GN - Năm 1992, cô gái trẻ 27 tuổi Choo Boon Noi xác định sẽ xuống tóc đi tu. Quyết định này đã khiến gia đình cô - gồm 8 người con, trong đó cô là con út - rơi vào hoảng loạn và suy sụp.
Nay đã bước vào tuổi 50, Choo nhớ lại: “Một trong những người anh của tôi kéo tôi qua một bên để hỏi liệu tôi có bị gì không, trong khi mẹ tôi khóc lóc thảm thiết còn hơn cả khi cha tôi mất”.
Khi đó, cô đã tốt nghiệp Trường Bách khoa Ngee Ann với một tấm bằng về Nghiên cứu Kinh doanh và đang làm trợ lý hành chính trong một cơ sở đào tạo.
Cô nói: “Tất cả anh chị của tôi đều đã lập gia đình và họ muốn tôi cũng phải kết hôn. Nhưng qua quá trình học tập về Phật giáo một cách nghiêm túc, tôi nhận ra rằng cuộc sống có nhiều điều quan trọng hơn là sự nghiệp và hôn nhân. Tất cả những điều đó đều chỉ là tạm thời và tôi sẽ không thể mang chúng theo lúc qua đời”.
Thầy Goh Chun Kiang đang khất thực và thực phẩm đó
sẽ được thọ dụng trong bữa quá đường trưa tại chùa Palelai (Singapore)
23 năm đã trôi qua kể từ khi lựa chọn con đường tu hành, giờ đây cô được biết đến với pháp danh Ni sư Fa Xun - một vị Ni giới được ca tụng trong giới Tăng Ni trẻ ngày nay.
Theo thông tin từ Mạng lưới Thanh niên Phật giáo - tổ chức chuyên giới thiệu các buổi học và các hội thảo định hướng về nghề nghiệp cho những Phật tử trẻ - chỉ có khoảng 15 vị Tăng Ni ở Singapore là dưới 40 tuổi (không có số liệu chính thức). Hầu hết chư Tăng Ni này đều đã qua tuổi 30. Gần một nửa trong số đó là người ngoại quốc.
Ni sư Fa Xun - Cử nhân Danh dự chuyên ngành Giáo dục tại Trường Đại học Tây Úc, tác giả của luận văn với đề tài “Tại sao phụ nữ xuất gia” - chia sẻ: “Ngày nay có quá nhiều vấn đề để thanh niên Singapore phải bận tâm. Năm 20 tuổi, họ dồn tâm trí vào việc học tập hoặc xây dựng sự nghiệp. Năm 30 tuổi, họ lại bận rộn với việc làm và gia đình”.
“Thông thường, khi con người thấy rằng tất cả những điều đó vẫn không mang lại hạnh phúc, họ mới bắt đầu cân nhắc về việc xuất gia tu học”.
Từ những trải nghiệm của bản thân, Ni sư cho biết: “Những mặt tốt của việc xuất gia khi còn trẻ là họ sẽ có nhiều lựa chọn linh hoạt hơn, và việc thay đổi để thích nghi với cuộc sống tu viện cũng sẽ dễ dàng hơn”.
Tuy nhiên, bất chấp tuổi tác của họ, cô cho rằng đa số những Phật tử trên đảo quốc không hợp với đời sống tu hành vì họ đã quen với việc thỏa mãn những nhu cầu và thể xác theo lối sống vật chất. Cũng như vậy, những người Singapore gốc Hoa phần lớn vẫn giữ quan niệm của Nho giáo và đều có gia đình.
Trong khi đó, người xuất gia phải nguyện sẽ sống độc thân cả đời. Họ được hướng theo một lối sống giản dị, nề nếp và phải bằng lòng với y phục cũng như chỗ ở đơn sơ.
Ni sư Fa Xun cảm nhận xã hội hiện nay vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về những người tu hành.
Cô nói: “Người xuất gia thường được miêu tả như những người thiếu học thức hoặc có cuộc đời bi thảm trong văn chương và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người ta thường cố tình phớt lờ những động lực tinh thần thiêng liêng đằng sau quyết định của họ.
Kết quả là, khi lựa chọn khoác lên người chiếc áo xuất thế, họ thường không nhận được sự ủng hộ đúng đắn từ gia đình và bạn bè”.
Câu chuyện của Sư cô Jue Fang (37 tuổi) lại là một ngoại lệ.
Gia đình cô gồm 4 người, cha là một tài xế taxi, mẹ nội trợ và người em trai kém 4 tuổi. 14 năm trước, khi quyết định trở thành một nữ tu ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore với tấm bằng kinh tế và toán học, cô đã nhận được sự ủng hộ chân thành từ cha mẹ, cả 2 người đều là những Phật tử thuần thành.
Cô hiện đang điều hành khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Nian Tien, Úc - một viện đại học có nền tảng dựa trên các giáo lý Phật giáo. “Tôi đã rất may mắn”, Sư cô thổ lộ.
Trường hợp của một vị thầy 41 tuổi người Singapore (xin được giấu tên) lại khác. Thầy là con út trong gia đình có 3 người con với cha mẹ chỉ thờ cúng tổ tiên, không thân cận Phật giáo. Vì vậy, thầy đã cần một thời gian dài để được chấp thuận cho xuất gia.
Mong muốn trở thành tu sĩ bắt đầu khi thầy đọc sách Phật và chứng kiến bạn của mình trong pháp phục tu hành suốt thời gian quân ngũ đã tạo nên cảm giác “an lành” trong thầy.
Thầy đã quyết định xuất gia sau khi nhận bằng Cử nhân Văn học Anh từ Đại học Quốc gia Singapore và làm nhân viên phòng tài chính 1 năm. Lúc ấy thầy chỉ 25 tuổi.
Do sự sụt giảm số lượng những nhà sư trẻ tuổi, chư tôn đức lãnh đạo Tăng đoàn lo lắng về lực lượng kế thừa.
Ni sư Fa Xun nói: “Chúng ta chỉ có thể cố gắng hết mình và làm cho người đời hiểu hơn cuộc sống tu hành thông qua các khóa học và họ sẽ bỏ đi quan niệm sai lầm rằng chư Tăng Ni là những người thất bại trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng không thể ép người khác khoác lên mình chiếc áo tu sĩ. Con đường xuất gia phải đến từ sự giác ngộ bên trong mỗi người”.
Theo điều tra dân số vào năm 2010 tại Singapore, Phật giáo là cộng đồng tôn giáo lớn nhất nước này, với khoảng hơn 1 triệu tín đồ. So với năm 2000, tỷ lệ Phật tử trong nhóm tuổi từ 15 trở lên đã giảm từ 43 xuống còn 33%. Số lượng Phật tử tuổi từ 15 đến 35 cũng giảm từ 35% vào năm 2000 xuống còn 30% vào năm 2010.
Tuy nhiên, người phát ngôn của tu viện Kong Meng San Phor Kark See tại đường Bright Hill (Bisan, Singapore) tuyên bố rằng, “có một sự biến chuyển mạnh mẽ trong nhận thức về đời sống tâm linh của thế hệ trẻ - họ đang hướng đến một cuộc sống ý nghĩa trước những mưu cầu vật chất”.
Thầy cho biết thêm: “Ngày nay, những người trẻ tuổi hướng Phật là những người làm việc một cách tận tụy bằng kinh nghiệm sống của mình để tìm kiếm một mục tiêu cao cả hơn trong cuộc đời này”.
Bảo Thiên - Anh thư (theo The Straits Times)