Nơi tìm lại những nụ cười

GN - Nằm khuất khu Khổng Tử Miếu, đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An (Quảng Nam), nơi đây hầu như cách biệt hẳn với những bộn bề lo toan, sự xoay vần của cuộc sống diễn ra xung quanh. Những thành viên của Smile House (Nhà Cười) đều là những người không may mắn khi sinh ra đời với cơ thể mang một hoặc nhiều khiếm khuyết. Tuổi thơ hoặc cả quãng đời trước kia của những thanh niên ấy ngập tràn trong nỗi đau, mất mát và tự ti. Nhưng từ khi đến đây, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn, niềm vui đã hiện hình và sinh sôi ở ngôi nhà giàu tình yêu thương này...

Tìm lại nụ cười cho… chính mình

Đến với Nhà Cười đã khá nhiều lần trong những chuyến thiện nguyện nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy nụ cười, niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt của những thanh niên khuyết tật nơi đây. Gần 5 năm đi vào hoạt động và phát triển, nơi đây đã nâng cánh cho rất nhiều mảnh đời bất hạnh, giúp họ tự tin hơn để bước vào cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Người này đến rồi người kia đi, những tiếng cười vẫn cứ tiếp nối chưa bao giờ dứt.

BAI (2).jpg

Cặp vợ chồng người Pháp tổ chức sinh nhật cho các em ở Nhà Cười - Ảnh: T.Giang

Một trong những mảnh đời đã được đổi thay khá lớn nhờ Smile House là câu chuyện của em Nguyễn Thị Hạ (trú tại phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, Quảng Nam ). Hạ năm nay 22 tuổi nhưng cơ thể phát triển chậm, nhìn mới như một cô bé học lớp 5, lớp 6 mà thôi. Em đã có gần 4 năm gắn bó với nơi này và coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình.

Cách đây gần 4 năm, lúc ấy cô bé Hạ mang nhiều mặc cảm, ốm đau liên miên và liên tục nằm viện. Vừa học đến lớp 10 thì bệnh nặng nên em không thể đi học tiếp được. Cùng lúc đó, ba em mất. Mẹ thì phải vào Tây Nguyên mưu sinh qua ngày. Ở với các dì, với cơ thể ốm yếu, em dần rơi vào trạng thái trầm cảm, yếm thế, tự ti. Hàng ngày, em chỉ biết ngồi trước cửa nhà và khóc cho những nỗi đau của mình.

Nhưng từ khi đến với Smile House, niềm vui đã trở lại với Hạ nhanh chóng. Được quen biết với những bạn bè chung hoàn cảnh, Hạ dần dần tự tin với chính mình và với mọi người. Hạ bảo rằng, em cảm ơn mọi người ở đây nhiều lắm. Nhờ tình yêu thương và sự động viên, dìu dắt của các anh chị, cô chú mà em mới có được ngày hôm nay, tự tin trước cuộc đời dẫu còn rất nhiều khó khăn phía trước.

Một mảnh đời khác ở đây là em Nguyễn Thị Lành, nhà ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (Quảng Nam ). Lành năm nay đã 27 tuổi nhưng do thiểu năng trí tuệ nên thường hay quên, không biết chữ và cũng không biết đến số đếm.

Lúc nhỏ, sau một cơn sốt, Lành bị co giật tay chân rồi bị co rút đến bây giờ. Tay chân cử động được nhưng khó khăn, trí tuệ thì ngờ nghệch, nhưng dường như sức mạnh của niềm vui đã đưa em về lại với một phần của chính mình. Các cô chú quản lý và các anh chị em ở đây đã giúp Lành đếm được số, thuộc được mặt chữ cái và thậm chí là học được một số từ, câu cơ bản tiếng Anh. Dù lúc nhớ lúc quên, nhưng với một cô bé vốn thiểu năng trí tuệ thì đó đã là một sự thay đổi lớn.

Bên cạnh Hạ, Lành ở Nhà Cười còn nhiều em đã được "hồi sinh" khi đến đây. Đó là các em Lượm, Phượng hay Xinh. Trước đó, ở gia đình, các em là những người khuyết tật, suốt ngày chỉ ngồi trông nhà hoặc làm những việc vặt mà thôi, và suốt ngày phải mang mặc cảm tật nguyền, bị thụ động, thiếu tự tin. Bước vào Nhà Cười, hình như những gì tốt nhất, mạnh mẽ nhất trong các em đã trở về.

Từ những cô bé, cậu bé nhút nhát, sợ hãi trước mọi thứ, dần dần các em tự tin hơn, hoạt bát hơn. Từng ngày một, các em vừa làm việc, vừa giúp nhau san sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, sợi dây gắn kết nhau giữa các thành viên ngày càng thân thiết hơn. Với tiếng cười, bằng sức mạnh của tình yêu thương, các bạn từng bước giúp nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Khẳng định mình là người hữu ích

Từ mục đích ban đầu là tạo một sân chơi cho những thanh niên khuyết tật ở Hội An, các thành viên sáng lập đã vận động được hơn 50 triệu để thuê mặt bằng, mua máy móc và các hàng hóa ban đầu về cho các em làm, bán cho du khách. Để làm được điều ấy, họ cũng đã trải qua không ít những khó khăn. Dần dần, Smile House đã trở nên là một cơ sở sản xuất đa dạng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, và hương thắp.

BAI (1).jpg

Mỗi em có một khiếm khuyết ở cơ thể nhưng các em đều cố gắng làm việc - Ảnh: T.Giang

Những đôi tay đôi chân tật nguyền, những khối óc không được minh mẫn như những người bình thường, nhưng các em vẫn luôn phấn đấu để chứng minh rằng mình vẫn còn là người có ích cho bản thân và cho xã hội. Dù ngày mưa hay ngày nắng, chỉ trừ lúc ốm đau nặng, còn lại, các em đều có mặt chăm chỉ từng ngày, phấn đấu từng ngày.

Trong một cuộc nói chuyện gần đây với một du khách người Úc, ông Neil Cowan, tôi được ông bày tỏ sự khâm phục thật sự với những thanh niên tại Smile House. Ông bảo rằng đã đến Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng 2 lần rồi, nhưng lần nào ông cũng ghé lại Smile House chơi vài buổi. Ở đây, với những tiếng cười ngây thơ của những mảnh đời bất hạnh, ông cảm thấy lòng mình thanh thản hơn, bình yên hơn. Đi khá nhiều nơi trên thế giới, nhưng Neil Cowan luôn khắc đậm hình ảnh những người khuyết tật miệt mài, tự học và tự làm để nuôi sống mình. Ông bảo nếu có cơ hội, ông sẽ trở lại và trở lại nhiều hơn với Smile House.

Có mặt tại Nhà Cười để xem các em làm hương, làm túi giấy mới thấy được sự quyết tâm của những thanh niên không chịu khuất phục trước số phận. Sức khỏe vốn không được như những người bình thường nên hầu hết các em vận động để làm việc với một ý chí cao độ. Những bàn chân cong queo vẫn đạp máy để ra những cây hương. Những cánh tay khiếm khuyết vẫn cố gắng lật đều, dán những túi giấy thật đẹp để kịp thời gian giao cho khách. Người bình thường làm việc vất vả một thì ở đây, các em vất vả gấp 10 lần.

Chia sẻ với chúng tôi, em Phượng, thành viên hiện tại của Smile House cho biết: "Tụi em nhiều bữa làm cả ngày, tối về nằm xuống giường là lưng đau ê ẩm nhưng rồi, mai lại vui vẻ làm tiếp. Bởi đây vừa là nguồn thu nhập, vừa là niềm vui của tụi em. Ở nhà, muốn có tiền, em phải xin bà ngoại và các dì, các cậu nhưng ở đây, đồng tiền do em làm ra dù ít ỏi, em vẫn rất tự hào. Mỗi khi nhận được lương, lòng cảm thấy vô cùng vui sướng. Tụi em còn phải cố gắng nhiều, để tự nuôi sống được bản thân. Ở Nhà Cười, mọi việc đều có thể làm được...".

Chia tay Nhà Cười, chúng tôi mong những nụ cười trên môi các em ở đây sẽ luôn rạng rỡ mãi trong cuộc đời này. Và, sẽ có thêm nhiều mảnh đời khuyết tật khó khăn được vào cư ngụ, tìm thấy cơ hội thay đổi môi trường sống tốt đẹp hơn. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu có thật nhiều ngôi nhà tràn đầy yêu thương như Nhà Cười. Những em như Hạ, Lành, Phượng rồi đây sẽ tự tin hơn khi bước vào cuộc đời vốn chưa bao giờ bình lặng…

"Nhìn thấy các em, các cháu yêu thương nhau, cùng nhau phấn đấu cho tương lai, cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, tôi vui lắm. Do điều kiện gia đình, thời gian gần đây không thường xuyên gặp gỡ các cháu nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình ở Nhà Cười. Từ những đứa trẻ khuyết tật với nhiều mất mát, các em dám chấp nhận hiện tại để tự tin, sẵn sàng hòa nhập cộng đồng là một vấn đề rất khó khăn không phải ai cũng làm được. Ở Nhà Cười, chúng tôi đã giúp không ít em làm được điều ấy. Song, những trắc trở vẫn còn không ít với từng mảnh đời ở đây và với cả Nhà Cười nói chung. Các em vẫn cần lắm sự chung tay giúp sức và định hướng của tất cả những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện...". Ông Trịnh Xuân Vinh, một trong những thành viên sáng lập Nhà Cười, tâm sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày