Những người đàn bà làng biển

GN - Sau trận bão, nhiều làng chài ở các xã Bình Hải, Bình Trị (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tan hoang, thế nhưng mất mát, đau thương không làm những người đàn bà làng biển ngã gục.

Những người đàn bà sau bão

Những ngày lang thang dọc biển Quảng Ngãi, tôi nghe những ngư dân ở đây nói: tỷ lệ đàn ông miền biển chết trẻ nhiều nhất, đàn bà góa nhiều nhất, số gia đình mắc nợ cao nhất... buồn đến não nề. Phụ nữ miền biển thủy chung, chịu khó, thanh niên miền biển chí thú làm ăn, trẻ con làng chài ham học, nhưng…

Chị Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) gắn chặt cả cuộc đời với xóm chài. Từ nhỏ đến lớn, chị sống dựa vào việc đi mót cá vụn - thứ cá nhỏ các chủ thuyền hay vứt đi. Có hôm chị thu về được cả rổ cá, mang ra chợ bán chừng 40.000 - 80.000 đồng, riêng mùa biển động coi như đói. Chồng mất, chị ở với con trai 20 tuổi mắc bệnh down trong căn nhà rộng không quá 15m2.

3.jpg

Mẹ con chị Thủy bên căn nhà ven biển không còn gì

Cơn bão số 9 ập đến, khi người người nhà nhà ở làng biển này tất bật lo chạy bão, chị Thủy thoáng nghĩ, nếu bỏ nhà để chạy đi thì tài sản chẳng còn lại gì, chị vội đào cái hố chôn những vật dụng giá trị như: bếp, chén bát, quần áo… rồi choàng áo mưa kéo tay con trai chạy thật nhanh.

Đi được một đoạn, con trai chạy đâu mất hút. Chị gào tên con trong bất lực. Cả xóm thấy vậy túa nhau ra tìm, cuối cùng cũng thấy con trai chị ngồi thẩn thơ trước bãi biển.

Chồng chị Thủy mất trong một lần lặn biển, ghe thì hỏng, lại thêm nuôi đứa con bị tật nguyền, khó khăn cùng quẫn, nhiều lần chị cũng tính chuyện bỏ biển, nhưng rồi ngẫm lại bỏ thì lấy gì mà sống, mà nuôi con. Cân nhắc mãi, chị vẫn quyết một mình nuôi con bằng nghề biển.

Dù lớn xác nhưng con trai chị tính tình như đứa trẻ lên ba, ai nói gì cũng cười. Bão số 9 vào bờ tạo ra sóng to hơn 4m như những chiếc búa tạ, đập mạnh vào tường nhà. Con trai chị không hiểu chuyện cứ vỗ tay vui mừng, mặc cho chị Thủy đầy nỗi lo lắng.

Thế nhưng, chị bảo, dẫu cực vất vả cũng còn có con để nguôi ngoai, để lấy đó làm mục đích sống của mình trong căn nhà ven biển.

“Mình là dân làng biển, biết rằng bấp bênh nhưng không làm nghề biển thì còn biết làm gì hơn được. Đời cha, đời ông, đời chồng mình đã gắn bó với biển, mất mát cùng biển, ngay cả đến lúc chết cũng nằm lại với biển.

Biển cả là đau thương với mình nhưng cũng là niềm tin với mình. Mỗi lần ra biển, mình lại như thấy cha, thấy chồng mình đang ở đó, dõi theo và che chở mình”, chị Thủy tâm sự.

Tôi hiểu trong những lời thủ thỉ của chị có cả những giọt nước mắt đau xót vì phận đàn bà long đong với biển để mưu sinh. Niềm an ủi lớn nhất của chị, dù không toàn vẹn, đó là đứa con, bởi nhờ con, chị luôn có thêm động lực để gắng sức…

Cùng hoàn cảnh như chị Thủy, sau bão, bà Hai (83 tuổi, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) hôm nay đãi người khách lạ món cơm ghế khoai. Hôm trước, bà nấu 2 phần gạo, 1 phần khoai, nhưng hôm nay có khách nên bà bụm thêm ít gạo để dễ ăn hơn.

Nhà bà kế bên bãi biển, bão vừa rồi đánh sập hết mọi thứ, còn trơ 4 bức tường. Khốn khó là vậy nhưng chẳng bao giờ bà buồn, bởi quý nhất vẫn là còn sức khỏe. Bà bảo chẳng riêng gì nhà mình, cả xóm chài này 10 căn nhà thì cũng đến hơn phân nửa không còn nóc, không còn một tài sản nào.

Tựa nhau mà sống

Những đứa trẻ ở làng biển lớn lên với sự mặn mòi và khắc khổ hơn tuổi. Đã bao lần đưa tiễn cha đi ra biển, bao lần đón người thân trở về. Nhưng rồi, có những chuyến trở về buồn đến quặn lòng. Ở làng có những hàng dài những ngôi mộ không cốt không xương, chỉ có những hình nhân bằng giấy, bằng rơm rạ.

Thân xác của những người đàn ông đã vùi sâu trong lòng biển… Những người đàn bà, trẻ con còn lại phải sống tựa vào nhau, thân tình và nồng hậu, khí khái và can trường.

7.jpg

Sau bão căn nhà ven biển của bà Hai tan hoang

Chị Thủy, bà Hai cũng như nhiều người phụ nữ làng biển, phần lớn thời gian dành để ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa và tranh thủ khi rảnh rỗi đợi tàu thuyền đi khơi trở về để làm một số công việc thời vụ như: vá lưới, cạy hàu, bóc tôm…

Bóng dáng người đàn bà giữa cái mênh mông tưởng chừng vô bờ vô bến của biển cả, dẫu bên cạnh có ai đi chăng nữa, cũng thấy thật cô đơn, lạc lõng.

Tôi đã nghĩ, những người phụ nữ làng biển như chị Thủy, như bà Hai nếu không tựa vai nhau, không cố kết với nhau, thì khó lòng vững vàng trước những thách thức khắc nghiệt trong cuộc mưu sinh với biển cả.

Cả đời người như thế, không thể hình dung được họ đã vượt qua những nỗi đau cuộc sống như thế nào, chỉ thấy lạ là tại sao không thấy người nào tái giá, đi bước nữa. Có phải họ sợ cảnh lấy chồng đi biển, sợ một ngày lại ngất lên ngất xuống khi nghe tin một chiếc tàu nào đó không trở về hay không?

Những làng chài ở Bình Sơn sau những cơn bão lớn bất chợt đến rồi đi, trời lại yên biển lại lặng. Làng chài lại thêm nhiều căn nhà xác xơ, những người đàn bà góa chồng tự gầy dựng lại cuộc sống với hai bàn tay trắng.

Tôi đã đứng ở làng biển, chân chạm trên bãi cát im lìm sau cơn bão dữ. Dù chỉ sống ở đó ít ỏi vài ngày với ngư dân, tôi cũng đã thấm được biết bao nhiêu câu chuyện đời đầy đắng cay và nước mắt của những người đàn bà làng biển.

Đã bao lần khuỵu ngã, vậy mà họ vẫn gượng dậy, ở đó, vững vàng đứng trên cát biển, như một loài hoa mạnh mẽ giữa bão táp. Họ vẫn ở lại với biển, có lẽ bởi ở ngoài xa kia, trong làn nước xanh ngắt, là chồng, là cha, là những người đàn ông của họ đã mãi mãi nằm lại dưới những con sóng vỗ.

Tiêu Dao - Lê Phong

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày