Những phận người cần mẫn giữa phố đêm

GN - Đêm phố biển, tiếng bánh xe rác lăn cút kít, tiếng bước chân của nữ công nhân vệ sinh hòa theo nhịp chổi xào xạc vọng vào trong cái vắng vẻ phố phường. Từng nhát chổi đưa đến đâu, “gương mặt” phố sạch sẽ đến đó. Đà Nẵng ngày thường đông đúc tấp nập du khách là vậy, mùa Covid-19 bỗng trở nên lặng lẽ và rộng rãi đến lạ thường.

Những nỗi niềm của… “đêm”

Cùng với cả nước, thành phố Đà Nẵng đang trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Ban đêm, hàng quán đóng cửa, tắt điện, Đà Nẵng chìm vào vắng lặng, một gương mặt khác của thành phố du lịch thuộc top của Đông Nam Á dần hiện ra. Ở những cung đường đêm lộng gió, bóng dáng những người lao công với chiếc chổi tre trong tay như cũng lẻ loi, buồn bã hơn mọi khi.

3.jpg

Lao công vẫn miệt mài với công việc làm sạch đẹp đường phố

Trong những ngày đại dịch, khi nhiều thành phần lao động phổ thông phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội thì những người lao công vẫn miệt mài với công việc làm sạch đẹp đường phố, nếu có gì khác với ngày thường thì chỉ nằm ở việc họ phải đeo chiếc khẩu trang dày hơn, khiến cho hơi thở có phần nặng nề và khó nhọc hơn.

Chúng tôi bắt gặp và trò chuyện cùng với chị Phan Thị Thủy, một công nhân vệ sinh môi trường tại một góc phố ở quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) trong một đêm vắng lặng như vậy. Chưa kịp mở lời, chị đã dặn chúng tôi đứng cách xa chị 2 mét để đúng với nguyên tắc phòng chống dịch.

Khi được hỏi thăm về hoàn cảnh, chị Thủy cho biết đang sống trong một căn nhà nhỏ xíu nằm tại con hẻm của khu Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu) và chị đã gắn bó với công việc vệ sinh môi trường này gần 15 năm nay. Thông thường, công việc của chị bắt đầu từ lúc 10 giờ tối, khi phố phường thưa dần người qua lại và kết thúc vào lúc 4 giờ sáng, khi thành phố bắt đầu bước vào một ngày mới.

Chị Thủy cho biết những ngày này, do chỉ thị giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, mọi người ít đi ra đường nhưng rác thải sinh hoạt vẫn đầy ắp, thậm chí tăng thêm, vì khi người ta ở nhà nhiều, rác thải sinh hoạt cộng với lượng lớn khẩu trang đã qua sử dụng được thải ra rất nhiều. Bình thường, công việc của chị không chỉ có quét rác đường phố, mà còn phải gom rác tập trung vào các thùng lớn để nửa đêm về sáng, xe rác đi qua sẽ thu gom một lượt.


Đoạn đường phải quét dù khá dài nhưng chị Thủy cho hay mình vẫn còn đỡ hơn so với các đồng nghiệp làm việc ở tuyến trung tâm thành phố, nơi cư dân đông đúc và chỉ có 30 phút nghỉ ngơi giữa mỗi ca làm. Quét rác đường phố lại không giống như quét nhà, chổi phải vừa tay, cán chổi không được cao quá cũng không thấp quá, phải buộc chặt thì khi quét mới đưa đi đưa lại thoải mái, dễ dàng được.

Ở một góc khác của thành phố, trên đoạn đường Điện Biên Phủ, gần Công viên 29-3, một nhóm nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn cặm cụi làm việc dù trời đêm đang đổ mưa. Chị Trần Thị Hoài, một thành viên trong số đó chia sẻ: “Không phải công việc lúc nào cũng nhẹ nhàng, những mùa Tết hay lễ hội, đường phố ngập đầy rác, có khi tôi làm mãi tới gần 6 giờ sáng mới xong. Mấy ngày này vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ít người ra ngoài nên việc quét đường cũng đỡ vất vả hơn”.

Cần mẫn với công việc, chị Thủy, chị Hoài, hay nhiều đồng nghiệp khác của các chị cũng không tránh khỏi ưu tư, lo lắng về nguy cơ dịch bệnh. Bởi hiện nay, mọi người dùng khẩu trang nhiều, rác khẩu trang lại là nguồn lây lan tiềm ẩn mà các chị phải tiếp xúc hàng ngày. Mặc dù vậy, các chị vẫn ý thức rằng công việc của mình dù trong thời gian giãn cách xã hội phải được duy trì liên tục để đường phố luôn sạch đẹp.

“May mà mình còn có công việc…”

Đang quét đường, chị Hoài chợt ngừng tay chổi, tiếng chị như thoảng trong gió đêm: “Chỉ tội bà con nghèo, người bán vé số hay ve chai, dịch bệnh thế này họ không kiếm tiền được, biết lấy gì lo cho cuộc sống đây. Mùa này, may mà mình thì còn có công việc, còn thu nhập, nhưng những người nghèo như thế dừng việc là đứt bữa ngay!”.

Lời chia sẻ tự đáy lòng của chị Hoài mang thật nhiều đồng cảm và có phần xót xa. Hóa ra, dù mang nỗi cực nhọc của riêng mình, các chị còn nghĩ tới người khác, những người còn khốn khó hơn mình. Hình như trong cái khổ, con người dễ thương cảm với nhau hơn chăng?

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 này, Đà Nẵng thường trở mưa về đêm khiến công việc của những nữ công nhân vệ sinh thêm phần cực nhọc. Vất vả và đôi lúc nguy hiểm là thế nhưng những đồng lương người làm lâu năm trong nghề vệ sinh môi trường lại chẳng là bao.

Theo lời cô Trà, mức lương của một nữ công nhân vệ sinh lâu năm như cô cũng chỉ được chừng gần 5 triệu đồng/tháng. Tính theo mức lương trung bình, mỗi ngày các nữ công nhân vệ sinh được trả 160.000 đồng, thêm 15.000 đồng ăn trưa, 10.000 đồng tiền trợ cấp độc hại.

Chị Tấn (43 tuổi) có chồng làm nghề chạy xe ôm cho biết, dù vất vả nhưng thu nhập một ngày chồng chị cũng chẳng được là bao, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, ít người đi lại nên anh cũng gần như thất nghiệp, phải ở nhà. Cả nhà bốn miệng ăn, những ngày này, đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi từ nghề công nhân vệ sinh của chị, cuộc sống gia đình vốn chật vật nay lại càng khó khăn hơn.

Chị Tấn cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, người lao động như chị nhận được nhiều quan tâm từ cộng đồng hơn. Với chị Tấn, công việc này ít người muốn làm vì vất vả và thu nhập lại không cao, nhưng nếu đã gắn bó rồi thì lại chẳng dễ gì từ bỏ được.

Mặc cho tiết trời nóng hay lạnh, dù cho mưa to gió lớn, dịch bệnh hoành hành, tiếng bánh xe rác của các nữ công nhân vệ sinh vẫn cút kít lăn trên đường phố, những chiếc xe rác đi qua để lại phía sau đường phố sạch đẹp.

Những chiếc xe cũ kỹ mà bao người tránh né ấy, đêm đêm vẫn gắn chặt với những phận đời thầm lặng, ẩn sâu trong đó là bao ước mơ, hoài bão thật giản dị về một cuộc sống bình yên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày