HỎI: Tôi là sinh viên đã quy y Tam bảo. Mỗi sáng tôi thường dậy sớm đến chùa công quả phụ quét dọn chánh điện, sau đó dự khóa lễ tụng kinh, lễ Phật cùng đạo tràng đã được hơn 3 năm rồi. Nhưng cả tháng nay tôi không còn đến chùa nữa. Bởi không hiểu sao khoảng từ 2 năm nay, khổ đau và phiền não cứ đến với tôi dồn dập không dứt, khiến tôi chẳng còn là người lạc quan, vui vẻ như trước kia. Tôi đã khóc và nguyện cầu Tam bảo rất nhiều lần, xin cứu độ những khổ não trong lòng con, những khổ não về tình cảm, học hành, gia đình v.v... nhưng chờ đợi mãi chẳng có chuyển biến gì, khiến tôi hoài nghi tất cả và không còn tâm trí mà đến chùa nữa. Có người nói với tôi là ráng chịu đựng đi, bỏ chùa thì uổng lắm, nghiệp đổ hết thì phúc sẽ đến, bỏ cuộc bây giờ là thua đó. Nhưng tôi không biết mình có còn chịu được hay không và tôi có nên kỳ vọng vào lời nói đó hay không nữa. Xin quý Báo cho tôi lời khuyên.
(NGUYỄN HUY, noerrobro@zing.vn)
ĐÁP:
Bạn Nguyễn Huy thân mến!
Đọc những dòng tâm sự của bạn, chúng tôi nhận thấy bạn có đức tin vào Tam bảo, có nỗ lực tu học, biết vun bồi cội phước nhưng tiếc là bạn hiểu chưa sâu về giáo pháp của Như Lai. Chính vì không hiểu hết hoặc hiểu chưa đúng Phật pháp nên khi bị chướng duyên dồn dập bạn đã sinh tâm thối thất.
Thực ra, cốt tủy của lời Phật dạy là “hãy nương tựa chính mình, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Như Lai chỉ là thầy dẫn đường”. Con đường thì Phật đã chỉ ra, đi theo hay không để được lợi lạc nhiều hay ít là ở mỗi Phật tử chúng ta. Phật không dạy hàng Phật tử chỉ biết cúi đầu cầu xin Ngài ban ơn, thậm chí Phật cũng khẳng định không hề ban phúc hay giáng họa cho ai cả. Trước khó khăn, nghịch cảnh, mỗi người hãy tự đứng lên trên nền tảng tỉnh thức, phát huy tuệ giác quán chiếu soi rọi hết thảy các sự duyên để kham nhẫn chấp nhận rồi cố gắng chuyển hóa nghiệp lực của mình.
Cuộc sống hiện tại của mỗi người, hạnh phúc hay khổ đau hoặc cả hai, phản ánh trung thực và rõ nét nhất nghiệp quả của chính người ấy. Nghiệp quả là hoa trái của nghiệp nhân mà chính mình đã tạo ra trong quá khứ gần và xa, đời này và những đời trước. Tất cả mọi người đều hiện đang “thừa tự” nghiệp của chính mình. Không ai vấy nghiệp cho mình mà cũng không ai có thể giải nghiệp cho mình, ngoại trừ chính mình. Vậy nên, Phật dạy phải tự chuyển nghiệp chứ không thể cầu xin ơn trên ban phát hồng ân cho mình.
Bạn đã biết nương tựa Tam bảo tu học, phước đức của bạn vẫn còn đó, không mất đi đâu hết. Nhưng chút phước đức mới tạo ra ấy không đủ sức mạnh để ảnh hưởng, chi phối lên dòng nghiệp quả đang độ chín muồi, đang lao vào đời sống của bạn. Vì vậy, hãy can đảm đón nhận mọi nghiệp quả dù khó khăn đến mấy cũng không sờn lòng. Trước chướng duyên nghịch cảnh, là người Phật tử chân chính, hãy cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho con thật nhiều nghị lực, vững tin để trả nghiệp; soi sáng cho con có tuệ giác thấy đó là nghiệp quả của mình để chấp nhận rồi tìm cách chuyển hóa. Đó mới chính là tinh thần cầu nguyện của Phật tử.
Do vậy, trước những khó khăn dồn dập, bạn đã cầu xin Tam bảo ban ơn, rồi “chờ đợi mãi chẳng có chuyển biến gì, khiến hoài nghi tất cả và không còn tâm trí mà đến chùa nữa” là bạn đã hiểu sai lời Phật dạy nên dẫn đến thối thất tâm Bồ-đề. Đức Phật luôn yêu thương và soi sáng cho bạn để bạn tự đứng dậy và bước đi. Ngài không cầm tay dắt bạn vượt lên khổ đau mà điều đó bạn phải tự làm lấy. Nghiệp nhân xấu thì mình trả quả ác, nghiệp nhân tốt thì mình hưởng phước lành, không có ai hay bất cứ thế lực siêu nhiên nào có thể can thiệp vào quá trình nhân quả của mình.
Nên khi sự cầu nguyện không được như ý, bạn không đi chùa nữa (không còn cơ hội vun bồi cội phước) là một sự thiệt thòi cho chính bạn. Giống như người bệnh mà quyết chối từ không ăn uống thuốc thang thì bệnh chỉ nặng thêm lên. Cũng vậy, với nghiệp cũ đang độ chín muồi thì bạn phải chấp nhận nó, không có gì có thể ngăn cản khi nghiệp quả đến gần. Nhưng với nghiệp mới thì bạn có thể chủ động hoàn toàn nếu bạn muốn. Và chính nghiệp mới này (phước đức tu học, làm việc thiện ngày nay) là nền tảng cho tương lai tươi đẹp của bạn. Nếu tu học và chuyển hóa tốt tạo năng lực nghiệp mới hùng hậu có thể làm lệch hướng dòng nghiệp cũ, chi phối lên nghiệp cũ và nhanh chóng tạo ra một kết quả tốt đẹp ngay trong hiện tại và tương lai gần.
Mặt khác, giả sử như trước những chướng duyên mà bạn cầu nguyện Tam bảo ban ơn, rồi được như nguyện tai qua nạn khỏi thì cũng không phải do nơi Tam bảo linh thiêng, có quyền năng ban phúc giáng họa cho bạn mà do trùng với thời điểm nghiệp quả xấu của bạn được chuyển hóa, nghiệp quả tốt phát huy công dụng mà thôi. Chư Phật và Bồ-tát không can thiệp giúp bạn hết khổ bằng quyền năng của các Ngài.
Vậy nên, bạn hãy hiểu đúng về sự cầu nguyện trong Phật giáo đồng thời trở lại sinh hoạt và tu tập với đạo tràng, kham nhẫn với nghiệp cũ chưa tốt, tinh tấn phát huy nghiệp mới hiền thiện. Nếu hiểu biết rồi siêng năng và bền bỉ tu tập theo Chánh pháp thì nhất định bạn sẽ vượt qua mọi chướng ngại và thiết lập an lành ngay trong hiện tại.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)