Ơn thầy

NSGN - Nói đến ơn thầy, có ơn thầy ở thế gian và ơn thầy ở xuất thế gian, tức thầy trong đạo. Tôi còn nhớ bài học đầu tiên ở lớp mẫu giáo rất dễ thương nói về công ơn người thầy đầu tiên như sau:

Trẻ còn thơ dại biết chi

Nhờ thầy răn dạy gắng ghi trong lòng

Mở mang trí hóa cho thông

Uốn tay sửa miệng chí công dẫy đầy

Nhờ ai ta đặng thế này

Phải nên nhớ lấy ông thầy đầu tiên.

HT Tri Duc2.jpg

HT.Thích Trí Quảng và bổn sư Trưởng lão HT.Thích Trí Đức

Hơn 70 năm trước, tôi học bài này và từng bước vào đời, trải qua các trường học, bài học đầu tiên này vẫn luôn gợi nhắc tôi nhớ đến tất cả những người thầy mà tôi đã học. Đến khi học chữ Hán, tôi hiểu thêm nghĩa của Khổng Tử dạy về chữ thầy: Tam nhơn đồng hành, tất hữu ngã sư, nghĩa là trong ba người cùng đi với nhau thì có một người là thầy.

Ý nghĩa của chữ thầy được mở rộng nhằm chỉ tất cả việc làm của mọi người trong xã hội đều là tấm gương tốt để chúng ta quyết đoán vận mạng của mình. Thật vậy, nhìn thấy việc tốt hay xấu của người khác để chúng ta tự răn mình, cho nên người Việt Nam có câu nói rằng xe trước đổ thì xe sau tránh. Nhờ trông thấy việc sai lầm của người trước mà chúng ta không vấp phải sai lầm đó.

Như vậy, chẳng những người dạy chúng ta điều hay lẽ phải được coi là thầy, mà cả những người phạm sai lầm cũng giúp chúng ta thoát khỏi lỗi lầm thì họ cũng là thầy. Tất cả mọi người tốt hay xấu trong cuộc sống này đều là tấm gương cho chúng ta soi bóng và trưởng thành.

Trên tinh thần học hỏi lẫn nhau như vậy, gần như tất cả mọi người đều có mối quan hệ mật thiết với nhau như thầy trò. Và trên bước đường tu hành, sau này, tôi nhận thấy ơn xã hội là mối quan hệ giữa ta và xã hội cũng quan trọng.

Trong mùa Vu lan, bốn trọng ơn mà chúng ta thường nhắc đến là ơn cha mẹ, ơn thầy hiền bạn tốt, ơn đất nước đồng bào và ơn Tam bảo.

Nhật Liên Thánh nhân nói rằng ơn Tam bảo quan trọng hơn cả, vì bốn ơn giúp chúng ta trưởng thành trong xã hội, nhưng có giới hạn trong cuộc sống này mà thôi, bởi sống để chết thì tốt hay xấu gì cũng chết. Cho nên ngài Nhật Liên mới dạy rằng ơn Tam bảo là ơn Phật, ơn giáo pháp và ơn đoàn thể Tăng-già là quan trọng nhất; vì nhờ nương theo Tam bảo để chúng ta ra khỏi vòng xoáy vô tận của sinh tử luân hồi, vượt lên trên khổ đau, về Niết-bàn hay Cực lạc, kinh Pháp hoa gọi là ra khỏi Nhà lửa tam giới, mới có được cuộc sống an lạc bất tử.

Phật dạy rằng người gặp được Phật pháp tu hành khó vô cùng, ví như con rùa mù ở dưới biển cả ngàn năm mới trồi lên một lần mà vớ được bộng cây nổi để leo lên đưa nó vào bờ. Gặp được Phật pháp cũng khó như thế, vì chúng ta đã trải qua vô lượng kiếp không ngừng qua lại biển khổ sinh tử luân hồi và trôi lăn mãi trong đó mà không thoát ra được.

Có người nói chết rồi hết, có người nói chết nhưng vẫn còn thì còn như thế nào. Đó là những cách giải thích của người ở trong sinh tử mà thôi. Phật nói những cách giải thích như vậy giống như người mù rờ voi, nếu may mắn chúng ta trồi lên được kiếp người, nhưng hết kiếp người, chúng ta lại rơi xuống kiếp địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, hoặc may mắn được lên Trời, nhưng hết phước cũng bị đọa.

Người được làm chư Thiên hưởng phước, nhưng cũng dễ hết phước và nếu tạo tội, hết phước càng đọa sâu. Nói cho dễ hiểu, nếu chúng ta thấp cổ bé miệng là thảo dân, chúng ta không hại được ai, nhưng nếu có phước báo, có vị trí cao trong xã hội, có quyền uy thì rất dễ tạo tội. Vì vậy, được làm chư Thiên nhiều phước dễ tạo tội và đọa sâu là thế.

Đức Phật chứng Tam minh Lục thông, Ngài quan sát sáu đường sinh tử không sót, thấy chúng sanh từ địa ngục A-tỳ cho đến Trời Sắc cứu cánh, thấy luôn cả A-la-hán, Bích chi Phật. Còn chúng ta là phàm phu ở trong sáu đường sinh tử không thấy thông suốt, nên mỗi người nói một cách, nhưng vẫn còn trong sinh tử.

Vì vậy, thầy trong sinh tử không quan trọng bằng thầy đưa chúng ta ra khỏi sinh tử. Ý thức như vậy, xuất gia gần 70 năm, tôi luôn hướng về người thầy ngoài sinh tử để cầu học, nương theo các ngài mà phát triển tâm linh mình.

Bậc thầy ngoài sinh tử là ai. Đó là chư Phật mười phương là Thầy của chúng ta, trong hàng phàm phu chúng ta không thể thấy được, nhưng may mắn cho chúng ta có Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên cuộc đời này dạy mọi người ra khỏi sinh tử.

Đức Phật Thích Ca là người Thầy lớn nhất của chúng ta. Không có Phật Thích Ca thì không có đạo Phật, cũng không có cách nào để hiểu và thực tập phương cách ra khỏi sinh tử. Nhìn về Đức Phật Thích Ca, vị Thầy lớn nhất, chúng ta thấy thế nào.

Nếu người không có căn lành thấy Phật Thích Ca cũng là con người gọi là người Thầy lớn, nhưng Ngài cũng chết như tất cả mọi người thế gian. Đức Phật Thích Ca đã vào Niết-bàn cũng giống như Khổng Tử hay các triết gia khác và Ngài để lại cho chúng ta những giáo pháp lưu lại trong pho sách theo đó tham khảo, tu hành. Đối với hạng người ở trong sinh tử thấy Phật như vậy, nên còn Phật thì họ nói có Phật và Phật Niết-bàn, họ nói không có Phật.

Nhưng đối với người tu Pháp hoa, đối với người có căn lành thì không thấy Phật vào Niết-bàn, đó là điểm đặc sắc của kinh Pháp hoa gọi là Như Lai thọ lượng, hay Phật vĩnh hằng, tức Phật không bao giờ chết. Vì vậy, chúng ta có một Đức Phật sanh trên cuộc đời này mang thân tứ đại và một Đức Phật vĩnh hằng không sanh không chết. Người có nhân duyên thấy được Phật này, người có căn lành được Phật này hộ niệm.

Được Phật hộ niệm, chúng ta mới thấy Phật là quan trọng nhất của người tu. Cũng đồng thời tu, nhưng người tu có kết quả, người tu không có kết quả. Người tu có kết quả vì thấy Phật, nhận được sự bảo hộ của Phật và có cuộc sống tu hành rất an lành. Nhưng người tu không nhận được lực gia bị của Phật thì họ thường khổ tâm, hay họ không thấy Phật vĩnh hằng khiến niềm tin sẽ dễ dàng bị sút giảm, cho đến mất niềm tin và trở thành người tu hình thức.

Kinh Pháp hoa dạy rằng người có trồng căn lành ở Phật mới thấy được Phật, mới nghe được pháp âm Phật và thực tập đúng lời Phật dạy, gặt hái được kết quả tốt đẹp trong cuộc sống tu hành, nhờ đó mới ra khỏi sinh tử. Thấy Phật là thấy Phật vĩnh hằng bất tử và ta suy nghĩ xem Phật này ở đâu.

Đức Phật vĩnh hằng bất tử hiện hữu ở bên trong Đức Phật Thích Ca. Thật vậy, bắt đầu tu hành, chúng ta nhận ra rằng thân người tứ đại thì ai cũng giống nhau, nhưng con người tinh thần, hay con người tâm linh thì không giống nhau. Chúng ta theo Phật tu hành là theo Phật nào.

Người theo Phật bằng xương thịt thì không khác gì bà già ăn mày ở thành Tỳ-dà-ly. Bà thấy Phật ôm bình bát khất thực được cúng dường, nên bà cũng đi theo sau để được cúng dường. Người tu thấy Phật bằng thể xác chỉ giới hạn như vậy thôi. Cho nên, khi Phật Niết-bàn thì cảm thấy côi cút không còn ai để theo, kinh Pháp hoa nói như vậy.

Nhưng đối với người theo Phật chân linh, không theo Phật thân xác phải chịu bốn tướng vô thường sanh, già, bệnh, chết. Hay nói chính xác hơn, chúng ta nhìn Phật thân xác phải thấy Phật chân linh tiềm ẩn bên trong Phật thân xác.

Theo Phật nghe pháp là theo Phật chân linh, nhưng nếu không có Phật thân xác, chúng ta không thể thấy được Phật chân linh.

Diễn tả lý này, Trí Giả đại sư nói rằng: “Vị liên cố hoa, hoa khai liên hiện, hoa lạc liên thành”, nghĩa là nhờ có Phật Thích Ca thành đạo trên thế gian này, chúng ta mới nhận ra Phật chân linh bên trong Ngài. Nhưng Đức Phật Thích Ca e ngại người ta theo Phật thân xác và chấp vào Phật này, nên Ngài vào Niết-bàn để Phật thiệt sống mãi, gọi là “Hoa lạc liên thành”, tức thân tứ đại của Phật Thích Ca mất, thì chân linh Ngài thể hiện rõ nét hơn.

Thật vậy, khi Phật tại thế, lúc Ngài giảng pháp ở thành Tỳ- dà-ly, thì ở thành Xá-vệ không có Phật, khi Phật đến Xá-vệ thì ở Ma-kiệt-đà không có Phật. Phật ở đâu thì nơi đó có Ngài, không thể cùng một lúc mà Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi.

Nhưng khi Phật Niết-bàn, ở bất cứ nơi đâu có tâm tưởng nghĩ đến Phật, nơi đó có Phật. Phật hiện hữu ở khắp Pháp giới, cho nên chúng ta mới phát hiện thiên bá ức Hóa thân Phật, không phải chỗ này có Phật, chỗ khác không có Phật, mà bất cứ nơi nào có lòng thành và tâm tưởng Phật, nơi đó có Phật hiện hữu. Nói cách khác, ta đang sống trong thế gian này, nhưng nhờ nương theo Đức Phật hằng hữu bất tử mà tiến tu được. Cho nên, trong cuộc sống này, dù có nhiều bất ổn, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy không bị ràng buộc bởi thế gian, không bị bốn tướng nóng, lạnh, đói, khát chi phối; đó là người thực tu sống bằng chân linh, sống trong thiền định.

Người tu phải phát hiện ra chân linh của Phật và chân linh của mình và sống với chân linh của mình, thì trong thế giới thiền định mới thấy Phật chân linh và thấy chân linh mình.

Đi sâu vào thế giới Phật thấy Phật vĩnh hằng, nhưng trở về xã hội, Phật này biến mất. Nói cách khác, mang thân ngũ uẩn bị nó ngăn che, nên không thấy; nhưng rời ngũ uẩn mới nhận ra Phật vĩnh hằng. Từ đó, chúng ta mới phát hiện Phật chân linh kết tinh bằng công đức của Bồ-tát đạo.

Đức Phật Thích Ca nói rằng xưa kia Ngài tu hành đạo Bồ-tát cảm thành thọ mạng đến nay vẫn chưa hết, mà còn lớn hơn nhiều. Lời dạy này của Phật chỉ cho chúng ta thấy Pháp thân Bồ-tát thành tựu do quá trình hành Bồ-tát đạo đã tạo được vô lượng phước đức và trí tuệ, cho nên thọ mạng của Ngài chẳng những không chấm dứt mà còn tăng trưởng hơn nữa. Chính vì vậy mà kinh điển ghi rằng thọ mạng của Đức Phật là thọ mạng của Phật pháp.

Thật vậy, khi Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng thì chỉ có một mình Ngài, nhưng khi Ngài đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như, bấy giờ có sáu Thầy trò. Đến khi Ngài độ 50 thanh niên Da Xá đắc quả A-la-hán là tổng cộng có 56 Tỳ-kheo và khi Phật độ được 1.250 vị đắc Thánh quả, thì Pháp thân của Phật đã lớn thêm nữa. Cho đến ngày nay, trải qua hơn 2.500 năm có biết bao nhiêu lớp người trên khắp năm châu bốn biển tự nguyện sống trong pháp Phật, rõ ràng Pháp thân Phật thực là vĩ đại vô cùng.

Tất cả đạo tràng ở khắp mọi nơi đều thể hiện Pháp thân Phật, vì mọi người đang học giáo lý của Phật, đang suy nghĩ yếu nghĩa của Phật dạy, đang thực tập pháp Phật trong cuộc sống và chúng ta chứng được pháp phần nào thì đó là Pháp thân Phật. Như vậy, Pháp thân Phật nghĩa là trong đời sống của chúng ta có được sở đắc gì khiến cho người ta nghĩ là Phật. Trái lại, nếu chúng ta không hưởng được pháp giải thoát nào của Phật thì không phải là Pháp thân Phật.

Vì vậy, thọ mạng của Đức Phật kéo dài hàng ngàn năm chưa dứt, vẫn còn tiếp diễn trong tương lai và lớn thêm dưới dạng Pháp thân Phật trở thành biến hóa thân. Cho nên tất cả chúng ta, ai sống trong pháp Phật và chứng nghiệm được một phần pháp Phật, người đó tiêu biểu cho Pháp thân Phật.

Tuy nhiên, vì thọ mạng của Pháp thân ta tùy thuộc vào sự tu chứng của chúng ta, nên thọ mạng này có giới hạn, nghĩa là sinh mạng tứ đại của chúng ta chết thì thọ mạng của sự tu chứng cũng chấm dứt, không ai quan tâm đến ta nữa. Nhưng cũng có người còn sống mà không ai quan tâm đến họ, thì coi như thọ mạng chân linh của họ đã chết. Còn những người đã chết mà vẫn được tôn thờ thì sinh mạng đó của họ có thể kéo dài được vài thế hệ, nhưng nhiều nhất cũng chỉ kéo dài được đến chín đời là cùng, mọi người không còn nhớ đến nữa.

Trong khi thọ mạng của Phật pháp không bao giờ mất. Đức Phật Thích Ca ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng đắc đạo thành Phật, Ngài thấy được vô lượng kiếp của Ngài phát tâm Bồ-đề cho đến tu thành Phật, thì thọ mạng vô lượng kiếp trước vẫn kéo dài đến hiện tại.

Nếu chúng ta có cái nhìn xa trong thế giới Phật, thấy có vô số Phật, gần nhất là chúng ta có 3.000 vị Phật (Tam thiên Phật), hoặc 10.000 vị Phật trong kinh Vạn Phật. Thế giới chư Phật này bất tử và chúng ta thực tập thiền quán, thâm nhập thế giới này bằng chân linh, nên chỉ có Phật biết và ta biết mà thôi. Vì Phật biết, Ngài ấn chứng cho ta, nên ta mới thăng hoa tâm linh được. Ngài Xá Lợi Phất thâm nhập được thế giới kỳ diệu vô cùng này, nên vội quỳ trước Phật mà thưa rằng ơn lớn của Thế Tôn dù con có dùng đầu đội, dùng hai vai cõng vác trong trăm ngàn muôn ức kiếp cũng không thể nào đền đáp được.

Chúng ta đã trải qua vô số kiếp thay hình đổi dạng trong sáu đường sinh tử, may nhờ có Đức Phật đưa chúng ta ra khỏi sinh tử để vào Niết-bàn, vào thế giới vĩnh hằng bất tử, vĩnh viễn không phải trầm luân trong sinh tử nữa, thì ơn lớn này của Phật không gì có thể sánh được. Chính vì vậy mà ngài Nhật Liên khẳng định rằng ơn Tam bảo lớn nhất và ơn cha mẹ, ơn thầy bạn giúp chúng ta trở thành người tốt cũng là ơn lớn mà chúng ta trân trọng, không được quên.

Trước khi thọ Sa-di, tôi nhớ thầy Giáo thọ bảo các giới tử phải quay mặt về hướng Bắc để lễ tạ bốn ơn và từ đây chúng ta đi vào biển Phật pháp không gặp lại những người này nữa.

Tóm lại, người xuất gia hay cư sĩ tại gia tu hành, thâm nhập được thế giới Phật và sống trong thế giới Phật thì chư Phật là những vị Thầy vĩ đại của chúng ta, chư Bồ-tát là bạn đồng học của chúng ta.

Và trong kiếp người trải thân tu hành theo Phật, chắc chắn công ơn của Phật, của Bồ-tát cứu độ, giáo dưỡng chúng ta là lớn lao nhất, lớn lao vô cùng mà chúng ta khắc cốt ghi tâm và chỉ có thể lặp lại lời cảm niệm ân đức sâu dày giống như Ngài Xá Lợi Phất rất chân thành bạch với Đức Phật, bậc đại Đạo sư rằng: Dù có dùng đầu đội, hai vai cõng vác trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp, con cũng không thể đền đáp được công ơn vô cùng tận của Đức Thế Tôn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày