Mỗi cơn mưa vào thời điểm khác nhau làm nên hương vị khác nhau - Ảnh minh họa
Ký ức về những cơn mưa trong tôi hiện về. Lúc còn nhỏ, bọn trẻ con chúng tôi rất thích mưa. Những ngày hè nóng bức, được một cơn mưa xối xả, cả bọn cởi hết áo quần chạy tung tăng ra đường đón mưa, sấm chớp mấy cũng không sợ. Mưa như chiếc roi, càng quất mạnh càng thích. Mưa như máng xối, càng ào ạt càng reo vang. Mưa thấm vào da thịt, vào từng tế bào mát rượi, sướng tê. Mưa như một ân huệ của trời dành cho tuổi thơ, bọn chúng tôi chạy theo cơn mưa thỏa thích. Mưa bay chéo qua lỗ tai, mưa tát vào mắt, mưa ngậm vành môi.
Mưa cào tóc rối, mưa níu trên lưng... Rồi cùng buộc áo ngang eo, leo lên lưng trâu chạy hồng hộc dưới mưa, miệng hát to bài đồng dao: “Lạy trời mưa xuống / Lấy nước tôi uống / Lấy ruộng tôi cày / Lấy bát cơm đầy / Lấy khúc cá to...”.
Mưa ngày xưa đối với chúng tôi là hình ảnh không thể nào phai. Vị mưa ngọt. Màu mưa trong vắt. Hạt mưa tròn. Sức mưa mạnh. Tiếng mưa lộp độp. Mưa tắm gội và làm bừng lên màu xanh của cỏ cây trong sáng. Hình ảnh chiếc nón nghiêng nghiêng, chiếc áo tơi đi mưa còn in đậm trong hồn tôi mỗi khi mưa về mong dáng mẹ bên hiên. Chiếc thuyền nan người thả lưới trên sông, mưa phủ mờ thấp thoáng. Trên cánh đồng, dáng cha đi sau bóng trâu cày dưới mưa mờ ảo. Tất cả như những thước phim, chiếu lại trên màn hình tâm tưởng của tôi.
Mưa ngày đó không buồn như câu hát. Sau cơn mưa nấm mối lại mọc nhiều, bọn chúng tôi xô nhau đi hái nấm, hết lượt này đến lượt khác. Bữa ăn nhà quê có bát canh nấm thơm ngon, là hạnh phúc nhất đời. Những ngày mưa rả rích, mẹ lại đúc bánh xèo. Những chiếc bánh xèo vàng ươm màu nghệ, nằm sắp lớp trên nong lá chuối mướt xanh. Ăn uống no nê lại rủ nhau đi tắm dưới mưa, đầu trần trùng trục. Vậy mà không hề cảm lạnh như trẻ con bây giờ. Cho nên mưa trong tôi, là những ngày nước ngập đi bắt cá lội qua mương. Mưa là những đêm cầm đèn soi ếch trên đồng. Mưa là nghe tiếng ễnh ương kêu ềnh uôm trong đêm vắng.
Những lúc học bài một mình, nằm nghe mưa nhỏ giọt trên mái tranh rơi xuống chum vại lõm tõm. Cái màu nước mưa vàng óng ấy, tôi đã uống ừng ực suốt một thời tuổi thơ. Thế mà chum nước xưa bây giờ đâu còn nữa, chiếc gáo dừa úp trên cọc tre ngày nào đã đi vào quên lãng. Bọn tôi lớn lên uống nước chai, nước máy vẫn không quên cái hương vị mộc mạc đã từng thấm trong khóe môi, trong gai lưỡi ký ức.
Sự thấm đẫm ấy như bài học đầu đời. Nước đem sự sống cho con người. Thiếu nước là thiếu tất cả. Không hiểu vì sao nước trên trời rơi xuống gọi là mưa, nhưng tiếng mưa đã ăn sâu từ thuở bập bẹ, đã trở thành thân thương, trìu mến. Cái vần “ư / a” dây dưa ấy chính là sữa mẹ, là sự cựa quậy của hạt mầm. Nó gợi lên niềm khao khát lớn mạnh, trôi chảy và dưỡng nuôi tươi tắn đến dường nào. Cho nên nói đến mưa là nhớ một thời ướt đẫm, sôi động và bay nhảy ngọt ngào. Nhất là mùa hè thôn quê, mưa bốc lên mùi rơm rạ, mùi phân trâu trộn lẫn với khói đồng; mùi cá nướng, mùi lũy tre, mùi bánh xèo, bánh đúc... làm nên hồn vía của mưa.
Nhiều khi nhớ nôn nao một cơn mưa chiều, mưa trưa, hay mưa sáng. Mỗi cơn mưa vào thời điểm khác nhau làm nên hương vị khác nhau, trong tâm hồn người làng quê. Mưa buổi sớm tạo cảm giác an lành, trong sáng. Mưa trưa tạo cảm giác nhàn nhã, thèm ăn. Mưa chiều luôn có cảm giác mong đợi, nhớ nhung... Tất cả là những khung ảnh thanh bình, lãng mạn được chụp bởi nỗi nhớ xa quê.
Quả thật, xa quê, xa luôn những hạt mưa quê kiểng, khiến ký ức mưa bừng dậy như một thứ men của nỗi nhớ, càng uống càng say, càng nhớ mưa tha thiết. Những đêm mưa nhớ nhà của cậu học trò nghèo không bút mực nào tả hết. Nằm nghe mưa mà nhớ cha cày sâu cuốc bẫm, nhớ mẹ vai gầy đội mưa cấy lúa, nhớ mái tranh dột ướt chỗ em nằm. Nhớ ấu thơ chạy sầm sập vơ vội chiếc áo mới mẹ giặt phơi trên cây sào, nhớ cơm trưa con cá kho tiêu, niêu mắm quẹt ngon tới tận bây giờ.
Tản văn Nguyễn Thánh Ngã