Những làn sóng thương yêu

GN - Những ngày tháng Tư hân hoan chào đón Khánh đản Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trong tâm thức của người con Phật, cũng là lúc muôn trái tim từ bi hướng đến những người còn khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội để phòng tránh Covid -19.

Sự chia sẻ ấy đã làm lan tỏa sự ấm áp trong đời sống cộng đồng, tô điểm thêm những “điểm sáng” của những ngày tháng Tư hoan hỷ cùng thực hiện điều lành để phụng sự tức là thành kính cúng dường... 

Nhân rộng biểu tượng của từ bi

Buổi chiều muộn, ông Tư dựng chiếc xe máy cà tàng bên thềm tòa soạn Báo Giác Ngộ để vào trong nhận tôn tượng Đức Phật sơ sinh về thiết trí lễ đài tại gia. Gương mặt hoan hỷ, trước khi ra về ông Tư còn thực hiện nghi thức Tắm Phật tại tòa soạn.

Ông bảo, năm nay là một mùa Phật đản đặc biệt đối với ông cũng như gia đình. Bởi lẽ, gia đình ông không đến chùa tham dự Đại lễ Phật đản như mọi năm mà thực hiện lễ đài tại tư gia để cả gia đình có được không khí ấm cúng và cùng nhau cầu nguyện để có thể kết nối tâm linh với Đức Phật.

hinh xh 1049 (2).jpg

Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng trao tôn tượng Đức Phật sơ sinh tại Báo Giác Ngộ - Ảnh: Như Danh

Đại lễ Phật đản năm nay, cả nước vẫn còn trong thời gian giãn cách xã hội dù được nới lỏng hơn để phòng chống Covid-19, hàng triệu người yêu đạo Phật, Phật tử khắp nơi đã hoàn thành việc thiết trí Phật đài tại tư gia để gia đình cùng hướng đến kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh và cùng cúng dường trong niềm hoan hỷ, an lành và ấm áp.

Ở đó, tình thương yêu luôn cần được vun bồi, tưới tẩm để những giá trị của gia đình, giá trị tâm linh có dịp giao thoa, gần gũi.

Trong ý nghĩa đó, ngay từ những ngày đầu mùa hạ, TT.Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác (Q.Tân Bình) đã chủ trương tổ chức chương trình trao tặng 1.000 tôn tượng Phật đản sanh đến các Phật tử nhân Đại lễ Phật đản PL.2564.

Với niềm hoan hỷ, an lạc trong mùa Khánh đản Đức Phật, chùa Viên Giác đã trao đến 1.000 gia đình tại TP.HCM, để mỗi gia đình dù không trực tiếp tham gia lễ đài chính của Phật giáo TP.HCM tại Việt Nam Quốc Tự thì vẫn có Phật trong nhà, cùng nhau thực hiện nghi thức Tắm Phật truyền thống thiêng liêng.

Điều đặc biệt của mùa Phật đản năm nay chính là sự kết nối rộng lớn của muôn trái tim yêu mến Đức Phật, không có khoảng cách dù vẫn trong tình trạng sống giãn cách xã hội. Mùa mà mọi người yêu mến đạo Phật cùng chia sẻ yêu thương, kết nối tâm thức, kết nối không gian và mọi hoàn cảnh trong những ngày tháng Tư đầy hoan hỷ, an vui.

Những ngày tháng Tư này, không riêng ở TP.HCM mà ở khắp tỉnh thành, nhiều hình thức kết nối tâm thức, lan tỏa hình ảnh biểu tượng của an vui - Khánh đản Đức Bổn Sư được nhân rộng. Từ trong những gia đình nghèo đơn sơ đến xóm làng vùng cao, từ những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng hình tướng kim thân Đức Phật sơ sinh trên lễ đài, đến khuôn viên ngôi chùa quê đã thiết trí tôn tượng Đức Phật đản sinh kết hợp tổ chức phiên chợ quê miễn phí cho người nghèo.

Nhiều cây ATM gạo miễn phí, buổi trao quà từ thiện... thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni đơn sơ để ai ai cũng đều được đảnh lễ, cảm nhận được sự ấm áp và an lạc khi được đảnh lễ Ngài.

Ở những không gian gần gụi thân thuơng ấy, nhiều người nghèo đã vỡ òa hạnh phúc và xúc động khi lần đầu tiên được trực tiếp đảnh lễ Đức Phật sơ sinh mà lẽ ra nếu cuộc sống đỡ cơ cực hơn, họ đã không bỏ lỡ nhiều cơ hội được đảnh lễ Ngài.

