GN - HT.Thích Tánh Nhiếp, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Quảng Bình mở đầu cuộc trò chuyện với PV Giác Ngộ bằng sự dí dỏm như vậy, bởi theo Hòa thượng: “Làm Phật sự ở nơi mà người ta không biết Phật giáo là cái chi chi thì khó lắm. Nhưng, đã là người đầu tàu, là Tăng sĩ thì khi làm việc Tăng sai phải làm cho trọn, khó khăn cũng không nản…”.
Ngôi bửu điện chùa Đại Giác được xây dựng lên trên nền đất
được san lấp từ hồ nước - Ảnh: L.Đ.L
Giáo hội non trẻ…
Nhớ lại những ngày đầu mới về Quảng Bình, đó là khoảng tháng 5-2009, khi được TƯGH công cử về vùng đất mà chùa chiền hầu hết bị hư hoại, Tăng Ni thì không có, “nhận nhiệm vụ mà không có nhiệm sở!” - HT.Thích Tánh Nhiếp mỉm cười nhớ lại.
Trước khi nhận công tác Phật sự về Quảng Bình, Hòa thượng đang ở Lào. Lần đầu tới Đồng Hới (Quảng Bình) Hòa thượng đã lái xe đi một vòng thành phố, rồi nghỉ lại ở khách sạn (cả TP.Đồng Hới thời điểm đó không có chùa nào được đi vào hoạt động cả) rồi sau đó, khi chính thức về đây làm việc, Hoà thượng đã thuê địa điểm tại số 10 Hương Giang để làm văn phòng tạm thời. BTS THPG Quảng Bình lấy địa chỉ ấy làm cơ sở tạm thời để tiếp tục các công tác, thủ tục liên quan nhằm tìm nhân sự, vận động một số Phật tử biết đạo trước đó tham gia vào BTS. Chỉ 3 tháng sau kể từ khi Hòa thượng nhận nhiệm vụ và trực tiếp về đây thì đại hội lần thứ nhất (tháng 8-2009) được tiến hành với 19 thành viên, trong đó chỉ có mỗi mình Hòa thượng Tánh Nhiếp là tu sĩ, được suy cử chức vụ Trưởng BTS.
Bộ máy BTS ra đời, hoạt động khó khăn do các cư sĩ Phật tử lần đầu tham gia Phật sự nên bỡ ngỡ và trong quá trình làm việc có người đã dần có những biểu hiện bất đồng, thiếu hòa hợp, không tiếp tục hợp tác. Bên cạnh đó, ngân sách thuê địa điểm và các khoản chi tiêu khác để cho BTS hoạt động nhanh chóng cạn nên phải trả lại mặt bằng, dời địa chỉ về chùa Phổ Minh (nằm cách xa TP.Đồng Hới). Tuy nhiên, đạp lên trên tất cả những khó khăn ấy, lần lượt Hòa thượng cùng với Phật tử, cư sĩ yêu mến Phật pháp, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để phụng sự nên đã từng bước khắc phục, lèo lái các hoạt động Phật sự dần đi vào nề nếp.
… nhưng không yếu!
Hòa thượng Trưởng BTS khẳng định: “THPG Quảng Bình non trẻ nhưng không yếu. Chúng tôi đã được sự quan tâm đúng mực của TƯGH, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, TP.Đồng Hới là động lực thúc đầy để mỗi thành viên BTS cũng như Phật tử địa phương chung tay sống tốt đời đẹp đạo, cùng góp tay xây dựng khối đại đoàn kết, góp phần làm cho xã hội thăng hoa đời sống tinh thần…”. Biểu hiện cụ thể của tinh thần và niềm tin, tự hào ấy chính là những kết quả đạt được của Phật giáo Quảng Bình qua 3 năm hoạt động trong nhiệm kỳ đầu tiên (2009-2012).
Qua thống kê, Hòa thượng Trưởng ban cho biết trong báo cáo công tác Phật sự có 10 thành tựu nổi bật như hưởng ứng các phong trào xã hội, Phật giáo Quảng Bình đã tích cực tham gia giúp đỡ các đối tượng chính sách, đồng bào gặp khó khăn như: xây nhà tình nghĩa, ủng hộ tiền và hàng ngàn suất quà, gạo… Nhất là trong cơn lũ năm 2010, THPG Quảng Bình kết hợp với Phật giáo các địa phương trong cả nước đã vận động, ủng hộ hàng tỷ đồng cùng các mặt hàng nhu yếu phẩm trong công tác cứu trợ.
Về các hoạt động văn hóa, HT.Thích Tánh Nhiếp cho biết Phật giáo đã tham gia tổ chức Đại lễ cầu siêu Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nhân húy nhật của ông tại xã Trường Thủy (H.Lệ Thủy); đồng thời tổ chức cung nghinh Ngọc xá-lợi Phật do ngài Tăng thống Miến Điện trao tặng về tôn trí tại trụ sở Tỉnh hội. Thêm vào đó là lễ hội cầu quốc thái dân an vào ngày vía Đức Quán Thế Âm Bồ-tát... cũng được tổ chức quy mô, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng nhân dân; tổ chức cầu siêu tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc và Hang Tám Cô để thể hiện tinh thần tri ân của nhân dân Quảng Bình với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc…
Cổng chùa Đại Giác - Ảnh: L.Đ.L
Trong công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử thì BTS cũng tiến hành quy y hơn 3.000 Phật tử trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong công tác xây dựng và kiến thiết các cơ sở Phật giáo, Hòa thượng Trưởng ban tán thán sự chung sức của Phật tử địa phương và sự ủng hộ của Phật tử khắp nơi và cũng là sự ủng hộ to lớn của chính quyền địa phương trong việc cấp 8.000 m2 gần trung tâm TP.Đồng Hới (thuộc đường Thống Nhất, P.Đức Ninh Đông) để xây dựng cơ sở chùa Đại Giác - văn phòng BTS THPG tỉnh Quảng Bình. Sau khi nhận quyết định của UBND tỉnh, HT.Thích Tánh Nhiếp đã cho san lấp mặt bằng dần dần (đến nay đã được khoảng 7.000 m2) và cho dựng chùa tạm để bà con có chỗ sinh hoạt, BTS có chỗ làm việc.
Tiếp theo đó, nhờ việc hiến cúng của Phật tử tín tâm với Tam bảo nên THPG Quảng Bình đã có điều kiện tiến hành đúc được tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật nặng 3 tấn, cao 3,5m và đại hồng chung nặng 1 tấn, cao 1,5m tôn trí tại chùa Đại Giác. Công tác tu sửa chùa Quan Âm (thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch), một việc làm ích đạo, thuận theo mong ước của Phật tử…
Dẫn chứng tất cả những điều đó, như một dấu hiệu phục hồi và đạo Phật từng bước đi vào đời sống nhân dân, đồng hành cùng dân tộc trong công tác kiến thiết đời sống xã hội-văn hóa ngày một tốt đẹp hơn. Hay nói như Hòa thượng Trưởng ban, đấy là một sự thật sống động của tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo từ xưa tới nay.
Chiêu mộ Tăng tài
Có lẽ việc làm mới nhất, tạo được dư luận tốt của Phật giáo Quảng Bình gần đây chính là công bố “Thư thỉnh nguyện” về việc cung thỉnh chư tôn thiền đức Tăng Ni phát tâm về Quảng Bình phụng sự đạo pháp, hoằng pháp lợi sinh.
Theo đó, HT.Thích Tánh Nhiếp cho biết khi Phật giáo Quảng Bình thực hiện thông tư của TƯGH về tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2012-2017 nhưng nhân sự hiện tại thiếu và lủng củng. Nguyên do vì khi BTS mới thành lập thì chủ yếu là mời cho đủ người, chưa qua thẩm định năng lực cũng như tư cách. Trong quá trình làm việc mới phát sinh nhiều điều không hay giữa các thành viên BTS là cư sĩ, đã làm nhiễu loạn một vài hoạt động, gây mất đoàn kết nội bộ Phật giáo. Vì vậy, Hòa thượng Trưởng ban đã kiên quyết thanh lọc, tuyển chọn nhân sự vào BTS kỹ hơn, cũng như nhắm tới các công tác Phật sự quan trọng nhiệm kỳ mới 2012-2017 nên ngài đã ra “Thỉnh nguyện thư” với tinh thần cầu thị tha thiết.
Cuối cùng, quý thầy, quý sư cô cũng phát tâm tình nguyện về nơi mảnh đất Quảng Bình để chung tay đưa Phật giáo phát triển nên đã gửi thư phát nguyện và được TƯGH giới thiệu 6 vị Tăng, Ni về tham gia THPG Quảng Bình.
Sau sự kiện ấy, Hòa thượng Trưởng BTS bộc bạch rằng: “Đến nay, danh sách BTS đã có, với 32 thành viên, có chư Tăng Ni tình nguyện về phục vụ Giáo hội, làm ích đạo, lợi đời cho quê hương Quảng Bình nên hi vọng các cấp chính quyền ở đây có thể hỗ trợ để Phật giáo cùng phát triển trong sự phát triển chung của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng…”.
Đình Long
Chúc từ (trích) của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang (tu viện Quảng Hương Già Lam, Q.Gò Vấp, TP.HCM) “Trước hết tôi xin cám ơn, rất cảm ơn chính quyền đã cho Phật giáo Quảng Bình khu đất kiến thiết chùa Đại Giác. Phật giáo Quảng Bình không tủi hổ quá khứ của mình. Tại đây, trong quá khứ đã có một nơi kỳ quan là chùa Thần Đinh; đã có đến 3 quốc tự, tục gọi là dinh Trạm, dinh Mười, dinh Ngói; đã có các Ngài làm trụ trì và làm Tăng cang chùa Ngự Kiến Thiên Mộ tự. Rồi chùa Phổ Minh, xóm Ải được ngài Hồng Tuyên kiến tạo đã là nơi quy tụ và tiêu biểu của Phật tử và Tăng giới khắp 5 phủ huyện Quảng Bình. Tự điển và từ điển thì Đại Giác đồng nghĩa với Phổ Minh. Hy vọng chùa này cũng như chùa gốc, đem ánh sáng tuệ giác trải ra khắp hơn và sâu hơn về đức tin của Phật giáo”… |