(Cho những nồi nước lá xông, cho bệnh xoàng và cho chị River)
Giác Ngộ - Nhớ… Nồi nước lá xông của ngoại, hồi ngoại còn sống, cứ mỗi lần con bệnh, cảm, ngoại lại đi loanh quanh vườn hái mớ cây cỏ, lá chanh, vỏ bưởi rồi bỏ vô nồi đồng, bịt lá chuối lại và đun sôi. Ráng ngồi dậy, lấy mền trùm lại, rồi ngoại để nồi nước vô xông, khoẻ ngay thôi con… Ngoại bao giờ cũng dỗ dành, ngọt lịm, bùi tai như thế nên đôi khi… thèm bệnh kinh khủng!
Hổng biết có phải vì ý niệm ấy mà hồi nhỏ cứ bệnh hoài, có khi bệnh cả tháng, để ngoại phải âu lo?
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Internet
Rồi khi ngoại già, má là người thay ngoại đi kiếm mớ lá xông. Hỏi ngoại lá gì, rồi má cũng đi hái loanh quanh vườn. Những nồi nước lá xông khi cảm, nằng nặng người cứ thế chữa lành bệnh cho con, để con nhớ mãi nồi nước thơm mùi lá chanh, vỏ bưởi. Nếu có ai hỏi về ký ức tuổi thơ, con sẽ không ngần ngại nói về những nồi nước lá xông…
Hồi tết về, mẹ bệnh, cạo gió đen cả lưng. Con lại “bắt chước”, chạy loanh quanh nhà hái mớ lá xông, cũng là lá chanh, ngải cứu, mè đất, vỏ bưởi nhưng… nồi nước lá con trai kiếm có phần vụng về vì ít kinh qua việc chăm nom người bệnh, càng không phải là đứa khéo tay trong chuyện chăm sóc!
Ảnh: Internet
Rồi thì đến lượt con trai xa nhà, bệnh. Ở nơi không có mẹ, không gia đình thì người thân chính là chủ nhà, là bè bạn, là những người chị, người anh. Cũng mè nheo, nhõng nhẽo, cũng làm bộ làm tịch không muốn ăn để cho bạn mua thuốc, em hỏi thăm… và chị mua cho nồi nước lá xông. Chiều đi làm về, thấy nồi nước đã nghi ngút khói, thơm lừng mùi sả, mùi của cỏ cây dân dã mà cảm động, muốn hết bệnh ngay!
Nồi nước của chị! Chị, cái duyên gặp mặt, và rồi thành chị em, thân.
Có đôi khi như trẻ nhớ nhà, đó là khi bệnh, khi yếu lòng, và nhớ những điều bình dị, như nồi nước lá xông. Không phải nhớ vô cớ, miên man mà là nỗi nhớ bắt đầu từ cái tình của người xa xứ, của những người không chung họ nhưng thương nhau thật thà…