Nơi cưu mang những phận đời bất hạnh

GNO - Đến Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng, chúng tôi bắt gặp những gương mặt ngơ ngác vô hồn và những tiếng la hét của các em bé tật nguyền, bất hạnh. Đằng sau các em là bao nỗ lực, nhọc nhằn của đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây.

Mái ấm thân thiết

Em Alăng T.G, 17 tuổi, quê tỉnh Nghệ An vào Đà Nẵng mưu sinh và bị mang thai ngoài ý muốn. Em được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.Đà Nẵng năm 2017 và được các cán bộ, nhân viên nơi đây tận tình cưu mang, đùm bọc. Ban Giám đốc Trung tâm phân công nhân viên đều đặn chở T.G đi khám thai định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Đến ngày sinh, T.G được đưa đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và cán bộ, nhân viên của Trung tâm thay nhau túc trực, chăm sóc. Sau khi sinh, Ban Giám đốc Trung tâm đón T.G và cháu bé trở về, nuôi dưỡng chu đáo cả hai mẹ con. Mặt khác, lãnh đạo Trung tâm liên hệ nhiều nơi để xin việc làm cho T.G khi cháu bé đã được 6 tháng tuổi.

Từ đó, T.G được nhận vào làm tại một cơ sở sản xuất gạch hoa ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và hai mẹ con T.G vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Hằng ngày, các nhân viên Trung tâm thay nhau chăm cháu bé, T.G đi làm gạch hoa đến trưa, tối lại tranh thủ về cho con bú. “Con em đã tròn 1 tuổi, được đặt tên là Hạ Vy và trung tâm này đã trở thành mái ấm thân thiết của hai mẹ con em”, T.G chia sẻ. 

NHAB (1).JPG

Cán bộ, nhân viên trung tâm luôn tận tình chăm sóc các cháu

Không chỉ riêng bé Hạ Vy, Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.Đà Nẵng đang nuôi dưỡng 21 trẻ sơ sinh và trẻ khuyết tật (trong tổng số 159 đối tượng xã hội). Nhiều cháu bị bại não. Nhiều cháu chân tay lèo khoèo, khẳng khiu. Hầu hết bị suy dinh dưỡng trước khi được đưa vào trung tâm. Các thân phận bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi và được đến đây bằng nhiều con đường khác nhau. Có cháu do chính quyền địa phương đưa đến, có cháu do người dân phát hiện đưa đến.

Nhiều em vô thừa nhận và được lấy họ theo họ của Giám đốc Trung tâm Hệ Thị Thanh Hương. Đơn cử như cháu Hệ Bảo Ân khi vào Trung tâm chưa đầy 1 tháng tuổi, vừa suy dinh dưỡng, vừa bị bệnh down, nuôi được 3 tháng. Trung tâm lại phát hiện cháu bị bệnh tim bẩm sinh.

Ban Giám đốc trung tâm đã nỗ lực vận động tài trợ, đưa cháu Ân đi phẫu thuật chữa tim tại Bệnh viện Trung ương Huế. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm thay nhau chăm sóc, rồi đón cháu trở về nuôi và đều đặn đưa cháu đi tái khám định kỳ. Giám đốc Hệ Thị Thanh Hương vui mừng cho biết:” Kết quả tái khám mới đây cho thấy tim của cháu Ân đã trở lại bình thường”.

"Coi các cháu như con của mình"

Trên một chiếc nệm lớn, gần 10 đứa trẻ khuyết tật, ngây ngô, chân tay quờ quạng, khua khuấy liên hồi. Bốn nhân viên cùng ngồi trên nệm và hết sức vất vả để đút cho các cháu ăn. Các cô vừa đút, vừa dỗ dành từng cháu, vậy mà có cháu lại vùng vẫy, la hét và giơ chân đạp tứ tung.

Nhân viên Nguyễn Thị Tùng đặt một cháu vào lòng, khéo léo đút từng thìa cháo và chia sẻ với chúng tôi: “Cháu nhỏ và ốm vậy nhưng đã 15 tuổi rồi, suốt ngày hết ngủ lại khua chân khua tay loạn xạ”. Có cháu bị thiểu năng trí tuệ lại khuyết tật cả chân tay. Có cháu nằm bất động. Có cháu cả ngày quấy phá. Mỗi lần cho các cháu ăn, các nhân viên phải rất vất vả bởi nhiều cháu cứ vung tay, lắc miệng.

Bởi vậy, đút cho được một chén cháo thật không dễ dàng. Chị Đặng Thị Thủy Tiên, một nhân viên của trung tâm bộc bạch: “Chúng em coi các cháu như con của mình và khắc phục mọi khó khăn để nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu cho chu đáo”.

Bao hoàn cảnh thương tâm, bao phận đời bất hạnh đã được Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.Đà Nẵng cưu mang, nuôi dưỡng. Bà Nguyễn Thị H (SN 1959) và hai con là Hoàng Thị T và Hoàng Văn P, quê xã Đại Thạnh (Đại Lộc, Quảng Nam) được đưa vào Trung tâm từ năm 2000 khi T mới 10 tuổi và P mới 8 tuổi. Hồi ấy, bà H bị bệnh lý tâm thần, còn T và P đều học yếu và gầy gò, suy nhược.

Từ khi vào đây, T và P được đi học tại Trường tiểu học Hồng Quang (phường Hòa Khánh Nam) và được cán bộ, nhân viên Trung tâm tận tình dạy kèm ngoài giờ học tại trường. Nhờ đó, học lực của hai em khá lên dần và sức khỏe cũng ngày càng tốt hơn. Bây giờ, T đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tư thục Đức Trí và đã trở thành giáo viên Trường Mầm non Nhân Đức (phường Hòa Minh), còn P đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Trường Tiến trong Khu Công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).

Trong khi đó, bà H đã khỏi bệnh, sức khỏe ổn định. Ba mẹ con bà H đã trở về với cuộc sống cộng đồng, cư trú tại khu dân cư Trung Nghĩa (phường Hòa Minh). Dẫu tảo tần mưu sinh nhưng bà H cùng các con vẫn thường xuyên trở về thăm Trung tâm với niềm biết ơn sâu sắc. “Nơi đây đã cưu mang, đùm bọc gia đình mình gần 20 năm và đã chắp cánh tương lai cho hai chị em mình”, cô giáo Hoàng Thị T chia sẻ…

Từ khi thành lập (năm 1997) đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.Đà Nẵng đã nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em được các nhà hảo tâm và các cặp vợ chồng hiếm muộn nhận làm con nuôi, nhiều em được tạo điều kiện trở về với gia đình.

Anh Nguyễn Quang Trung, nhân viên của trung tâm cho biết, những trẻ em bình thường được trung tâm khẩn trương xác minh địa chỉ gia đình và tận tình giúp cha mẹ các em đến đón các em trở về với mái ấm gia đình. Những trường hợp không tìm ra cha mẹ, Trung tâm gửi đi học tại các trường học trên địa bàn hoặc tại Làng Hy Vọng (quận Thanh Khê).

Cụ thể như em Võ Trung Hiếu, 9 tuổi, được gửi đi học tại Làng Hy Vọng đã hơn 2 năm. Chủ nhật hàng tuần cũng như mỗi dịp lễ, Tết, nghỉ hè, cán bộ của trung tâm lại đến đón em về trung tâm. “Trung tâm lo cho em từng li từng tí. Em coi các cô chú cán bộ của Trung tâm như cha mẹ của mình”, Trung Hiếu bộc bạch. 

Đối với những em không có khả năng học văn hóa, lãnh đạo trung tâm tạo điều kiện hỗ trợ các em học nghề nhằm có cơ hội tìm kiếm việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Em Nguyễn Văn Hiếu, một trong những em đang học nghề cho biết: Em được trung tâm trang bị xe đạp làm phương tiện đi học nghề cơ khí trên đường Tôn Đản (quận Cẩm Lệ) và đã được chủ xưởng cơ khí cho hưởng thù lao hàng tháng...

Tạm biệt trung tâm vào lúc chiều tà, chúng tôi cứ nhớ mãi câu nói của chị nhân viên Đặng Thị Thủy Tiên: “Chúng em luôn cố gắng nuôi dưỡng các cháu chu đáo, chỉ mong các cháu lớn lên làm người có ích”.            

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày