Nhủ lòng, tôi ơi!

Nhủ lòng, tôi ơi!

Buổi sáng hôm ấy, trời lất phất mưa dầm và những cơn gió mang không khí lạnh hiu hiu thổi! Tôi đang ngồi co ro ở nhà với bà nội, chợt thấy người anh con bà dì đạp xe về tìm tôi. Trong cái suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ (lúc ấy tôi mới lên 10 tuổi), tôi thoáng nghĩ vui vui “mình cũng oai đấy chứ!” vì được anh về thăm. Vừa bước vào nhà chưa kịp ngồi, anh bảo tôi xin phép bà nội đi với anh về quê mẹ! Tôi làm theo lời anh. Chúng tôi rời nhà nội ra đi. Anh dắt chiếc xe đạp cọc cạch ra tới đầu đường rồi bảo tôi ngồi lên yên sau và gồng mình lên để đạp xe. Đường quê bị mưa lâu ngày nên bị sình, lầy lội và bùn đất cứ bám dính vào bánh xe đạp. Chúng tôi cứ ì ạch, chậm chạp mà đi về phía trước một cách khó nhọc. Thế rồi chiếc xe đạp “cà tàng” cũng đưa chúng tôi ra khỏi cái làng quê nhỏ bé của tôi, hướng về quê mẹ. Quê mẹ ở đây chính là nơi mẹ đang sống với ba dượng tôi cùng hai cô con gái của mẹ. Như định mệnh đã an bài, tôi bắt đầu có linh cảm điều gì đó bất an đang ùa đến trong ý nghĩ. Tôi hỏi anh, có chuyện gì mà anh về đón em một cách vội vàng như vậy? Anh không trả lời mà bật tiếng khóc òa. Rồi trong tiếng tức tưởi, nghẹn ngào, anh nói: “Dì, dì, dì đã... mất rồi!”. Từ lúc đó hai anh em chúng tôi khóc sướt mướt suốt đoạn đường qua những làng quê mấy cây số đến tận nhà ba dượng, nơi đang quàn cỗ áo quan của mẹ tôi.

Vậy là, mẹ tôi đã chuyển kiếp nhân sinh về thế giới sắc không đúng vào ngày rằm tháng 11 năm ấy. Tôi hiểu thân phận mình bây giờ và mãi về sau, phải tự mò mẫm, tự đứng lên trên đôi chân non yếu của chính mình; bước chân tuy có chông chênh, chơi vơi và suy nghĩ còn thơ dại như chú chim non vỡ tổ... Nhủ lòng, tôi ơi! Hãy cố gắng vượt qua những thách thức, giông bão của cuộc đời đang chực chờ phía trước. Vâng! Tôi phải nỗ lực vượt lên số phận tự đứng dậy, hạnh phúc hay khổ đau là nơi chính tôi lo liệu. Trong cuộc bể dâu này tôi linh cảm ra điều thiêng liêng rằng mẹ hiền của tôi vẫn luôn luôn hiện hữu ở bên tôi! Người luôn che chở, nâng bước tôi đi qua những nẻo đường trần thế. Người đã cho tôi có một gia đình tương đối tươm tất đủ ăn, đủ mặc và hai người con một trai, một gái xinh xắn, ngoan ngoãn học hành giỏi và hiện nay đã có chút thành đạt. Hai con rất thương yêu, lo lắng và chăm sóc cho tôi. Nhất là những lúc trái gió trở trời, hai đứa cứ quấn quýt, chăm chút cho tôi, lúc thì đắp lại cho tôi cái chăn, lúc xoa bóp cho tôi tí dầu... Thế rồi, con gái tôi lấy chồng và theo chồng đi xa. Qua nửa vòng trái đất, nhưng con vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi tôi bằng tất cả tấm lòng nhớ thương sâu nặng. Còn cậu con trai thì đang ở bên tôi cũng luôn gần gũi quan tâm đến sức khỏe của ba. Ai cũng nói con trai không tình cảm, không sâu sắc, nhưng con tôi thì ngược lại; những lúc tôi chợt vui, chợt buồn cậu cũng nhận ra và dò hỏi như một sự đồng cảm, sẻ chia cùng tôi trong những niềm vui nỗi buồn ấy. Có những lúc có việc phải đi xa thì cậu luôn săm soi, coi lại hành lý của tôi, lúc thì bỏ thêm cho tôi chiếc áo gió, cái khăn quàng, chai dầu gió hoặc cây bút bi... Tất cả những tình cảm, nghĩa cử ấy của hai con tôi đó chỉ là những việc làm rất nhỏ nhưng thể hiện tính nhân văn cao đẹp (không hề đánh bóng) như luôn sưởi ấm cho tâm hồn tôi. Trong ý nghĩa đạo hiếu sâu xa, tôi trộm nghĩ: “Hai con đã thay vai trò của người mẹ hiền của tôi, để bù đắp cho tôi khoảng trống lớn lao của mất mát, chia lìa từ tuổi ấu thơ...”. Cuộc đời tôi tuy sớm gặm nhấm những bất hạnh: làm đứa trẻ mồ côi cha khi mới lọt lòng mẹ, đến mồ côi mẹ khi đến tuổi ấu thơ. Phải chăng tôi đã được thụ hưởng tố chất nhân quả, khi có được hai đứa con tận tâm hiếu thảo đến vậy? Đây chính là niềm an ủi, là gia tài hạnh phúc, nuôi lớn cuộc đời tôi (nhất là các con tôi đã hướng tâm quy y Tam bảo). Có thể nói là phước báo, là duyên lành cho tôi, và tôi tâm nguyện báo ân Tam bảo, ơn cha mẹ sinh thành, ơn cuộc đời, bằng những việc làm thiện lành.

Trong điều kiện khả năng có được, tôi đã và đang thực hiện theo hướng suy nghĩ này như một cách tự hoàn thiện đạo tâm giữa cuộc đời còn lắm nhiễu nhương. Với những bất cập đang nảy sinh và diễn ra trong xã hội hôm nay, như: suy đồi về đạo đức, lối sống, sự bất công, những cái xấu, cái ác đang phát sinh hàng ngày dưới nhiều dạng thức khác nhau… Thật sự đang là một bước thụt lùi, nguy hiểm đáng báo động! Nhủ lòng mình, làm việc thiện lành để hoàn thiện đạo tâm của mình và góp phần đẩy lùi những bất cập trong xã hội hôm nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày