GN - Câu chuyện của những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Đồng Tháp đã thu hút chúng tôi với sự chất phác và mộc mạc. Họ là những người “cùng cảnh” nhưng có tâm nguyện chia sẻ thiện lành, tất cả là vì tình người xung quanh…
“Vun bồi phước đức sẽ có… tiền trả nợ”
Với người nghèo, mơ ước lớn nhất là có căn nhà nhỏ để “an cư lạc nghiệp”, thế nhưng có người dù cả đời cố gắng vất vả mưu sinh nhưng vẫn không thể thực hiện được ước mơ ấy. Thế nên, Tổ cất nhà tình thương số 2 (xã Định Yên, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) đã “chắp cánh” được ước mơ cho bao cảnh đời. Đó là 52 thành viên tuổi từ 18 đến trên 50 thuộc Tổ cất nhà tình thương số 2 (Tổ), đa số họ cũng là những nông dân nghèo tại địa phương, thiếu đất canh tác, hàng ngày phải làm thuê theo thời vụ để mưu sinh.
Thế nhưng nhờ sự chung tay, năm 2017, Tổ đã cất mới 116 căn nhà cho các hộ nghèo trong và ngoài tỉnh, tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Ông Thái Minh Tân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lấp Vò đánh giá cao uy tín và hiệu quả thiện nguyện của một tập thể nông dân nhiệt tình, đoàn kết. Tất cả đều có chung một tấm lòng vì niềm ước mơ chính đáng cho bà con nghèo với một mái nhà lành lặn.
Tổ cất nhà tình thương số 2 trong một công trình - Ảnh: Thanh Tuyền
Căn nhà của Tổ thực hiện với cột bê-tông, vách kẽm, nóc tôn lạnh, trị giá 15 triệu đồng/căn. Công thợ do các thành viên tự nguyện, kinh phí vật tư do Hội Chữ thập đỏ huyện vận động, một số tổ viên và mạnh thường quân đóng góp bằng tiền mặt hoặc cho mua thiếu vật tư dự trữ khi hàng sắp tăng giá. Phương tiện vận chuyển là xe tải, xe đò tư nhân của một vài mạnh thường quân hỗ trợ.
Tổ trưởng Lê Minh Nhựt là Giám đốc Cty TNHH Sơ chế mỡ cá NT & NT tại địa phương. Anh “ôm xô”, bao trọn phần còn thiếu sau khi đã gõ cửa các địa chỉ thân tín. Bình quân mỗi tháng, mỗi thành viên của Tổ phải đi dựng nhà gần 2 tuần lễ. Mặc dù anh em không đòi hỏi bất cứ thù lao gì nhưng Ban điều hành Tổ vẫn vận động và cấp gạo cho một số người có hoàn cảnh quá eo hẹp, khó khăn.
Anh Nhựt chia sẻ: “Bắt đầu làm nhà từ thiện cũng là lúc việc kinh doanh của gia đình gặp khó khăn, vợ tôi nói nhà còn nợ mà đi làm từ thiện thì lấy tiền đâu trả nợ. Lúc ấy, tôi cũng lo kiếm công việc khác để trả nợ, nhưng anh bạn của tôi bảo phước đức quý hơn vàng. Cứ lo vun bồi, tích góp đảm bảo sẽ có tiền trả nợ. Và tôi đã quyết định gắn bó với công tác thiện nguyện này, đến nay vốn tích lũy đã thừa khả năng hoàn nợ”.
Mọi chuyến đi dựng nhà của Tổ đều được Tổ phó Huỳnh Phú Quán (anh Năm Điền) chuẩn bị thật chu đáo, từ khâu kiểm điểm phân công nhân lực, vật tư nguyên liệu, lương thực, nước uống mang theo đến liên hệ nhắc nhở chủ hộ được cất mới dỡ nhà, dọn dẹp. Có những chuyến đi xa tận miệt thứ An Biên (Kiên Giang), anh em phải đi từ nửa đêm, sáng hôm sau phải nhờ UBMTTQVN địa phương hỗ trợ phương tiện vận chuyển.
Nhiều nhà ở vùng sâu hẻo lánh, điện yếu, một vài anh em phải ngược về hàng trăm cây số chở máy phát điện đến để làm. Thấy bà con nghèo thiếu thốn mọi bề, cất nhà xong, Tổ còn phải vận động đóng giường chõng, hỗ trợ mền chiếu và gạo cho họ.
Anh Năm Điền tâm sự: “Từ thiện thì việc gì tôi cũng làm, nhưng tôi đặc biệt chú trọng cất nhà vì hồi trẻ vợ chồng tôi nghèo lắm. Nhà cột tre cũ mục, mái lá lợp thưa mỏng nên có lần bị một trận giông, mưa lớn thổi tốc mái, lá dựng đứng nhà trống trơn, tôi hốt hoảng một tay bồng con nhỏ một tay che đầu nó vì sợ nhà đổ sập. Do đó, tôi thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo không lo nổi một nơi trú ngụ an toàn và lành lặn”.
Anh Trần Văn Hài, ngụ ấp An Bình (xã Định An), mỗi ngày đạp xe đạp đi bán dạo mùng mền phụ vợ ở nhà dệt chiếu, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng lời nhưng anh vẫn gắn bó công việc của Tổ. Anh nói: “Tôi bàn bạc với vợ con chi xài dè sẻn, tiền lời bán dạo của tôi cũng đủ san sẻ cho những ngày tôi đi từ thiện. Mình nghèo nhưng may mắn còn có nhà ở, đi cất nhà cho người khác chứng tỏ mình đỡ khổ hơn họ”.
Ông Hồng Son có tấm lòng đỏ như son
Ông Nguyễn Hồng Son (sinh năm 1946, ngụ xã Phú Thọ, H.Tam Nông) là người tự nguyện đứng ra tổ chức, vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền, ngày công lao động để thành lập Tổ từ thiện cấp cơm, cháo, nước miễn phí ở Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Tổ). Tổ được thành lập và hoạt động từ tháng 9-1995, lúc đầu, cơ sở vật chất còn khó khăn, nhân lực thiếu…
Đến nay, toàn Tổ đã có hàng trăm nhà hảo tâm, mạnh thường quân thường xuyên đóng góp tiền, lúa, gạo, củi, gia vị… Nhiều cơ sở và cá nhân trợ giúp thường xuyên từ một giạ gạo đến cả trăm ngàn đồng/tháng. Chính những tấm lòng chan chứa tình người là chất men khơi dậy phong trào tương trợ, giúp đỡ nhau, thu hút nhiều nhà hảo tâm tham gia xây dựng Tổ từ thiện huyện Tam Nông ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Son, Trưởng ban điều hành Tổ cho biết: “Xuất phát từ tấm lòng thương người dân nghèo trong vùng sâu huyện Tam Nông bệnh hoạn, khó khăn; từ đó, Hội Chữ thập đỏ huyện Tam Nông thống nhất cho phép thành lập bếp ăn tình thương. Những việc làm của chúng tôi là trách nhiệm và bổn phận của công dân đối với xã hội. Tôi xem niềm vui và hạnh phúc của những người lành bệnh sau khi xuất viện làm niềm vui, hạnh phúc của chính mình”.
Ông Nguyễn Hồng Son - Ảnh: T.Trọng Trung
Hiện nay, Ban điều hành Tổ từ thiện có 21 ủy viên, Ban Thường trực có 7 ủy viên, toàn Tổ có 249 tình nguyện viên phục vụ, chia thành 18 tiểu tổ và 6 tổ ủng hộ gia vị hàng tháng, 1 tổ cung cấp chất đốt… Quê mỗi người ở một nơi, đa số là người dân trong huyện.
Song, họ cùng có chung chí hướng, làm việc thiện. Bà Phạm Thị Mí (70 tuổi) ở xã Phú Ninh, huyện Tam Nông bày tỏ: “Gia đình quá khổ sở rồi. Bây giờ, mình vượt qua cái khổ, thấy khỏe rồi nên lấy công, lấy sức giúp cho bà con cô bác, lúc người ta bệnh hoạn không lo được bữa cơm thì mình lo tiếp cho người ta. Bệnh nhân được khỏe, trở về gia đình sum họp thì mình cũng vui”.
Còn ông Lưu Hoàng Sơn (68 tuổi) quê ở tận huyện Phú Tân, tỉnh An Giang tình nguyện tham gia với Tổ cho biết: “Bây giờ mình lớn tuổi rồi, không làm mướn bên ngoài được nên mình xin vào làm từ thiện để lấy công đức để dành ngày sau cho con cháu”.
Để có được một chén cơm, chén cháo, ly nước chín… ấm áp nghĩa tình, mỗi thành viên Tổ từ thiện phải thức dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày, đến 5 giờ sáng là đã có cháo và nước nóng cho bệnh nhân. Sau đó, các thành viên lại chuẩn bị nấu cơm, làm thức ăn cho bữa cơm trưa. Và bữa cơm chiều cũng được phục vụ bệnh nhân đúng 16 giờ. Cứ thế, mỗi người trong Tổ đều làm việc rất tận tâm, nhịp nhàng và vui vẻ.
Hàng ngày, Tổ cung cấp trên 350 bình thủy nước sôi, hơn 300 suất cơm, cháo và thức ăn. Những bữa ăn đạm bạc với canh, rau, tương, chao, tàu hủ… nhưng rất ấm áp tình nghĩa đồng bào. Chị Trần Thị Kim Thân, ở xã An Hòa nuôi bà nội hơn 70 tuổi đang điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, vừa nhận phần cơm và bình nước sôi do những thành viên Tổ phục vụ, đã xúc động nói: “Rất là biết ơn Tổ từ thiện ở đây đã tạo điều kiện cho những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và cũng đỡ được phần nào chi phí cho gia đình bệnh nhân”.
Chính vì chăm chút cho bệnh nhân nghèo, hơn 22 năm qua, ông Son cùng các thành viên trong Tổ lặng lẽ, chu đáo trong từng bữa ăn cho bệnh nhân và mong mỏi có thêm những tấm lòng hảo tâm đóng góp để có thêm nhiều suất cơm, cháo, nước chan chứa nghĩa tình.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông nhận xét: “Anh Son là người rất nhiệt tình, tâm huyết với công tác từ thiện. Không chỉ là người điều hành giỏi mà anh còn xắn tay góp từng viên gạch, khiêng từng bó củi chở về, trực tiếp tặng cơm, cháo, nước... cho bệnh nhân. Anh Son kết nối với nhiều người, biết khơi gợi lòng hảo tâm ở họ để quyên góp vật chất giúp đỡ nhiều hơn cho Tổ từ thiện”.