Ở lâu sinh dính mắc

GN - Mỗi năm, khi mùa mưa đến, chư Tăng Ni thường thu xếp mọi duyên để tập trung về một trụ xứ nhằm thực hiện phận sự an cư. Truyền thống an cư mùa mưa có từ thời Phật được chư Tăng Ni duy trì và tiếp nối cho đến tận ngày nay. Thực hiện phận sự an cư, ngoài nhiệm vụ chính là buông xả ngoại duyên để tịnh hóa ba nghiệp, thành tựu ba học giới định tuệ thì hành giả an cư tập trung cũng thực thi hạnh “không ở hoài một chỗ”.

suy nghiem loi phat.jpg
Học theo hạnh của Đức Phật - Ảnh minh họa

Nhìn vào thực tế tu học trong mùa an cư hiện nay thì không phải người xuất gia nào cũng hội đủ duyên lành để an cư tập trung thanh thản trong suốt ba tháng dài đăng đẳng. Nhất là những vị có trách nhiệm quan trọng như trụ trì, tri sự thì xa chùa trong một thời gian khá dài lại càng khó khăn hơn, vì nhiều Phật sự tại chùa đang rất cần chư vị. Thế nên mới có chuyện tùng hạ, tức phát nguyện an cư tập trung nhưng vẫn ở tại trú xứ của mình, chỉ tham dự bố-tát tụng giới tại tịnh nghiệp đạo tràng mà thôi.

Tất nhiên, chúng ta hoan hỷ với những người chưa an cư tập trung vì những bộn bề Phật sự. Nhưng Đức Phật, ở một phương diện khác, Ngài khuyến cáo các Tăng Ni rằng nên đi an cư, chớ trụ một chỗ vì “không ở một chỗ có năm công đức”, còn “ở hoài một chỗ, sẽ có năm điều phi pháp”. Thì ra, ở lâu một chỗ sẽ sinh dính mắc, mà đã dính mắc thì dù thiện sự cũng bị kẹt nói gì đến những việc không phải là thiện sự. Chúng ta hãy cùng nghe Phật dạy về hạnh “không trụ” của người xuất gia như sau:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có Tỳ-kheo ở hoài một chỗ, sẽ có năm điều phi pháp. Thế nào là năm? Ở đây, Tỳ-kheo ở một chỗ, ý sẽ dính mắc vào nhà cửa sợ người khác chiếm đoạt; hoặc ý đắm mến tài sản lại sợ người chiếm đoạt; hoặc chứa nhiều vật giống như người đời; tham mến người thân, không muốn cho người khác đến nhà người mình thân; thường cùng cư sĩ qua lại. Ðó là, này Tỳ-kheo! Người ở một chỗ có năm điều phi pháp này. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nên cầu phương tiện, chớ trụ một chỗ. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

- Người không ở một chỗ có năm công đức. Thế nào là năm? Không tham nhà cửa, không tham đồ vật, không chứa nhiều tài vật, chẳng dính mắc thân tộc, chẳng cùng cư sĩ qua lại giao thiệp. Ðó là, này Tỳ-kheo! Người không trụ một chỗ có năm công đức này. Thế nên, các Tỳ-kheo! Hãy cầu phương tiện hành năm việc này. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Ngũ vương, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.292)

Mới hay, có những việc mà người xuất gia nghĩ rằng mình đang làm là thiện sự, là Phật sự phước báo vô lượng, đơn cử như giữ gìn ngôi chùa của mình thật tốt, thật chắc chẳng hạn. Ấy thế mà không chừng, Thế Tôn chẳng những không khen việc ấy mà lại rầy đó là phi pháp. Nghĩ cũng lạ, phi pháp làm sao được: Chùa mình mới xây rất đẹp, trong chùa có nhiều pháp khí quý giá nên phải ở nhà trông coi. Chỗ mình tiện nghi rất đầy đủ, đi xa sẽ thiếu thốn, tù túng. Mọi người nơi trú xứ của mình đều đã thân quen, các Phật tử đang rất cần mình nên đi an cư không đành. Những việc này hoàn toàn chính đáng sao Thế Tôn gọi là phi pháp?

Thì ra, sở dĩ Ngài gọi là phi pháp vì mình tạo dựng ra chùa chiền rồi bị kẹt, vướng lại, không biết xả buông mà đi tới. Dính mắc, bị kẹt vào điều bất thiện hay thiện lành cũng là biểu hiện của tham ái, mà còn tham ái là còn khổ đau, sanh tử luân hồi. Cho nên, người xuất gia tuy làm tất cả các Phật sự mà quyết không dính mắc, không sinh tâm trụ chấp, xuất xử đến đi hoàn toàn tự tại tùy duyên.

Đi an cư hay du hành nói chung là một trong những hạnh căn bản của người xuất gia. Nhất là ra đi để xả buông, không trụ, không dính kẹt vào các thiện sự đã làm. Được như vậy mới chân thật vun bồi công đức theo lời dạy của Phật. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày