PG Sóc Trăng & sức mạnh của cộng đồng đa sắc tộc

GN - Nằm giữa sự giao thoa văn hóa của nhiều sắc tộc, với những tông phái biệt truyền, song trải dài suốt chừng ấy thời gian, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng vẫn luôn giữ vững và phát huy cao độ tinh thần đoàn kết đi đến ổn định, thống nhất tổ chức và lãnh đạo. Điều đó không chỉ mang lại nhiều lợi lạc cho sự phát triển đạo pháp của địa phương nói riêng, mà còn góp phần tích cực xây dựng sự bền vững cho nền Phật giáo nước nhà nói chung.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng với dân số khoảng 1,3 triệu người trải khắp 11 huyện - thị - thành, là nơi có tín ngưỡng tôn giáo phong phú, mang bản sắc văn hóa hòa lẫn ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Trong bối cảnh trên, cùng với chỉ đạo sâu sát của HĐTS T.Ư GHPGVN, sự tận tình tạo mọi điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành chức năng; bằng quyết tâm và thống nhất ý chí của các cơ sở tự viện tại địa phương, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đã thành tựu nhiều công tác Phật sự đáng ghi nhận trong suốt nhiệm kỳ VIII (2012-2017) vừa qua.

unnamed (1).jpg


Giới tử tham gia Đại giới đàn Thiện Tường do PG tỉnh Sóc Trăng tổ chức

“Giáo dục, kiện toàn nhân sự và an sinh xã hội” dẫn đến đoàn kết - ổn định

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 177 ngôi tự viện (92 ngôi chùa Nam tông, 72 ngôi chùa Bắc tông, 11 tự viện Hệ phái Khất sĩ và 3 ngôi chùa Hoa), với 2.118 Tăng Ni, được xem là một trong những tỉnh thành có số lượng Tăng Ni đông nhất miền Tây Nam Bộ. Lấy đây làm thế mạnh cho Phật giáo xứ sở, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sóc Trăng trong 5 năm vừa qua, bên cạnh các Phật sự đề ra, đã dốc toàn lực động viên, hỗ trợ và đào tạo kiến thức Phật học cũng như thế học, nhằm tìm kiếm và phát triển Tăng tài, kiện toàn bộ máy nhân sự cho công tác quản lý và hoằng pháp từ đây về sau của tỉnh nhà.

Theo đúng tinh thần trên, hàng năm, Thường trực Ban Trị sự đã chỉ đạo Ban Tăng sự tỉnh Sóc Trăng đều có tổ chức các khóa an cư kiết hạ để giúp cho Tăng Ni thúc liễm thân tâm, trau giồi Tam vô lậu học, trên tinh thần Luật tạng Tỳ-ni và thực hiện nội quy và các văn bản hướng dẫn do Ban Tăng sự T.Ư ban hành. Cụ thể, Phật giáo tỉnh đã mở 2 điểm an cư kiết hạ tập trung cho hơn 300 Tăng Ni Bắc tông và Khất sĩ tu học (tại chùa Khánh Sơn cho Tăng và chùa Đại Giác cho Ni). Ngoài ra, tại 92 điểm chùa Nam tông Khmer theo truyền thống của Phật giáo Nam truyền, còn tiến hành tổ chức cho từ 1.600 đến 1.700 sư sãi an cư tại chỗ. Qua đó, Phật giáo tỉnh khai mở Đại giới đàn Thiện Tường cho hơn 800 giới tử trong và ngoài tỉnh về thọ giới, tăng gần 300 giới tử so với khóa trước. Riêng đối với Phật giáo Nam tông Khmer, theo truyền thống biệt truyền, cũng đã tổ chức truyền giới cho các giới tử nhân các mùa an cư, và nhận người xuất gia, ước tính mỗi năm có trên dưới 100 vị xuất gia và thọ Sa-di giới, Cụ túc giới.

Đặc biệt, tại Trường Trung cấp Phật học tỉnh, trong công tác giáo dục Tăng Ni, đã có 11 vị được trúng tuyển vào khóa XI Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, 2 vị đang theo học tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ và 6 vị đang học lên cao đẳng Phật học. Bên cạnh đó, hệ thống trường và các lớp Pali tại Sóc Trăng cũng được đặc biệt chú trọng. Song song với việc truyền dạy kinh luật theo hệ văn hóa Pali, tại đây còn mở ra các lớp văn hóa phổ thông (Bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3) và Khmer ngữ văn, Anh văn, vi tính cho chư Tăng Nam tông Khmer.

Đồng thời, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng đã mở 5 khóa bồi dưỡng trụ trì và kiến thức quốc phòng an ninh cho hơn 200 vị trụ trì và phó trụ trì, Tăng Ni sinh Trường Trung cấp Phật học, cũng như các tu sĩ tại các tự viện trong tỉnh tham dự theo mỗi khóa. Kết thúc các khóa bồi dưỡng kiến thức trụ trì và quốc phòng an ninh, chư Tăng Ni dự khóa được trang bị đầy đủ kiến thức trụ trì, kiến thức pháp luật, kiến thức Giáo hội và cả xã hội.

Bên cạnh công tác giáo dục, vấn đề an sinh xã hội của Phật giáo tỉnh nhà cũng đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo đó, Ban Trị sự tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hành động với các sở, ban ngành của tỉnh, nhằm thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu trong tinh thần trách nhiệm; phát triển giáo dục mầm non; hoạt động bảo trợ xã hội, dạy nghề, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong... giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp hành động về tuyên truyền, giáo dục, đoàn kết, tập hợp, hướng dẫn thanh thiếu niên và tổ chức các hoạt động an sinh xã hội giai đoạn 2015 - 2019; ký kết với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản tỉnh Sóc Trăng về việc phóng sanh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền cho tín đồ Phật tử ý thức trong vấn đề đánh bắt và khai thác, cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản được hiệu quả.

Đặc biệt, hoạt động từ thiện xã hội của tỉnh 5 năm qua đạt trên 300 tỷ đồng, góp phần duy trì các hoạt động thiết thực như phát cơm cháo trong bệnh viện đa khoa, khám phát thuốc cho dân nghèo, phát quà nhân các sự kiện quan trọng như Đại lễ Phật đản, Vu lan - Báo hiếu, trao quà hiếu đạo, mở phòng thuốc từ thiện, mở lớp học tình thương, ủng hộ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, nuôi dưỡng các em mồ côi, phụng dưỡng người già neo đơn, các ca mổ mắt, các ca mổ tim, đóng tặng giếng nước sạch, phát huy chương trình “Nhịp cầu nhân ái” và chương trình “Nhịp cầu yêu thương”... chăm lo đời sống của nhân dân, làm nổi bật tinh thần nhập thế của đạo Phật.

Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của người dân nói chung và Phật tử nói riêng, trong công tác hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, Ban Hoằng pháp Phật giáo Sóc Trăng đã tổ chức thuyết giảng tại các đạo tràng tu học, đạo tràng tu Bát quan trai, tu Một ngày an lạc, mỗi đạo tràng sinh hoạt mỗi tháng từ 1 đến 2 kỳ; và các ngày lễ lớn như lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ kiết giới, lễ Sene Đôn-ta, lễ khánh thành các tự viện, lễ húy nhật chư vị trụ trì tiền nhiệm v.v... thu hút trên dưới 10.000 lượt thính chúng, góp phần đẩy lùi hiện tượng mê tín, hạn chế hoạt động thuyết giảng truyền đạo sai với giáo lý, sai với luật chế định của Đức Phật.

Hướng tới phát triển bền vững

Theo ĐĐ.Thích Thiện Nguyện, Phó Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, với những nỗ lực không ngừng trong công tác định hướng giáo dục, hoằng dương giáo pháp và an sinh xã hội, cùng sự đoàn kết, thân tình, hài hòa trong văn hóa giữa các cơ sở tự viện, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đã và đang phát huy tốt trong việc tổ chức bộ máy nhân sự trẻ hóa, có đạo đức, năng lực, trình độ, có khả năng tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội; nhiệt tình, tâm huyết, có uy tín trong đồng bào Phật tử và trong Giáo hội, có lập trường, tư tưởng vững vàng luôn thực hiện theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”; nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Trung ương giao phó; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Trị sự tỉnh.

Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ 5 năm (2012-2017),  Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành thành công Đại hội tổng kết nhiệm kỳ cho các Ban Trị sự Phật giáo 11 huyện-thị-thành, để kiện toàn nhân sự chức danh đúng theo Hiến chương, Thông tư của Giáo hội; tấn phong giáo phẩm cho 25 vị Tăng Ni hội đủ tiêu chuẩn, trao quyết định bổ nhiệm 26 vị trụ trì tại các tự viện khuyết trụ trì Nam, Bắc tông; quyết định công nhận 11 cơ sở Giáo hội đối với các tự viện khắp huyện, thị, thành trực thuộc tỉnh; thành lập các ban ngành trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; đề ra chương trình công tác Phật sự cụ thể cho 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ.

Đồng thời, theo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh những điểm nổi bật trong công tác Phật sự 5 năm vừa qua, vẫn còn tồn đọng một số bất cập ở khâu quản lý của nhiều tự viện trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để thực hiện tốt những nhiệm vụ Phật sự trong nhiệm kỳ sắp tới đây, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng sẽ có kế hoạch rà soát chi tiết, phân công, phân cấp rõ ràng đối với Ban Trị sự cấp tỉnh; đề cao ý thức chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của Giáo hội không nằm ngoài quy chế pháp luật Nhà nước. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chung cũng như điều kiện thực tế của Phật giáo tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.
unnamed.jpg

HT.Dương Nhơn

“Nhìn chung, các ban ngành đều đã ổn định hoạt động tốt theo chức năng chuyên trách của ngành, cũng như theo đường hướng của GHPGVN và tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Cùng theo đó là sự linh động của các ban ngành, đã hình thành một hệ thống tổ chức đầy khoa học và trí tuệ, đưa Phật giáo tỉnh nhà sánh vai với các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khác trong khu vực. Trong đó, mỗi hệ phái dựa trên nguyên tắc hòa hợp, thống nhất tổ chức, thống nhất hành động, các hệ phái luôn xem Giáo hội là ngôi nhà chung trong công tác Phật sự” - HT. Dương Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng đánh giá hoạt động nhiệm kỳ VIII trong tâm thế lạc quan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày