Nhỏ là đẹp

GN - "Nhỏ là đẹp” (Small is beautiful) là tên một tác phẩm của nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh E.F. Schumacher, lấy cảm hứng từ cách nói của người thầy của ông - nhà kinh tế Leopold Kohr. Sách xuất bản lần đầu vào năm 1973.

The Times Literary Supplement bình chọn đây là tác phẩm thuộc 100 cuốn sách có ảnh hưởng sâu sắc đối với thế giới, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặt vấn đề con người là trọng tâm của mọi sự phát triển.

B1.jpg

Cuốn sách này được trích dẫn trong nhiều luận án tiến sĩ ở các đại học uy tín, về quan điểm kinh tế học Phật giáo, đó là giá trị thực sự của phát triển, hay nền văn minh, không phải chỉ là sự nhân lên dẫu với cấp số nào những thành tựu khoa học kỹ thuật và chỉ số tiêu thụ hàng hóa, mà tùy thuộc vào sự thanh lọc nhân cách của con người.

Mọi sự tiêu thụ, xét về phương diện chất lượng sống, chỉ là một phương tiện cho hạnh phúc. Do đó, mục đích cần phải đạt được là thu được hạnh phúc tối đa với tiêu thụ ít nhất. Càng ít công sức bỏ ra thì sẽ càng có nhiều thời gian và sức lực còn lại để sáng tạo nghệ thuật.

Trong khi đó, những quan niệm của kinh tế hiện đại, đã đi ngược lại, xem tiêu thụ là mục tiêu cuối cùng và duy nhất cho tất cả mọi hoạt động kinh tế, và dùng mọi phương thức để kích thích lòng tham của con người. Thực trạng này đang diễn ra nhiều nơi, trong đó có nước ta, làm đảo lộn lối sống, đánh tráo nội hàm các giá trị, tạo ra sự khủng hoảng xã hội mà báo chí đã phản ánh qua các câu chuyện bất hòa, bất hiếu, lấy vật chất mong đổi chác ân huệ, mê tín dị đoan, quảng bá một đường làm một nẻo, không trung thực, bệnh thành tích và danh hiệu, vì cái lợi trước mắt mà bất chấp cả thủ đoạn…, để lại những hậu quả làm xói mòn niềm tin, gia tăng sự vô cảm, hoài nghi - trở lực cho sự phát triển thực sự.

Thử nhìn cảnh hỗn loạn về giao thông ở TP.HCM những năm gần đây cũng ít nhiều cảm nhận con người đang mất đi sự kiên nhẫn, nhường nhịn. Tắc đường, ngoài các nguyên nhân về cơ sở hạ tầng đường sá không theo kịp với số lượng người dân di cư đến thành phố này làm việc, mưu sinh thì đôi khi còn bắt đầu từ những hành vi thiếu ý thức của người tham gia giao thông, lấn tuyến, leo lề, quay đầu không hợp lý, phóng nhanh vượt ẩu…

Ô nhiễm, xả rác bừa bãi, cả những nơi có gắn những biển báo “cấm đổ rác” to đùng, thắp và cắm hương cả những nơi có bảng lưu ý và nhắc nhở “không cắm hương ở đây”, sử dụng và “vô tư” thải các loại rác khó tiêu hủy, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống của chính mình cũng như muôn loài.

Xin đừng nói tới các khái niệm to tát, việc đề cao con người và các giá trị tốt đẹp một cách sáo rỗng, mà hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như ý thức về suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, hành vi nơi công cộng, giảm thiểu và không lạm dụng vật liệu để lại rác khó phân hủy có nguồn gốc từ nhựa…

Để tái tạo một môi trường sống đã bị ô nhiễm là một quá trình hết sức khó khăn. Kiến tạo một môi trường sống nhân văn, nghĩa tình lại khó khăn hơn, cần sự kiên nhẫn, cách làm phù hợp, kiên quyết hơn nữa trong hoàn cảnh hiện nay. Các tổ chức tôn giáo, trong đó có Phật giáo, chắc chắn phải có trách nhiệm dự phần tích cực.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày