Nữ doanh nhân gieo duyên nơi cửa Phật

GN - Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều là giáo viên, lớn lên chị vẫn theo học ngành sư phạm ngoại ngữ. Cuộc sống quá vất vả, chị lao vào kinh doanh, thế nhưng có lúc chị trắng tay, nợ nần, đau đớn nhất là gia đình đổ vỡ, thậm chí đột nhiên chị muốn tìm đến cái chết… Chị là nữ doanh nhân Huỳnh Thị Xuân Dung - pháp danh Nguyên Thứ, 46 tuổi, ở phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Vượt lên số phận

May thay, chính người mẹ đã kịp thời cứu thoát cuộc đời chị. Như được “sinh ra lần thứ 2”, từ đó chị quyết định cố gắng vượt qua mọi “ách tắc” của cuộc đời và làm việc thiện. Ước nguyện của chị là mang niềm vui đến cho những lũ trẻ thơ không nơi nương tựa, đến với những ngôi chùa nghèo đang cưu mang hàng trăm mảnh đời bất hạnh với tấm lòng trong sáng.

Với tác phong nhanh nhẹn, khuôn mặt khả ái, hòa đồng… thế nhưng ít ai biết được, sâu thẳm trong tâm hồn chị đang nặng trĩu những bất hạnh, gánh nặng gia đình và xã hội. Những năm trước, chị sống chung với cha mẹ ở căn nhà trong hẻm, nhà có 2 anh em, bất ngờ anh trai qua đời do tai nạn giao thông lúc còn rất trẻ. Gia đình nhỏ của chị bị đổ vỡ, một mình chị vừa bươn chải để mưu sinh vừa chăm sóc cha mẹ đã bước sang tuổi ngoài 80 và tần tảo nuôi dưỡng 2 con nhỏ.

Anh XH 933.JPG

Doanh nhân Huỳnh Thị Xuân Dung - pháp danh Nguyên Thứ (bìa trái)

Mới 26 tuổi chị đã “cả gan” thành lập doanh nghiệp tư nhân chuyên mua bán bếp ga, điện gia dụng. Sau đó, chị chuyển sang kinh doanh sản vật nổi tiếng của xứ Trầm hương - Khánh Hòa, đó là yến sào và xây dựng thương hiệu riêng. Đến nay, Công ty Khang Việt do chị làm giám đốc làm ăn ngày càng hiệu quả và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhớ lại những tháng năm gian khổ, chị Dung ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi yêu nghề giáo lắm nhưng thấy cuộc đời của cha mẹ mô phạm là thế, nhưng hơn 20 năm về trước cuộc  sống gia đình vô cùng khó khăn, nên đã thuyết phục cha mẹ cho bỏ nghề giáo viên ra làm kinh doanh. Những ngày đầu gặp vô vàn khó khăn, ngoài tiền của mình, phải vay mượn thêm… bỗng dưng trắng tay, chỉ vì cái tính hay tin bạn.

Quyết không bỏ cuộc, tôi lao vào công việc ngày đêm, cốt là lo trả nợ cho bạn, cho đời, thế rồi nợ nần cũng được trả xong, tuy đắng cay, nhưng lòng thanh thản. Từ đây, tôi vừa kinh doanh, đồng thời tìm đến thăm những gia đình, trẻ thơ bất hạnh. Và như một nhân duyên, tôi bắt đầu đi quyên góp áo quần, lương thực…trao tận tay cho họ”.

Càng hướng thiện, chị càng gặp thêm nhiều cảnh đời trái ngang, bất hạnh, đặc biệt là những trẻ em mồ côi, những người tàn tật, người mù… Chị thấy cảm phục những sư cô luôn mở rộng tấm lòng từ bi cưu mang, nuôi dưỡng bao người bất hạnh trong các ngôi chùa. Chị nghĩ, để có điều kiện tham gia cùng với các chùa, các đơn vị giúp đỡ những người bất hạnh kể trên, không còn cách nào khác, phải vượt lên số phận của chính mình, làm giàu hợp pháp…

Và sự thật, chị đã mạnh mẽ vượt lên số phận của chính mình. Đồng nghiệp thấy chị liên tục di chuyển đến nhiều nơi, nhiều địa phương trực tiếp chỉ đạo xây nhà nuôi chim yến, đôn đáo đi nhiều tỉnh thành trong nước và ra cả nước ngoài để ký kết hợp tác, mở các cửa hàng giới thiệu sản vật yến sào do công ty của chính mình sản xuất… Công việc kinh doanh, làm từ thiện bận rộn nhưng chị vẫn tận tâm chăm sóc cha mẹ già và nuôi dạy 2 con khôn lớn.

Gieo duyên ở chùa

Bản tính của chị là thế, nói là làm và phải làm sao cho hiệu quả. SC.Thích nữ Nhuận Ý (trụ trì chùa Bảo Quang, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chia sẻ: “Trong 3 năm qua, nhà chùa liên tục mở khóa tu cho người mù, người khuyết tật. Theo đó, các khóa tu diễn ra hàng tháng cho khoảng hơn 300 người ở các địa phương trong tỉnh, tổ chức các khóa tu mùa hè cho học sinh…

Nhà chùa hoan hỷ nhận được sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử trong và ngoài nước, trong đó có Phật tử Huỳnh Thị Xuân Dung. Chị đã cùng với các mạnh thường quân thường xuyên hỗ trợ cho các khóa tu tại chùa rất có hiệu quả. Chị Dung tuy là doanh nhân thành đạt, nhưng còn đảm đang việc nhà, hiếu thảo với cha mẹ”.

Chị đã đem tấm lòng nhân ái sẻ chia đến những người khuyết tật, người mù với nhiệt tâm và sự đồng cảm. Đặc biệt trong đợt bão lũ vừa qua xảy ra tại địa phương, chị Dung đã cùng Hội Phụ nữ, đồng nghiệp, các Phật tử khác lội bùn vất vả đến thăm và trao những phần quà rất có ý nghĩa cho các gia đình bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra. “Chùa Bảo Quang và các Phật tử nhà chùa rất trân trọng và luôn ghi nhớ công đức của Phật tử Huỳnh Thị Xuân Dung”, Sư cô bộc bạch.

SC.Thích nữ Nhuận Ý cũng có nhiều dịp theo chân chị và cùng các mạnh thường quân đến thăm và tặng quà cho các trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa Phật Bửu ở Ninh Hòa. Tại đây, khi đoàn vừa tới cổng chùa, hàng chục bé lon ton chạy ra ôm chầm lấy chị, “tôi nghĩ ngay đến cảnh những đứa con ùa ra đón mẹ đi chợ về để được mẹ cho quà, rồi các bé hăng say khuân vác gạo, sữa, bánh kẹo vào trong chùa mà thật sự cảm động”, sư cô nói.

Hay cảnh các em học sinh nghèo vượt khó rưng rưng đôi mắt đón nhận trên tay những món quà khuyến học, do SC.Thích nữ Huệ Phúc, trụ trì chùa Hoa Quang, ở Nha Trang cùng Phật tử Xuân Dung trao tặng... đã gieo vào lòng người chứng kiến niềm cảm phục.

Không những vậy, chị còn đang cưu mang 3 sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ở địa phương. Các em hiện đang theo học các trường đại học và cao đẳng với số tiền 12 triệu đồng hàng tháng và ước nguyện tài trợ cho các em đến khi ra trường.

Chị là doanh nhân có nhiều trăn trở và bao dung với những cảnh đời, cũng như có tâm nguyện gieo duyên nơi cửa Phật. Để cuộc đời vun đầy ý nghĩa, chị muốn mình phải tận lực, tận tâm hơn với bao mảnh đời bất hạnh.

Chị muốn đem tinh thần từ bi của Đức Phật vào đời sống của chính mình, làm cho nó lan tỏa với những hành động đẹp trong việc giúp nhiều người, nhiều hoàn cảnh thật cụ thể để họ vượt qua số phận nghiệt ngã. Với chị, hạnh phúc là biết cho đi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày