Sinh ra ở Sài Gòn, cậu bé Trần Thế Phong đã sớm rời vòng tay yêu thương của cha mẹ để bước vào đời, tự thân mưu sinh khi mới vừa lên 6 tuổi. Những trải nghiệm trong cuộc sống đường phố đã giúp Thế Phong có cái nhìn đồng cảm sâu xa với những người có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên bằng sự lao động chân chính, vượt khỏi những cám dỗ, vướng vào sự nhiễu nhương của bụi đời. Trần Thế Phong kết duyên với nhiếp ảnh trong sự hữu duyên vô tận. Những buổi chiều lang thang ở trên ngõ ngách Sài Gòn, Hà Nội, lang thang trên đường đê ở khắp nẻo quê, những đêm dài nương náu trong chốn thiền môn… để rồi trong suốt thời gian hòa cùng cuộc sống, anh lại luôn tìm lại những "khoảng lặng" làm hành trang để bước vào đời. Nhiếp ảnh đến với Thế Phong cũng thật tình cờ, mà theo anh đó là một "duyên nghiệp". Anh cũng chẳng nhớ mình bắt đầu "cầm máy" từ khi nào, mãi cho đến tháng 5 năm 2005, anh chính thức ra mắt công chúng cuộc triển lãm nhiếp ảnh cá nhân: Bão Chanchu và tiếp đó là các cuộc triển lãm: Những nẻo đường tuổi thơ (tháng 6 năm 2008), Nghệ sĩ đường phố (tháng 9-2010). Và nay, "Gánh", triển lãm ảnh cá nhân (diễn ra từ ngày 19-2 đến 25-2-2011 tại 92 Lê Thánh Tôn, TP.HCM) dưới sự tài trợ của Tập đoàn Tân Hoàng Thắng. 108 bức ảnh trưng bày tại phòng triển lãm, ghi lại nhiều khoảnh khắc đích thực, tự nhiên, đôn hậu, mộc mạc, giản dị, nhiều biểu cảm trên từng con người đang gánh cuộc đời không chỉ trên đôi vai mờ còn hằn trong ánh mắt tư lự, đăm chiêu, trên đôi môi, lúc rạng rỡ, khi âu lo… "Lúc mới vào nghề, tôi đã chụp nhiều hình ảnh về "Gánh". Đó là những bức ảnh chụp có tính ngẫu nhiên. Mãi đến hai năm gần đây, tôi mới tập trung chú ý và suy nghĩ nhiều về những hình ảnh "Gánh" quen thuộc trong cuộc sống đời thường" – Trần Thế Phong cho biết. Hầu hết, các bức ảnh trưng bày tại triển lãm của Thế Phong là "Gánh". Hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trên đường mưu sinh với đôi quang gánh: gạo, muối, hoa, quả, hủ tiếu, bún bò… hay những em bé gái gánh nước ở vùng khô hạn đã lần lượt được anh ghi lại bằng cảm xúc của người trở về từ những ký ức xa xôi được thai nghén tự bao giờ. Mỗi bức ảnh là mỗi câu chuyện được Thế Phong biểu đạt bằng tất cả niềm đam mê, trong sáng. "Cái đẹp nằm trong đời thường và nó mang hơi thở cuộc sống xã hội đương đại. Chính vì vậy, tôi chụp những bức ảnh nghệ thuật đậm tính báo chí hơn là những bức ảnh nghệ thuật thiên về trừu tượng. Những người lao động nghèo, cuộc sống của họ thật thầm lặng, nhọc nhằn, ít ai quan tâm nhưng nó có nét đẹp riêng khi… lên ảnh" – anh chia sẻ. Thật vậy, Thế Phong đã gánh thêm "nợ" với nghề, chồng chất thêm trên vai sứ mệnh của người cầm máy, chất chứa thêm tấm lòng với đời, với góc riêng của mỗi thân phận. 108 bức ảnh trưng bày tại phòng triển lãm như thể là một cuộc hành trình của "Gánh". "Trước đây tôi cũng có chút suy nghĩ về "Gánh" khi soi rọi qua các loại hình nghệ thuật khác. Tôi nghĩ đề tài "Gánh" thật độc đáo và hình ảnh "Gánh" rất phong phú trong văn chương, nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Du nhắc đến gánh trong "Văn chiêu hồn": Lại có kẻ đi về buôn bán; Đòn gánh tre chèn dắn đôi vai. Rồi, câu ca dao quen thuộc liên quan đến gánh: Con cò lặn lội bờ sông. Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non… Còn rất nhiều bài thơ, ca dao, bức ảnh, bức tranh, tượng điêu khắc về hình ảnh gánh lúa, gánh sen trong khung cảnh thanh bình; gánh gạo, gánh đạn trong thời chiến tranh; gánh cá, gánh muối, gánh đá, gánh gạch rất nhọc nhằn trong cuộc sống lao động hiện tại v.v… Nhưng, so sánh, tôi cảm nhận được những bức ảnh của mình cũng khác với nhiều hình ảnh đã được văn chương, nghệ thuật mô tả. Hình ảnh đôi quang gánh oằn trên vai người mẹ với chiếc nón lá, đôi dép mòn đi trong nắng, trong mưa, xét về mặt nào đó đã là nét đặc trưng trong văn hóa qua những đường quê, đường phố Việt Nam… Đó là một quá trình suy nghiệm của một người làm nghệ thuật." – Thế Phong tâm sự. Có thể nói, những bức ảnh trưng bày tại phòng triển lãm của Trần Thế Phong rất có hồn. Những bức ảnh vừa có cái đẹp hữu hình vừa chất chứa một ngôn ngữ không lời sâu sắc. Anh gửi vào ảnh tất cả những suy nghiệm và sự xúc cảm của mình, thể hiện bằng sự im lặng dịu dàng; đem đến cho người xem một sự xúc cảm và niềm sẻ chia mãnh liệt. Những bức ảnh như: Theo mẹ, Chiều về, Lặng lẽ đời mẹ, Mưu sinh, Trên con đường đê, Động lòng tiếng rao, Bóng gánh, Gồng gánh… đều cho thấy một hình thức nghệ thuật độc đáo mà hết sức đời thường, nhưng đôi khi ta lại bỏ qua và không chú ý đến. Có lẽ vì tính giản dị đó đã làm nên một Trần Thế Phong như ngày nay. Trước những hình ảnh mẹ quê với gánh trầu ngay chợ Bà Điểm (Sài Gòn), người xem cảm giác như có ai đó cố níu kéo dòng thời gian đang trôi; hoặc rất xúc động khi xem bức mẹ già với những nếp nhăn "lo bảy, lo ba" bên gánh tàu hũ ở phố cổ Hội An hay bức cận cảnh đòn gánh oằn vai người mẹ buổi chợ chiều nhưng ánh mắt đầy yêu thương, tự hào đã nuôi con thi đậu vào đại học… mà theo Thế Phong: "Những hình ảnh người mẹ, người chị tất tả với gánh rau, gánh khoai, gánh chè giữa chợ đời, cứ làm tôi khắc khoải!". Nhà báo Nguyễn Trọng Chức không khỏi chạnh lòng khi xem những bức ảnh "Gánh" của Thế Phong: "Phong đã khiến tôi thật sự xúc động. Nhớ thật nhiều hình ảnh mẹ tôi với đôi gánh thuở nào. Càng ngắm càng thấy lòng đau cùng với nỗi đau mưu sinh của những thân phận nghèo nàn, lam lũ. Bất chợt tôi tự nhủ: phải chăng giữa dòng sống tấp nập bộn bề, tôi vô tình bỏ qua những hình ảnh đời thường như thế!". Trần Thế Phong, sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Anh là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, đã đoạt nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí: Bão Chanchu, giải I Báo chí TPHCM, giải Xuất sắc quốc gia Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, giải Báo chí quốc gia Hội Nhà báo Việt Nam; Mưu sinh, giải Báo chí TPHCM, Huy chương vàng Asahi Shimbun, Nhật; Thích thú, Hồn nhiên, HCV Hasselblad, Áo… Rong ruổi trên khắp nẻo đường, đồng hành cùng những người cùng khổ, càng lúc Thế Phong đã dần thẩm thấu cuộc đời. Và, anh muốn chia sẻ những gì mình đã và đang có được đến những mảnh đời cơ cực, bất hạnh giống như anh từ thuở nào. Sự chia sẻ ấy đã được thể hiện ngay trong ngày khai mạc triển lãm "Gánh", với hơn 80 suất học bổng cho trẻ em nghèo các tỉnh Đồng Tháp, Long An và huyện Cần Giờ. Mỗi suất trị giá gần 1 triệu đồng. "Qua mỗi lần cuộc triển lãm ảnh, tôi rất cảm ơn các nhà mạnh thường quân đã dành cho sự hỗ trợ lớn. Bởi, thật hữu ích khi từ những bức ảnh nghệ thuật của mình đã mang lại những suất học bổng cho trẻ em nghèo, hiếu học, mang lại chút ấm áp cho các cụ già ở nhà dưỡng lão. Dự kiến, trong năm 2011, tôi sẽ xuất bản tập sách ảnh về "Gánh". Quyển sách do Tập đoàn Tân Hoàng Thắng tài trợ nhằm gây quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo học giỏi" - Trần Thế Phong cho biết thêm.