“Nối nhịp bờ vui” trên 300 cây cầu chào mừng Phật đản

GN - “Nối nhịp bờ vui” - chương trình xây dựng cầu bê-tông nông thôn của Hội Từ thiện Tường Nguyên thiền tự (TP.HCM) và Ban TTXH Phật giáo TP.HCM đã đánh dấu mốc trên 300 cây cầu. Gần đây, mỗi nhịp cầu ở các địa phương cùng hòa với niềm vui hướng đến kính mừng Đại lễ Phật đản - Vesak PL.2563.

Nối kết những bờ vui

Người chủ trương thực hiện chương trình “Nối nhịp bờ vui” là ĐĐ.Thích Minh Phú, Hội trưởng Hội Từ thiện Tường Nguyên thiền tự (Hội), từng trải qua quá trình tròn 20 năm gắn bó với công tác TTXH, khởi đầu từ Hội Từ thiện chùa Giác Nguyên (1999), đến năm 2014, Hội Tường Nguyên ra đời, Đại đức cũng là ủy viên Ban TTXH Phật giáo TP trong 3 nhiệm kỳ. Đến năm 2018, nhiệm kỳ IX (2017-2022) của Phật giáo TP.HCM, Đại đức là Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban TTXH Phật giáo TP.

ĐĐ.Minh Phú cho biết thêm: “Trong quá trình thực hiện chương trình từ thiện ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tôi nhận thấy có khá nhiều cây cầu khỉ và cầu tạm. Có những địa phương nghèo không phát triển kinh tế được, học sinh và người dân đi lại rất khó khăn, ngay cả thành viên của Hội khi đi khảo sát cũng nhiều lần té ngã, nên chúng tôi quyết chí chung tay xây những chiếc cầu bê-tông cho dân thuận tiện đi lại. Tuy vậy, mỗi năm Hội cũng chỉ xây dựng khoảng 10 cây cầu, không nhiều như ba năm trở lại đây”.

h3 (1).jpg

Dấu ấn trên trụ cầu - chào mừng Đại lễ Vesak 2019 do Hội Tường Nguyên thực hiện

Điều đặc biệt, mỗi khi có địa phương xin hỗ trợ xây cầu bê-tông, Hội phải cử thành viên thuộc đội khảo sát, thiết kế, thi công chủ động đi khảo sát thực tế. Mỗi cây cầu được xây, có khi phải khảo sát đến ba lần và phải hội đủ tiêu chí: người dân ở vùng đó thật sự nghèo, cầu tạm bợ hoặc cầu khỉ cần khắc phục, xây dựng mới để phát triển kinh tế ở địa phương.

Thực hiện xây cầu bê-tông, tiêu chuẩn của Hội là thực hiện cây nhỏ nhất phải có kích thước ngang 2,2m, chiều dài 15m, khi xây cầu ở đâu thì phải động thổ và khánh thành ngay tại chỗ đó. Hàng chục năm qua, phương châm hoạt động từ thiện của Hội là không phải để truyền đạo, không liên quan chính trị, không phô trương cá nhân; từ thiện là nhằm đem lại lợi lạc cho đời, hình ảnh tốt đẹp cho đạo Phật.

Cây cầu bê-tông thứ 300 “chào mừng Đại lễ Vesak”

“Mỗi nơi đến, chúng tôi đều nhận được tình cảm của người dân địa phương, như ở Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, làm động lực cho mình tiếp tục những công trình tiếp theo. Tại Bến Tre, khi cây cầu được làm xong, ngày khánh thành người dân có gì trong vườn thì mang đến cho đoàn, người thì mang ổi, mía, bưởi, rổ khoai lang, ca trà đá, hay người nấu chè, nấu cháo… đãi đoàn. Thật sự, những điều bình dị, đơn sơ đó đã ghi đậm trong lòng mỗi thành viên của Hội, đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiếp tục dấn thân ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn”, ĐĐ.Thích Minh Phú cảm động cho biết.

Dấu ấn của Hội là những cây cầu bê-tông đem lại giá trị thật sự cho người dân, như cây cầu cũ ở nhà thờ Hiếu Nhơn, người dân sử dụng đã 70 năm nên bị sập, khi xuống khảo sát, thì được biết nhà thờ đã vận động trong 4 năm nhưng chỉ được vài trăm triệu đồng. Hội đã quyết định tài trợ xây cây cầu này, trị giá gần 2,5 tỷ đồng.

Hội bắt đầu xây cầu từ năm 1996, đếm số - bắt đầu từ số 1; tuy nhiên việc hỗ trợ xây dựng cầu bê-tông không nhiều, cho đến 3 năm trở lại đây. Khi mỗi cây cầu được xây, Hội nhận thấy đời sống người dân địa phương thay đổi theo hướng phát triển kinh tế bền vững. Cho đến hiện nay, Hội đã xây dựng, bàn giao và đang thi công, tất cả 310 cây cầu lớn nhỏ.

Cầu Tường Nguyên số 300 là cột mốc quan trọng đánh dấu ý nghĩa cho những công trình chào mừng Đại lễ Phật đản - Vesak PL.2563 của Phật giáo TP.HCM và Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 do GHPGVN đăng cai tổ chức. Dấu ấn ba cây cầu lớn nhất được Hội xây dựng có chiều rộng 3,5m, chiều dài 60m. Đó là cầu thứ nhất bắc qua sông Ba Lai (H.Châu Thành, Bến Tre); cầu bắc qua sông nhà thờ Hiếu Nhơn, xã Hiếu Thuận (H.Vũng Liêm, Vĩnh Long); cầu chùa Thiên Long cổ tự, bắc qua sông Mỹ Đức Tây, xã Mỹ Đức Tây (H.Cái Bè, Tiền Giang), mỗi cây cầu lớn này trị giá từ 2,5 đến 3 tỷ đồng.

Hình ảnh khó quên

Cây cầu chùa Thiên Long chính là cây cầu Tường Nguyên 300. ĐĐ.Thích Minh Phú cho biết, sở dĩ có cây cầu này là nhờ Ni sư trụ trì Thiên Long cổ tự. “Còn nhớ hôm đó có một người tất tả tới, tôi không biết là Sư cô, Ni sư, hay Phật tử vì người đó mặc áo ngắn. Ni sư nói: ‘Thầy ơi, giúp giùm con đi thầy, cây cầu đó qua chùa. Ngày xưa nơi đó là bến đò, có người đưa đò, nhưng bây giờ họ đã khá hơn nên không đưa đò nữa, mà mỗi ngày có cả ngàn học sinh qua lại’. Tôi nhận thấy cầu Mỹ Đức Tây phía xa kia lại thường xuyên bị kẹt xe, nên nếu xây cây cầu chùa này thì thật sự có ý nghĩa. Qua nhiều lần khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi quyết định xây cây cầu thứ 300 tại đây”.

h1.jpg

Khởi công cầu  chùa Thiên Long - cầu Tường Nguyên 300 tại xã Mỹ Đức Tây

Cây cầu hoàn thành giúp cho 1.000 học sinh đi học, cho hàng ngàn người dân địa phương qua lại, những hộ dân ở đây toàn bộ đều làm nông nghiệp, trồng các loại cây ăn trái, cần lưu thông buôn bán nông sản nhà vườn. Nếu không có cây cầu chùa, họ phải đi vòng qua đoạn đường 7km về cầu Mỹ Đức Tây, mà cầu này lại thường xuyên bị kẹt xe.

Để nhận diện dễ dàng những cây cầu Hội đã xây, đội khảo sát, thi công đã “phủ” cho nó một màu vàng - nâu xen kẽ đặc trưng. Khi vừa bước qua cây cầu, người dân nhìn thấy ở trụ cầu có dòng chữ trên cùng là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kế đến tên của Hội, gần đây tấm bảng có thêm dòng “Chào mừng Đại lễ Vesak”, sau đó mới đến tên nhà tài trợ. Thông tin trên trụ cầu có lịch sử và ý nghĩa riêng của nó.

Mỗi cây cầu bê-tông được xây là cả một quá trình đầy vất vả, do chính nhân sự của Hội thực hiện. Đó là đội khảo sát, thi công gồm 15 người. Đội có thể làm cùng lúc tại 4 địa phương với 10 công trình cùng lúc, cùng sự trợ duyên của người dân địa phương. Ở vùng Kiên Giang, Bạc Liêu, Hội phải mua nước ngọt để trộn vật liệu (vì nước vùng này bị nhiễm mặn), đối với những cây cầu trên 45m phải dùng dầm Châu Thới 620 nhằm bảo đảm chất lượng cho công trình.

“Chúng tôi đã có mặt ở nơi những chiếc cầu tạm, cầu khỉ khiến người dân phải chịu nhiều nỗi mất mát, thương tâm. Đó là trường hợp một cháu bé bị té chết trước khi chiếc cầu khởi công chỉ vài ngày, hay một thai phụ bị té xuống sông khi đi trên chiếc cầu khỉ. Mỗi cây cầu mà Ban TTXH Phật giáo TP.HCM, Hội xây dựng đã mang lại niềm vui cho người dân địa phương. Chiếc cầu mới là sự khởi đầu mới, sự phấn khởi của người dân, xóa tan nỗi phập phồng lo sợ khi mùa mưa bão đến. Nó làm thay đổi cả diện mạo của xóm làng…”, ĐĐ.Thích Minh Phú tâm đắc.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày