia đã dành cho Việt Nam viện trợ nhiều nhất.

Với tất cả tấm lòng đồng thể đại bi của người con Phật, buổi lễ cầu nguyện và cầu an cho Nhật Bản chính là sự thể hiện tình cảm của hai dân tộc anh em, nỗi đau thương, mất mát của người Nhật cũng là nỗi đau thương của chính người Việt Nam chúng ta.

Tiếp đến, Thầy giới thiệu HT.Yoshimizu Daichi, trụ trì chùa Nisshin kustu, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam đã cưu mang hàng trăm du học sinh ở vùng bị nạn đến Tokyo tá túc trong ngôi chùa của ngài.

Theo lời HT.Yoshimizu Daichi, ngài đã đem 3 chiếc xe buýt đến các vùng thiên tai chở người Việt Nam về chùa Nisshin Kustu, hiện nay một số người đã trở về Việt Nam khi nhà máy, công ty của họ đóng cửa vô thời hạn, một số người ở lại Nhật, trở lại nơi làm việc cũ tiếp tục cuộc sống bình thường.

Với phong cách trầm tĩnh, giọng nói chậm rãi, ngài tâm sự: "Nước Nhật chúng tôi ở vào một vị trí địa lý đặc biệt, nghèo tài nguyên, trong suốt chiều dài lịch sử thường xuyên bị thiên tai đe dọa, tàn phá, âu cũng là số phận". "Số phận" của nước Nhật luôn bị thiên tai tàn phá, có khác nào số phận của đất nước tôi hay những đất nước khác đã kinh qua những cuộc chiến tranh, thảm sát kinh hoàng. Thiên tai hay nhân tai đều mang lại đau khổ, mất mát, khủng khiếp như nhau.

Sau đó, toàn thể chư Tăng Ni và mọi người trong hội trường đứng dậy với tâm đồng thể đại bi dành một phút tưởng niệm những công dân Nhật đã qua đời.

Khi vừa nghe tin nước Nhật bị thiên tai, từ Dharamsala, thị trấn phía cực Bắc Ấn Độ nằm trong thung lũng Kanga của rặng Hy mã lạp sơn, Đức Đạt lai Lạt ma đã cùng với các tu sĩ Tây Tạng tụng 100.000 lần bài Bát Nhã Tâm Kinh cầu nguyện cho Nhật Bản vượt qua tai ương, ách nạn.

Trong đại lễ cầu siêu, cầu an hôm nay, người Việt Nam cũng đem hết năng lượng từ bi, hùng tráng cúng dường người anh em Nhật Bản thân thương Bát Nhã Tâm Kinh - bài kinh mang tinh thần cốt tủy của Đạo Phật.

Bát Nhã Tâm Kinh là tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã, đúc kết thành 260 chữ và chấm dứt bài kinh bằng một câu thần chú:

Yết đế, yết đế ba la yết đế, ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha (Phạn ngữ: Gate, gate para gate para sam gate, bodisvaha).

Có một số người dịch nghĩa là: Vượt qua, vượt qua, đến bờ bên kia, giải thoát mọi khổ đau.

Thần chú này có công năng mạnh mẽ, chuyển hóa tâm bạn thành bình an, vô úy, từ đó bạn mới mang lại bình an và sự không sợ hãi cho người khác. Vì theo Đức Phật, chúng ta sống trên trái đất này là sự tương duyên với nhau, cùng chia sẻ mọi khổ đau ách nạn của loài người, cũng như cùng chịu trách nhiệm với mọi điều diễn ra trong cuộc sống.

Gần ba ngàn người với năng lượng từ bi, hùng tráng đã biến buổi lễ cầu siêu cầu an không hề mang không khí ảm đạm trái lại, tại nơi này họ đang gửi thương yêu, chia sẻ và cả sức mạnh từ trái tim Việt Nam đến trái tim Nhật Bản.

Be strong Japan, we are with you, We love you Japan, Our prayers and thoughts are with Japan, Japan, we share your grief, Japan you are never alone, Buddha bless you all. Love and peace for Japan forever… Những biểu ngữ viết bằng tiếng Anh ở trên là sáng kiến của một tu sĩ trẻ, vị ấy phân phát đến những người tham dự đề nghị tất cả cùng đưa cao lên với nụ cười hoan hỷ, bắt đầu cuộc quyên góp cứu trợ.

Trong đạo Phật có sử dụng hai chữ "tịnh tài" khi cúng dường, tặng cho ai tiền.

Tịnh tài không hẳn là đồng tiền "sạch sẽ", làm sao biết được đồng tiền của ai đó kiếm ra bằng cách nào sạch hay dơ? Một vị thầy đã giảng cho tôi tịnh tài là đồng tiền khi tặng với tâm thanh tịnh, không mong cầu sự đền đáp trả ơn, ca tụng, không ngạo mạn, tự kiêu khi tặng số tiền to, hoặc mặc cảm nếu số tiền mình ít hơn người khác. Tâm thanh tịnh vượt lên trên mọi đối đãi và thanh tịnh chính bởi tấm lòng "Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng".

Số tiền tạm thu 1,4 tỷ đồng, 750 USD và 21.000 yen tương đương khoảng 68.000 USD (vì chưa đếm hết số tiền bỏ vào tủ kính công đức), chỉ là sợi tơ, sợi tóc đối với sự thiệt hại hàng trăm tỷ đô-la của nước Nhật, nhưng chắc chắn nghĩa tình thì sâu lắm, nặng lắm, dài lắm… đến muôn trùng.

Sự mến phục và lòng tri ân

Tin tức thiên tai về nước Nhật lan khắp trong người dân Việt Nam từ người trí thức lẫn người lao động. Thế giới phẳng mà, TV, báo đài, khai thác tin thiên tai Nhật rất nóng, từng giờ.

Tôi thì thích tìm hiểu thông tin "vỉa hè" về suy nghĩ của người Việt Nam đối với người Nhật, bỗng khám phá bất ngờ người Việt Nam rất mến phục người Nhật, những phẩm chất như lịch sự, tốt bụng, kỷ luật, thật thà, siêng năng của người Nhật luôn được người Việt Nam đề cao.

Người bán hàng thì khen người Nhật mua hàng ít trả giá, không mua được món hàng ưng ý thì họ xin lỗi người bán rối rít, hàng hóa của Nhật thì tốt, chất lượng. Có người khoe tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp ga made in Japan thì tốt và bền "suốt đời" luôn. Tóm lại, thương hiệu hàng hóa Nhật có uy tín, không bán hàng dỏm, "treo đầu dê bán thịt chó", "ma giáo"…

Tài xế taxi thì khen khách châu Âu và khách Nhật lịch sự nhất, "hợm hĩnh" nhất là khách Hàn Quốc, Đài Loan …

Khi nước Nhật bị thiên tai, lời chia sẻ đầu tiên từ những người bình dân là: tội nghiệp quá, cầu Trời Phật cho họ tai qua nạn khỏi.

Và chính người bình dân, lao động Việt Nam cũng hiểu một điều nước Nhật là quốc gia giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất sau chiến tranh. Họ còn nhớ đến những chiếc xe máy Honda 50 phân khối, đồ phế thải từ Nhật còn gọi là Honda nghĩa địa đã chở về VN những năm thập niên 80 là phương tiện đi lại hữu hiệu, là cái cần câu cơm sáng giá có thể nuôi sống một gia đình trong hoàn cảnh đất nước kiệt quệ, bị cấm vận kinh tế hoàn toàn.

Gần ba ngàn người đến tham dự buổi cầu siêu cầu an, tôi biết có những người lao động nghèo, tịnh tài ít ỏi nhưng họ đến với tấm lòng bi mẫn bao la, tri ân sự giúp đỡ chân tình: "Một miếng khi đói thành một gói khi no" của Nhật Bản đối với Việt Nam. Họ thành kính niệm Phật, thuộc kinh Bát Nhã làu làu, dù có những âm Hán rất khó hiểu, khó nhớ nào là "Sắc bất dị không, không bất dị sắc", hay "Viễn ly điên đảo, mộng tưởng cứu cánh Niết bàn"...

Đức Phật nói kinh chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ mặt trăng, những người bình dân lao động có thể họ không biết, không hiểu ngón tay là gì, bởi vì họ, biết đâu đã nhìn thấy mặt trăng rồi. Trước bạn và tôi nữa đấy.

Sáng hôm nay, một người bạn làm trong ngành truyền thông ở nước ngoài nhờ tôi kiểm chứng một thông tin là Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đã tặng bằng khen cho một công ty Việt Nam vì đã cho Nhật Bản mượn 2 cần cẩu dài hơn 60 mét để tác nghiệp chuyên môn cho sự cố Nhà máy nguyên tử ở Fukushima. Tin này được đăng từ báo mạng Việt Nam và chuyển đi khắp nơi. Bạn tôi là một người có đạo đức và trách nhiệm trong nghề nghiệp, bạn ấy không muốn khai thác những thông tin giật gân, thiếu kiểm chứng trên nỗi đau của nước Nhật.

Tôi đã gọi điện thoại đến Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội và "gặp" được người phụ trách Ban Văn hóa - Truyền thông của sứ quán. Người phụ trách xác nhận thông tin ấy là có thật.

Sự việc xảy ra như sau: Có một công ty xây dựng Việt Nam tên là Công ty Sông Đà Việt Đức đã nhập 2 cần cẩu chuyên dùng dài hơn 60 mét của Công ty Pushmaster ở Đức. Trên đường vận chuyển hàng về nước thì có tin Nhật Bản bị sóng thần, động đất và sự cố Nhà máy điện nguyên tử Fukushima.

Phía Nhật Bản có yêu cầu Công ty Pushmaster cung cấp gấp loại cần cẩu này. Công ty Pushmaster thông báo với Công ty Sông Đà Việt Đức yêu cầu của phía Nhật Bản, Công ty Sông Đà Việt Đức quyết định cho tàu cập cảng Yokohama, đồng ý cho phía Nhật Bản mượn hai cần cẩu chuyên dùng này.

Hiện hai cần cẩu này đang hoạt động tại Nhật, Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội tặng bằng khen cho Công ty Sông Đà Việt Đức vì nghĩa cử cao đẹp này là có thật.

Đây là thông tin có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Khó tin nhưng có thật.

Lòng tri ân nước Nhật chia sẻ với nước Nhật trong lúc khó khăn của người Việt Nam đã thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, từ nhiều thành phần xã hội khác nhau.

Tôi tin nước Nhật, người Nhật hiểu điều đó. Hiểu rằng Japan, we share your grief là lời nói thật lòng, là ý nghĩ không phải đến từ khối óc mà đến từ trái tim.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày