Trong ngày đầu năm mới, người dân đã nô nức đến những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, TP HCM để cầu may mắn, tài lộc.
Sáng mùng 1 Tết, trong khi nhiều tuyến phố, ngõ nhỏ khá yên ắng thì tại các cổng chùa tấp nập, đông vui. Nhiệt độ ở Hà Nội khá ấm áp để người dân ra đường vui xuân.
Dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở nơi có tổ đình Phúc Khánh, xe máy và ôtô xếp hàng dài. Dịch vụ trông giữ xe ở đây tha hồ bắt chẹt khách với giá 15.000 - 50.000 đồng.
Lối cổng vào chùa khá chật hẹp khiến hàng trăm người phải chen vai nhau để vào. Thỉnh thoảng nơi đây còn có những "lớp sóng người" tạo ra nhưng ai nấy đều tỏ rõ niềm vui khi đến cửa Phật.
Bên trong điện Tam Bảo ngày thường rộng rãi là vậy nhưng hôm nay không còn một chỗ trống để đứng chân khấn. Hương khói bên trong nghi ngút khiến nhiều người không chịu được phải bê lễ ra ngoài khấn vái.
Ngồi bệt ngoài sân cùng cô bạn gái từng học hồi cấp 3 với mình, Lý Thị Trang ở quận Thanh Xuân vui vẻ cho biết, năm nay cũng như những năm trước đó cô đều chọn tổ đình Phúc Khánh để làm lễ. Đến chùa, Trang thường khấn sao có sức khỏe tốt, hoàn thành công việc được giao.
Khoe tấm quẻ vừa rút được bên trong, Trang bảo quẻ không được tốt năm. Nhưng đến được cửa chùa ngày Tết lòng cũng đã thanh thản và nhẹ nhàng.
Sáng sớm ngày mùng 1 Tết, bà Tư (69 tuổi ở quận Đống Đa) cũng dắt đứa cháu nội 7 tuổi của mình đến ngôi chùa khá nổi tiếng này. Bà cho hay, năm nào cũng vậy, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình phải đến cửa chùa làm lễ. Đây là dịp để bà cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới.
"Tôi già rồi chỉ mong có sức khỏe thôi chứ không còn làm giàu được nữa, dù nhà có buôn bán. Còn đứa cháu nội đây thì đưa nó đến để mong sao cho nó được học giỏi và ngoan ngoãn", đôi tay bà lão Tư xoa xoa lên đầu cháu nội.
Cách đó vài km, trên phố Quán Sứ nơi có chùa Quán Sứ các bãi trông xe cũng chật kín, nhiều xế hộp đỗ dọc hai bên đường. Dưới sân (trước cửa điện), hàng trăm người súng sính mặc những bộ quần áo mới lẩm bẩm khấn vái. Hương khói ở những bát nhanh lớn liên tục tỏa ra.
Gần trưa, để tìm được một nơi đặt lễ nơi đây không phải đơn giản. Trước các ban thờ đã chật kín các mâm, đĩa hoa quả, bánh trái cũng như tiền vàng.
Theo ghi nhận của PV, tục mua và bán muối đầu năm ở ngay cổng chùa đã trở thành nét đẹp của người dân Hà Nội. Nhiều người cho rằng quan niệm "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" việc làm này sẽ lưu giữ cho con cháu mai sau.
Những túi muối được đóng trong các tủi vải đỏ, bao diêm hay bật lửa năm nay được khá nhiều người tìm đến. Chỉ cần 5.000 - 10.000 đồng người mua và người bán đã có được những nụ cười mãn nguyện khi xuân về.
Đeo tấm biển quảng cáo trên người: "bật đỏ lửa thần, may mắn cả năm" anh Khổng Quốc Minh, một người đang công tác ở Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam liên tục mời chào khách. Anh cho biết chỉ trong ít tiếng, anh cùng các cộng sự của mình đã bán được trên 200 bật lửa với giá 10.000 đồng.
"Đây là cơ hội thử sức kinh doanh của các em sinh viên kinh tế do mình sáng lập. Hi vọng qua năm nay các em sẽ biết nắm bắt cơ hội kinh doanh cho chính bản thân mình", anh Minh nói.
Tại TP HCM, các dịch vụ nhang khói, tử vi, bán chim phóng sinh cũng nhộn nhịp từ ngày đầu năm mới.
Từ sáng sớm, chùa Phổ Quang quận ở Tân Bình đông đảo phật tử và người dân đã đến đây, tay cầm nhang, hoa sen, cành vàng lá ngọc... lần lượt vào thấp hương khấn vái, thỉnh cầu. Càng về trưa, dòng người đổ đến càng đông tuyến đường trước cổng chùa chật kín người và xe.
Những quầy bán sách tử vi dọc hai bên đường cũng được bày ra tranh thủ ngày đầu năm để bán cho người đi chùa. Dịch vụ chim phóng sinh cũng tấp nập người mua. Ngay sau khi vào chùa làm lễ cúng, nhiều người nán lại thưởng thức các món chay do nhà chùa tự nấu.
"Ngày mùng 1 Tết mà ăn chay được thì cả năm mình sẽ được thanh thoát nhẹ nhàng. Hơn nữa những ngày này thức ăn ê chề, nên ăn chay là để thay đổi cảm giác về khẩu vị", chị Nhung ở Phú Nhuận chia sẻ.
Nằm ở trung tâm thành phố, chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng linh thiêng vẫn là nơi đông người tới cầu may nhất. Tay cầm bó nhang nghi nghút khói, bà Cẩm chia sẻ: "Năm nay tôi mới có tin vui, sắp có cháu nội bế. Tôi cầu cho con dâu sinh được đứa cháu đích tôn và mẹ tròn con vuông. Trong tháng Giêng tôi cũng sẽ đi nhiều chùa xa khác để cầu cho con cái làm ăn được thịnh vượng".
Ở nhiều chùa lớn khác như: Giác Lâm (Tân Bình), Việt Nam Quốc Tự (quận 10), Xá Lợi (quận 3)... cũng thu hút hàng nghìn người đến cầu may, lấy lộc. "Cả năm bận rộn, chỉ có những ngày Tết là dịp quan trọng nhất để gia đình cùng quây quần bên nhau và cùng đi chùa. Đây vừa là quan niệm về tâm linh, nhưng cũng là thói quen, phong tục truyền thống phải duy trì để con cái biết mà giữ về sau. Ngoài sức khỏe, năm nay tôi còn muốn cầu cho cậu con trai tu tâm làm ăn để xây dựng gia đình", ông Tư ở Bình Thạnh chia sẻ.