Niềm tin ở con người

GN - Trong một khóa tu ngắn hạn dành cho tuổi trẻ, chúng tôi biết hiện tại TP.Hồ Chí Minh có một trường dân lập dành cho đối tượng học sinh cá biệt. Học sinh bị đuổi học ở bất cứ trường nào, nếu phụ huynh vẫn còn muốn con em mình được tiếp tục đi trên đường học vấn thì trường vẫn tiếp nhận.

Những học sinh đó được xem là rất khó giáo dục nên mới bị hình thức kỷ luật cao nhất của học đường là đuổi học. Nguyên nhân gì khiến các em lứa tuổi ăn tuổi học này đến nông nỗi như vậy?

Giao duc PG.jpg

Nếu được giáo dục về lòng từ bi, định tĩnh ngay từ nhỏ
thì tương lai các em sẽ trở thành công dân tốt - Ảnh minh họa

Câu trả lời có lẽ cũng không phải là quá xa lạ hiện nay. Hầu hết các em ảnh hưởng bởi các trò chơi điện tử, nghiện games, bị tác động bởi các trào lưu sống ích kỷ, thực dụng nẩy sinh trong xã hội kích thích nhu cầu tiêu thụ tối đa như hiện nay, hoặc môi trường gia đình không đầm ấm, cha mẹ không có hạnh phúc, thường xảy ra tranh cãi, bạo lực…

Các em được cha mẹ chu cấp tiền, được nuôi về mặt vật chất mà không dưỡng về tinh thần. Cha mẹ ít tình thương hoặc thương yêu không đúng cách, nên các em đã chán chường cuộc sống thực, hoài nghi các giá trị đạo đức, từ đó đâm ra phá phách, không muốn học, thích thế giới ảo, thậm chí có em còn dính đến các thứ ma túy tổng hợp, hoang phí tuổi trẻ, nhận thức lệch lạc, để tâm hồn hoen ố một cách vô ý thức.

Thường khi một học sinh chịu hình thức kỷ luật là đuổi học, xem như học đường đã “hết thuốc chữa”. Và với dấu vết hạnh kiểm đó, dường như trường học nào cũng e ngại khi tiếp nhận. Hỏi thầy giáo Lê Văn Hồng, hiệu trưởng sáng lập của ngôi trường dành cho học sinh cá biệt kia, tại sao thầy lại có quyết định thành lập một trường khác biệt như thế, thầy cho biết rằng, trước đây thầy là giáo viên ở một trường công, từng chứng kiến nhiều học sinh có hoàn cảnh như vậy, nên tự sâu trong tâm rất thương các em. Thầy tin là các em có thể thay đổi để tốt lên.

Niềm tin đó không phải là không có cơ sở. Trong một chương trình học ngoại khóa, thầy đã đưa các em đến một trung tâm nuôi trẻ mồ côi và khuyết tật ở một ngôi chùa. Điều thầy lo lắng nhất là ngại các em sẽ phá phách cây cối, gây nên sự ồn náo cho chốn già lam. Và thật không ngờ, điều đó đã không xảy ra. Các em đã lao vào chăm sóc trẻ mồ côi, chơi với các em bé khuyết tật đầy tình thương, nhiều em lần đầu tiên tiếp xúc và biết được những bất hạnh của con người, một số em đã rơm rớm nước mắt…- Thầy kể lại.

Thầy đã đi tìm những mô hình giáo dục ngoài chương trình của học đường với niềm tin khơi dậy tình thương mà thầy tin tưởng rằng có sẵn trong sâu thẳm tâm hồn của các em, tạo điều kiện để các em được học cách chào hỏi nhau một cách trân trọng, ý thức sự sống tương quan, làm quen với thiền tập để nhìn lại chính mình… Hỏi thêm mới biết sâu xa hơn, thầy là Phật tử, từng có tâm niệm xuất gia nhưng duyên chưa đủ.

Tâm niệm ấy không bị mai một theo cuộc sống mưu sinh, mà vẫn được nuôi dưỡng và ngôi trường nơi tiếp nhận những học sinh bị các trường khác chối bỏ là một trong những kết quả, hoa trái hiến tặng cho cuộc đời này.

Với Phật giáo, nói đến giáo dục là nói đến niềm tin rằng người có một khả năng gần như vô tận, có thể xấu đi, có thể tốt lên, điều đó tùy thuộc vào phương pháp giáo dục. Thầy giáo Lê Văn Hồng và ngôi trường của thầy ở hoàn cảnh hiện tại có thể là một trong những gợi ý cho tinh thần ấy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày