Những hành trình chia sẻ

GN - Chúng tôi lại được dịp tháp tùng với nhóm Phật tử đến từ “xứ sở chuột túi” (Úc) đi thiện nguyện tại Việt Nam và ghi nhận sự chia sẻ đầy yêu thương...

Với phương châm “Lời nói trong hành động”, nhóm từ thiện do Phật tử Nguyên Mỹ kết hợp với Ban Từ thiện thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, TP.HCM đến thăm Mái ấm Mây Ngàn (trực thuộc chùa Cẩm Phong, ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) để tặng quà. Có thể nói, đây là cơ sở từ thiện duy nhất và lớn nhất (4ha) của Phật giáo tỉnh Tây Ninh được xây dựng do các nhà hảo tâm hiến tặng.

Công trình có ba dãy nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh và bên cạnh đó là khu nhà 3 tầng đang trong quá trình hoàn thiện với tổng diện tích 1.684m2, trong đó có một giảng đường thờ Đức Bổn Sư, còn lại là những phòng ở và một số công trình phục vụ sinh hoạt chung. Mái ấm Mây Ngàn có ưu điểm là nằm sát Tỉnh lộ 22 về hướng Đông nam và giáp biên giới Tây Ninh - Campuchia, thuận tiện cho việc đi lại.

H1 - Hanh trinh se chia.jpg

Các cháu cô nhi được giáo dưỡng tại Mái ấm Mây Ngàn

Đến đây, chúng tôi được gặp lại 140 cụ ông, cụ bà là những người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn và 78 cháu mồ côi hoặc hoàn cảnh gia đình túng thiếu (từ 1 đến 18 tuổi) đang được mái ấm chăm sóc, nuôi dưỡng. Những phần quà chúng tôi trao tặng các cụ và các cháu là sữa, mì gói, bánh kẹo, trái cây và tiền mặt với tổng trị giá 60 triệu đồng.

Tại đây, tôi có dịp trò chuyện với em Lê Minh Châu. Châu tâm sự: “Con quê ở tỉnh Thanh Hóa, do hoàn cảnh nhà nghèo không đủ điều kiện để nuôi con, ba con nghe nói có mái ấm như thế nuôi dưỡng những người có hoàn cảnh khó khăn. Thế là, ba con và con đã lặn lội vượt hơn một ngàn cây số tìm đến đây. Ba gửi con vào mái ấm này như một cách nương nhờ cửa Phật...”. Quả thật, nhờ vậy mà hiện nay Châu đang theo học lớp 11, Trường Ngô Gia Tự, huyện Gò Dầu.

Châu nói tiếp: “Nếu con ở nhà với ba mẹ chắc chắn con phải thất học, vì hoàn cảnh gia đình con quá ngặt nghèo, khốn khó. Nhờ đến với mái ấm mà con và 78 bạn ở đây đều được đi học”.

Theo TT.Thích Định Tánh, trụ trì chùa Cẩm Phong, các cháu ở Mái ấm Mây Ngàn đều được đi học, học theo độ tuổi và trường lớp phù hợp. Những cháu nhỏ có xe của mái ấm đưa đón, còn những cháu lớn tuổi hơn như Minh Châu thì được mái ấm sắm cho xe điện để tự đi đến trường. Mọi hoạt động của mái ấm đúng pháp quy thiền môn, các em đều xuống tóc để chỏm và mặc đồng phục nâu sồng như các chú tiểu đang hành điệu ở chùa, nghĩa là khi gặp khách đến thăm phải chắp tay cúi đầu chào, trước khi ăn phải niệm danh hiệu Đức Bổn Sư ba lần…

Ở đây, các thầy giáo dục các em có đời sống an vui, hòa hợp theo định hướng lục hòa, biết nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau… thể hiện tấm lòng từ bi, lợi lạc quần sanh, đem vui cứu khổ. Đó cũng là tâm niệm của Thượng tọa quản lý Mái ấm Mây Ngàn, vị trụ trì “chân đất” (tức là luôn đi chân đất không bao giờ mang giầy, dép).

Với ông, “sống nhờ đất thác về với đất!”.  Vì những đóng góp thiết thực cho xã hội, Thượng tọa “chân đất” Thích Định Tánh được chính quyền các cấp tặng nhiều giấy khen và bằng khen và đặc biệt ngày 21-1-2016 đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.

Tiếp nối hành trình “Lời nói trong hành động” của nhóm Phật tử thiện nguyện kết hợp với Ban Từ thiện thiền viện Vạn Hạnh và các bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện trong TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đến với chùa Kiên Sơn, thuộc ấp 8, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Các bác sĩ trong đoàn tổ chức khám bệnh phát thuốc cho 400 đồng bào là người dân tộc, đồng bào nghèo tại địa phương…

Đoàn đã đến các nơi và chia sẻ với trị giá 180 triệu đồng, qua đó cho thấy những việc làm thiện nguyện thay cho lời khấn nguyện là sự dấn thân giúp đời, giúp người. Hành động cụ thể đó đã đưa hình ảnh những con người chân thực, hiện thực đã lưu dấu trong tim những mảnh đời bất hạnh một cách sâu lắng thân thương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày