Những dấu ấn phát triển của Phật giáo Bình Dương

GN - Với tinh thần thống nhất, hòa hợp, trong những năm qua, Phật giáo tỉnh Bình Dương từng bước ổn định và phát triển, mọi sinh hoạt Phật sự vận hành một cách hiệu quả, tạo nên những dấu ấn đặc biệt.

tthuethong3.JPG
Chùa Hội An - ngôi chùa được xây mới trong nhiệm kỳ VIII - Ảnh: Bảo Thiên

Tầm nhìn về nhân sự

Đại hội kỳ VIII (2012-2017) của BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương diễn ra trong bối cảnh vị giáo phẩm lãnh đạo đứng đầu Phật giáo tỉnh là HT.Thích Minh Thiện vừa viên tịch; chư Tăng Ni trong tỉnh còn khá trẻ, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành Phật sự; trong khi đó, Trung ương Giáo hội quyết định nâng tầm Ban Đại diện các cấp huyện thuộc các tỉnh thành một cấp Giáo hội với danh xưng BTS GHPGVN cấp huyện với nhu cầu về cơ cấu nhân sự hoàn thiện và chuẩn hóa.

Trong tình hình đó, Phật giáo tỉnh đã nghĩ đến công tác nhân sự chiến lược, biến những thách thức thành cơ hội trên cơ sở vận dụng nguồn lực con người sẵn có. Điều này thể hiện ở việc, sau khi tân Ban Trị sự gồm 52 thành viên do TT.Thích Huệ Thông đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự được suy cử, Phật giáo tỉnh đã cơ cấu lại thành phần nhân sự trong tổ chức, từ hệ thống văn phòng cho đến các ban, ngành trong BTS, ban hành tiêu chuẩn cho việc phân bổ nhân sự căn cứ vào trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm hạnh, tuổi tác, uy tín.

Hàng tháng, hàng quý, hàng nửa năm, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đều có  phiên họp với  Ban Trị sự các huyện, thị, phiên họp mở rộng với Tăng Ni trong tỉnh để có những đánh giá, điều chỉnh và định hướng hoạt động Phật sự được phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tiễn.

Trước thềm đại hội lần thứ IX (2017-2022), TT.Thích Huệ Thông, UV Thư ký HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương chia sẻ về tầm nhìn chiến lược và quy hoạch công tác nhân sự chuyên môn.

Theo đó, Thượng tọa cho biết: “Về nhân sự của Đại hội Phật giáo cấp tỉnh, chúng tôi phân định theo các thế hệ. Thứ nhất: Những vị niên cao lạp trưởng không còn độ tuổi để tiếp tục tham gia theo quy định của Giáo hội, sẽ được cung thỉnh vào hàng chứng minh và cố vấn. Tuy chưa có quy định cụ thể về chức năng vai trò của Ban Chứng minh cấp tỉnh, nhưng Phật giáo Bình Dương sẽ vận dụng theo hướng của Trung ương về chức năng, vai trò nhiệm vụ như Hội đồng Chứng minh. Đặc biệt, trong những Phật sự của Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự đều tham khảo ý kiến và lắng nghe sự góp ý chỉ đạo của chư tôn đức Ban Chứng minh.

Thứ hai: Những vị đương nhiệm có độ tuổi từ 50-70, đây là những vị đang lãnh đạo và điều hành Phật sự có chiều dài kinh nghiệm, những vị này sẽ có trách nhiệm đào tạo, dẫn dắt thế hệ kế thừa. Thứ ba: Thế hệ trẻ tham gia Ban Trị sự sẽ được bố trí vào các chức danh phù hợp để vừa phục vụ vừa học tập kinh nghiệm. Nói chung, nhân sự trong nhiệm kỳ này có định hướng quy hoạch và bố trí vai trò, nhiệm vụ đúng theo khả năng của từng cá nhân”.

TT.Thích Huệ Thông cho biết, nhờ có tầm nhìn về nhân sự mà trong 5 năm qua, các bộ phận văn phòng và Ban chuyên môn của Giáo hội tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, giúp cho Thường trực BTS ký trên 1.300 văn bản các loại, giải quyết một cách thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của Tăng, Ni, Phật tử trong tỉnh.

“Đặc biệt, với những hoạt động nhịp nhàng, gắn kết giữa Ban Trị sự tỉnh và lãnh đạo các cấp, nhiều hoạt động lớn như Đại lễ Phật đản - Vesak (năm 2014) tại vòng xoay 7 mẫu, trung tâm thành phố mới Bình Dương với sự tham dự trong ngày khai mạc trên 20 ngàn người được tổ chức thành công; 2 đại giới đàn lấy đạo hiệu của Thiền sư Minh Tịnh và Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh với sự tham dự thọ giới của hơn 1.600 giới tử; Hội thảo tập huấn Hoằng pháp viên dành cho các tỉnh phía Nam; các hội thảo khoa học về cụ Nguyễn Sinh Sắc, kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội diễn ra thông suốt và tạo tiếng vang”, TT.Thích Huệ Thông khẳng định.

Những điểm son

Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, với diện tích 2694,4 km2 và dân số toàn tỉnh có 1.691.400 người. Phật giáo toàn tỉnh hiện có 196 cơ sở tự viện với 721 Tăng Ni tu học (377 vị Tăng, 344 vị Ni); 169.000 tín đồ có quy y và 582.000 tín đồ có tín ngưỡng nhưng chưa quy y, chiếm tỷ lệ 1/3 dân số toàn tỉnh Bình Dương; 112 đạo tràng tu tập Bát quan trai, Niệm Phật, tụng chú, tụng kinh Địa Tạng, tụng kinh Pháp hoa; 6 đơn vị GĐPT với 301 huynh trưởng, đoàn sinh; 1 trung tâm văn hóa Phật giáo; 1 trường trung cấp Phật học, thực hiện Bản tin Hương Sen phát hành 1.500 bản/tháng; 2 trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và nhiều phòng khám từ thiện được duy trì khám chữa bệnh.

Nói về các thành tựu quan trọng trong công tác Phật sự của nhiệm kỳ VIII, TT.Thích Huệ Thông cho rằng nét son sáng nhất là sự đồng bộ về điều hành của các nhân sự được phân công, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành phụ trách và phát triển đồng đều giữa Phật giáo các huyện thị trong toàn tỉnh.

Theo đó, Thường trực BTS GHPGVN tỉnh luôn xem trọng vai trò của GHPGVN cấp huyện; đi kèm là việc chỉ đạo, đôn đốc và giúp đỡ tận tình nên công tác quản lý Tăng Ni, tự viện dần ổn định, phát triển đúng theo quy định của TƯGH. Đối với Phân ban Ni giới, Thường trực BTS luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện Phật sự nên Phân ban Ni giới tỉnh Bình Dương đã có rất nhiều công đức giúp cho BTS một cách đáng kể trong việc quản lý chư Ni tỉnh nhà, mạnh dạn tham gia và đăng cai các Phật sự lớn của Phân ban Ni giới Trung ương. Ngoài ra, Ban Trị sự cũng luôn xem trọng tinh thần trách nhiệm, tính tự chủ của các vị đứng đầu các ngành, các cơ sở tự viện.

Nhờ vậy mà mặc dù từ đầu nhiệm kỳ, Phật giáo toàn tỉnh chỉ có 173 cơ sở tự viện với 573 Tăng Ni tu học nhưng đã bổ nhiệm trụ trì cho 45 cơ sở tự viện, 1 Ban Hộ tự, 1 Ban Trụ trì, 1 Ban Quản trị tự viện trải đều trên các huyện, thị toàn tỉnh; đã trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết công nhận cho 20 cơ sở tự viện mới được thành lập, sinh hoạt trong lòng Giáo hội; đề nghị cấp chính quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở mới được thành lập. Đến nay, 196 cơ sở tự viện của Phật giáo Bình Dương đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nhiều cơ sở tự viện mới hình thành được xây dựng khang trang, tiện dụng, đáp ứng nhu cầu tu học của hàng Phật tử tại gia và sự đổi mới trong điều hành Phật sự mà điển hình là chùa Hội An, Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh. Đây là công trình tiêu biểu, mang tính lịch sử của Phật giáo tỉnh nằm trong một khuôn viên rộng thoáng của trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Chùa Hội An được xây dựng theo kiến trúc của những ngôi chùa Nam Bộ, lối trùng thiềm, bao gồm tiền điện, chánh điện, hậu tổ, giảng đường, Đông lang và Tây lang; hệ thống cây xanh tạo bóng mát. Riêng ngôi chánh điện có sự phá cách khi kết cấu gồm 1 trệt, 1 lầu xứng tầm vóc của thành phố mới Bình Dương. Còn Văn phòng BTS là tòa nhà 3 tầng có hội trường với 400 chỗ ngồi, phòng họp Ban Trị sự với 100 chỗ ngồi, phòng làm việc của các chức danh Thường trực BTS và 11 phòng chức năng của các ban, ngành trực thuộc. Tất cả đều trang bị phương tiện hiện đại cho công tác văn phòng. Tổng kinh phí xây dựng công trình lên đến 43,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo TT. Thích Huệ Thông, những điểm sáng cần kể đến của Phật giáo Bình Dương trong nhiệm kỳ qua là tổ chức thành công đại hội đại biểu Phật giáo các cấp huyện đúng theo quy trình hướng dẫn của TƯGH, việc này đã hoàn thành tốt đẹp trong 4 tháng đầu năm 2016; đào tạo thành công khóa II, III Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương với 400 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, hiện đang đào tạo khóa IV cho hơn 160 Tăng Ni sinh; thực hiện công tác từ thiện trong và ngoài tỉnh, với tổng trị giá cả nhiệm kỳ hơn 101 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhân sự Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 015 về quy định độ tuổi cũng như Thông tư 292 về việc hướng dẫn đại hội Phật giáo cấp huyện thị của HĐTS. Đến thời điểm này, đại hội Phật giáo các huyện, thị, tỉnh không có trường hợp vượt khỏi khung nhân sự về độ tuổi theo Thông tư Hội đồng Trị sự quy định.

tthuethong2.jpg

Bảo Thiên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng Ni chỉ chuyên tâm tu học và làm các Phật sự mà thôi - Ảnh minh họa

Chư Tăng có thể đi làm việc ngoài xã hội không?

GNO - Tôi thấy ở nước ngoài, các tu sĩ Phật giáo vẫn đi ra ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống và học hành. Vậy ở nước ta, các thầy có được phép ký hợp đồng lao động với các doanh nghiệp để làm việc không?

Thông tin hàng ngày