Những đóng góp của Phật giáo trong vấn đề toàn cầu hóa

GN - Trong suốt hàng nghìn năm hiện diện, Phật giáo đã có những đóng góp nhất định cho xã hội về nhiều phương diện: Tham gia vào sự hình thành văn hóa, đạo đức, lối sống truyền thống của con người; làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và tạo nên sự phong phú đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, Phật giáo không sao tránh khỏi những tác động mạnh mẽ từ xu thế toàn cầu hóa và cơ chế thị trường. Để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực của mình, Phật giáo phải biết tự giữ gìn, bồi đắp và đổi mới cho phù hợp với thời đại nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “Đạo pháp - Dân tộc” theo tinh thần truyền thống “hộ quốc an dân”, phụng sự nhân sinh.

buddhist-string-theory-1024x620.jpg

Những năm gần đây, hầu như mọi quốc gia đều bị cuốn vào dòng xoáy của cơ chế toàn cầu hóa. Một số quan điểm cho rằng, toàn cầu hóa là con đường của tương lai, sẽ đem đến sự phồn vinh, thịnh vượng cho mọi người, mọi dân tộc và các quốc gia, dù cho dân tộc, quốc gia ấy ở điểm xuất phát thế nào, trình độ kinh tế ra sao. Một số khác lại cho rằng, toàn cầu hóa sẽ mang lại những nguy cơ và thách thức khó vượt qua. Từ sự suy thoái đạo đức, môi sinh đến hủy hoại các nền văn hóa bản địa; từ sự xuất hiện ngày càng nhiều những bệnh tật mới, các căn bệnh nan y ở người và động thực vật đến sự gia tăng tình trạng nghèo nàn, thất học, thất nghiệp cũng như sự xuống cấp của đạo đức và lối sống buông thả; từ sự bất an của các cá thể về vấn đề an sinh xã hội đến những nguy cơ tan vỡ trong các mối quan hệ gia đình, hạnh phúc hôn nhân khi đời sống vật chất ngày càng lên cao... Tuy vậy, toàn cầu hóa là một hiện tượng khách quan, một xu hướng khó cưỡng lại, có hai mặt: tích cực và tiêu cực, chứa đựng cả vận hội lẫn thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc trên mọi mặt. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bất kỳ dân tộc nào cũng không thể “đóng cửa” khép kín để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống riêng của mình, mà phải hội nhập với quốc tế, cho dù không ít thách thức. Nhiều học giả, các nhà văn hóa đang lưu tâm đến vấn đề tiếp nhận các nền văn hóa ngoại lai trong thời đại mở cửa. Văn hóa ngoại không phải là tiêu cực, tuy nhiên, hậu quả của sự thiếu chọn lọc trong việc tiếp nhận các luồng văn hóa mới trong thời hiện đại sẽ dễ tạo nên những lối sống thực dụng, khơi dậy những nhu cầu bản năng, lôi cuốn con người vào những lạc thú tầm thường, xem nhẹ đạo đức truyền thống, quay lưng với lịch sử dân tộc... đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào từng gia đình, làng xóm, xã hội thông qua những phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là giới trẻ.

Có thể nói, việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vì sự trường tồn của giống nòi và hưng thịnh của quốc gia trong bối cảnh thực tế, việc bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có vai trò và sự đóng góp của Phật giáo, là một vấn đề lớn mang tầm chiến lược. Tuy nhiên, không phải vì lo ngại trước những nguy cơ băng hoại văn hóa truyền thống mà có chủ trương cổ hủ hoặc hoài cổ đến mức không thay đổi cả những hủ tục nặng nề, phức tạp. Gìn giữ và bảo vệ không có nghĩa là có thái độ bảo thủ hoặc kỳ thị với văn hóa ngoại để dẫn đến khước từ cả những giá trị hiện đại, mà phải tự đổi mới. Trong đó, bản thân các tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng cũng phải tự điều chỉnh các hình thức sinh hoạt, truyền bá Chánh pháp để phù hợp với thời hiện đại. Nhưng cũng không thể dựa vào lý do tiếp thu tinh hoa văn hóa hiện đại mà thu nạp tất cả những hình thức văn hóa của những trào lưu kệch cỡm, thiếu nhân văn. Cần nhận thức giá trị của sự phát triển bền vững là mỗi bước tăng trưởng kinh tế đều phải dựa trên nền tảng giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức nhân bản và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Giáo sư Trần Văn Khê đã từng nhấn mạnh: “Toàn cầu hóa có thể đưa nhiều luồng văn hóa xâm nhập vào Việt Nam. Vấn đề là Phật giáo phải góp phần giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc, không bị lai tạp”.

Mọi tôn giáo chân chính đều có những cống hiến nhất định về phương diện văn hóa, đạo đức cho nhân loại. Phật giáo đã có những đóng góp trên các phương diện văn hóa, đạo đức, lối sống, góp phần hoàn thiện đạo đức cá nhân, lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, hình thành phong cách, lối sống phù hợp với truyền thống dân tộc. Những bản kinh, văn chương, thi kệ, những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật… của Phật giáo không chỉ thể hiện nền văn hóa tri thức, mà chứa đựng cả kho tàng giáo lý minh triết, nghệ thuật tinh tế của trí tuệ, tâm hồn, tình cảm và cốt cách đậm sắc dân tộc. Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản văn hóa của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngoài ý nghĩa giá trị đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, hướng dẫn tu tập, nhiều ngôi chùa đã trở thành những danh thắng nổi tiếng mang tầm vóc quốc tế để du khách trong và ngoài nước đến tham quan những công trình kiến trúc đặc sắc đáng tự hào của nước ta. Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu tâm hiện nay, ở một số ít ngôi chùa Phật giáo có xu hướng thế tục hóa, thương mại hóa, không giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có nơi cửa Phật, mà hoạt động xô bồ, thiếu quản lý. Điều cần khắc phục là đừng để cơ chế thị trường làm vẩn đục sự trang nghiêm ở những nơi văn hóa tâm linh chốn cửa thiền và giữ được vẻ mỹ quan tôn nghiêm, tĩnh lặng. Những giá trị văn hóa Phật giáo không chỉ tồn tại trong tư tưởng, mà còn đang hiện diện thông qua sự nỗ lực của hàng triệu tín đồ nhằm vươn tới một lẽ sống vì tổ quốc giàu mạnh, nhân sinh hạnh phúc.

Xu hướng chung của Phật giáo vừa mang tính thoát tục, vừa nêu cao tinh thần tích cực nhập thế. Giải thoát không phải trốn chạy, quay lưng với thực tại, mà còn thể hiện khuynh hướng đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, xây dựng một xã hội an hòa và bình đẳng. Phật giáo với tinh thần “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, góp phần vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước là vai trò, trách nhiệm và lý tưởng độ sanh của đạo Phật. Phật giáo không có quan niệm bi quan, lánh đời, xa lìa với cuộc sống thực tại để khép mình vào nơi ẩn dật tu hành, mà tùy duyên phương tiện, dấn thân vào đời để chuyển hóa khổ đau, mang lại bình an, phúc lạc cho đời. Sự giải thoát của đạo Phật (theo tư tưởng Đại thừa) không có nghĩa là thoát khỏi cảnh trần gian đau khổ này mà là “cư trần bất nhiễm”, sống và phụng sự cho lợi ích tha nhân mà không đắm nhiễm những hình thức tiêu cực, biết uyển chuyển, đồng hành theo đà phát triển của xu hướng toàn cầu để giải quyết các vấn nạn của xã hội, như một sợi chỉ luồn qua lỗ kim mà không bị vướng mắc.

Phật giáo Việt Nam vào thời Lý - Trần dựa trên tinh thần thực tiễn của hoàn cảnh dân tộc thời bấy giờ thường xuyên bị đe dọa xâm lược từ phương Bắc, đã hình thành dòng Thiền Trúc Lâm, quân bình giữa nhu cầu tâm linh và sự hưng thịnh của dân tộc. Hình ảnh một vị vua huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, toàn quân đồng lòng chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Những trang sử vẻ vang của triều đại Lý - Trần sở dĩ có được như thế là do sự lãnh đạo anh minh và tài đức của các vị quân vương đã áp dụng thành công tư tưởng giáo lý đạo Phật vào công cuộc trị quốc an dân, với quan điểm gần gũi, hòa ái trong việc thu phục nhân tâm quần chúng, dung hợp giữa nền chính trị quốc gia với tinh thần giải thoát vô ngại của Phật giáo, tạo ra sự tương tác, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững trên cả hai phương diện đời sống vật chất và tinh thần. Các vị vua Trần, sáng bàn luận việc nước chống quân xâm lược, trưa đích thân xông pha trận mạc trên yên ngựa, tối về nghiên cứu kinh điển tu hành. Khi việc nước đã yên, các ngài từ bỏ ngai vàng xuất gia hành đạo, truyền bá Chánh pháp cho nhân dân. Chủ trương của Phật giáo đời Trần là đào tạo những mẫu người được giáo dục toàn diện với tinh thần Bồ-tát đạo, dấn thân vào đời, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, khi cần chiến đấu thì quyết tử hy sinh vì tổ quốc non sông, khi đất nước thanh bình thì trở về với cuộc sống tu hành thoát tục, mới có thể đáp ứng được những nhu cầu lịch sử đặt ra.

Trong cơ chế thị trường, tính ích kỷ trong con người dễ có cơ hội nảy sinh và phát triển, những dục vọng và đam mê đồng tiền, sùng bái vật chất, bất chấp cả tình nghĩa, bỏ qua đạo hạnh, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của người khác đang có cơ trỗi dậy. Trước hiện trạng ấy, Phật giáo với học thuyết căn bản về nhân quả, nghiệp báo luân hồi, vô thường, duyên sinh vô ngã... đã có tác dụng đáng kể trong việc giáo dục đạo đức xã hội toàn cầu, kiềm chế những hành vi thái quá, cực đoan, phi nhân tính, phản văn hóa ở con người.

Phật giáo có một hệ thống các quan điểm tư tưởng đạo đức khá hoàn thiện nhằm xây dựng mẫu người lý tưởng. Nhờ vậy, khi thực hành, tín đồ Phật giáo có thể điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với chân thiện mỹ. Giáo dục mọi người biết tin nhân quả, không mê tín dị đoan, không tin vào một thần linh nào đó sắp đặt cho số phận mình, tất cả đều ở ngay những suy nghĩ, việc làm và lời nói của bản thân. Thấm nhuần tinh thần đó, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy tự tin, dám hy sinh, phụng sự vì lợi ích chung cho cộng đồng, hăng say lao động và sáng tạo, xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh theo đà phát triển và hội nhập toàn cầu.

Những khát vọng theo xu hướng thế tục hóa về sức khỏe, bình an, tài lộc, giàu sang, thành đạt... thông qua sự cầu cúng, nhờ cậy ở các đấng thần linh ban phước theo những hình thức mê tín dị đoan đã làm cho triết lý giải thoát của đạo Phật trở nên sai lệch, biến tướng và thực dụng. Các hình thức này vô hình trung biến Phật giáo thành nơi chủ trương vào thái độ trông chờ, ỷ lại, cầu khẩn nhiều hơn là khuyến khích tinh thần trách nhiệm, tự lực vươn lên thay đổi cuộc sống và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân theo triết lý nhà Phật. Cần có những nhà hoằng pháp chân chính, mẫu mực, đủ tài đức để truyền bá Phật pháp và hướng dẫn tín đồ thực hành theo chánh kiến, chánh tín, tu tập thiện pháp, chuyển hóa thân tâm, mang lại hạnh phúc an lạc đích thực cho mình và mọi người.

Trước xu hướng toàn cầu hóa, Phật giáo cần biết tự điều chỉnh để thích ứng với nhân loại và xã hội thời hiện đại. Muốn vậy, Phật giáo cũng phải đồng hành cùng đất nước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển để phù hợp với bối cảnh lịch sử của thời đại, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa, đạo đức truyền thống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày