Nốt trầm trong Bài ca sư phạm

Ảnh minh họa (từ Internet)
Ảnh minh họa (từ Internet)
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong lúc cả nước tạm phải ngưng việc tập trung đông người, học sinh và giáo viên phải chuyển sang dạy và học trực tuyến, đã có vài sự vụ xảy ra khiến dư luận băn khoăn.

Theo một bài viết trên báo điện tử Vietnamnet, dựa trên đơn thưa của phụ huynh em N.Q.H., học sinh lớp 9A3, Trường THCS thị trấn Quỳ Hợp (Nghệ An), tháng trước, vào tiết học Hóa do thầy N.C.B. giảng dạy, vì học sinh không thuộc bài nên thầy B. đã vung tay tát liên tiếp nhiều cái vào mặt em H. Chiều 22-2, ông Ngô Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thầy N.C.B. thừa nhận có tát học sinh H. Nhà trường tìm hiểu thêm được biết 11 (có báo nói 19) em khác cũng bị thầy tát. Hậu quả là thầy đã bị xử lý kỷ luật.

Một vụ việc khác cũng gây xôn xao khiến lực lượng chức năng phải vào cuộc. Theo tin trên báo điện tử Công An Nhân Dân ngày 18-2, đại diện Bộ GD & ĐT cho biết đang phối hợp với công an để xác minh clip “nam sinh tát cô giáo trên bục giảng”. Mặc dù chưa xác minh được thời gian hay địa điểm xảy ra vụ việc ghi lại trong clip, song trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến thể hiện sự phẫn nộ trước hành động vô lễ, khó có thể chấp nhận được của nam sinh.

Có lẽ vì tình hình Hải Dương vẫn còn đang “nóng” sau khi trở thành tâm dịch trong đợt tái bùng phát Covid-19 nên mọi người đã tạm quên chuyện giáo viên và hiệu trưởng Trường THPT Kinh Môn 2 trên địa bàn tỉnh này ẩu đả nhau hồi trước Tết. Theo Tuổi Trẻ, “trận đấu” giữa các đồng nghiệp trong cùng một môi trường giáo dục này xảy ra chỉ vì một… tờ giấy. Một giáo viên dạy Vật lý cần giấy xác nhận để bổ sung thủ tục bảo vệ luận án tiến sĩ, trong khi hiệu trưởng nhà trường vì một vài đơn thư tố cáo nhắm vào vị giáo viên này mà trù trừ chưa ký. Ngày bảo vệ luận án tiến sĩ đến gần, không có giấy xác nhận này thì chỉ còn nước hoãn, mà hoãn thì chẳng biết bao giờ bố trí lịch bảo vệ lại. Một bên cần xác nhận, một bên không chịu ký. Thế là lời qua tiếng lại, cãi vã, cuối cùng là xung đột… tay chân.

Nhớ về Bài ca sư phạm

Đã có một thời, sau 1975, chúng ta thích thú đọc tác phẩm Bài ca sư phạm, một cuốn tiểu thuyết quan trọng trong sự nghiệp của nhà giáo dục, nhà văn Anton Semyonovich Makarenko, trong đó ông viết về những kinh nghiệm quý báu, những suy tư trăn trở của một người thầy đảm trách công việc giáo dục trẻ phạm pháp, mà ông đã gắn bó trong suốt 20 năm ở trường giáo dưỡng. Những câu chuyện được thuật lại thắm đượm tình thương yêu con người, pha một chút hài hước hóm hỉnh, mô tả cuộc sống sinh động nhiều mặt của bầy trẻ vốn hư hỏng và thậm chí phạm pháp khi được gửi vào trường, và nhiệm vụ khó khăn vất vả nhưng cũng đầy lý thú của một nhà sư phạm - người thầy giáo - với công việc nặng nề của mình.

Với những hoạt động hàng ngày trong cuộc sống, hơn nữa lại là cuộc sống ở một tập thể không lành mạnh, mặt tốt lắm khi bị che lấp bởi cuộc giành giật, chìm nghỉm giữa những va chạm mỗi ngày. Khơi gợi cái tốt trong mỗi con người - nhà sư phạm chính là người mang trọng trách đó. “Nhà sư phạm phải đến với con người bằng một giả thiết lạc quan, mặc dầu đó là giả thiết có nguy cơ bị lầm lẫn”. Phải thiết kế cái tốt trong con người, bằng việc giáo dục những em thiếu nhi hư hỏng, phạm pháp… tưởng chừng đã trở thành thứ rác rưởi vứt đi. Makarenko kiên trì với phương châm đó. Quá trình xây dựng trại giáo dưỡng thành một tập thể đoàn kết, tổ chức cuộc sống lao động, sáng tạo - là nội dung tác phẩm Bài ca sư phạm. “Con ngườikhông thể sống trên đời nếu không có chút niềm vui nào ở phía trước. Động lực chân chính của cuộc sống con người là niềm hứng khởi của ngày mai!”.

Ngày đó, khi đất nước còn rất nghèo, nhưng chúng ta có cảm giác việc giáo dục trẻ em xem chừng dễ dàng và đơn giản hơn bây giờ, kể cả miền Nam lẫn miền Bắc. Chúng tôi vẫn nhớ vào ngày sinh nhật của mình, hay những dịp Tết lễ, các em sinh viên chẳng có gì ngoài trái cây hái trong vườn nhà mang đến cho thầy cô, thứ tình cảm thiêng liêng ấy hết sức ấm cúng và đáng trân trọng! Và khi các em giáo sinh ra trường, về những trường trung học cơ sở hay phổ thông cũng gặp những học sinh rất ngoan, luôn lắng nghe và vâng lời thầy cô. Phụ huynh thì lại hết sức dễ thương, rất kính trọng thầy cô, còn nhờ bảo ban con mình giùm, vì tiếng nói thầy cô xem ra có trọng lượng hơn! Những ngày 20-11, áo thầy cô đầy hoa do học trò cài lên… Vinh dự làm sao!

Vì đâu nên nỗi?

Chúng ta hiểu và thông cảm vì giáo viên, hay hiệu trưởng thì trước hết cũng là con người, cũng có đủ nhân từ, độ lượng, bao dung, và cả thất tình lục dục; hỷ, nộ, ái, ố, tham, sân, si. Chuyện giáo viên với giáo viên, hiệu trưởng với giáo viên xung đột, xưa nay không hiếm. Nhưng ẩu đả ngay trong trường học - nơi dạy dỗ trẻ thơ làm người, như ở Trường Trung học phổ thông Kinh Môn 2 - Hải Dương thì vẫn là một sự kiện đáng buồn.

Hình ảnh ông giáo sau trận ẩu đả được mô tả “đau đớn, mặt mũi sưng vù, mắt một bên không nhìn thấy, môi bầm dập, chảy máu, luôn đau đầu, tức ngực, ói mửa” phải nằm viện khiến chúng ta thương cảm. Theo thời gian vết thương sẽ lành, nhưng hình ảnh người thầy vốn là biểu tượng của mô phạm, mẫu mực sẽ trở nên méo mó, để lại vết sẹo trong tâm hồn, một nỗi đau khôn nguôi.

Nhà Phật chủ trương giáo dục phải khởi đi từ “thân giáo”. Khi thầy cô không còn gương mẫu, dùng hình phạt răn đe, hành xử côn đồ với nhau, đồng nghĩa là đã gieo cho học sinh tâm thức bạo lực. Còn nhớ ngày xưa trước 1975, ở miền Nam, một trường hợp học sinh hành hung thầy giám khảo trong kỳ thi tú tài đã gây chấn động xã hội. Hay như câu chuyện trong tiểu thuyết Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, chỉ cần cô giáo bước ra khỏi cái vòng tròn nghiệt ngã của lễ giáo, yêu một cậu học trò, dù là hư cấu, cũng tạo sóng dư luận ồn ào.

Có lẽ không ít người trong chúng ta vẫn còn nhớ đến tác phẩm Tâm hồn cao thượng (nguyên tác của Edmondo De Amicis), một tác phẩm đậm tính nhân văn với những lời cha dạy con: “Con phải yêu mến thầy, bởi vì cha yêu mến thầy và kính trọng thầy; con phải yêu mến thầy vì thầy đã hiến dâng cả cuộc đời cho hạnh phúc của biết bao trẻ em mà họ thì sẽ quên thầy… Và con hãy nói đến tiếng ‘thầy’ với tấm lòng luôn luôn tôn kính, bởi vì, sau tiếng ‘cha’ thì đó là danh vị cao quý nhất, dịu dàng nhất mà một con người có thể tặng cho một con người khác”.

Hay những lời trần tình của một vị thầy nghiêm khắc trong buổi học cuối cùng: “Các con ạ, nếu đôi khi thầy không kiên nhẫn được mà nóng nảy, nếu đôi khi thầy nghiêm khắc quá, mà thầy không hay, thì các con tha lỗi cho thầy, và thương thầy”.Người thầy đó, vì không có gia đình, nên thầy treo những tấm ảnh học sinh của thầy ở đầu giường suốt 20 năm, để tin rằng khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về những đứa học trò. Cũng trong tác phẩm ấy, rất nhiều lần học sinh xin lỗi thầy bởi những sai sót, ngỗ ngược. Và như đã nói ở trên, thầy cũng là một con người, nên có lúc nóng giận, có lúc sai lầm. Nhưng thầy đã xin lỗi. Lời xin lỗi làm thầy trở nên vĩ đại, bởi thầy đã dũng cảm như những gì thầy đã dạy cho các em.

Giáo dục chính là từ bi, như cách nói trong đạo Phật. Từ bi không phải là thụ động yếm thế nhu nhược mà là vận dụng tâm tư hay phương tiện để làm cho mọi người được vui, và chia sẻ nỗi buồn của người khác. Thiếu vắng từ bi, con người sẽ bị chi phối bởi sân hận - nguyên nhân tai hại gây ra khổ đau cho người khác. Chúng ta thấy những kiểu hành xử bạo lực gây đổ vỡ mất hạnh phúc trong trường học giữa đồng nghiệp, giữa phụ huynh với thầy cô, giữa những người thân như vợ chồng, anh em, họ hàng cho đến việc lớn như chém giết khủng bố chiến tranh giữa các phe nhóm, giữa các quốc gia… Tất cả đều do sân hận mà ra, nó nằm sẵn ở trong mỗi con người, có dịp là bùng nổ.

Chúng ta hiểu như nhà thơ William Wordsworth: “The child is father of the man”, tính cách bắt đầu từ trẻ thơ, trước khi trở thành người lớn. Ban đầu là việc nhỏ, nhưng để tập thành thói quen là một chuyện lớn. Chúng ta sẽ ân hận khi sản phẩm của chúng ta là thứ phẩm, hay phế phẩm khi nền giáo dục không làm tròn trách nhiệm “trồng người”. Muốn vậy, xã hội phải dành sự tôn trọng cho thầy cô ở mức cao nhất và các thầy cô luôn “tu thân”, tự rèn luyện mình để xứng đáng với kỳ vọng của xã hội và thế hệ trẻ, để luôn là tấm gương “mô phạm” dù trong hay ngoài nhà trường.

Nguyên Cẩn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày