Chiều 14-2 (mồng 1 tết), hàng chục ngàn người đã hành hương về chùa Bà (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Trước đó, tối giao thừa hàng chục ngàn người cũng đã đổ về chùa thắp nhang xin lộc.
Dịch vụ gởi xe và các dịch vụ ăn theo cũng mọc lên như nấm. Ngồi trước cổng chùa có hai dãy hành nghề “xin tiền”. Nhiều điểm giữ xe “lậu” mọc lên chém tiền khách từ 7.000 - 10.000 đồng/xe máy.
Theo ban tổ chức lễ hội chùa Bà thì đã có khoảng 30 ngàn lượt người hành hương về chùa Bà trong ngày đầu năm mới. Do lượng khách đổ về quá đông nên xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy ở khu vực chính cung.
Ban quản trị chùa Bà đã thành lập hẳn một ban tổ chức cho “Lễ hội chùa Bà 2010” để đón khách tốt hơn. Hiện ban tổ chức cũng khẩn trương chuẩn bị cho lễ hội rước kiệu Bà tổ chức vào rằm tháng giêng. Lễ chính của chùa này là lễ rước cộ qua các con đường trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sau đó về lại chùa Bà với mục đích mang may mắn, ấm no đến với những người có lòng tin.
* Hạ Long: Hơn 3.000 du khách "xông đất"
Hơn 3.000 du khách "xông đất" Hạ Long (Quảng Ninh) trong mùng một tết Canh Dần (14-2), trong đó lượng khách nước ngoài chiếm hơn 90%. Sẽ có hơn 250 chuyến tàu xuất bến trong ngày đầu năm mới đưa khách đi thăm Vịnh, con số kỷ lục chưa từng có trong các dịp Tết cổ truyền trước đây.
Đây là tết cổ truyền thứ 5 ngành du lịch Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh triển khai nhiều chương trình đặc sắc, mang đậm nét văn hóa vùng mỏ. Điểm nhấn là Dạ tiệc đón Giao thừa tết Canh Dần tại Công viên quốc tế Hoàng Gia (khu du lịch Bãi Cháy) dành cho tất cả du khách đến từ nhiều quốc gia.
Trong dịp này, tất cả các tàu biển đưa du khách "xông đất" Hạ Long đều được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, UBND TP.Hạ Long và Ban quản lý Vịnh Hạ Long lên tàu tặng hoa, quà, chúc mừng thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn.
Trước đó, ngày 30 tết (13-2) tàu biển quốc tế Legend mang theo gần 2.000 du khách quốc tế đến tham quan Hạ Long. Đây là con tàu biển quốc tế thứ 2 trong tuần cập bến đưa du khách tham quan Vịnh Hạ Long. Các đơn vị lữ hành tại Quảng Ninh đã tổ chức đón tiếp chu đáo và đưa đoàn tham quan các điểm du lịch trong thành phố bên bờ Di sản theo lịch trình tour đã định.
* Đất Mũi Cà Mau: hào hứng với nhiều "trò chơi có thưởng"
Ngày đầu xuân ở Cà Mau, điểm vui chơi Lâm viên 19-5 (TP Cà Mau) có hàng ngàn người dân đến vui chơi.
Ngoài những khu vui chơi giải trí thì công viên này cũng có các điểm trò chơi có thưởng như trò chơi lô tô, ném lon, quy số, bốc vàng trúng thưởng. Tại những điểm chò chơi có thưởng rất náo nhiệt, nhiều người có "máu cờ bạc" cũng "cháy túi" theo những trò chơi này trong ngày đầu xuân.
Tàu cao tốc đi điểm du lịch Mũi Cà Mau không có vé vì nhu cầu người đi tham quan điểm cực nam của Tổ quốc ngày tết rất cao. “Tôi đợi cả hơn hai giờ mà không có vé tàu đi. Còn thuê cao tốc đi thì chi phí cao quá nên ngồi chờ dài… cả cổ” - anh Nguyễn Tuấn Minh - du khách đến từ TP Cần Thơ than thở.
* Lào Cai: Hàng trăm người ăn Tết giữa rừng để chữa cháy
Như tin đã đưa, từ ngày 29 Tết Nguyên đán, đám cháy lớn từ khu rừng Quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) đã cháy lan sang rừng khu vực bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường - Lai Châu). Trong chiều 30 Tết, cả 2 đám cháy đã dịu đi, song đến 13g mùng một tết, tại các vị trí trên vẫn âm ỉ cháy, khói bốc lên cao tiềm ẩn nguy cơ có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Tại khu vực rừng Chu Va 12 từ sáng mùng một tết, nhiều đội chữa cháy thuộc các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và nhân dân địa phương hối hả phát cây rừng tạo thành các đường băng cản lửa. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Lai Châu như Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Chử, Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Giàng, Chủ tịch HĐND Giàng Páo Mỷ... và huyện Tam Đường đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy cứu rừng.
Được biết, trong 3 ngày qua 100% quân số của lực lượng chữa cháy vẫn an toàn. Tuy nhiên phần lớn họ phải ngủ dưới nền nhà trong khu vực nhà bảo vệ của rừng Quốc gia Hoàng Liên, hay một số nhà dân chung quanh, trong thời tiết giá lạnh. Thức ăn của các đội chữa cháy chủ yếu là bánh chưng, kẹo bánh quyên góp được của nhân dân các địa phương trong tỉnh.
Hiện 100 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 đang trên đường hành quân đến chi viện cho lực lượng chữa cháy của tỉnh Lai Châu.
* Đà Lạt rục rịch đón khách
Giới kinh doanh du lịch ở Đà Lạt cho biết đang chuẩn bị đón khoảng trên 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến phố núi kể từ ngày mùng 2 đến mùng 8 tết Canh Dần 2010, số lượng này tăng so với dự kiến.
Nguyên nhân: do thời gian nghỉ Tết năm nay dài hơn mọi năm và đặc biệt là do thời tiết bất ngờ nắng nóng kéo dài ở các tỉnh khu vực Nam bộ , Nam trung bộ nên nhiều du khách ưu tiên chọn Đà Lạt để nghỉ mát.
Trước đó, nhiều chủ khách sạn dự đoán dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ có ít du khách đến Đà Lạt vì thành phố này mới đón một lượng lớn du khách trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2010. Cạnh đó, hồ Xuân Hương mới được tháo cạn nước để sửa chữa nên cảnh quan thơ mộng của phố núi cũng giảm đi ít nhiều.
Tuy nhiên, theo nhiều hãng lữ hành ở TP.HCM, Hà Nội …, hiện Đà lạt vẫn là điểm đến khá hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước bởi khí hậu luôn mát mẻ và có nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn được đầu tư ở các khu du lịch Thung lũng tình yêu, thung lũng vàng, thác Datanla, thác Prenn …
Hiện Đà Lạt có trên 700 khách sạn, nhà nghỉ với sức chứa trên 20.000 người/ngày với mức giá trong dịp tết này tăng khoảng 30-50% so ngày thường (khoảng 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày).
Trong đó chỉ những khách sạn lớn ở khu vực trung tâm đã có khách đăng ký lưu trú từ ngày 14 đến 17-2 (mồng 1 đến - 4 Tết) .
* Huế - về ngoại thành tham gia trò chơi dân gian
Tại Huế buổi sáng đầu xuân trời nắng chói chang. Từ sáng sớm, những đoàn người tấp nập đổ dồn về vùng đồi núi phía tây nam thành phố để đi lễ chùa và viếng mộ người thân.
Huế vốn là phần đất tâm linh của kinh đô xưa, nơi tập trung “âm phần” của các vua chúa nhà Nguyễn; của người dân cố đô và là nơi tồn tại dày đặc đền, chùa, am miếu...
Tại khu vực nghĩa trang thành phố dưới chân núi Tam Thai, từng đoàn người xe ken chặt cả những tuyến đường, trải đều trên cả khu mộ địa rộng lớn.
Tại tất cả hơn 100 ngôi chùa Huế đều trong tình trạng rất đông người dân lẫn du khách đi lễ Phật và vãn cảnh chùa.
Ông Dominique một du khách Pháp đang tham quan chùa cổ Từ Hiếu – Huế, nhận xét: “Tôi từng đi nhiều nơi, tham dự nhiều lễ tết của nhiều vùng miền. Song tôi nhận thấy cách đón tết của người dân Huế có những nét rất đặc trưng. Chúng tôi có cách nghĩ về lễ tết khác với các bạn, nhưng cách đón tết, ăn tết, chơi tết của các bạn như tôi chứng kiến hôm nay khiến tôi rất thú vị”.
Ngược về những miền quê yên ả, chúng tôi đến những khu làng có những hoạt động dân gian vui xuân truyền thống.
Tại sân chùa làng Phước Yên nằm ven sông Bồ thuộc xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền, hàng chục người dân, già có trẻ có, từng đôi đang đung đưa vắt vẻo với trò đu tiên. Được dựng lên từ tối 30 tết, giờ giao thừa bắt đầu mở đu bằng một nghi lễ thỉnh mời tổ tiên tụ hội cùng con cháu trong những ngày đầu xuân...
Tương tự tại chợ quê Gia Lạc có đến hàng trăm người đổ dồn về mua bán cầu may đầu năm. Chợ Gia Lạc nằm cách trung tâm TP Huế chừng 5km về phía đông thuộc xã Phú Thượng, huỵên Phú Vang, là ngôi chợ phiên độc đáo từ hàng trăm năm nay chỉ họp trong ba ngày tết...
* TP.HCM: lên chùa vọng chuông