Ngày 15-5 (13-4 âm lịch), chúng tôi theo chân nhóm Bước chân sen (thuộc chùa Long Phước, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để về một huyện nghèo của tỉnh Bến Tre tham gia Đại lễ Phật đản. Ở đây, chúng tôi cảm nhận được một không khí Phật đản tươi vui, một ngày hội “lâu lâu mới có ở quê tôi”, bác Phật tử Diệu Tâm, 70 tuổi cho biết
Những ông Bụt, cô Tiên từ… thành phố
Chuyến đi của nhóm Bước chân sen do sư cô Thích Nữ Huệ Dâng (trụ trì chùa Long Phước) làm trưởng đoàn đã mang hơn 250 phần quà cho trẻ em. Các bạn trong nhóm Bước chân sen đã hoá thân thành những ông Bụt, cô Tiên để tặng quà cho trẻ em nghèo ở Bình Đại, để giúp các em kết duyên với chùa, với Phật.
Giản dị, hình ảnh Bụt trong râu tóc dài, cô tiên được trang điểm nhẹ nhàng và luôn nở nụ cười, được giới thiệu là xuất xứ từ chùa. Hơn 300 em nhỏ đã có mặt từ sớm tại sân bóng của xã Thới Lai (Bình Đại) để chờ nhận quà. Lễ Phật đản của Bình Đại năm nay được tổ chức tại chùa Hoa Nghiêm (xã Thới Lai), một ngôi chùa nghèo nằm kế sân bóng của xã.
SC.Huệ Dâng làm “hoạt náo viên” bất đắc dĩ khi… em nào cũng muốn nhận quà nên cứ nhao nhao. Sau lời kêu gọi “các con, ai muốn nhận quà thì giơ tay lên nè, rồi trật tự, lùi ra thật nghiêm trang” các em ngay lập tức vào hàng ngũ. Những khúc ca Phật đản do Bước chân sen thực hiện, tuy “cây nhà lá vườn” nhưng bà con Phật tử và các em nhỏ ai cũng vỗ tay hoan nghênh.
Rồi màn giao lưu với các em nhỏ bắt đầu với các cô Tiên, ông Bụt đến từ… Sài Gòn khích lệ, những em nhỏ lên hát “Ba thương con”, “Hai con thằn lằn con”, rồi đến “Phật luôn trong ta”… Những ca khúc, những trò chơi tiếp nối đã tạo một bầu không khí “vui ơi là vui” cho vùng quê nghèo vốn ít ỏi những hoạt động văn hoá, văn nghệ.
Đặc biệt, những món quà nho nhỏ, nhưng đó là “lộc của Bụt” – theo lời sư cô Huệ Dâng nên các em nhỏ em nào cũng vui và hứa với Bụt, với sư cô, với những bạn trẻ nhóm Bước chân sen: “Tụi con học thiệt giỏi, thiệt ngoan để mùa Phật đản năm sau lại được nhận quà từ Bụt”.
Ngày hội của toàn dân
Con đường dẫn vào xã Thới Lai ngập cờ Phật giáo. “Phật đản là hai từ được người ta nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua, rồi kế đến là “vui quá” cũng là hai từ gắn liền với sự kiện Lễ Phật đản”, Phật tử Minh Hải, thư ký Ban đại diện PG H.Bình Đại nói với toàn thể đại chúng. Cũng phải, bởi vì Lễ Phật đản của huyện được tổ chức ngay sân bóng, kế bên chùa Hoa Nghiêm - nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân - nên được đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Những trò chơi dân gian, vui cùng đản sinh, những món quà quê, những tiết mục văn nghệ, và cổng chào được làm công phu là hình ảnh “lâu lâu mới có một lần”, Phật tử Diệu Tâm (xã Thới Lai) bộc bạch.
Ngày hội của toàn dân còn là một đêm thuyết pháp của sư cô Huệ Dâng (giảng sư thuộc Ban Hoằng pháp T.Ư) với đề tài “Bốn sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật”. Cũng vì “dễ gì có thầy, có giảng sư về đây, vì là quê xa, hẻo lánh nên sân bóng chật kín người đến nghe sư cô kể về cuộc đời Đức Phật, về những hành trạng tu tập, thành đạo và hành đạo của một bậc giác ngộ.
Điều đó cho thấy một điều là Phật tử vùng quê khá khao khát giáo lý, họ cần nhiều hơn nữa những hoạt động như thế này để có thể hiểu và tu theo giáo lý giải thoát ngõ hầu “chữa trị” những nỗi khổ niềm đau, kiến tạo hạnh phúc cho mình! “Bài giải” cho những khao khát ấy có lẽ cần những tu sĩ dấn thân, học theo hạnh nguyện hoằng pháp của Đức Phật, chịu khó, chịu cực đến với bà con vùng sâu, xa như chuyến đi của sư cô Huệ Dâng và nhóm Bước chân sen giữa mùa Đản sinh này…
(trong ảnh: không gian chào mừng đại lễ ngay sân bóng của xã Thới Lai)
đã tập hợp được các em nhỏ sau 2 phút
Văn nghệ mừng Phật đản,
những tiết mục “cây nhà lá vườn” do Bước chân sen thực hiện
Giao lưu với các "nhân vật" nhí
Cô Tiên, ông Bụt và những món quà