Những dấu ấn phát triển (*)

GN - Trong khoảng thời gian 30 năm hình thành và phát triển, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đã đào tạo cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam một đội ngũ trí thức có tu, có học trên 3.000 vị. 

>>> Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân Phật học khóa VIII

anh HV1.jpg

HT.Thích Trí Quảng trao bằng cử nhân Phật học cho các tân cử nhân Phật học

Phần lớn Tăng Ni sinh tốt nghiệp chương trình Phật học tại Học viện hiện đang tham gia vào tất cả các hoạt động của Giáo hội ở nhiều cấp khác nhau, trong đó có trưởng các ban, ngành, viện thuộc Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo của các tỉnh thành phố; đặc biệt, nhiều vị hiện đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong lãnh vực giáo dục, nghiên cứu, hoằng pháp, từ thiện xã hội… từ Trung ương đến địa phương.

Với số lượng hàng ngàn vị tốt nghiệp cấp cử nhân Phật học của Học viện hôm nay, Giáo hội trong cả nước lại có thêm một đội ngũ trí thức trẻ đầy lòng nhiệt huyết sẵn sàng gánh vác những công tác Phật sự mà quý tôn túc giao phó.

Điều đáng khích lệ hơn nữa là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cử phái đoàn đến khảo sát và đánh giá chất lượng giáo dục của bốn Học viện Phật giáo Việt Nam, Chính phủ đã chính thức cho phép Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đào tạo thử nghiệm chương trình thạc sĩ Phật học đến nay đã được gần 2 năm với số lượng nghiên cứu sinh là 120 vị.

Vào ngày 28 tháng 7 năm 2013 vừa qua, Hội đồng Điều hành của Học viện đã tổ chức tuyển sinh khóa X (2013-2017) với số lượng 800 thí sinh đăng ký thi tuyển và 550 vị đã trúng tuyển vào Học viện. Với số lượng Tăng Ni sinh viên như thế, quả thật Học viện hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của Tăng Ni sinh ngày càng nhiều.

Vào năm 2012, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã chính thức giao quyền sử dụng khu đất 23,8 mẫu tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho GHPGVN để kiến tạo ngôi đại học Phật giáo mang tầm quốc gia và quốc tế. Đến nay, mọi thủ tục giấy tờ liên quan đến giấy phép xây dựng ngôi Học viện mới này tạm hoàn tất và Hội đồng Điều hành Học viện đã tổ chức lễ động thổ xây dựng vào tháng 11 năm 2012. Tiến trình xây dựng đang được gấp rút tiến hành, dự kiến sẽ hoàn tất và đưa vào hoạt động khoa Phật học trên 5 mẫu đất bao gồm hai khu ký túc xá độc lập cho 1.600 Tăng Ni nội trú, một khu hành chánh cao 5 tầng và một khu học đường bao gồm 60 phòng học vào cuối năm 2015.

Có thể thấy rằng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đang từng bước hoàn thiện sự nghiệp giáo dục của mình từ hệ thống hạ tầng cơ sở, nhân sự, chương trình giảng dạy để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội và đất nước. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học kỹ thuật, điện toán, cuộc sống của con người trên thế giới mỗi ngày mỗi được nâng cao; sự hiểu biết của con người mỗi ngày mỗi đa dạng hơn, và tri thức của nhân loại đã có một bước tiến bộ đáng kể.

Những thành quả vừa nêu trên rõ ràng có nguồn gốc từ hệ thống giáo dục-đào tạo tiên tiến. Hướng phát triển của nền giáo dục này cũng đang khiến nhân loại lo lắng và sợ hãi vì những hệ lụy mà nó tạo ra, đó là sự mất cân bằng cuộc sống của cả con người cũng như thế giới thiên nhiên, sự biến mất của nhiều nền văn hóa tinh thần, đặc biệt là sự băng hoại nền tảng đạo đức luân lý.

Chúng tôi có niềm tin rằng với nguyên lý duyên sinh và vô ngã làm nền tảng, triết lý giáo dục của Phật giáo có thể là giải pháp để giải quyết những vấn nạn mà nhân loại đang đối mặt. Bởi lẽ, nhân tố chính của các cuộc khủng hoảng đều bắt nguồn từ sự mất hài hòa cân đối trong phát triển nền văn minh vật chất và văn hóa tinh thần. Nói khác đi, giáo dục được xây dựng trên nền tảng tư tưởng duyên sinh hay trung đạo của đạo Phật sẽ giúp con người tránh được các khuynh hướng cực đoan, vốn là nguyên nhân chính tạo nên khổ đau cho con người và thế giới.

Mục tiêu ra đời của Đức Phật là vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Vì thế, mọi nỗ lực của người con Phật đều hướng đến xây dựng những con người hoàn thiện để cùng chung tay góp sức hoàn thành sứ mạng mà Đức Phật đã vạch ra. Chỉ có như thế, chúng ta mới xứng đáng là những người thừa kế gia sản tinh thần vô giá này. Ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam, cụ thể là hệ thống Học viện Phật giáo Việt Nam, ước mong mọi người hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giáo dục Phật giáo mỗi ngày một hoàn thiện tốt đẹp hơn.

HT.Thích Trí Quảng
(*)
Lược trích từ phát biểu khai mạc tại Lễ tốt nghiệp và cấp phát
văn bằng cử nhân Phật học khóa VIII của Hòa thượng Viện trưởng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày