Núi thiêng Kailash - Tây Tạng huyền bí

Giác Ngộ - Một doanh nhân đi cùng tôi trong chuyến hành hương đến “Tây Tạng huyền bí” do Công ty Ngoc Việt Travel tổ chức tâm sự: “Em ước ao chuyến đi này từ lâu lắm rồi chị à, từ khi em đọc cuốn sách Đường mây qua xứ tuyết. Em còn nói rằng dù đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, nhưng mỗi lần đọc em đều cảm nhận rất khác nhau…

Khi ngồi cùng trên máy bay từ Thành Đô qua Lhasa, ngắm cảnh mây trắng trời xanh ngắt, dưới tầng mây hiện rõ dãy núi Hymalaya hùng vĩ  phủ tuyết trắng phếu, tôi nhìn thấy em ngồi ngắm say mê không chớp mắt, mặt em phiêu bồng theo cảnh xuyên qua ô cửa máy bay. Mọi người trong đoàn ai cũng giống như em, mỗi người trên tay một chiếc máy ảnh, máy quay phim…bấm lia lịa như sợ không bắt kịp khoảnh khắc đẹp.

TT (2).JPG

Đến “Xứ tuyết” đoàn làm quen với độ cao gần 3.658 mét, đi đứng chậm một chút, bắt chuyện nói với nhau vui vẻ…tạo sự thoải mái theo lời của người hướng dẫn dặn dò để vượt qua hội chứng độ cao dễ dàng!

Khách sạn chúng tôi nghỉ nằm cận bên cung điện Potala tại thủ phủ Lhasa . Mọi người náo nức không thể kiềm lòng, vài người trong đoàn đã không nghỉ trưa mà cùng nhau đến chiêm bái và chụp ảnh phía ngoài, trước cung điện Potala của các đời Đạt Lai Lạt Ma do Ngài Tạng Vương Tùng Tán Cương Bố dựng xây vào thế thứ 7, nơi mà đoàn sẽ tham quan vào sáng mai theo chương trình.

Trời chưa hừng sáng, hàng ngàn người hành hương Tây Tạng nối bước nhau đi nhiễu nhiều vòng theo chiều kim đồng hồ xung quanh cung điện, họ vừa đi vừa xoay Mani luân, vừa niệm không ngừng câu lục tự đại bi chơn ngôn “Um mani padme hum” rất đều… tạo nên một âm thanh ngân vang linh thiêng lạ kỳ?! Nét mặt ai cũng chánh niệm thanh thoát.

TT (3).jpg

Ngôi đền linh thiêng nhất Tây Tạng Jokhang cũng cách đó không xa, từ tờ mờ sáng  đến tối, lúc nào tôi cũng thấy đông người hành hương lễ lạy theo kiểu Tây Tạng (lạy nằm dài như lạy “tam bộ nhất bái”). Tương truyền, Ngài Tạng Vương Tùng Tán Cương Bố đã nhìn ra được bản đồ của đất Tạng là hình một vị quỷ thần nằm ngửa, hai tay hai chân vung vẩy. Muốn trấn theo phong thủy cho nước Tạng được bình an, cũng vào thế kỷ thứ 7, Ngài đã cho xây ngôi đền này ngay vị trí “tim của quỷ thần”, cung điện Potala thì ngay “chấn thủy của quỷ thần” và tại vị trí các nơi “chân, tay, đầu của quỷ thần” đều là những ngôi đền linh thiêng. Hồ nước mặn duy nhất trên thế giới Namsto ở độ cao 5.200m thì tại vị trí “bụng của quỷ thần”... Ở Tây Tạng, nó được mệnh danh là hồ Thiên Đàng Namtso. Màu xanh thẫm tự  nhiên được phủ  trên mặt hồ lung linh đầy nắng ấm, yên tĩnh đến lạ thường. Xa xa là dãy núi tuyết phủ quanh năm Nyianchen Tangu có độ cao trên 6.000 mét. Xe lướt qua những cánh đồng cỏ mênh mông chạy tít tận chân trời, những đàn trâu Yak đủng đỉnh, những đàn cừu trắng hiền lành đang gặm cỏ trên thảo nguyên, đến thăm lều của người du mục, thưởng thức tách trà bơ béo ngậy, trò chuyện với người Tạng vùng Namtso, dạo hồ bằng trâu Yak…

Ngày tiếp theo đoàn chúng tôi rời Lhasa đi Shigatse, thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng. Đoạn đường đi dài khoảng 321km, chạy dọc theo thung lũng Yarlung Tsangpo, lần lượt lướt qua cao nguyên Thanh Tạng và dãy núi Nojin Kangsa nơi có độ cao 4.000 - 5.000m, chinh phục đèo Kambala ở độ cao 4.794 mét, dừng trên đỉnh đèo ngắm hồ chư Thiên Yamdrok. Mặt hồ xanh biếc như tranh, xung quanh núi tuyết thật huyền ảo, những hòn đá sỏi cầu nguyện được xếp chồng lên như tháp, nhiều như nấm, ai ai cũng lâm râm niệm Phật…

Tiếp tục hành trình, đoàn đi Gyangtse, thành phố lớn thứ ba của Tây Tạng để chiêm bái Đức Phật Kim Cương Trì to nhất, đẹp nhất và linh thiêng nhất tại đền Palkhor, tháp Kumbum (tháp mà chủ nhân tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới ông Ian Green đã lấy kiểu dáng về Úc xây để tôn trí tượng Phật ngọc và cúng dường cho Đức Đạt Lai Lạt Ma), nơi còn trưng bày nguyên vẹn hàng chục nghìn bức sơn họa được vẽ vào thế kỷ XIV và  XV.

TT (4).jpg

Chùa Palkhor - Ảnh: Internet

Ngoài ra, còn có tu viện nổi tiếng Tashilhunpo, được xây dựng vào năm 1447, là nơi trú ngụ của Ban Thiền Lama, vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng đứng vào thứ hai sau Đạt Lai Lạt Ma. Tu viện này cũng là bảo tàng nghệ thuật của Phật giáo Mật tông Tây Tạng với tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất thế giới, cao 27m, nặng 150 tấn và dát bằng 6.700 lát vàng.

Văn hóa mai táng người chết ở đây rất đặc biệt, đó chính là hình thức “điểu táng” hay “thủy táng”. Một người chết đi sẽ được mang lên núi linh thiêng để cắt ra nhỏ cho chim ăn hay mang xuống sông cho cá ăn. Sau khi được Lama làm lễ xong, các ma công sẽ cắt xác ra, phần mềm thì cắt nhỏ, phần cứng thì được đập nhuyễn nhỏ. Họ kẻ trên vách núi những chiếc cầu thang nhỏ máu trắng để cầu nguyện cho hương linh người thân siêu thoát.

Cũng như tôi, những thành viên trong đoàn là những người thích du lịch và khám phá tâm linh, họ đã đi rất nhiều nước các châu lục trên thế giới. Tôi nghe thấy họ bảo nhau: “Bầu trời Tây Tạng xanh trong vắt, mây trắng thật trắng, đẹp quá, chưa thấy bầu trời ở đâu đẹp như ở đây”. Họ lại cầm những chiếc máy ảnh ngửa lên cao chụp và truyền cho nhau xem như thi thố tay nghề săn ảnh, trông rất chuyên nghiệp!

Cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng trên 1.000km về hướng Tây là núi thiêng Kailash, ngọn núi được thế giới mệnh danh là “vũ trụ tâm linh”, nơi mà Kinh tạng Phật giáo gọi là núi Tu Di, cũng là nơi duy nhất ngày xưa Đức Phật và 500 vị A la hán đặt chân đến. Kailash là linh địa được bao quanh bởi 4 quả núi của 4 vị Phật và Kim Cang trong Ngũ Trí Như Lai, các hang động của Tổ sư Milarepa, đạo tràng của Tổ sư Liên Hoa Sanh và hang động của Bồ tát Quan Âm. Ngọn núi này rất linh thiêng huyền bí tuyết phủ quanh năm, có nhiều hoa văn kỳ bí, độc đáo. Trên núi cao có dấu chân Phật, có lưỡi rìu nghiệp lực, có tảng đá nghiệp lực, có mặt gương cong thời gian, có những đoạn đường đi qua người như không có trọng lượng… Tương truyền, đây cũng là thành Thiên Đế của người Xômachi - những người tu tập giác ngộ tự biến mình thành đá. Ở độ cao hơn 5.400m, không khí loãng, nhiệt độ âm, tuyết rơi… đoàn đi nhiễu quanh núi 3 ngày đêm khoảng 52km, vượt qua nhiều đèo, vách đá, suối khe, những nơi điểu táng… nghỉ đêm tại các lều du mục. Khi đi nhiễu quanh núi, đoàn gặp rất nhiều người hành hương từ các nước Nga, Đức, Thụy Sĩ, Pháp… Trong chuyến đi này, đoàn cũng có duyên gặp các anh bên Đài HTV7 đi tiền trạm để làm phim ký sự tại núi Kailash.

TT (1).jpg

Cầu nguyện ở phố Barkhor

Ngày cuối cùng đoàn được tự do shopping tại phố Barkhor, những đồ lưu niệm độc đáo mà chỉ có ở Lhasa như các đồ dùng để trì niệm, mani luân, Linh chùy kim cương, Bí mật Phù chú Ấn, chuông đồng Tây Tạng (ngân vang xa), tranh Thangka…

Rời Lhasa, đoàn chúng tôi quay lại Thành Đô để trở về Việt Nam . Tôi thấy ai cũng khỏe mạnh và vui vẻ. Nhìn từng nét mặt của họ, tôi cảm nhận một điều tâm linh mạnh mẽ rằng: có lẽ họ đã bỏ lại Tây Tạng những gì không đáng mang theo để nhận từ Tây Tạng những gì mà họ yêu thích và cần thiết cho cuộc sống an lạc giải thoát và may mắn!?.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày