Nữ giới Phật giáo - Những tấm gương tỉnh thức

Nữ giới Phật giáo - Những tấm gương tỉnh thức
Giác Ngộ - Danh từ “Phật pháp” hàm chứa cả thân giáo và khẩu giáo của từ phụ Thích Ca, nghĩa là suốt cuộc đời gương mẫu và giáo lý tuyệt vời của Đức Phật Mâu Ni. Có người xem Phật pháp như một tôn giáo, có người bảo là một triết lý, tuy nhiên Đức Phật chỉ nhận mình là một đạo sư, một vị thầy chỉ đường và huấn luyện chúng ta sống một cuộc đời chính đáng, sống đúng chánh pháp.

Tuyệt nhiên, Đức Phật không phải là một thần linh giáo chủ, có quyền năng giám sát số phận của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải phục tùng, tôn thờ và cung phụng, Ngài chỉ tự nhận mình là người hướng đạo. Hơn 25 thế kỷ, nhân loại đã thấm nhuần lời dạy của Ngài, nhờ thế cuộc sống càng thêm xán lạn, trí tuệ khai mở gần với chân lý.

NT.JPG

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Thường (giữa)

Đức Phật là người đầu tiên khai phóng phụ nữ trong một chế độ phụ hệ khắt khe, Ni đoàn đã được thành lập vào năm hoằng pháp thứ năm của Ngài, xác định phụ nữ được bình đẳng phát triển tinh thần và khả năng giác ngộ giải thoát cũng đồng như nam giới. Bất cứ ai có duyên gặp Phật đều nhận được một cuộc sống an lạc hạnh phúc. Chân lý không phải là một tặng phẩm khi đến với ai thì trở thành vật sở hữu của người đó. Vì Phật pháp chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh.

Hôm nay, chúng ta là những người con của Đức Phật phải nhận thấy được trách nhiệm của mình đối với an sinh của xã hội, hạnh phúc của chúng sanh. Chúng ta cần tu dưỡng đạo đức, thực hiện tinh thần tỉnh thức an lạc. Người tỉnh thức là người luôn hoan hỷ, tươi mát, có cử chỉ thân thương với tất cả mọi người. Chúng ta sống tỉnh thức và hướng dẫn mọi người tỉnh thức, đó là nét đẹp của nữ giới, không phải là nét đẹp bên ngoài.

Sau đây, tôi lần lượt nêu kể những tấm gương tỉnh thức của các bậc nữ lưu Phật giáo tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

1. Ni sư Diệu Nhân, là người truyền thừa của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đời thứ 17. Hằng ngày Ni sư giữ giới luật trong tinh thần tỉnh thức đối với tất cả hành vi. Ngài hành thiền được chánh định và là bậc mẫu mực của Ni chúng, thường dạy chúng Ni tu tập trở về nguồn tâm. Năm 1113, ngày mùng một tháng 6, trước khi viên tịch ngài dạy chúng bài kệ, nói lên nội tâm an nhiên thanh thản, sau đó cạo tóc, tắm rửa, ngồi kiết già thị tịch. Bậc thượng sĩ của Ni giới Việt Nam, gương sáng ghi trong sử sách, thể hiện tinh thần giác ngộ, vô uý như thế.

2. Công chúa Huyền Trân là con của Trúc Lâm Đại Sĩ, đang học Phật pháp tại chùa Từ Phúc để chuẩn bị xuất gia, khi hay tin Phụ Hoàng thị tịch trên núi Yên Tử, công chúa đã lặng lẽ quỳ suốt trên chánh điện chùa cho đến khi xá lợi vua được rước về. Công chúa đã từ chối việc lên Yên Tử nhìn mặt cha lần chót như thường tình. Đại tang là biến cố lớn nhất đời người, hành vi sáng suốt và trầm tĩnh được như công chúa thì phải là người tỉnh thức vậy.

NT (1).JPG

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao

3. Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ XX, ai cũng biết đến bà Cả Mộc Hoàng Thị Uyển, luôn khiêm nhường và âm thầm hết lòng cứu giúp người nghèo cùng đám trẻ bạc phước mồ côi. Đến tuổi 70, cụ vẫn đi bộ để làm việc mặc dù cụ có thể ngồi xe. Một hôm, chẳng may chiếc quân xa của Nhật đã cán cụ đến bất tỉnh. Sau khi cưa gót và thay gót giả, cụ chỉ mỉm cười khi được xin lỗi và vẫn tiếp tục chống gậy đi làm việc thiện đến hơn 10 năm nữa. Khi cụ mất người ta mới biết có hai ngôi chùa cụ đã âm thầm tạo dựng. Phải chăng tâm tỉnh thức của người Phật tử tại gia trường chay, đã làm động lực cho cụ hy sinh tất cả vì sự lợi tha vô điều kiện.

4. Những năm trước, bên cạnh Thiền viện Vạn Hạnh tại TP.HCM, có tịnh thất của một Ni sư, dáng dấp thanh thoát nhẹ nhàng với ánh mắt trí tuệ mà chan chứa thương yêu. Một hôm Ni sư đang ung dung chỉnh sửa một bình hoa vải, một Phật tử đến sau lưng buột miệng: “Hoa giả phải không ạ?” Ni sư mỉm cười trong sáng: “Hoa nào mà chẳng giả!” Tư cách của một người tỉnh thức như vậy, không ai khác hơn là Ni sư Trí Hải.

5. Cô Linh Chiếu là con của Thiền Sư Bàng Long Uẩn, luôn vui vẻ chẻ tre đan sáo hầu cha tu tập, sau khi cha mẹ đã đổ hết của cải xuống sông. Một hôm bàn về Phật Pháp, cha cô nói: Khó khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt. Mẹ cô đáp lại: Dễ dễ, trăm đầu ngọn cỏ ý tổ sư. Cô liền ứng khẩu: Cũng không khó, cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò. Quả thật, người tỉnh thức trí tuệ luôn xán lạn.

6. Nữ tu Rengetsu khi hành hương đến một ngôi làng thì trời vừa tối. Bà xin chỗ trú thân qua đêm, song dân làng ở đó không cho, nên đành nghỉ đêm dưới cây anh đào ở ngoài đồng. Giữa khuya, dưới ánh trăng của trời Xuân, bà thấy hoa anh đào nở rộ. Ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên, bà chắp tay hướng về ngôi làng nói: “Xin cảm ơn lòng tốt quý vị đã không cho tá túc.”

Hoan hỷ trước những điều mình muốn mà không được, dẫn đến sự an nhiên chiêm nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên và lại còn chân thật biết ơn kẻ chẳng làm ơn cho mình, ấy là nhờ tâm tỉnh thức vậy.

NT (2).JPG

Thế hệ nữ giới Phật giáo thế giới hiện nay

7. Trên chặng đường 40 năm đi tìm đạo, Ni sư Satomy Myodo đã đạt được quyền năng của thần đạo và hăng say hoạt động mở các khoá tu, xây dựng đền thờ, thắng tích... Khi quay về tu Phật pháp, bà đã gặp biết bao chướng duyên tưởng phải bỏ cuộc. Bà được kiến tánh ở tuổi 60, rồi sống âm thầm, giản dị, khiêm tốn với việc bếp núc và thị giả cùng nụ cười luôn nở trên môi.

Bà đã tỉnh thức sau lời của vị sư phụ cuối cùng: “Ai dám bảo rằng 99 lần bắn hụt không liên quan gì đến lần thứ 100 bắn trúng hồng tâm!”

8. Một phụ nữ Ấn Độ thường được gọi là Dipa-Ma, bà nhỏ thó trong tấm sa ri trắng tựa như con tằm được quấn bông gòn. Khi chồng chết, bà giao nhà, gởi con và đơn thân tìm đến các thiền viện toàn nam giới để xin tu. Với tư tưởng chủ đạo là: “Con gái của Đức Phật không hề sợ hãi” bà đã tự giải phóng cho mình đến giác ngộ giải thoát và hướng dẫn cho nhiều người, cả tại gia và xuất gia, cùng được giác ngộ. Bà là vị thiền sư nữ của Á Châu đầu tiên được thỉnh giảng ở Mỹ quốc. Bà là tấm gương bi trí dũng của sự tỉnh thức.

Qua các tấm gương của những người con gái Đức Phật về những hành vi trong sự tỉnh thức, chúng ta có thể thấy rằng mình cũng có phước phần, đó là người tỉnh thức chưa cần đạt đến sự tu chứng hay đắc quả cao xa, dù tại gia hay xuất gia đều có thể phát huy trạng thái tỉnh thức của nội tâm.

Lại nữa, giữa chúng ta và những vị tỉnh thức nêu trên đều có chung mục tiêu giải thoát và lợi tha, đồng đi chung con đường tu tập theo giáo pháp Phật Thích Ca đã truyền dạy. Dù là thiền quán hay Niệm Phật hoặc tụng kinh lễ bái hay trì chú, phương tiện thì có khác nhau, nhưng khi cùng đến được giai đoạn nhất tâm, nghĩa là vén được màn vô minh vọng tưởng, chúng ta cùng đạt được trạng thái an lạc bình thản và tịch tịnh, để phát xuất các hành vi tỉnh thức trong đời sống.

Mỗi người con gái Đức Phật chúng ta, ngày càng phát huy sự tỉnh thức cho bản thân luôn được an ổn, tự tại và tỏa rộng Niềm hỷ lạc cho tha nhân. Được như vậy, chúng ta mới không cô phụ bức thông điệp từ bi trí tuệ của đấng cha lành Bổn sư Thích-ca.

Hiện nay hành tinh của chúng ta đã phát triển tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhân loại đang bước vào thời đại văn minh tin học, đời sống con người được hiện đại hóa ngày càng cao độ. Trong tiến trình hiện đại hóa và chinh phục thiên nhiên, khoa học chưa hề giúp chúng ta chinh phục chính mình. Vì vậy, khi thế giới bên trong con người tràn ngập xáo trộn và bất an, khoa học chưa trang bị gì để thật sự giúp đỡ cho chúng ta tìm nguyên nhân và tự cứu thoát. Chỉ có trí tuệ của Đức Phật qua nền giáo lý từ bi và đạo hạnh mới có khả năng hợp tác cùng khoa học để thế giới được hòa bình an ổn, và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày