Phật giáng trần

Giác Ngộ - Hàng năm, cứ mỗi độ tháng Tư về là sen hồng lại lung linh sắc màu, được tích tụ từ sâu trong lòng đất Việt - một loài hoa có hương thơm nhẹ nhàng tinh khiết, và màu hồng của búp sen non vươn lên khỏi mặt nước như chứa đựng một sức sống mới của kiếp nhân sinh.

Sự gắn bó hòa quyện của sen bao đời nay trong tâm trí của người con Phật nói riêng và người Việt nói chung, là biểu tượng của đất nước, và khi bàn về triết lý, sen là một hình ảnh diễn tả ngôn ngữ giải thoát. Nên 2.555 năm về trước, Bồ tát Hộ Minh giáng trần, đem ánh sáng trí tuệ đến cuộc sống này đã đi trên bảy đóa sen(1).

Làm lễ tắm Phật tại Đài Loan

Sự kiện giáng trần đó được diễn tả: "Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc, ba ngàn thế giới đón Như Lai". Ngài ra đời, bước đi trên bảy đóa sen, ngước nhìn sáu phương, bước cuối cùng dừng lại tuyên bố: "Trên trời dưới đất, duy chỉ có Ta tôn quý, Ta muốn độ chúng sanh thoát khỏi sanh già bịnh chết"(2), xác quyết sự thành tựu Vô thượng giác. Sự vào đời với bảy bước chân trí tuệ, từ bi, hỷ xả, an lạc, vô tranh, bất nhiễm và tự tại của Ngài đã thể hiện cư trần bất nhiễm trần mà ba đời chư Phật đã đi qua.

Phẩm Thụy ứng(3) khẳng định: "Bồ tát Đản sanh, bước thứ nhất nhìn về phương Đông, vì chúng sanh mà làm bậc dẫn đường tối thượng. Phương Đông, nơi phát xuất bình minh tuệ giác. Chúng sanh từ nơi tăm tối của dục vọng, vô minh muốn cất bước chân đầu tiên vào đạo lộ giải thoát phải nương theo tuệ giác, tiếp nhận ánh sáng Tam bảo để hoàn thiện nhân cách. Muốn vậy, phải kiện toàn đạo đức, tri thức thông qua học hỏi, suy nghiệm và thực hành Chánh pháp. Trước khi trở thành thánh nhân, phải nỗ lực để sống xứng đáng là một con người. Do vậy, tu tập Nhân thừa chính là bước chân đầu tiên. Bước chân này phải đặt trên hoa sen mới đúng nghĩa và trọn vẹn".

Quan điểm đó cho chúng ta thấy sự có mặt của Ngài là một sự kiện trọng đại cho số đông loài người và các cõi trời; Ngài đã "đặt dấu chấm hết" cho kiếp sống luân hồi sinh tử, thông qua câu nói đầy ấn tượng: "Con người khổ đau không phải do thiếu cơm ăn áo mặc hay đối mặt với sống chết mà do thiếu trí tuệ".

Điều này được thấy rõ ràng nhất qua trận sóng thần trên đất Nhật, có rất nhiều hình ảnh cùng rất nhiều câu chuyện cảm động được chuyển về từ tâm chấn: "Một phụ nữ đã gọi lại một thanh niên trên đường để tặng chiếc bánh mì, dù cửa hàng bánh của chị mỗi lúc một cạn kiệt hơn; một em nhỏ kiên quyết xếp hàng đợi đến lượt mình để lấy nước sạch, thay vì nhận ân huệ "nhường chỗ" của những người đứng trên. Và đáng phục nhất có lẽ chính là câu chuyện được một cảnh sát Nhật gốc Việt thuật lại khi anh tặng một miếng lương khô của mình cho một em bé 9 tuổi đã mất cha, mất mẹ, giờ đang xếp hàng nhận đồ cứu trợ. Em bé ấy, trong cơn đói khát cùng quẫn đã không ngấu nghiến ăn ngay miếng lương khô như tưởng tượng của anh, mà mang nó đến chỗ những người đang phát thực phẩm với một suy nghĩ khiến cả nhân loại phải ngả mũ rằng: "Có lẽ còn nhiều người đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô, các chú phát chung cho công bằng, chú ạ"(4).

Để giải mã sức chịu đựng phi thường của người dân Nhật, Giáo sư Pflugfelder, người có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm xảy ra thảm họa, kể với Đài CNN về những dòng người xếp hàng trật tự tại các ga tàu điện đã đóng cửa trong nhiều giờ do thảm họa. Hiện tượng này có cội rễ từ nền văn hóa Nhật Bản. "Khi gặp sự việc tính cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo và Khổng giáo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật giáo", ông Nelson nói.

Truyền thống cư xử của dân tộc ta cũng tốt đẹp không thua kém người Nhật Bản. "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân", "Nhường cơm sẻ áo"… đã trở thành một phần của hơi thở và huyết quản của người dân Việt. Còn đứng về mặt nhận thức, hình ảnh Thánh Gióng và Thần Kim Quy ở Hồ Gươm, cũng nói lên một dân tộc có 4.000 ngàn năm văn hiến, luôn lấy đức hiếu sinh làm gốc, qua hình ảnh khi đánh đuổi hết giặc ngoại xâm thì Thánh bay về trời, và vua Lê Thái Tổ trả gươm lại cho Thần. Phải chăng tính nhân bản đó đã thấm nhuần về luân hồi, quả báo, từ bi, hỷ xả của đạo Phật!

Xét những dữ kiện trên cho chúng ta thấy sự xuất hiện của Đức Phật là chỉ ra một lối thoát cho nhân sinh trong nhận thức và lối sống. Thảm trạng ở Nhật Bản đã ít nhiều khiến cho những nhà hoạch định tương lai phải thay đổi hoặc suy ngẫm lại những dự án của mình, bởi mọi thành tựu của khoa học ngày nay đều nhỏ bé trước sức mạnh vô biên của thiên nhiên. Còn đối với nhận thức, thái dương hệ của chúng ta là một phần rất nhỏ của vũ trụ. Suy cho tận cùng, sự sống này rất mong manh. Chỉ có con đường gieo trồng phước đức mới là con đường vững chãi. Trong các ruộng phước thì Tam bảo là ruộng phước tốt nhất cho hạt giống trí tuệ, từ bi và giải thoát đâm chồi nảy lộc. Đồng thời, thực hành chuyển hóa nghiệp ác của thân, miệng, ý thành nghiệp thiện và mười nghiệp ác thành mười nghiệp lành để thoát khỏi cõi khổ mong manh này.

Tuy nhiên, với Phật nhãn, các cõi trời cũng chưa phải là nơi an toàn(5). Vì Bồ tát đã từng cư trú bốn ngàn năm nơi cõi trời Đâu Suất làm Bồ tát bổ xứ, lãnh đạo chư Thiên cõi này dùng pháp tướng(6) để giáo hóa thiên chúng.

Đến đây chúng ta thấy sự xuất hiện của Đức Phật là một niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài chúng sanh. Ngài quán sát thấy chúng sinh chịu khổ đau triền miên vô bờ bến trong lục đạo, chỉ có con đường chuyển hóa nghiệp hướng đến chấm dứt nghiệp, tâm phải nương vào thiền định để thân chứng vô ngã tính và vạn pháp giai không, từ đó mới thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến Niết bàn tịch tĩnh.

Tóm lại, ngày Phật giáng trần là một mặt trời sáng rỡ trong buổi sớm mai, làm mất đi bóng tối của đêm dài, đang bao trùm lên tam giới. Ngài là vị cứu tinh không chỉ dành riêng cho xứ Ấn Ðộ thời ấy, mà còn là của cả nhân loại. Ngài là người đầu tiên khởi xướng thuyết "nhân bản", lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết các vấn đề bế tắc của thời đại, cả về nhân giới, tâm giới và siêu giới. Đạo lý của Ngài là nguồn sống, là ánh sáng, và là niềm tin cho nhân loại, chân lý đó đã vượt không gian và thời gian... Cho nên kinh Pháp Hoa khẳng định, Ngài thị hiện ra đời là vì một nhân duyên lớn "Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" nên ngày rằm tháng Tư, ngày Phật đản hay lễ Vesak, Bồ tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất giáng trần là hết sức quan trọng, xem như đó là ngày khai sinh đạo Phật, đã đem đến cho nhân sinh một bước ngoặt trong cuộc sống không chỉ có giá trị đến bây giờ mà còn mãi đến ngàn sau!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày