Điểm nổi bật của ngôi chùa vùng ngoại thành nắng gió khô cằn này, là chư Ni đã mở lớp học tình thương, dang rộng vòng tay yêu thương mà đón lấy những thân phận bé bỏng, những mảnh đời khốn khó trong vòng kiềm tỏa của bần hàn và vô minh, về dưới một mái ấm luôn tỏa ánh sáng của Chánh pháp từ 15 năm qua, khởi đầu từ năm 2002.
Học sinh là con em dân tộc thiểu số Raglai trong những gia đình rất nghèo ở các thôn dân tộc trong xã, ít có điều kiện đến trường, có học sinh lớn tuổi nhưng chưa biết chữ, lại chưa nói rành tiết Việt. Nhà chùa đã mời giáo viên Trường Tiểu học xã Công Hải về dạy theo chương trình tiểu học quốc gia. Mỗi ngày, lớp học từ 16 giờ chiều đến 20 giờ tối. Học sinh được nhà chùa nấu ăn một bữa cơm chiều, được cấp sách vở, bút mực, áo đồng phục, học cho đến lớp 5 thì được tuyển vào học trung học cơ sở tại xã…
Năm học 2016-2017 vừa qua, Lớp học tình thương có 111 học sinh, trong đó 26 học sinh lớp 1, 23 học sinh lớp 2, 30 học sinh lớp 3, 21 học sinh lớp 4 và 11 học sinh lớp 5. Cuối năm học có 33 học sinh trong 5 lớp xếp loại khá, giỏi. Chùa đã tổ chức lễ bế giảng, tiễn học sinh ra trường, cùng thời gian với lễ khai giảng năm học mới, đón tiếp tân học sinh vào lớp.
Từ một tịnh thất mái tranh xưa xa cách đây hơn nửa thể kỷ (năm 1952), hình thành một niệm Phật đường nho nhỏ, qua hai đời chư tôn đức Tăng trú trì, ba lần trùng tu tôn tạo, chùa vẫn không trụ nổi với thời gian, giữa nắng mưa gió bão, và ngày càng trở nên chật chội bé nhỏ khi người dân quanh vùng đan tay dìu dắt nhau về quy y Tam bảo, học tu lễ giáo, trì tụng kệ kinh để nâng cao đời sống tinh thần, phụng sự đạo pháp mỗi năm càng đông đảo.
Chính vì lẽ đó, chư Ni chùa Long Cát (chúng đệ tử của Ni trưởng Thích nữ Mỹ Đức, trú trì chùa Diệu Nghiêm) đã phát tâm khởi nguyện tái thiết lại ngôi chùa, để một ngày mai tươi sáng nơi đây hiển hiện một Ni tự rộng rãi, không còn phải chịu cảnh "trời mưa thì mái dột điện thờ ngập nước, trời nắng thì nóng hầm hập" như bao năm qua.