NSGN - Vì sao bạn xuất gia?
Trong nhận thức của quốc vương Koravya, cũng như nhận thức của nhiều người, một người từ bỏ cuộc sống thế tục để xuất gia là do bị rơi vào một trong bốn trường hợp: bệnh tật ốm đau, già nua lụn bại, phá sản và gia đình đổ vỡ. Thế nhưng, vua Koravya quán sát thì Tôn giả Raṭṭhapālo xuất gia hoàn toàn không phải rơi vào một trong bốn trường hợp kia. Vậy thì vì lý do nào, vì một suy vi nào khả dĩ khiến Raṭṭhapālo, con nhà hào phú, cha mẹ nuông chiều, lại quyết chí xuất gia?
Xuất gia đầu Phật - Ảnh minh họa
Lại-tra-hòa-la (Raṭṭhapālo), một thanh niên con nhà giàu, ở thôn Thâu-lô-tra, trong một lần đi nghe Phật thuyết pháp đã phát tâm xuất gia, nhưng gặp sự chống đối của gia đình. Lại-tra-hòa-la đã phải tuyệt thực để tỏ ý chí quyết tâm xuất gia của mình. Gia đình đã huy động hết người thân quyến thuộc và cả bạn bè của Lại-tra-hòa-la đến để khuyên anh từ bỏ ý định xuất gia, sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp, nhưng Lại-tra-hòa-la nhất định không thay đổi lập trường. Cuối cùng gia đình phải nhượng bộ, chấp nhận cho anh xuất gia với hy vọng anh sẽ không thể sống nổi đời sống phạm hạnh mà bỏ đạo hoàn tục.
Thế nhưng, Lại-tra-hòa-la không những không bỏ đạo mà còn thành tựu được lý tưởng, đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, là chỉ cầu hoàn thành vô thượng phạm hạnh, ở ngay đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ, chứng quả A-la-hán. Khoảng chín, mười năm sau, Lại-tra-hòa-la xin phép Thế Tôn trở về quê thăm cha mẹ.
Trong lần trở về quê thăm gia đình, cha mẹ Lại-tra-hòa-la lại đem tài sản chất đống giữa nhà và một lần nữa khuyên Tôn giả bỏ đạo. Tôn giả khéo léo thuyết pháp độ cho cha mẹ rồi ra đi. Từ đó, danh thơm khắp cõi, khiến vua Koravya ngưỡng mộ muốn được thân cận, đảnh lễ.
Trong cuộc diện kiến ấy, Tôn giả Lại-tra-hòa-la cho biết, do thấy, nghe, hiểu biết từ Như Lai bốn tướng của thế gian: Thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa; thế gian này nhất thiết phải đi đến sự già nua; thế gian này không thường, cần phải bỏ đi; thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của ái, nên đã xuất gia. Vua Koravya sau khi nghe Tôn giả Lại-tra-hòa-la phân tích về bốn tướng của thế gian thì cũng muốn nhẫn lạc như Tôn giả!1
Lại-tra-hòa-la trước khi đi tu đã ý thức rằng sống tại gia bị tù hãm trong những sự phiền tỏa, không thể trọn đời thanh tịnh tu hành phạm hạnh được.
Sống đời phạm hạnh
Xuất gia là để trọn đời thanh tịnh tu hành phạm hạnh, tức là suốt đời giữ giới, phòng hộ căn môn, nuôi mạng thanh tịnh và chánh niệm tỉnh giác. Đó là những phẩm tính cao thượng của một thánh giả A-la-hán. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, quý thầy quý cô mà chúng ta thấy hàng ngày, chưa có ai chứng quả thấp nhất, nhưng nếp sống hàng ngày của họ là sống noi theo nhân cách, phạm hạnh của một bậc thánh Vô sanh.
Nhân cách ấy bắt đầu bằng đời sống khép mình vào giới luật. Giới luật và các thiên oai nghi chính là những cầu phao nâng đỡ những bước chân yếu đuối tiếp tục đứng vững và đi tới trên đường về bảo sở, vượt trùng dương sanh tử, luân hồi.
Biển sanh tử ở đâu? Ở trong con mắt! Mắt là biển lớn của con người và sắc kia là sóng cả. Nếu người nào chịu nổi sắc ba đào thì sẽ vượt qua bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng độc hại và nữ quỷ La-sát. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; chúng là biển cả của con người, âm thanh, mùi hương, vị, xúc chạm và pháp là sóng cả. Nếu ai kham chịu nổi pháp ba đào này thì sẽ vượt qua bờ bên kia của biển cả của mắt, với các sóng cả, các dòng xoáy, sâu trùng độc hại và nữ quỷ La-sát.
Những ai “đối với sắc được nhận thức bởi mắt mà có ái niệm, đắm nhiễm; do ái niệm, đắm nhiễm, thường y trên thức và bị nó trói buộc, bị nó giữ chặt, nên không thể nhập Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”2
Cho nên, chúng ta phải luôn luôn hộ trì 6 căn, đừng để 6 cảnh đắm nhiễm, gọi là phòng hộ căn môn. Cũng như con rùa sống trong bụi cỏ ven sông. Hôm nọ, có một con dã can đói đi tìm thức ăn, vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai. Dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. Dã can đói quá, tức tối bỏ đi.
“Này các Tỳ-kheo, ngày nay các ông cũng lại biết như vậy. Ma Ba-tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ông. Mong đợi mắt các ông đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi giục sanh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên Tỳ-kheo, các ông phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt. Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt rồi, dù mắt có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa thì ác Ma Ba-tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sanh khởi hoặc duyên cảnh đi nữa, thì chúng cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào.” 3
Nuôi mạng thanh tịnh
Mỗi người trong xã hội ai nấy đều có vai trò, trách nhiệm, công việc, nghề nghiệp của mình để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình và xây dựng xã hội. Còn người xuất gia nuôi sống thân mạng bằng cách nào? Vua Ajātaśatru đã từng hỏi Đức Thế Tôn: “Những người xuất gia làm gì? Kết quả thiết thực hiện tại của Sa-môn là gì?”4
Người xuất gia không cần phải cấy cày, không dệt vải mà vẫn có cơm ăn, có áo mặc, đó là lợi ích của người xuất gia sao? Không những thế, họ có cả chùa to, nhà lớn, phòng ốc tiện nghi, đó là lợi ích của người xuất gia? Có người được quốc vương đại thần ủng hộ, tín đồ thí chủ cung kính, trên không bị quan bắt đi lính, dưới không bị thứ dân quấy nhiễu mà lại được tự nhiên vui vẻ, thanh nhàn, phóng khoáng, đó là lợi ích của người xuất gia?
Người xưa có bài kệ rằng:
“Hạt gạo của thí chủ
Lớn tựa núi Tu di
Nếu đạo lớn không thành
Mang lông đội sừng trả”.
Xem đây đủ thấy, người xuất gia nếu vì cơm áo, chỗ ở, danh lợi mà đi tu thì đang ở trong đại họa mà không biết! Cái gọi là lợi ích của người xuất gia chính là có thể giải thoát được phiền não, dập tắt được vô minh, chứng được vô sanh pháp nhẫn, liễu thoát sanh tử luân hồi, đó mới là việc làm tối thắng, cao quý hơn hết, trong loài trời, người. Nếu không được như vậy, dù có giàu có đến thiên vàng vạn bạc, cho đến được vinh hiển làm quốc sư cho bảy đời hoàng đế đi nữa cũng chẳng có lợi ích gì để bàn!
Thực ra, phương tiện nuôi sống sinh mạng của người xuất gia đơn giản là theo truyền thống của chư Phật. Dòng họ chư Phật có bốn sự truyền thừa, đó là che thân bằng ba y phấn tảo, duy trì nhục thân bằng một bình bát, ngủ nghỉ dưới gốc cây, đồng hoang, rừng vắng, hang động, nghĩa địa và vui vẻ đoạn trừ phiền não.5 “Này A-nan, trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn Thánh chủng. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nhận được cái y thô xấu mà biết hài lòng, tri túc, không phải vì y áo mà mong thỏa mãn ý mình. Nếu chưa được y thì không u uất, không khóc than, không đấm ngực, không si dại. Nếu đã được y áo thì không nhiễm, không trước, không ham muốn, không tham lam, không cất giấu, không tích trữ. Khi dùng y thì thấy rõ tai hoạn và biết sự xuất ly. Được sự lợi như vậy vẫn không giải đãi mà có chánh trí. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chân chánh an trụ nơi Thánh chúng cựu truyền. Về ẩm thực và trụ xứ cũng như vậy. Mong muốn đoạn trừ, vui thích đoạn trừ, mong muốn tu, vui thích tu. Vị ấy nhân muốn đoạn trừ, vui thích đoạn trừ, muốn tu, vui thích tu nên không quý mình, không khinh người. Sự lợi như vậy, không giải đãi nhưng chánh trí. Đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chân chánh an trụ nơi Thánh chúng cựu truyền.”6
Tài bồi phẩm chất
Thuở xưa, Liên Trì đại sư7 từng nêu mười thiện hạnh của người xưa để người sau soi lấy mà học tập, rèn luyện cho xứng đáng phẩm chất của người xuất gia. Theo đó, người xuất gia phải tự xác định bản thân mình đã từ bỏ mọi sự nhiễm ô của thế tục, nên phải tập sống cho thanh cao, cho giản dị. Nhưng thanh cao mà không nghiêm chính thì chỉ là cái thói làm cao của kẻ cuồng sĩ. Người học Phật nhất định phải thâu nhiếp ba nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh tịnh thì mới có cơ hội thành tựu đạo nghiệp, cho nên điều thiện hạnh thứ hai phải học là nghiêm chính. Hành vi nghiêm chính cần phải nương nhờ thầy chỉ dạy mới tránh khỏi sai lầm. Người thầy là bậc mô phạm, nuôi dạy ta thành người, cho nên điều thiện hạnh thứ ba là phải kính tôn sư. Có cha mẹ sanh ta, nuôi ta lớn khôn, sau mới có thể tiếp nhận sự giáo dục của thầy, quên mất công ơn cha mẹ là bất hiếu, vong bản. Vả lại, giới hạnh luật nghi tuy rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hiếu hạnh, cho nên, thiện hạnh thứ tư là hiếu thân. Kẻ trung thần xuất thân từ người con hiếu. Đạo lý trung hiếu phải vẹn toàn, chỉ biết có tình thân, không biết có ân quân chủ, quốc gia thì đó là hành vi của người tự tư tự lợi.
Trong sách có ghi: “Một người có phước, vạn dân đều nhờ”, là ý nói khi có một bậc quân chủ đức độ nhiếp chính thì quốc thới dân an, chúng ta nhờ vậy mà có thể được xuất gia, tự do đi lại khắp núi rừng sông suối để ẩn cư tu tập. Ân quốc gia cũng thật lớn thay! Cho nên, điều thiện hạnh thứ năm là phải trung thành với đất nước. Nhưng nếu chỉ biết đến đạo lý trung quân, tức là chỉ giao tiếp qua lại với các cấp chính quyền lãnh đạo, mà không quan tâm đến nhân dân, những người tín chủ đã ủng hộ mình tu tập thì cũng không tròn đạo lý. Nên cần phải nghĩ nhớ đến những người chân lấm tay bùn, nghèo khổ bần cùng, đó là điều thiện hạnh thứ sáu, từ vật. Từ và ái rất gần gũi. Người xuất gia mà sinh lòng ái nhiễm là một điều chướng ngại lớn cho việc tu hành, vì vậy, điều thiện hạnh thứ bảy là phải sống cho cao thượng. Nhưng cao thượng không có nghĩa là cô phương tự phụ.
Người xuất gia giữ khoảng cách với mọi người là để yên thân tu tập, một mặt là để trau dồi bản thân, hoàn thành sứ mạng tự độ của mình, sau đó, khi công phu tu tập đã cao thâm rồi thì tự nhiên đạo hạnh sáng rỡ muôn phương, khi ấy là lúc trở lại hóa độ chúng sanh. Đó là điều thiện hạnh thứ tám, cẩn trọng. Cẩn trọng là cẩn thận mà ẩn cư, tìm chốn thanh nhàn vô sự như thế chẳng qua cũng là bất đắc dĩ, vì đạo hạnh chưa thâm, cho nên phải chịu gian khổ, đó là điều thiện hạnh thứ chín.
Tuy nhiên, cũng có người sợ sự gian khổ ở ngoài đời mà tìm đến núi rừng, chùa viện để ẩn cư, trốn tránh việc đời, trở nên những kẻ vô công, ăn nhờ cửa Phật, đó không phải là hành vi gian khổ mà là mượn đạo tạo đời, đạo tâm đã thui chột. Một khi đạo tâm đã thối lui rồi thì không việc ác nào lại không dám làm. Kỳ thật, đạo lý nhân quả báo ứng không chừa một ai, dù nhỏ như sợi lông hạt bụi vẫn chưa bao giờ sai khác. Cho nên, người xuất gia không thể không nghĩ đến nhân quả báo ứng, đó điều thiện hạnh thứ mười, cảm ứng, tức là phải luôn luôn ghi nhớ luật nhân quả.
Mười điều thiện hạnh trên đây nếu tu tập đầy đủ thì đạo hạnh mới hoàn thiện, mới trở thành nhân tài có thể kham nhận Phật pháp. Cũng giống như đất đai đã được cải thiện phì nhiêu, màu mỡ rồi sau đó mới có thể trồng cây, gieo hạt được tốt tươi. Đất tâm cũng vậy, một khi đã được tinh thuần rồi thì đạo lý mới có thể tin hiểu, thọ trì; đạo lớn Bồ-đề chí cao vô thượng mới có thể kỳ vọng thành tựu. Nếu không như lời trên đây để tu hành thì chỉ là một phường phàm phu bỉ lậu mà thôi!
Đời sống bẩn
Hàng phàm phu bỉ lậu nấn ná trong chùa gọi là hạng ‘mượn đạo tạo đời’, mà nói theo kinh điển là hạng ‘ố đạo Sa-môn’. Ấy là hạng tuy mang hình thức Sa-môn nhưng tâm chẳng phải Sa-môn, thường chạy theo ngũ dục, đắm chìm trong danh văn, lợi dưỡng, vậy mà tự xưng mình là Tỳ-kheo, là Thượng tọa, Hòa thượng… "chẳng khác nào giống lừa, vào trong bầy bò mà tự xưng: ‘Tôi cũng là bò! Tôi cũng là bò!’ Nhưng hai lỗ tai của nó xem ra lại không giống bò, sừng cũng không giống, đuôi cũng không giống, âm thanh đều khác.”8 Hạng người xuất gia này cũng như vậy, dù được tôn xưng với bất kỳ danh vị nào, họ cũng chẳng phải là Sa-môn. Giả sử có Tỳ-kheo nào nương vào thôn ấp mà sống, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo mang y ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không thủ hộ các căn, không an trú chánh niệm, nhưng vị ấy lại vào nhà người mà thuyết pháp; những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết, nhờ đó vị ấy được lợi, như được áo chăn, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước xúc chạm mềm mại, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình thọ dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Ấy là Tỳ-kheo có đời sống bẩn, sống như loài rái cá, như chim cứu-mộ, kên kên, chim ăn bã, con sói, con quạ. 9
Không phải vì bần cùng mà xuất gia
Lối sống như loài rái cá, như chim cứu-mộ, kên kên, chim ăn bã, con sói, con quạ là sống vì miếng ăn! Xuất gia như thế là vì không sống nổi ở đời bằng chính sức lao động của mình cho nên mới tìm đến cửa chùa sống nhờ tín thí. Với tâm tư như vậy thì không thể nào có hạnh nguyện ‘trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sanh’. Một người mà tự thân mình không có khả năng nuôi sống thì làm sao có được cái chí nguyện cao cả ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’? Có chăng là tự lừa dối mình, lừa dối thiên hạ?!
Thuở ấy, ở Sa-kê-đế có ba thiện gia nam tử là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tì-la đều là thiếu niên mới xuất gia học đạo, cùng đến nhập Chánh pháp này không lâu. Cả ba Tôn giả đều là con nhà danh gia vọng tộc, sống trong nhung lụa, giàu sang tột bậc.
Khi Thế Tôn đến thăm, Ngài liền hỏi "Tỳ-kheo tu tập có an lạc không"? Vì sao Ngài hỏi vậy? Bởi vì, tất cả các đệ tử của Thế Tôn đều là những người xuất gia học đạo không phải vì sợ giặc cướp, không phải vì sợ nợ nần, không phải vì sợ khủng bố, không phải vì sợ bần cùng, cũng không phải vì sợ không sống được ở đời mà phải xuất gia học đạo. A-na-luật-đà, Nan-đề và Kim-tì-la là Tam tộc tánh tử10 chắc chắn phải vì lý tưởng cao thượng mà xuất gia, vì nhờm tởm sự sanh, sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, sầu khổ, hoặc vì muốn đoạn tận khối khổ đau vĩ đại này nên xuất gia học đạo.
Đức Thế Tôn vì mục đích sống an lạc ngay trong đời hiện tại, và vì thương xót chúng sanh đời sau mà sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không có sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Đệ tử xuất gia và tại gia của Thế Tôn có rất nhiều, rất nhiều người chứng thánh quả. Nhưng không phải vì xu hướng của người mà nói, cũng chẳng phải vì lừa gạt người, cũng chẳng phải vì muốn vui lòng người mà khi đệ tử lâm chung, Như Lai ghi nhận vị này sẽ sanh chỗ này, vị kia sanh chỗ kia. Sở dĩ Như Lai tuyên bố sự chứng đắc quả thánh, hoặc sanh chỗ này, chỗ kia của các đệ tử là để mọi người biết như thật rằng, nếu những ai thực hành đúng Chánh pháp thì chắc chắn có được lợi ích, có an lạc, giải thoát; và sự tuyên bố đó nhằm để mọi người noi theo, để phần nào sống trong sự an lạc thoải mái, chứ không phải vì danh văn, lợi dưỡng, hay được nổi tiếng11.
Lời kết
Xuất gia là chấp nhận đi khất thực, đi xin ăn, một sự nuôi sống thấp kém nhất, cùng biên nhất, người đời thường húy kỵ. Vì mục đích gì? Vì mục đích, vì lý tưởng đoạn tận biên tế của khổ đau; vì nhàm tởm, ghê sợ sự sanh, già, bệnh, chết, sầu bi, khóc than, ưu, khổ, áo não.
Với tâm như vậy mà xuất gia học đạo, nhưng lại sống theo tham dục, chìm đắm đến tận cùng, sự ô trược quấn chặt lấy tâm, ganh ghét, bất tín, lười biếng, mất chánh niệm, không chánh định, ác tuệ, tâm cuồng, rối loạn các căn, giữ giới hết sức lơ là, không tu Sa-môn, không phát triển rộng lớn, đó là hạng người lấy máu rửa máu, lấy dơ chùi dơ, lấy bẩn trừ bẩn, lấy phân trừ phân, chỉ tăng thêm ô uế mà thôi; bỏ chỗ mờ mịt để vào chỗ mờ mịt, bỏ chỗ tối tăm để vào chỗ tối tăm12.
Nguyên Hùng
__________________
(1) Trung A-hàm 132, kinh Lại-tra-hòa-la.
(2) Tạp A-hàm, tương ưng sáu nhập xứ.
(3) Tạp A-hàm, tương ưng sáu nhập xứ.
(4) Trường bộ 2, kinh Sa-môn quả.
(5) Tứ thánh chủng (cattāro ariya-vaṃsā): 1. Y phục hỷ túc,( itarītara-cīvara-santuṭṭhiyā vaṇṇa-vādī) ; 2. Ẩm thực hỷ túc thánh chủng (itarītara-piṇḍa-pāta-santuṭṭhiyā vaṇṇa-vādī); 3. Ngọa cụ hỷ túc thánh chủng (itarītara-piṇḍa-pāta-santuṭṭhiyā vaṇṇa-vādī); 4. Lạc đoạn lạc tu thánh chủng (bhāvanārāmo hoti bhāvanārato pahānārāmo hoti pahānārato vaṇṇa-vādī).
(6) Trung A-hàm 86, kinh Thuyết xứ.
(7) Liên Trì (1532-1612), cao tăng đời nhà Minh. Sư người Hàng Châu, họ Thẩm, tự Phật Tuệ, hiệu Liên Trì.
(8) Tăng nhất A-hàm, phẩm Hỏa diệt.
(9) Trung A-hàm 65, kinh Ô điểu dụ.
(10) Trung bộ 68, Naḷakapana sutta.
(11) Trung A-hàm, kinh Sa-kê-đế Tam Tộc Tánh Tử.
(12) Trung A-hàm 140, kinh Chí biên.