Những ngày ở chốn thương yêu

GN - Những ngày tháng Giêng, tại khu A, tầng 3, khoa Bệnh lý mạch máu não của Bệnh viện Nhân Dân 115, phóng viên Giác Ngộ đã có cơ hội bắt gặp và góp nhặt nhiều câu chuyện cảm động chan chứa tình người.

Đồng cảm với khổ đau

Ở bệnh viện, dù không thân thích, cũng không quen biết, nhưng khi đến đây để thăm nuôi người thân nằm bệnh, những người đồng cảnh ngộ dễ dàng mở lòng với nhau, giúp đỡ nhau mà không cần hồi đáp.

Tại phòng Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân Dân 115, mỗi một bệnh nhân ở đây mang một bệnh án đặc biệt, kèm theo mỗi người chỉ có một người nhà được phép vào phòng chăm sóc người thân.

hinh xh GN 1039.jpg

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân

Với tình trạng ca bệnh nghiêm trọng chiếm đa số, không trực tiếp ăn bằng miệng được, nhân viên điều dưỡng cẩn thận đến từng giường hướng dẫn người nhà cách cho sữa qua đường ống để người bệnh uống.

Đến giờ người bệnh phải uống sữa, các chị cũng đi một vòng nhắc, hỏi thăm và nhỏ nhẹ, tận tình giúp đỡ những người chưa quen với việc chăm nom người bệnh.

Có thể ví dụ một trường hợp bệnh nhân cựa quậy làm kim bị chệch, sốc lên làm ống chuyền trào ngược máu. Khi nghe tiếng người nhà bệnh nhân hô lên, thì người ở cạnh buồng trực của y tá, bác sĩ liền tiếp sức, thông báo để những người đang trực biết. Chị điều dưỡng đang bận bịu với tập hồ sơ bệnh nhân, vội bỏ xuống bàn, nhanh chóng chạy đến chỗ bệnh nhân để xử lý.

Trong tích tắc, khi van truyền nước biển được khóa, chiếc kim trên tay bệnh nhân rút ra và máu ngừng chảy, ai cũng thở phào, nhẹ nhõm. Trước khi rời đi, chị điều dưỡng cũng không quên nhắc nhở chung cho người nuôi bệnh, chú ý quan sát người thân của mình, cẩn trọng trong từng thao tác, những gì nên làm và những việc tuyệt đối tránh, nhằm giúp bệnh nhân điều trị tốt hơn.

Tình thương trong hoàn cảnh khắc nghiệt

“Chiều nay, em coi coi có ai phát cơm từ thiện mình xin, chứ mua cơm bên ngoài vầy, mình cầm cự không nổi đâu”. Câu nói của cô Nguyễn Thị Hương, 63 tuổi, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới (An Giang) với em mình, khiến người nghe nhói lòng. Cả hai chị em cô đang phải chăm nuôi người em út bị nhồi máu não.

Khi được những người nuôi bệnh khác hỏi thăm, cô Hương kể lại rằng từ ngày mùng 4 Tết, em của cô nhập viện, cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người, không biết gì. Để có tiền lên bệnh viện tuyến trên, cả dòng họ, người cho chút ít, gom góp lại mới được hơn 10 triệu đồng. Chỉ vài ngày nhập viện, số tiền đã cạn. Dưới quê, em út vay mượn, chắt mót gửi lên thêm 5 triệu đồng nên cô chỉ dám để đóng viện phí.

Từ ngày đó đến mùng 10 Tết, hai chị em của cô Hương phải mua cơm ở bên ngoài ăn để có sức lo cho người em út. Cô Hương bộc bạch: “Bây giờ mà có cơm từ thiện thì hay biết mấy, đỡ lo một phần chi phí ăn uống. Mấy hôm nay, tôi ngóng trông mãi mà không thấy ai nói phát cơm từ thiện. Tôi cũng có hỏi thăm, trông dữ lắm mà chưa thấy”.

Thấy cách cô Hương xài tiền, ai biết hoàn cảnh cũng thương. Để tiết kiệm, cô Hương mua một phần ăn, rồi gọi thêm một phần cơm trắng nữa. Phần cơm có đồ ăn cô dành cho người em cùng chăm bệnh; phần cô chỉ có bịch canh, cơm trắng ăn với muối tiêu cô làm ở nhà mang theo.

Cô Hương tâm sự: “Kệ, lo cho em mình ngày nào hay ngày đó, chứ bỏ nó đâu có được. Máu mủ, ruột rà với nhau, giờ không tiền thì ngày mai đi làm thuê, kiếm sẽ có. Hôm nay nhín nhút, ăn để có sức lo cho em, chứ không cần ăn ngon làm gì, ngủ ngoài hành lang bệnh viện cũng được. Chứ em mình bệnh, mình bỏ mặc thì còn gì là con người, còn gì là chị em”.

Bàn tay nắm những bàn tay

Trong phòng chăm sóc đặc biệt, hầu hết bệnh nhân chỉ có thể uống sữa, tiền viện phí rất tốn kém. Đối với những hoàn cảnh đáng thương, mọi người cùng giúp đỡ, giường này cho một hộp sữa, giường kia giúp cho hộp tã lót, chai dầu gió,…

Cô Nguyễn Thị Thành, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có chai dầu gió cũng chiết ra làm đôi, chia cho người cần. Dù chỉ là chai dầu gió, nhưng sự chia sẻ, lời động viên trong hoàn cảnh này thật sự quý giá hơn bao giờ hết. Đó như là nguồn an ủi những người nuôi bệnh được tiếp thêm động lực để “chiến đấu” trong những ngày kế tiếp.

Cũng trong tình cảnh nuôi người thân bị đột quỵ, cô Dung quê ở tỉnh Long An chia sẻ: “Mình vào đây rồi, giúp gì được thì giúp lẫn nhau, đời còn mấy năm hơi, ai cũng khổ như ai cả. Có tiền hay không tiền, khi đau bệnh thì đều khổ. Mình hỏi thăm nhau, động viên nhau, coi vậy chứ giúp khuây khỏa cho nhau rất nhiều”.

Hay như lời của chú Năm, quê ở tận miệt Cà Mau: “Vì phòng này chỉ cho một người thân nuôi người bệnh nên khi mình thay tã cho người nhà mình, một mình đỡ không nổi, làm không xuể. Người giường kế bên chạy qua phụ một tay, đỡ lắm, mà mình cũng an tâm, vì biết mình không đơn độc”.

Cứ vậy, bàn tay này nắm lấy bàn tay kia, những người nuôi bệnh nằm ở giường gần nhau, ngày nào cũng hỏi thăm nhau, giúp đỡ nhau. Người dưng, gặp nhau tại phòng bệnh, bỗng chốc lại như người thân thuộc.

Có thể thấy, trong phòng bệnh, tất cả mọi người phải chứng kiến vô số những mất mát, tang thương, họ không còn phân biệt lo cho riêng mình, cho người thân của mình mà một người này lại cũng có thể vì những người khác. Những ngày chống chọi với hàng ngàn lo lắng, đối diện giữa mất và còn, con người vẫn sẵn sàng giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau.

Và cứ vậy, trong tận cùng khắc nghiệt, đau khổ thì niềm tin, sự tương trợ vẫn không ngừng nảy nở.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày