GN - Từ một thiền thất nhỏ bé nép mình trong một góc vườn vắng vẻ với mười mấy Phật tử, nay chùa đã trở nên to lớn, trang nghiêm, tọa lạc bên cạnh tỉnh lộ với hơn năm mươi Phật tử thường tới lui tu tập. Để có được sự thay đổi lớn lao đó, ngoài sự hộ trì của chư Phật, Bồ-tát, Long thần hộ pháp, là sự tinh tấn không ngừng nghỉ của Ni sư trụ trì và Phật tử chúng tôi suốt hơn hai mươi năm.
Nhớ những ngày đầu, đạo tràng quyết định dời thiền thất về nơi đây, đất còn đầy cỏ dại chen lẫn với những gốc mía bỏ hoang, mương dẫn nước xẻ ngang xẻ dọc, cảnh vật trông thấy mà ngao ngán lòng. Rồi những ngày nắng cháy gò lưng dọn cỏ, những buổi mưa bay lặn hụp dưới sông móc từng gàu bùn đổ vào đầy ghe đẩy về lấp đầy các mương nước. Những ngày tháo rời căn nhà cũ về để dựng lại, tạm thời làm chỗ tu học, sinh hoạt cho mọi người cùng những ngày lặn hụp bắc chiếc cầu qua con kênh nằm cắt ngang mặt chùa… Và rất nhiều việc khác nữa, Ni sư trụ trì và Phật tử chúng tôi phải thực hiện để có được ngôi chùa hoàn thiện như ngày hôm nay.
Ngày lễ khánh thành sắp đến, để chuẩn bị, mỗi người được phân công một việc, riêng tôi ngoài việc lo bố trí nơi hành lễ, phương tiện phát thanh, bục phát biểu… tôi còn được phân công lo phần hoa, cây cảnh. Nhận nhiệm vụ mà trong lòng tôi lo lắng nhiều vì đến ngày đó, chùa chỉ có vỏn vẹn hai cây bồ-đề nhỏ và hai chậu cau kiểng. Cái khó ló cái khôn, tôi vận động anh em Phật tử và bạn bè cho mượn hoa kiểng của họ, ai nấy cũng nhiệt tình ủng hộ. Thế là đến trước ngày lễ khánh thành, hoa kiểng đã rực rỡ hai bên đường vào, ai nấy đều tấm tắc khen đẹp, công phu.
Buổi lễ khánh thành tiến hành hết sức thuận lợi, hàng ngàn người về dự lễ, chư vị Tăng Ni từ các nơi đến, các bậc tôn túc phát biểu chỉ dạy, Phật tử chắp tay lắng nghe, khung cảnh thật trang nghiêm, thanh tịnh. Tôi nhìn Ni sư trụ trì hoan hỷ mà mừng, tám mươi tuổi đời mới thực hiện được tâm nguyện, cầu mong cô duy trì được sức khỏe tốt để tiếp tục dìu dắt chúng Phật tử của đạo tràng và mọi người phát tâm học Phật.
Xong lễ, những hoa kiểng mượn của ai chúng tôi mang trả lại cho người đó, có nhiều người nhiệt tình tự mang xe đến chở về, chỉ qua một ngày là xong. Nhìn sân chùa trở nên trống trải, tôi thầm nghĩ có lẽ phải phát động một phong trào hiến tặng hoa kiểng cho chùa bằng cách vận động huynh đệ Phật tử trong đạo tràng và những người hảo tâm bên ngoài. Muốn vận động thì mình phải làm gương trước đã, tôi thầm khấn nguyện sẽ tặng cho chùa một cặp chậu hoa sứ Thái Lan loại lớn, trước là mừng ngày Phật đản sắp đến, sau là mở đầu cho phong trào hiến tặng hoa kiểng. Tôi không hề nói với ai ý định của mình, kể cả Ni sư trụ trì, cứ để họ thấy việc mình làm, sẽ có người làm theo, đó là cách làm theo gương “người tốt, việc tốt”.
Đến giữa tháng Ba âm lịch, tôi đến tiệm chuyên đúc chậu xi-măng của đứa cháu đặt hai chậu kiểng to nhất, lại yêu cầu khắc nổi hai chữ Vạn đặt đối xứng trên thành mỗi chậu. Tôi bảo: Giá bao nhiêu cũng được, miễn bảo đảm chất lượng thôi.
Trong khi đứa cháu đúc chậu, tôi đến một cửa hàng bán hoa kiểng mua một cặp sứ Thái Lan có gốc to, hình dáng rất đẹp nhưng chưa có nụ hoa. Cô chủ cửa hàng khi biết chuyện tôi mua hoa tặng chùa liền bớt giá tiền, còn nói sẽ đến lễ bái và hứa tặng một cặp kiểng đẹp làm quà.
Đến ngày mười bốn tháng Tư âm lịch năm rồi, tôi định đem cặp chậu đến chùa để ngày sau mừng Phật đản, không ngờ hôm ấy mưa suốt từ trưa cho đến bốn giờ chiều, ngoài mưa to lại sấm sét liên tục. Thấy trời đã về chiều nên tôi bàn với đứa cháu dầm mưa đẩy xe chở chậu đi, dẫu biết đi như vậy về chắc bị cảm lạnh nhưng không thể chần chừ được nữa. (Lúc trước ở xã nhà cũng có xe ba-gác gắn máy chuyên lãnh chở đồ nặng nhưng sau này do không an toàn nên đã bị cấm lưu hành, còn xe phù hợp với quy định của pháp luật thì quá đắt nên không ai sắm, bây giờ mọi việc chuyên chở nặng phải đẩy bằng sức người). Lúc tôi và đứa cháu đang mặc áo mưa vào để chuẩn bị khiêng chậu lên xe đẩy, bỗng có một chiếc xe ba-gác lớn do Trung Quốc sản xuất ngừng trước cửa tiệm, người lái xe lúp xúp chạy vào trú mưa, một lát sau trời đã tạnh, ông ta bỗng nhìn cặp chậu rồi hỏi cháu tôi: Chậu này tính chuyển về đâu vậy?.
Cháu tôi trả lời là chở đến chùa cách đây khoảng bốn cây số. Người lái xe nói sẽ chở giùm, sau đó cùng chúng tôi khiêng cặp chậu lên xe. Cháu tôi lên ngồi trên xe vịn cặp chậu, tôi chạy xe gắn máy theo sau, đến chùa, người lái xe lại phụ khiêng cặp chậu đặt vào vị trí theo lời chỉ dẫn của Ni sư trụ trì, xong xuôi ông ta giã từ mọi người ra về. Tôi hỏi giá tiền để trả, ông ta chỉ cười, lắc đầu rồi nổ máy xe chạy đi.
Trên đường về, tôi hỏi đứa cháu có quen biết với người lái xe không, cháu trả lời không quen. Cháu tôi cười bảo: Có lẽ Phật sợ cậu bị cảm lạnh nên khiến người tới giúp. Tôi thấy cháu nói cũng có lý, bởi bản thân đã có nhiều lần khi gặp khó khăn trong công tác Phật sự đều vượt qua được nhờ sự giúp sức của những người không quen biết. Tôi thầm nghĩ Phật, Bồ-tát như một người cha hiền luôn dõi theo từng bước chân của con mình trong thế gian đầy gian nan, bất trắc này.
Ngày hôm sau là lễ mừng Phật đản, tôi lặng lẽ chở từng bao đất phân trộn sẵn ở nhà tới chùa đổ đầy vào hai chậu. Khi đạo tràng hòa giọng đọc bài kinh Bát-nhã là lúc tôi đặt cặp sứ Thái Lan vào chậu. Xong việc, do đầu cổ, mình mẩy đầy mồ hôi, đất cát nên tôi không vào chánh điện, chỉ đứng bên ngoài chắp tay hướng vào tôn tượng Phật Thích Ca mà khấn: “Hôm nay con cúng dường cặp chậu hoa này, trước là mừng ngày Phật đản sanh, sau là gầy dựng phong trào hiến tặng hoa kiểng cho đạo tràng. Con cầu mong Phật hiểu tấm lòng của con, hộ trì cho con trọn thành tâm nguyện”. Vừa khấn xong, lúc ấy trời đang quang mây tạnh bỗng nháng một tia chớp chói lòa kèm một tiếng sấm nổ chát chúa như chẻ đôi bầu trời, mưa bắt đầu rơi lất phất, tôi vội lên xe về nhà. Trên đường đi, chợt nhớ đến những chuyện cổ tích thần kỳ, tôi thầm ước phải chi trong vòng vài ngày mà hoa nở thì vui biết mấy. Ước xong tôi lại bật cười, đúng là gàn dở, ước gì kỳ cục quá, cây toàn lá lại mong mấy ngày hoa nở!
Loay hoay công việc nhà gần một tuần lễ, xong việc, chợt nhớ đến cặp hoa sứ đã cúng dường, tôi liền lên xe đi đến chùa xem sao. Khi đến nơi, tôi ngơ ngác không tin vào mắt mình, ngoài cặp sứ của tôi đã nở hoa rực rỡ còn có hơn hai chục chậu hoa khác cùng rộn ràng khoe sắc. Thì ra, những người khác cũng phát tâm tặng hoa kiểng cho chùa như tôi.
Tay nâng nhẹ những đóa hoa sứ đỏ thắm, lòng tôi rộn ràng một niềm vui, đúng là kỳ diệu, có lẽ Đức Phật Thích Ca đã thấu tâm thành của tôi nên hoa cúng dường đã nở sớm bất ngờ.
Dẫu biết rằng công phu tinh tấn, giới luật nghiêm mật, bố thí rộng khắp là những đóa hoa quý không gì sánh bằng để cúng dường chư Phật, nhưng những đóa hoa đời thường dâng cúng Đức Bổn sư trong ngày Phật đản sanh cũng quý vô cùng, vì nó biểu trưng cho tấm lòng biết ơn sâu xa của người con Phật đối với Ngài, bởi nhờ sự ra đời của Đức Phật Thích Ca mà nhân loại mới tìm được con đường giải thoát khỏi khổ đau, luân hồi sanh tử.
Mùa Phật đản năm nay đã về, chúng con xin thành kính gởi đến Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni những đóa hoa đẹp nhất để mừng ngày Phật xuống trần cứu độ chúng sanh.