1 giờ trưa, ngày 1-4-2001, loáng thoáng tiếng ai qua điện thoại cho hay: Trịnh Công Sơn đã đi rồi! Ngày cả thế giới được nói dối, ngày người ta tặng cho nhau những lời lừa dối ngọt ngào. Nhưng sự ra đi vĩnh viễn này là có thật, lại là một sự thật quặn lòng.
Như Sơn đã từng bảo với tôi: “Những lúc nhàn rỗi, có một con đường tôi thường đi qua. Con đường ấy nối từ tâm hồn tôi đến tâm hồn khách - bạn. Ở đó không hề có dấu vết của lòng đố kỵ hay của một nỗi căm giận tình cờ nào cả”. Có một con đường Duy Tân nối từ nhà Sơn đến nhà cũ của tôi, không xa mấy. Cũng có một con đường thật gần trong những lần chọc phá nhau qua điện thoại trước những chuyến đi xa. Cái giọng Huế hiền lành nhưng đôi khi nghe thật khó, Sơn chậm rãi theo phong cách của các mệ cung đình: “Răng mà hắn còn có thì giờ rảnh để nghĩ ra được việc ác, rồi làm ác nữa hè!”.
Và trên “Lối đi không phù phép ấy, đã sớm nở ra những đọt chồi yên tĩnh và thường khi, trong những giây phút hiếm hoi của một thứ hạnh phúc đầy an lạc, chúng tôi đã lãng quên mình… đã mở ra một làn sóng vô biên, lặng lẽ nhưng đầy uy lực cuốn đi hết những cơn thịnh nộ của số phận, những phù phiếm của tiếng tăm. Có ai thử đặt bàn chân trên lối đi này và cất lên tiếng hát để mang những đắng cay còn lại ra khỏi lòng mình?”.
![]() |
Bạch Tuyết - Ký họa của Trịnh Công Sơn (1990) |
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi? Để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Câu nói của Sơn đặt ra hôm nào, nay đã có câu trả lời. Hạt bụi hóa kiếp nhưng không phải để trở về làm cát bụi, đất đá vô tri. Cuộc rong chơi của hạt bụi mang dấu ấn Trịnh Công Sơn qua âm thanh, ngôn ngữ, màu sắc… Những hạt bụi vô tri trong mắt người đời nhưng không hề vô cảm trong cuộc rong chơi của chàng Trịnh. Những câu chuyện triết lý muôn đời, những bài học nhân sinh bất tận đã đi vào âm nhạc Trịnh Công Sơn, vừa nguyên trinh vừa thăm thẳm. Không biết anh vận triết lý vào những sáng tác của mình hay chính những nốt nhạc của anh cứ triền miên chảy vào trong kho tàng này của sự sống.
Trong tôi, Sơn là một vị thiện hạnh. Âm thanh này, sắc màu này, ngôn ngữ này là của chung nhân loại nhưng qua tâm hồn và tài hoa của hạt bụi Trịnh Công Sơn đã tỏa ngời sự trong sáng, thanh bình, hiền hòa thánh thiện. “Hát cũng là một cách biết đùa vui với đời. Ngẫm cho cùng đời đã sắm ra đủ loại trò chơi cho con người. Kẻ biết chơi thì ở đâu cũng thấy trò chơi. Chỉ ngậm ngùi cho những ai không thấy được cuộc đời chỉ là những trò chơi lớn nhỏ”.
Tình cờ, một buổi sáng, thức dậy, tôi gặp Sơn trong hồn mình chợt vá khâu. Chiều đến, đêm qua, anh lại đến trong nỗi im lặng của ngày, im lặng của đời, im lặng của người. Người nghệ sĩ bao năm mang tiếng hát cho đời nay một phút được trú ẩn dưới vòm cây này, tôi xin được tạ ơn anh, đã cho tôi với tay níu những vì sao từ trời, còn những ngày ngồi mơ ước cùng người… Ngay cả khi, cảm giác sự mất mát về cái hiện diện của Sơn lớn lao lắm, cũng không đánh tan nỗi cảm nhận về một sự hiện hữu mà Sơn đã tạc vào lòng người, vào cõi nhân sinh. Và tôi lại tin, Sơn đang đùa với tôi, với mọi người đấy thôi nhưng có bao giờ anh thích nói dối ai đâu nhỉ?! Sơn mệt và anh đã nằm xuống nghĩ thân đau muốn nằm, và mệt quá đôi chân này nhưng để nghe ra im lặng thở dài… Sau cơn bão qua, im lặng mặt người qua bao nỗi đau trên một bàn tay… Tôi đang lắng nghe im lặng đời mình.
Người có được hạnh phúc chân thật, tự tại là người đã từng biết lắng nghe trong im lặng đời mình đã đi qua những cơn giông bão của đất trời, Sơn ơi!
Huế có thể đã trở nên chật chội với một cuộc đời Trịnh Công Sơn. Nhưng cũng chỉ sông Hương, núi Ngự mới đo hết tâm hồn nông sâu của một người con xứ Huế, như Sơn. Âm thanh, sắc màu hay những gì đã đi qua thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn sẽ mãi mãi thuộc về anh, về những con đường phượng bay mờ không lối vào…về cái vòm cây thân thuộc nơi quê nhà mà anh đã một lần cất tiếng gọi: Nơi nào có bình yên…Xin ngủ dưới vòm cây… “Trên tất cả những hình hài đó, luôn có một cái gì mong manh, hư ảo nhưng vẫn hiện hữu tuyệt vời… bằng cái nhìn thế giới, và nhìn chính chúng ta cùng mọi sự vật với lòng yêu thương và kính trọng” (Hermann Hess).