Nhìn thẳng vào thực trạng khó khăn để vươn lên

GN - Từ một địa phương khó khăn, đến nay Phật giáo Tây Ninh cũng đạt những thành tựu cơ bản dù có phần khiêm tốn so với các tỉnh lân cận.

Khó khăn tiếp nối khó khăn

Hơn hai mươi năm trước, Tây Ninh là vùng kinh tế mới, khô cằn và là điểm đến của bao người tha hương mưu sinh. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, cũng như bao người Việt khác, người di cư về Tây Ninh luôn tìm đến những địa điểm tâm linh - tín ngưỡng để cầu nguyện, an ủi tinh thần.

wwwT9 (4).JPG

Tăng Ni, Phật tử Tây Ninh dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội - Ảnh: Bảo Thiên

Từ thực tế đó, các cơ sở tôn giáo, trong đó có Phật giáo lại xuất hiện ngày càng nhiều nhưng dần hướng đến việc cúng bái, lễ lạt hơn là tu tập. Do vậy, dù lúc đó đã có hơn 100 tự viện lớn nhỏ hiện hữu cùng với gần 100 vị Tăng Ni (phần nhiều là bán thế xuất gia - NV) nhưng Tây Ninh vẫn chưa thể lập được Ban Trị sự (BTS) để điều hành Phật sự chung trong toàn tỉnh.

Nhớ về quá khứ, HT.Thích Thông Nghiêm - Ủy viên HĐTS, Trưởng ban Trị sự THPG Tây Ninh tâm sự cùng chúng tôi như thế trong một dịp thọ trai đạm bạc nhân chuyến công tác đến vùng tận cùng miền Đông Nam Bộ này. Hòa thượng cho biết thêm, bằng những cố gắng hết mực, thông qua sự vận động của cố HT.Thích Thiện Hào, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, cuối cùng đến năm 1988, một BTS Phật giáo lâm thời cũng được thành lập. Bốn năm sau (1992), Đại hội đại biểu Phật giáo Tây Ninh lần thứ I được tiến hành, Phật giáo Tây Ninh chính thức có cơ quan lãnh đạo chung mà HT.Thích Thông Nghiêm là người đứng đầu.

Những tưởng mọi chuyện sẽ thuận duyên để chư tôn đức Tăng Ni dấn thân hành đạo mà ngược lại bao khó khăn khác lại liên tiếp xuất hiện. Đầu tiên là cơ sở vật chất phục vụ hoạt động Phật sự. Nhớ về vấn đề này, HT.Thích Thông Nghiêm cho biết: “BTS mới phải bắt đầu bằng con số không. Do điều kiện kinh tế của quần chúng Phật tử ngoại hộ khó khăn nên đời sống Tăng Ni phải khó khăn theo. Chúng tôi không đủ ngân sách để sắm vật dụng cần thiết trang bị cho văn phòng và đến tận bây giờ mọi thứ vẫn chưa khá hơn. Riêng trụ sở của BTS, chúng tôi phải mượn tạm tịnh xá Ngọc Thạch làm nơi lui tới bàn bạc các công tác Phật sự nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan mà phải dời trụ sở nhiều lần, nay đóng tạm tại chùa Hiệp Long - thị xã Tây Ninh”.

wwwT9 (3).JPG

Đại giới đàn năm 2011 do Phật giáo Tây Ninh tổ chức

wwwT9 (2).JPG

Diễu hành xe hoa nhân Đại lễ Phật đản tại Tây Ninh - Ảnh tư liệu

HT.Thích Thông Nghiêm cũng chia sẻ về những khó khăn khác. Đó là hiện trạng thiếu tinh thần đoàn kết trong nội bộ Tăng Ni. Do các cơ sở tự viện phần nhiều được hình thành theo con đường “cải gia vi tự” nhằm phục vụ các nhu cầu  cúng kiếng - tín ngưỡng của người dân nên chư Tăng Ni phụ trách chủ yếu lo việc chùa chiền địa phương mà ít gắn bó, tham gia hội họp hay hưởng ứng các vận động của BTS. Còn một vấn đề nữa là trình độ thế học và Phật học của Tăng Ni địa phương khá yếu, không đồng đều.

Dù vậy, dưới sự dẫn dắt của BTS, Phật giáo tỉnh vẫn trụ vững cho đến ngày hôm nay sau khi trải qua 4 kỳ Đại hội và nay là Đại hội khóa V.

Những thành quả khiêm tốn

Khởi đầu bằng một nền tảng không thuận lợi như thế, qua 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ IV, đến nay Phật giáo Tây Ninh cũng đạt những thành tựu cơ bản dù có phần khiêm tốn so với các tỉnh lân cận khác.

Trước hết là công tác kiện toàn tổ chức các cấp Giáo hội. Căn cứ quy chế hoạt động của BTS và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV, BTS đã kiện toàn nhân sự trong Ban Thường trực và các phân ban chuyên ngành để đi vào hoạt động có nề nếp. Ngoài ra, để phát huy vai trò của Ni giới, BTS Tỉnh hội đã thành lập Phân ban Đặc trách Ni giới nằm trong Ban Tăng sự Tỉnh hội do Ni trưởng TN.Diệu Nghĩa làm Trưởng Phân ban.

Hệ thống Ban Đại diện PG các huyện, thị ngày càng được củng cố, tăng cường và bổ sung nhân sự có đạo hạnh, năng lực, lòng nhiệt tình giúp cho các Ban hoạt động đạt nhiều kết quả thiết thực. Đồng thời Thường trực BTS thường xuyên nhắc nhở, thăm hỏi Ban Đại diện và trụ trì các tự viện, trao đổi, xử lý các vấn đề quan trọng để giải quyết kịp thời.

Song song đó, Ban Thư ký Tỉnh hội đã làm tốt công tác tham mưu, giúp cho Ban Thường trực duyệt ký trên 600 văn bản các loại, giải quyết thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh. Thường trực BTS cũng liên lạc các cấp gắn kết, giúp đỡ tạo điều kiện BTS tổ chức các ngày lễ lớn thành công tốt đẹp như: Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, Đại lễ kỳ siêu tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, Đại giới đàn 2008, Đại giới đàn 2011 thành công viên mãn.

wwwT9 (5).JPG

Trụ sở Phật giáo Tây Ninh hiện vẫn rất đơn sơ - Ảnh: Bảo Thiên

Về Tăng sự, BTS đã quyết tâm tổ chức các khóa bồi dưỡng trụ trì và khóa an cư kiết hạ hàng năm. Mỗi khóa an cư có khoảng 120 chư Tăng Ni về tu học, chương trình tương đối sinh động gồm trích giảng kinh, luật, luận, giảng chuyên đề, học tập Hiến chương, lắng nghe một số vấn đề liên quan đến tôn giáo trong và ngoài nước. BTS cũng tiến hành bổ nhiệm trụ trì hơn 60% các tự viện, hỗ trợ công tác công nhận và xây mới 7 cơ sở tự viện.

Về giáo dục Tăng Ni, dù chưa thể mở trường Phật học nhưng Tỉnh hội đã khuyến khích và giới thiệu chư Tăng Ni trẻ cầu học các tỉnh bạn. Đến nay, đã có 31 Tăng Ni tốt nghiệp các cấp học trở về địa phương phục vụ. Những thành công khiêm tốn đó còn thể hiện ở các mặt khác như: từ thiện xã hội, nghi lễ, văn hóa, hướng dẫn Phật tử, v.v…

Tuy vậy, theo HT.Thích Thông Nghiêm, Phật giáo Tây Ninh vẫn còn nhiều điều phải cố gắng; chư Tăng Ni cần phải nỗ lực và đầu tư hơn nữa cho sự nghiệp chung thì mới có thể theo kịp đà phát triển chung của Phật giáo cả nước.

Tây Ninh là một tỉnh ở Đông Nam Bộ, phía Tây và Tây bắc giáp với Campuchia; phía Đông giáp với tỉnh Bình Dương và Bình Phước; phía Nam giáp TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Dân số gần 1,1 triệu người.

Phật giáo Tây Ninh hiện có 130 tự viện với 351 Tăng Ni, 3 đơn vị Gia đình Phật tử và 15 đạo tràng tu học các pháp môn khác nhau. Trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh hội đã tổ chức 2 Đại giới đàn với trên 1.500 giới tử thọ giới; bổ nhiệm trụ trì gần 200 cơ sở tự viện và xây dựng mới 7 cơ sở tự viện; tổ chức an cư kiết hạ hàng năm, Đại lễ cầu siêu tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên; thực hiện công tác từ thiện đạt trên 54 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày