GNO - Đó là khẳng định của HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo khoa học "50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)" trong phiên bế mạc chiều nay, 11-6.
>>
Khai mạc Hội thảo "50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam"
PGS.TS Nguyễn Công Lý báo cáo kết quả Hội thảo
Ngoài ra, trong lời đạo từ bế mạc, Hòa thượng còn cho biết: "Hội thảo đã thành công, kết quả đó là nhờ sự đóng góp nhiệt tình từ gần 50 bài nghiên cứu, tham luận của nhiều tác giả - đây là tư liệu để lại cho con cháu mai sau.
Thực sự, phong trào Phật giáo năm 1963 là kết quả của nền Phật giáo được phục dựng từ thời chấn hưng, được chuẩn bị từ gần nửa thế kỷ trước đó.
Phong trào của Phật giáo năm 1963 thành công và lan rộng là nhờ chúng ta đã kết hợp được với các phong trào đấu tranh khác. Mục tiêu chúng ta thống nhất với mục tiêu của những phong trào khác nên nhận được sự ủng hộ của số đông muốn chấm dứt chế độ chế độ Ngô Đình Diệm. Quy luật là cái gì không phù hợp thì tự nó sẽ bị loại ra khỏi xu hướng phát triển".
Hội trường lớn phiên bế mạc chiều 11-6
HT.Thích Trí Quảng ban đạo từ tại phiên bế mạc
Đồng thời, Hòa thượng cũng nói thật về điều đáng buồn, cụ thể là, khi thành công - đi qua lúc khó khăn thì chính trong nội bộ Phật giáo lại bị chia rẽ vì những động lòng từ sự hứa hẹn của chính quyền đương thời. Theo đó, năm 1966, Phật giáo chia đôi thành Phật giáo Việt Nam Quốc Tự và Phật giáo Ấn Quang. Lúc đó, nội bộ của mình đấu tranh với nhau.
"Phật giáo đứng về phía số đông - quần chúng nhân dân, chứ không phục vụ lợi ích cho một số ít người. Đức Phật dạy người con Phật vì hạnh phúc của số đông. Nếu làm được như thời Lý-Trần, kết hợp với nhà nước làm cho dân giàu, nước mạnh thì nên làm.
Như hiện tại, Giáo hội chúng ta có khoảng 4 vạn Tăng Ni, 4 học viện Phật giáo và trên 30 trường trung cấp, Tăng Ni đã được mở mang kiến thức và đang có những đóng góp thiết thực cho xã hội, đất nước. Tôi tin tưởng Phật giáo sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước, dân tộc và sẽ có vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc".
HT.Thích Trí Quảng trao bằng Tuyên dương công đức tới bà Trần Thị Ngọc Nga
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Công Lý, đồng Trưởng BTC Hội thảo đã báo cáo tổng kết hội thảo. Ông đúc kết, qua hội thảo lần này khẳng định một đạo Phật luôn nhập thế, theo tinh thần hộ quốc an dân từ chính cuộc đấu tranh bất bạo động, đỉnh điểm năm 1963.
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Công Lý cho biết điểm thú vị của các tham luận lần này có sự gặp gỡ chung, tuy có những lý giải khác nhau nhưng không có ý kiến trái chiều. Qua các tham luận còn chỉ ra được tinh thần bất khuất của người phụ nữ VN, thể hiện trong cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo năm 1963 cũng như tính cách hiền hòa của người dân đất Việt. Lưu ý xung quanh các trao đổi chính là khi tiếp cận nguồn tư liệu có yếu tố nước ngoài cần xem xét vấn đề thời gian, có thể có sai biệt.
Được biết, hội thảo lần này được chuẩn bị, thông báo và nhận tham luận trong 5 tháng, với 56 tham luận được gửi về và đã được Ban Tổ chức chọn lọc 46 tham luận in thành tập sách "Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963".
PGS.TS Trương Văn Chung nói lời cảm ơn, khẳng định Hội thảo
như một cuộc hành hương trở về một thời kỳ lịch sử sau chặng đường 50 năm
Hội thảo đã diễn ra trong suốt ngày 11-6-2013 (đúng 50 năm sau ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân) với 5 phiên làm việc. Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, thì 3 phiên còn lại, chủ tọa đoàn và cử tọa đã được nghe các tham luận và chia sẻ liên quan tới phong trào Phật giáo năm 1963 với những cứ liệu lịch sử quý báu cùng những chứng nhân còn lại từ những thời khắc lịch sử đó.
Tại buổi bế mạc, bà Trần Thị Ngọc Nga, đại diện Ban Giám đốc Khu du lịch Phương Nam (Thuận An, Bình Dương) đã vinh dự đón nhận Bằng tuyên dương công đức vì đã yểm trợ cho hoạt động ý nghĩa này.