Những thách thức trong việc bảo tồn kinh điển PG cổ

GNO - Các học giả tin rằng bộ sưu tập vĩ đại được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Mông Cổ là kho tàng kinh điển Phật giáo cổ xưa và lớn nhất thế giới.

Thư viện Quốc gia nằm ​​trong một tòa nhà cách tân cổ điển từ thời Liên Xô vững chãi ở trung tâm thành phố Ulaanbaatar, ước tính có hơn một triệu tác phẩm học thuật và tôn giáo Phật giáo. Bên cạnh các tác phẩm gốc từ Mông Cổ, thư viện còn có các bản sao hiếm hoi của bộ Đại Tạng Phật giáo Tây Tạng sơ khai, gồm kinh Phật, được gọi là Kangyur, và luận Phật giáo, được gọi là Tengyur.

1-130208_IMG_8797.jpg

Kinh văn cổ trong Thư viện quốc gia Mông Cổ

Nhiều nguyên bản kinh văn Tây Tạng đã bị mất hoặc bị phá hủy trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Trung Quốc - Tây Tạng vào năm 1950.

Nhờ vào nhiều thế kỷ tiếp xúc với Tây Tạng, Mông Cổ được cho là có một số bản gốc còn lại. Ngoài các tài liệu cổ bằng tiếng Tây Tạng và Mông Cổ, còn có các bản thảo bằng tiếng Phạn hiếm hoi, bao gồm 800 câu kệ của ngài Long Thọ, một triết gia Phật giáo Ấn Độ vào thế kỷ thứ II, được khắc trên vỏ cây bạch dương, đã được xác định trong bộ sưu tập.

"Bộ sưu tập này không chỉ là kho báu của quốc gia mà còn là kho báu của thế giới. Nó không chỉ nói về lịch sử Tây Tạng hay Mông Cổ mà còn phần nào nói về lịch sử của nhân loại", Giám đốc thư viện, Chilaajav Khaidav, nói.

Mối quan hệ giữa Phật giáo Mông Cổ và Tây Tạng bắt đầu vào thế kỷ thứ IV. Chính một vị vua Mông Cổ đã tặng danh hiệu “Dalai Lama” - tiếng Mông Cổ có nghĩa là vị “Đại sư có trí huệ như biển cả” cho nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Sonam Gyatso vào năm 1587.

Danh hiệu đó đã trở thành danh hiệu cho các nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, cũng như được áp dụng cho các Lama trước đó trong dòng truyền thừa.

Vào đầu thế kỷ XX, đã có hơn 800 trung tâm học tập Phật giáo tại Mông Cổ. Qua nhiều thế kỷ, hàng trăm hàng ngàn kinh điển Tây Tạng đã được mang vào để dịch sang tiếng Mông Cổ hoặc làm quà tặng cho các tu viện.

Chính thư viện là nơi lần đầu tiên lưu trữ bộ sưu tập cá nhân của vị Bogd Khan sau cùng, nhà lãnh đạo tinh thần của nhà nước Mông Cổ, người đã viên tịch vào năm 1924. Tuy nhiên, các cạnh cháy đen của nhiều bản văn đã nhắc nhở một quá khứ bi ai của cuộc cách mạng văn hóa những năm 1930 với hơn 30.000 nhà sư bị ép phải hoàn tục và khoảng 700 tu viện bị san bằng. Trong bối cảnh hủy diệt tôn giáo đó, nhiều Phật tử thuần thành trên khắp Mông Cổ đã giấu các hiện vật và giải cứu những gì có thể khỏi các tu viện bị phá hủy.

Các bản văn được giấu kín bắt đầu xuất hiện trở lại vào những năm 1960. Khi Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ thành lập Cục Nghiên cứu Mông Cổ và Tây Tạng vào năm 1985, người ta bắt đầu hiến tặng bộ sưu tập gia đình được giấu kỹ vì họ tin rằng các bản văn sẽ được bảo tồn, Gonchog, nhà sư cũng là một thành viên của Viện kể lại.

Nhiều bản văn đang ở trong tình trạng kém và được đặt trong điều kiện bảo quản không tốt, Khaidav, Giám đốc thư viện thừa nhận. Không gian là một hạn chế và nhiều bộ sưu tập được xếp chồng lên nhau bừa bãi trong kho của thư viện. Khaidav nói chính phủ Mông Cổ đã tài trợ cho việc nghiên cứu và phục hồi các bản văn cổ của Mông Cổ. Tuy nhiên, cho đến gần đây có rất ít kinh điển Tây Tạng được thực hiện.

4-130208_IMG_8832.jpg

Các chuyên gia nghiên cứu, bảo quản các kinh văn trong một dự án

Hỗ trợ nước ngoài đã đến vào năm 1999, khi dự án Dữ liệu cổ Á châu (ACIP), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York dành riêng để bảo tồn và số hóa các văn bản cổ bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Phạn, bắt đầu phân loại nội dung của thư viện. Tuy nhiên, dự án tiến triển thất thường cho đến khi bị trì hoãn vào năm 2008.

Gonchog cho rằng nhận thức về giá trị tiền tệ của bộ sưu tập và những nghi ngờ giữa các quan chức địa phương về các khoản lợi ích nước ngoài đã cản trở các nỗ lực bảo tồn. "Mọi người nghĩ rằng những bản văn này có thể tạo ra nhiều tiền, nhưng giá trị thực tế lại nằm ở nội dung. Đây là kiến thức vô giá cần phải được nghiên cứu và bảo quản".

Công việc của ACIP đã trở lại vào tháng Hai với khoản trợ cấp tạm thời từ Viện Nghiên cứu Toàn cầu Vì Tương Lai có trụ sở tại Hồng Kông (GIFT), một chuyên gia cố vấn ước tính toàn bộ dự án sẽ có giá 1,1 triệu USD.

"Công việc là một quá trình rất chậm chạp và có phương pháp", ông Ngawang Gyatso, một người Tây Tạng đến từ Ấn Độ giám sát dự án biên mục cho ACIP, nói. Từng trang một phải được cẩn thận nghiên cứu về loại vật liệu được sử dụng, nguồn gốc có thể, cũng như hệ thống chữ viết, phong cách in ấn và đóng dấu niêm phong của tu viện nhằm giúp xác định vị trí và đôi khi là thời gian bản văn được sản xuất. Tiêu đề của các bản văn được phiên âm sang chữ cái Latin và các chi tiết sau đó nhập vào một cơ sở dữ liệu, Gyatso giải thích.

Trong vòng vài ngày khởi động lại dự án, dây điện bị lỗi ở thư viện đã gây ra một đám cháy nhỏ, đã làm trì hoãn công việc một lần nữa trong vài ngày. ACIP gần đây đã cập nhật phần cứng và nói rằng có đủ kinh phí để danh mục toàn bộ bộ sưu tập trong vòng ba năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày