Hơn 300 cổ vật Phật giáo gồm tranh chữ, tranh họa nhưng chủ yếu là các bức tượng với đủ các chất liệu: đồng, ngọc, đá, gỗ…liên quan đến đạo Phật được trưng bày tại bốn phòng lớn tạo điều kiện nhất cho đông đảo Tăng Ni Phật tử và nhân dân thưởng lãm.
Đông đảo khách thưởng lãm đã đến với triển lãm
Những cổ vật Phật giáo tại triển lãm đã gây một ấn tượng mạnh mẽ với người xem bởi sự tinh xảo trong nghệ thuật biểu hiện trên từng dường nét chạm khắc, trên từng nét vẽ của nghệ nhân xưa. Đặc biệt, tuổi đời các cổ vật Phật giáo cũng khiến người xem kinh ngạc. Những cổ vật nhiều tuổi nhất như tượng đầu Phật được cho là tạc từ một thiên thạch khoảng thể kỉ I – III, cách đây ngót ngét 2000 năm. Tuổi đời các cổ vật trải dài đến đầu thế kỉ 20 như chuông đồng thời Nguyễn nhưng phổ biến nhất vẫn là từ khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 13 như: Phật Kim Hoa bằng đồng vào thế kỷ 11 – 12, Phật bốn phương tám hướng bằng đồng thế kỉ 12-13…
Vô cùng thích thú với cuộc triển lãm cổ vật Phật giáo có giá trị cao về mặt tư liệu lịch sử cũng như mặt nghệ thuật, nhà nghiên cứu Lê Cường – Hội khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta phải khẳng định rằng triển lãm cổ vật Phật giáo hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội này thực sự là cuộc triển lãm nghìn năm có một. Mỗi một bức tượng được trưng bày tại đây đều dung chứa bên trong những triết lý sâu sắc của đạo Phật. Đặc biệt sự xuất hiện của rất nhiều cổ vật Phật giáo có nguồn gốc từ nước ngoài tại cuộc triển lãm tạo điều kiện cho chúng ta tiếp xúc và thưởng lãm một nền văn hóa Phật giáo rất xa và rất xưa.
Một điểm rất dễ nhận thấy là những cổ vật Phật giáo của Việt Nam chúng ta như: Ông Thiện thời nhà Lê, Phật Thích ca Mâu Ni, Phật tổ Niết bàn… rất thô mộc, giản dị nhưng vẫn cuốn hút bởi lẽ triết lý khi tạc, đúc tượng của chúng ta là trọng hồn và thần khí, rất ít chú tâm vào chi tiết bởi quan niệm Phật tại tâm rất dung dị. Tuy nhiên, hầu hết các cổ vật Phật giáo đều ít có sự khác biệt lớn về hình thức thể hiện bởi tất cả đều dung chứa bên trong mình chung một triết lý Phật giáo”.
Thưởng lãm vẻ đẹp của những cổ vật Phật giáo đặc sắc tại cuộc triển lãm, cụ Nguyễn Thị Bắc, Phật tử tại Hà Nội vô cùng xúc động: “Lần đầu tiên tôi được chiêm bái dung mạo các vị Phật gần đến như vậy. Mỗi vị một vẻ nhưng đều mang một nét khăc họa nào đó của cuộc sống trần thế. Ví như bức tượng Diêm vương Bồ Tát cầm quả cầu và lưỡi hái ý muốn răn đời đừng làm điều ác nếu không khi xuống địa phủ sẽ phải gặp ngài. Và ngài sẽ cắt đầu kẻ ác …”
Toàn bộ số cổ vật Phật giáo được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long đều thuộc sở hữu của vợ chồng nhà sưu tập Dương Phú Hiến và Phan Thị Loan. Nhà sưu tập Dương Phú Hiến chia sẻ về triển lãm cổ vật Phật giáo hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội: “Trong cuộc triển lãm này, tôi trưng bày hơn 300 cổ vật. Trong đó khoảng gần 200 cổ vật có nguồn gốc từ nước ngoài và hơn 100 cổ vật của người Việt”.
Vốn tốt nghiệp khoa lịch sử trường Đại học Tổng hợp cũ cùng với truyền thống sưu tập đồ cổ của gia đình, nhà sưu tập Dương Phú Hiến bắt đầu việc sưu tập những cổ vật cách đây hơn 40 năm. Nói về những cổ vật Phật giáo được trưng bày trong cuộc triển lãm tại Hoàng thành Thăng Long, ông cho biết có rất nhiều cổ vật đến với ông như một cái duyên. Nhiều cổ vật Phật giáo xuất xứ từ Trung Quốc khi ông mua tại các chợ biên giới vào khoảng những năm 70 -80 của thế kỷ trước đã bị sơn đen kín toàn bộ.
Ngày đó, nhiều khi mỗi cổ vật như vậy chỉ có giá khoảng vài ba chục cân gạo, cân sắn tem phiếu. Bởi lẽ những cổ vật Phật giáo như vậy đang bị cuộc Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc săn lùng. Và những người sơn đen tượng Phật đem bán qua biên giới cốt chỉ mong “cứu” được những pho tượng Phật – những tác phẩm nghệ thuật mang tầm giá trị nhân loại”.
Chia sẻ về bộ sưu tập cổ vật Phật giáo của mình trong triển lãm, nhà sưu tập Dương Phú Hiến cho biết: “ Tôi không bao giờ có ý tưởng bán đi những cổ vật này vì tôi nghĩ rằng mình sẽ còn phải giữ những tài sản quý giá này cho con cháu mai sau, cho đất nước mình và cho một Thăng Long – Hà Nội khi đã sắp sang tuổi thiên niên kỷ mới”.
Một đại biểu xem cổ vật chụp ảnh lưu niệm
Hai vi Ni nhìn cổ vật Rùa bằng đồng
Một góc trưng bày cổ vật
Một vị Tăng ở miền Nam ra đang đọc những hán tự ghi trên đại hồng chung
Nhà sưu tập Dương Phú Hiến (đội nón) đang giới thiệu với khác tham quan
Những pho tượng gỗ của Việt Nam
Chư tôn đức Tăng đang xem những cổ vật quý hiếm đang trưng bày
Pho tượng Phật Niết Bàn bằng đồng nặng 200kg thế kỷ 12-13 của người Việt.