Phân thân Phật

GN - Năm nay, lễ đài Đại lễ Phật đản của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh được thiết trí lần đầu tiên tại Việt Nam Quốc Tự nhằm kỷ niệm dấu ấn vẻ vang của Phật giáo Việt Nam cách nay 51 năm đã thành tựu cuộc đấu tranh cho hòa bình và độc lập của dân tộc vào năm 1963 tại miền Nam.

hue nghiem.JPG
HT.Thích Trí Quảng và chư Tăng trước tôn tương
Phật đản sinh ở chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: B.Toàn

Trước cuộc vận động năm 1963, hầu như quốc tế không biết đến Phật giáo Việt Nam. Có thể nói hồi chuông cảnh tỉnh của Phật giáo năm 1963 và đặc biệt là ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức bừng lên xóa tan thế lực vô minh, nhờ đó mà thế giới biết nhiều đến Phật giáo Việt Nam. Từ đó cho đến nay, vai trò và vị trí của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới được khẳng định rõ nét.

Vì vậy, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã làm lễ Phật đản tại lễ đài Việt Nam Quốc Tự để tưởng nhớ công đức của Tăng Ni và Phật tử đã hy sinh thân mạng cho sự trường tồn của đạo pháp và cũng để kính mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức lần thứ hai tại Việt Nam năm nay.

Đại lễ Tam hợp Vesak Liên Hiệp Quốc gộp chung ba ngày lễ quan trọng đối với người đệ tử Phật là ngày Đức Phật đản sanh, ngày Đức Phật thành đạo và ngày Đức Phật nhập Niết-bàn; điều này cũng nhằm nói lên tinh thần đoàn kết tất cả hệ phái Phật giáo thế giới. Thật vậy, trong Đại lễ Vesak, các nhà tu hành Phật giáo của 100 quốc gia tập hợp về chùa Bái Đính, Ninh Bình đã thể hiện sâu sắc sức mạnh đoàn kết của hàng đệ tử Phật để cùng nhau hiểu rõ về sự thuận lợi và khó khăn của việc tu hành và truyền bá Chánh pháp ở mỗi quốc gia như thế nào. Đặc biệt hơn nữa, sự tập hợp các nhà sư từ khắp năm châu về tham dự Đại lễ Vesak năm nay tại nước ta cũng nói lên ý nghĩa sâu sắc của sự tập trung phân thân Phật theo tinh thần Phật giáo Đại thừa.

Thật vậy, trong kinh Pháp hoa, Đức Phật Thích Ca cho biết Ngài thị hiện phân thân trong khắp mười phương. Điều này muốn nói rằng thành tựu quả vị Phật và để giáo hóa chúng sanh thích ứng cho từng loại hình ở nhiều cảnh giới, Phật Thích Ca đã hiện hữu nhiều phân thân khác nhau mà kinh điển thường diễn tả là thiên bá ức hóa thân Phật thuyết pháp ở mười phương. Nếu chỉ có một thân thì chỉ là Bích chi Phật, hay Độc giác Phật.

 Đức Phật rõ biết nghiệp lực, tánh tình, hoàn cảnh, khả năng, v.v… của chúng sanh hoàn toàn khác nhau và Ngài giáo hóa những người hữu duyên, người thiện cũng như người ác, vô cùng tốt đẹp, thể hiện rõ nét phân thân Phật, hay ứng hóa thân Phật đã sử dụng trọn vẹn vô số pháp tương ưng cho mỗi loài chúng sanh, thậm chí thích ứng cho từng cá nhân, từng hoàn cảnh. Và cho đến ngày nay, rõ ràng tầm giáo hóa của Đức Phật vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ cho nhân loại trên khắp năm châu. Điển hình là cả vạn Tăng Ni, Phật tử thuộc 100 quốc gia đã tập trung tham dự Đại lễ Vesak tại Ninh Bình, cũng như rất nhiều người trên khắp thế giới cũng hướng tâm về Đức Phật, kỷ niệm ngày Đản sanh của Ngài. Tất cả chúng ta dù mang sắc tộc khác nhau, đều là đệ tử của Đức Phật Thích Ca, đều tự nguyện sống theo tinh thần Phật dạy.

Con tim và khối óc của vô số đệ tử Phật trên khắp thế giới nói chung và của tất cả mọi người chúng ta hiện diện tại cuộc Đại lễ Vesak 2014 đều quy ngưỡng về Đấng Toàn giác, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Điều này đã minh chứng sâu sắc rằng phân thân Phật đang hiện hữu nơi đây cũng như ở khắp mọi nơi, tạo thành Pháp thân Phật vĩnh hằng bất tử trên thế gian trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm.

Tất cả chúng ta, mỗi người tu học một pháp khác nhau, có được những sở đắc khác nhau, thể hiện một phần tinh ba của pháp Phật, hay đó là sự hiện hữu của phân thân Phật. Một người không thể hiểu biết trọn vẹn pháp Phật và cũng không thể hoàn hảo mọi việc cứu độ chúng sanh. Nhưng tất cả chúng ta cùng chung hội họp với nhau trong Tuần lễ Phật đản, tiêu biểu cho sự tập trung phân thân Phật, để tổng hợp tất cả những hiểu biết về yếu nghĩa Phật dạy, tập hợp tất cả những thành quả tâm linh và lợi ích thực tiễn của chúng ta trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Tổng hợp những điều tốt đẹp của nhiều người thân chứng pháp Phật, chắc chắn chúng ta sẽ có được mẫu số chung về hình ảnh và việc làm vô cùng cao quý của Đức Phật. Nhận chân được pháp Phật cao quý, tâm chúng ta tất nhiên được an lạc và giải thoát vô cùng; đó là ý nghĩa Ta-bà biến thành Tịnh độ đối với người đệ tử Phật.

 Kỷ niệm Đại lễ Phật đản Phật lịch 2558 - Dương lịch 2014, tất cả chúng ta, với tâm trong sạch, hòa hợp, đoàn kết, cùng nhau vạch ra hướng đi cho Phật giáo thực hiện được nhiều việc lợi ích cho nhân loại trong thời hiện đại. Đó chính là sự khắc họa chính xác nhất về hình ảnh Đức Phật hằng hữu muôn đời vĩnh kiếp trên thế gian này và Đức Phật hằng hữu trong chính cuộc sống của chúng ta, trong chính tư duy và việc làm tốt đẹp của hàng đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn biển.

Nhận ra sức sống vĩnh hằng bất tử của đạo Phật, thấy được sự hiện hữu vững mạnh của Đức Phật trong lòng nhân loại, cùng với những thành quả xác thực đầy giá trị thực hiện bởi hàng đệ tử Phật ở khắp mọi nơi mà năm nay, Liên Hiệp Quốc cùng với Phật giáo Việt Nam cử hành Đại lễ Vesak để cùng nhau san sẻ và xây dựng hướng đi của Phật giáo phù hợp và lợi lạc hơn nữa cho cộng đồng nhân loại trong kỷ nguyên mới.

Chúng tôi cầu mong tất cả mọi người con Phật trong mùa Phật đản đều tiếp nhận được những điều tốt đẹp nhất của Đức Phật trao cho, để cùng nhau thăng tiến trên con đường thánh thiện và xây dựng được ngôi nhà chung của nhân loại tràn đầy từ bi, an lạc, hòa hợp, hòa bình và thịnh vượng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bà con vùng nhiễm mặn nhận nước lọc từ đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá

Đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) trao 600 bình nước ngọt đến 300 gia đình tại Bến Tre

GNO - Sáng 24-4, đoàn từ thiện Linh Quang tịnh xá do Đại đức Thích Thiện Triều, Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu (BR-VT) và Ni sư Thích nữ Phước Duyên, Phó trụ trì Linh Quang tịnh xá (TP.Vũng Tàu) tiếp tục trao 600 bình nước ngọt đến các xã đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre.
Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày