Phật giáo ở vùng Đất Mũi

GN - Mọi người gắn cho Cà Mau những danh xưng: “vùng đất trẻ”, “bãi phù sa mới bồi tụ”; còn giai thoại, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian thì thường nói Cà Mau là vùng đất phương Nam đầy bí ẩn gắn liền với con người ở nơi đây và nhiều di tích văn hóa - lịch sử…

Ngôi chùa đầu tiên trên “vùng đất bãi bồi Cà Mau”

Di tích văn hóa Phật giáo cấp quốc gia duy nhất hiện nay ở Cà Mau là chùa Phật Tổ (thuộc P.4, TP.Cà Mau), đây cũng được xem là ngôi chùa đầu tiên có mặt trên vùng đất bãi bồi này. Tương truyền, theo làn sóng di dân, khai khẩn đất hoang, chư vị thiền sư đầu tiên từ miền Trung vào đây tu học, hành đạo. Trong buổi đầu đó, nhiều vị vừa hướng dẫn về đời sống tâm linh vừa chăm lo sức khỏe cho người dân với các nghề xem mạch, bốc thuốc.

DSC_0071.JPG

Chùa Phật Tổ - Di tích văn hóa đầu tiên ở Cà Mau - Ảnh: H.D

Chùa Phật Tổ do thầy thuốc Tô Quang Xuân (tức HT.Thích Trí Tâm) khai sáng và được vua Thiệu Trị sắc phong “Sắc tứ” (Sắc tứ Quan Âm cổ tự). HT.Thích Trí Tâm, do am tường y thuật và giảng dạy đạo nghĩa nên được nhân dân tôn kính gọi là “Phật tổ”. Và chùa “Phật Tổ” được lưu truyền trong dân gian khi gọi chùa Sắc tứ Quan Âm cho đến ngày nay. Đây là ngôi chùa được cho là có mặt đầu tiên trên vùng đất Cà Mau, đánh dấu sự hiện hữu của Phật giáo trên mũi đất mới thuộc vùng đất Chín Rồng.

Sắc tứ Quan Âm cổ tự hiện nay vẫn bảo tồn được dáng vẻ cổ xưa đặc trưng của mái đình Nam Bộ, lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử cũng như mỹ thuật độc đáo: hệ thống tượng thờ, hoành phi, câu đối và nhiều pháp khí khác. Đặc biệt ngôi chùa đầu tiên ở đất Cà Mau lưu lại nhiều dấu tích như những di vật văn hóa Phật giáo của thời kỳ khẩn hoang và về sau này hình thành cộng cư Kinh, Hoa, Khmer ở vùng đất phương Nam.

Ngày nay, cùng với sự có mặt của nhiều ngôi chùa cổ như: Kim Liên, Long Khánh, Phước Long, Quan Âm cổ tự đã trở thành những di tích lịch sử, thắng tích Phật giáo, để lại dấu ấn và giá trị trong lòng nhân dân và cộng đồng Tăng Ni, Phật tử tại Cà Mau.

Những đổi thay

Phật giáo Cà Mau cũng là nơi được hình thành khá muộn trong khu vực 6 tỉnh miền Tây. GHPGVN thành lập từ năm 1981 thì đến năm 1984, Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ I của tỉnh Minh Hải (bao gồm cả tỉnh Cà Mau ngày nay) được tiến hành. Đại hội đã suy cử HT.Thích Hiển Giác làm Trưởng BTS THPG nhiệm kỳ đầu tiên. Đến năm 1997 Cà Mau được tách ra từ tỉnh Minh Hải, BTS THPG Cà Mau cũng theo đó được hình thành, HT.Thích Thiện Từ làm Trưởng BTS.

 Đến nay Phật giáo tỉnh Cà Mau đã trải qua thời gian, nhìn chung Phật giáo Cà Mau hình thành muộn hơn so với các tỉnh thành trong  khu vực nên sự phát triển cũng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt với nhân sự trong tỉnh còn khá ít, toàn tỉnh Cà Mau chỉ có 120 Tăng Ni nên Phật giáo cũng vì vậy chưa phát triển đồng bộ.

Với sự nỗ lực của BTS THPG, hoạt động Phật sự của các ban ngành ổn định. Đặc biệt là đời sống sinh hoạt tu học của Tăng Ni, Phật tử tín tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó trong tất cả Phật sự chung, nổi bật nhất phải kể đến công tác giáo dục Tăng Ni, bồi dưỡng trụ trì, hoằng pháp, Tăng sự, văn hóa, từ thiện xã hội, hướng dẫn Phật tử…

WB.jpg

Đại giới đàn Thiện Bửu do BTS THPG Cà Mau tổ chức - Ảnh: Bảo Thiên

Theo cư sĩ Huệ Ân, Chánh Thư ký BTS THPG Cà Mau, dân số toàn tỉnh khoảng 1.200.000 người thì tín đồ Phật tử (đã quy y, có pháp danh) chiếm 1/3 dân số. Có thể nói Phật giáo cũng phát triển nhanh chóng qua con số Phật tử quy y hàng năm tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.

Các hoạt động Phật sự tỉnh Cà Mau ổn định, phát triển nhất là công tác hoằng pháp, TTXH. Nhiệm kỳ qua, BTS THPG Cà Mau đã tổ chức thành công Đại giới đàn Thiện Bửu lớn nhất từ trước đến nay tại Cà Mau với 280 giới tử của địa phương và các tỉnh thành lân cận về thọ đại giới. Do đặc trưng của PG Cà Mau nên Ban Giáo dục Tăng Ni chỉ tổ chức đào tạo được 40 Tăng Ni, hiện tại Tăng Ni sinh trong tỉnh phải chuyển sang học tại các tỉnh lân cận vì Tăng Ni sinh ít nên công tác tổ chức bị hạn chế.

Với đội ngũ giảng sư khiêm tốn (5 vị), nhưng trong thời gian qua, tại tỉnh nhà đã phát triển được 18 đạo tràng Phật tử, các đạo tràng đều tu học ổn định, nề nếp. Đạo tràng nhiều nhất là chùa Phật Tổ, do TT.Thích Huệ Thành, Trưởng BTS THPG Cà Mau trụ trì cũng là giảng sư đã phát triển được 4 đạo tràng tại chùa: niệm Phật, Pháp Hoa, thiền “tinh tấn”, Gia đình Phật tử, Bát quan trai.

Ngoài ra, chùa Kim Sơn do Sư cô Diệu Chánh, Trưởng ban Hoằng pháp trụ trì cũng là một điểm sinh hoạt Phật pháp nổi bật, hàng tháng Sư cô tổ chức quy y Tam bảo cho từ 600 đến 1.000 Phật tử.

Ngoài ra, Phật giáo Cà Mau cũng có 6 Gia đình Phật tử đang sinh hoạt hàng tuần tại các tự viện. Ngành từ thiện xã hội được xem là sinh hoạt nổi trội nhất, đã được sự đồng thuận nhất trí của Tăng Ni, Phật tử trong công tác nhân đạo, giúp đỡ người khó khăn, mỗi năm Phật giáo tỉnh Cà Mau thực hiện trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Tuy có một số thành tựu nhất định từ hoạt động Phật sự của các ban ngành nhưng lãnh đạo BTS THPG Cà Mau vẫn còn nhiều ưu tư, làm sao để Phật giáo phát triển đồng bộ, rộng khắp, lan tỏa ở các vùng sâu vùng xa ở mũi đất cuối cùng của dải đất hình chữ S. Điều đó cần nhiều bàn tay, lòng nhiệt huyết và niềm tin của toàn thể Tăng Ni, Phật tử vào Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ VI.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày