Nhớ bữa cơm rau chùa Bảo Tích

GN - Cách đây hơn 16 năm, tôi có dịp ghé thăm ngôi chùa nhỏ, nằm khiêm tốn giữa làng quê còn nghèo nàn, con đường đất đỏ dẫn vào chùa trơn trợt, đặc quánh đất. Chùa Bảo Tích thuộc ấp 3, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Sư cô Thích nữ Như Minh trụ trì. Sư cô có gương mặt cương nghị, nước da rám nắng, đôi mắt tinh anh, hay cười.

H3.jpg
Chùa Bảo Tích ngày nay được xây dựng khang trang

Tôi cảm nhận Sư cô như một “chấm nhỏ” lẻ loi trong ngôi chùa nghèo, quạnh quẽ. Bữa cơm đãi khách đường xa ngày mưa ấy chỉ có rau tạp mọc ở vườn chùa, Sư cô hái vào luộc, chấm nước tương ăn với cơm nóng nhưng đối với tôi thì bữa cơm đạm bạc ấy rất ngon. Bởi ở đó chất chứa tấm lòng của Sư cô mến khách, luôn hoan hỷ và câu chuyện về cuộc dấn thân của Sư cô đã cuốn hút tôi.

Tốt nghiệp khóa III Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, từ một người nhiều năm sống ở đô thị, năm 2001, Sư cô được BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân công về trụ trì chùa Bảo Tích. Chùa nghèo, còn rất nhiều bộn bề phải lo toan. Ngôi chùa nhỏ mái tole, cột xiêu vẹo, một thân một mình Sư cô chống chọi với mưa nắng miền đất đỏ, xung quanh có những mái nhà còn thưa thớt, vắng lặng.

Đêm đêm, Sư cô tay chuông, tay mõ ê a tụng niệm một mình, có phen hết vía vì rắn rết “viếng” chùa. Rồi, cuộc sống khó nhọc cũng giúp Sư cô vững chãi hơn, chân cứng đá mềm. Để nuôi sống mình và trang trải việc ở chùa, Sư cô phải mày mò làm đủ thứ việc, từ cuốc đất trồng tiêu, trồng rau, làm nhang, làm nước rửa chén... để bán, Sư cô còn chú tâm hoằng pháp, tạo dựng niềm tin Phật pháp cho người dân.

Những cố gắng của Sư cô cốt sao duy trì niềm tín tâm nơi Phật tử, giữ được mạch nguồn tâm linh và duy trì ngôi Tam bảo cho người dân, đồng bào dân tộc còn nghèo xung quanh có điểm tựa. Điều Sư cô cầu nguyện mỗi đêm trước Tam bảo là làm sao xây dựng được ngôi chùa mới để bà con có nơi chốn trang nghiêm mỗi khi lễ lạt.

bt.jpg

Những cố gắng của Sư cô cốt sao duy trì niềm tín tâm nơi Phật tử

Như được có thêm sức mạnh tinh thần, Sư cô ra sức lao động, cần cù như một người nông dân thực thụ. Mỗi ngày qua là một sự cố gắng, Sư cô đào giếng tưới tiêu, trồng rau, làm kinh tế tự túc, xây dựng nhà chúng, nhà bếp, nhà khách, hàng rào, cổng chùa, làm đường… Bảo Tích có thêm thiện nam tín nữ đến giúp sức nên Sư cô đỡ phải cô quạnh.

Đến vùng đất này vào những ngày gần đây, tôi tưởng mình như đang trong một giấc mơ, chùa Bảo Tích ngày nào với 8 cây cột gỗ nhỏ liêu xiêu giờ thay áo mới hoàn toàn. Ngôi chùa khang trang, thanh tịnh, một lầu tọa lạc giữa khu vườn xanh mát với cổng tam quan, và nhiều công trình phụ khác kiên cố, thoáng đãng làm tôi vừa mừng vừa thương. Trong chừng ấy năm, Sư cô vừa hoằng pháp, làm từ thiện vừa xây dựng ngôi Tam bảo thành tựu như ước nguyện đêm đêm dưới chân Đức Phật.

Làm Phật sự ở vùng đất xa xôi này vốn không phải dễ, ở đây còn rất nhiều ngôi chùa khó khăn, đời sống Phật tử còn chật vật, vậy mà Sư cô đã làm được điều thật khó…  Tôi nhớ, dáng người hơi lam lũ của Sư cô trẻ với nước da ngăm đen và đôi mắt tinh anh ngày nào. Bữa cơm rau luộc trong buổi trưa trời mưa gió ở chùa ngày nào Sư cô đãi khách xa, như in trong tâm khảm tôi, hiện về.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày