GN - Chúng tôi tới chùa Đức Sơn (thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) trong cái nắng đang vào hồi gay gắt nhất của miền Trung; nhìn những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên được chư Ni ở đây nuôi nấng, dạy bảo mà lòng cảm thấy an vui, quên hết nhọc mệt đường xa...
Những mảnh đời trẻ thơ phiêu dạt
Gần 200 trẻ được nuôi dưỡng tại chùa Đức Sơn hiện nay đều có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Các em, hoặc bị những bậc cha mẹ vô tâm bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, hoặc mang những trọng bệnh mà gia đình vô phương đành nhờ đến tâm từ bi của quý Ni sư. Rồi cũng có em gia đình đang yên ấm, bất chợt tai họa ập đến, phải nương nhờ cửa chùa sống qua ngày. Nhìn những gương mặt thơ ngây và nghe những câu chuyện các em kể mà không khỏi ngậm ngùi rơi nước mắt...
Bữa cơm của các em nhỏ tại cô nhi viện chùa Đức Sơn - Ảnh: Điếu Trần
Trong số đó, có những trường hợp sống sót hy hữu như em Cù Thiện Thanh. Theo Ni sư TN.Minh Tú kể thì khi lọt lòng với cân nặng chỉ hơn 1 kg, em Thanh đã bị cha mẹ nhẫn tâm vứt vào sọt rác ở chợ Đông Ba. Trong lúc người ta mang em đi hỏa thiêu thì chợt nghe trái tim nhỏ bé của em vẫn còn đập, dù là rất yếu. Sau đó, em được gửi vào chùa Đức Sơn và sống đến tận bây giờ. Lúc đầu, cứ tưởng em không thể qua khỏi được. Nhưng rồi, dường như vừa gặp được duyên lành, vừa có chư Bồ-tát gia hộ, sức khỏe của em cũng dần dần bình phục và phát triển.
Và, ở đây, cũng có những trường hợp đau lòng bởi tự dưng họa đâu từ trên trời rơi xuống khiến các em phải lìa mẹ lìa cha, tan cửa nát nhà, chỉ còn biết bám víu ở lòng từ bi nơi bóng bồ-đề. Em Nguyễn Thị Hạnh là một trong số hoàn cảnh như vậy. Hạnh nhớ lại nỗi đau của cuộc đời mình trong nước mắt: “Ba mẹ của con làm biển. Nhà con có 6 anh chị em. Hôm đó, mùa mưa. Trong một lần ra khơi, cả ba và mẹ đều không thể về cùng chị em con... Hồi đó, con khóc rất nhiều. Đám ma của ba mẹ cũng vào một ngày mưa tầm tã. Rồi con được các sư cô nhận vào chùa Đức Sơn cho đến giờ...”.
Nghe tới đó, chúng tôi không dám hỏi gì thêm. Mỗi em ở đây đều có những nỗi đau riêng, dù đã được hòa nhập với bạn bè cùng cảnh ngộ, được vui chơi, ăn học.
Và những mùa vui nơi cửa chùa
Tiếp chúng tôi, chư Ni mà đặc biệt là Ni sư TN.Minh Tú rất điềm đạm, khuôn mặt toát lên nét dễ gần, hiền hậu. Ni sư là trụ cột của mái ấm này. Ni sư rất khiêm tốn chia sẻ: “Ở đây, tất cả chúng tôi đều cố gắng hết sức để mong các cháu bớt đi những nỗi đau, vì mình là người hướng Phật nên có hạnh nguyện ấy cũng bình thường thôi. Chủ yếu là công sức và tiền của của các mạnh thường quân và Phật tử cúng dường, đóng góp. Thật sự nếu không có họ, chúng tôi cũng không biết làm sao. Bởi nuôi gần 200 trẻ em, chỉ kể tiền ăn uống, quần áo đầy đủ hàng ngày cho các cháu đã là một vấn đề lớn rồi. Cũng may, phước chùa cũng lớn, rất nhiều người ủng hộ tiền bạc, quần áo, sách vở, lương thực nhưng không hề cho biết tên và ra mặt...”.
Quan sát cách Ni sư trụ trì chăm lo cho các “con” mình, nhìn những gì mà các em đã sống trong chùa, ai cũng hiểu được công sức và tâm huyết của các sư cô bỏ ra là nhiều đến chừng nào.
Sau những nỗ lực không mệt mỏi của các sư cô, các mạnh thường quân, rồi cây cối cũng đâm chồi nẩy lộc. Cho đến nay, đã có hơn 70 em trưởng thành, rời chùa, bước vào cuộc sống hòa nhập với cộng đồng và tự nuôi sống bản thân mình. Hiện tại, trong chùa, có 22 em được học trong các trường trung cấp, cao đẳng và đại học. Những em không có khả năng học chữ thì các sư cô tạo điều kiện, gửi vào các cơ sở học nghề để ít ra sau này các em có thể tự nuôi sống được bản thân mình.
Chia sẻ với chúng tôi, Ni sư Minh Tú bảo rằng ở đây, không có ai đã từng làm mẹ nên ngay từ ban đầu, việc hiểu biết tâm sinh lý của trẻ con là một việc hết sức khó khăn. Nhưng rồi dần dần cũng quen. “Tình yêu thương của mình làm cho các cháu cũng ngoan hơn, không phá phách, nghịch dại như trẻ em ngoài xã hội bây giờ, nhất là trẻ em mồ côi, không gia đình. Nhiều lúc, trong giờ trì kinh mà các cháu cứ chạy lung tung và đùa giỡn với nhau làm các sư cô không thể tĩnh tâm được. Trẻ con vốn hiếu động mà. Nhưng bảo vài lần là các cháu cũng hiểu và không nghịch nữa...”.
Hàng năm, Ni sư Minh Tú còn dẫn các em ở đây đi đến Trại mù Phong Điền và Trại tâm thần An Hòa tặng quà cho các bệnh nhân, để các em sẻ chia và hiểu rằng mình còn rất may mắn so với những người ở đó. Theo Ni sư Minh Tú, đó còn là cách hình thành cho các em ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với những người bất hạnh hơn mình. Mình đã được yêu thương, bảo bọc thì cũng nên yêu thương, bảo bọc những người còn khó khăn, bất hạnh hơn mình. Điều ấy thật đáng quý mà chúng tôi thấy mình phải học từ mái ấm thân thương này…
Điếu Trần
Tin, bài liên quan PG Thừa Thiên Huế: Tường thuật phiên trù bị Đại hội PG tỉnh Thừa Thiên Huế lần VI ll Tân BTS PG tỉnh Thừa Thiên Huế có 43 vị ll Gạch nối quá khứ - liền mạnh, đáng tự hào! ll Chùm ảnh Đại hội PG tỉnh ll |