Năm nay, dù thiếu vắng những không gian rộng lớn như lễ đài tập trung, sân khấu văn nghệ chào mừng, diễu hành xe hoa... nhưng mỗi người đều có cảm xúc tâm linh riêng thật nhẹ nhàng và an yên trong bối cảnh còn giới hạn của giãn cách xã hội.

Chia sẻ tháng Tư


Những cảm xúc tháng Tư bắt đầu từ ý niệm thiện lành, phục vụ “bữa điểm tâm bảo vệ môi trường” của Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận). Ý tưởng ấy được duy trì trong những ngày rằm lớn, Quan Âm tu viện sẽ tặng món chay đến các Phật tử mang về nhà.

Mùa Phật đản này cũng vậy, chùa tặng suất ăn sáng mang về gia đình trong suốt Tuần Phật đản, từ ngày mồng 9-4 đến 15-4-Canh Tý, lúc 6 giờ sáng mỗi ngày với điều kiện Phật tử hoan hỷ mang hộp, đồ đựng thức ăn bằng inox hoặc thủy tinh, không dùng đồ nhựa và phải mang khẩu trang khi vào chùa.

Những ngày giãn cách xã hội được nới lỏng cũng là mùa Phật đản của người con Phật, Quan Âm tu viện đã trao tặng 1.000 phần quà, mỗi phần quà gồm tiền mặt và thực phẩm trị giá 400 ngàn đồng, chia sẻ đến bà con nghèo khuyết tật, người bán vé số khó khăn, người già neo đơn… Tuy nhiên, nhà chùa luôn tăng cường tuyên truyền để mỗi người đến chùa phải luôn cảnh giác để phòng chống dịch bệnh, đứng cách nhau 1,5m, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang…

xh 1049.jpg

Hình ảnh xúc động trong mùa Phật đản trước chùa Giác Ngộ - Ảnh: Ngộ Trí Tâm

Dịp này, chùa Giác Ngộ (Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM) cũng đã tổ chức nhiều đợt tặng gạo đến người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM. Không gian nhỏ trước chùa cũng được thiết trí tôn tượng Đức Phật sơ sinh trang nghiêm, để bà con người đến nhận gạo có thể thực hiện nghi thức Tắm Phật.

Nhiều hình ảnh người lao động nghèo dừng lại bên đường để đảnh lễ, thực hiện nghi thức Tắm Phật rất cảm động và được ghi nhận, chia sẻ đã để lại bao cảm xúc trong lòng người con Phật. Tại đây, TT.Thích Nhật Từ, trụ trì chùa cũng chia sẻ ý nghĩa lễ Tắm Phật đến với bà con và mong bà con có nhiều sức khỏe, mỗi người cố gắng để phòng tránh, vượt qua dịch bệnh Covid-19.

Nhiều chia sẻ thiết thực đối với người lao động nghèo trên địa bàn TP.HCM trong tháng Tư đã tạo nên “làn sóng” cùng nhau kết nối, chung tay làm việc thiện lành.

Trong những mối liên kết ấy là NS.Thích nữ Như Hiền, trụ trì chùa Bồ Đề Lan Nhã (Q.6) đã chia sẻ 280 phần quà đến người bán vé số khó khăn, người mù, khuyết tật; TT.Thích Lệ Quang, trụ trì chùa Vạn Liên (Q.8), SC.Thích nữ Thánh Tâm, tổ đình Từ Nghiêm (Q.10) bằng nhiều cách, đã chia sẻ thiết thực những phần quà hỗ trợ kịp thời giúp đỡ người nghèo có thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cùng với đó là những kết nối, chia sẻ lớn hơn, sự chung tay của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thuộc Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM đã có những chương trình trao suất cơm chay ý nghĩa trong suốt thời gian giãn cách xã hội, những suất quà thực phẩm và tiền mặt để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng ở chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), cây ATM gạo miễn phí đầu tiên tại quận Tân Phú, chư tôn đức Tăng Ni đã kết nối cho ra nhiều chương trình ý nghĩa nối tiếp nhau. Những cây ATM gạo ở huyện Củ Chi, chùa Vĩnh Xương (Q.3), chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn), chùa Thiên Trì (H.Bình Chánh)… đã “tuôn chảy những dòng gạo yêu thương”, làm ấm áp lòng người với những lan tỏa, chia sẻ rộng lớn.

Những chương trình phục vụ dân sinh ấy là những “điểm sáng” thiết thực giúp đỡ nhiều đối tượng khó khăn trong cộng đồng cùng nhau vượt qua thời gian giãn cách còn lại để phòng chống Covid-19.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày